Phía sau dự án nhân giống đà điểu có quy mô lớn:

Cần tháo gỡ vốn, công nghệ để có sức cạnh tranh

Thứ Năm, 04/12/2008, 09:19
Nếu như các tổ chức khoa học công nghệ trước đây được coi là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo kế hoạch bằng nguồn vốn của Nhà nước, thì Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ đã "cởi trói" cho loại hình này hoạt động.

Tuy nhiên, khi thực hiện không ít tổ chức khoa học công nghệ đang vấp phải khó khăn về vốn, quyền sử dụng đất cùng nhiều phức tạp khác khiến sản phẩm của họ rất khó cạnh tranh trên thị trường...

Dự án nhân giống đà điểu tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là ví dụ. Mô hình nhân giống đà điểu giá trị kinh tế cao này đặc biệt hữu ích đối với miền Trung khắc nghiệt đang khó thực hiện do nhiều vướng mắc nảy sinh.

Đã có nhiều doanh nghiệp bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư chăn nuôi đà điểu quy mô lớn. Nhưng để có thể sản xuất hàng hóa, ký kết các hợp đồng lớn cung cấp thịt đà điểu thương phẩm cũng như da, lông làm hàng mỹ nghệ thì vấn đề nhân giống và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi đà điểu còn nhiều việc phải làm.

Nhưng đề án này đang bị vướng mắc bởi nhiều yếu tố. Ông Phùng Đức Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương bày tỏ: Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép các tổ chức khoa học công nghệ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được phép sản xuất kinh doanh.

Đồng thời với quyền tự chủ, Nhà nước cắt giảm kinh phí thường xuyên cho tổ chức khoa học công nghệ (chủ yếu là lương). Chủ trương này khích lệ các nhà khoa học tìm tòi sáng tạo, hưởng theo năng suất lao động, khắc phục tình trạng trì trệ trong nghiên cứu. Nhưng muốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì cần 4 yếu tố: Công nghệ, vốn, quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Xét trên thực tế, hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ của ta đều yếu. Doanh nghiệp trong nông nghiệp càng khó khăn vì vốn ít, dịch bệnh nhiều, thị phần nhỏ hoặc không ổn định, trong khi buộc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh.

Ông Hoàng Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Vì thiếu vốn, nên Trung tâm dùng quyền sử dụng đất để thế chấp góp vốn theo đúng Nghị định 115/NĐ-CP đã cho phép. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định trong Luật Đất đai.

Lý do cơ quan quản lý đất đai đưa ra là khi giao đất cho tổ chức khoa học công nghệ, Nhà nước không thu tiền thì không lý gì lấy đất đai đó thay thế cho nguồn vốn góp trong liên doanh. Khó ở chỗ, tài sản lớn nhất của Trung tâm là vài chục hécta đất mà điều này không được tháo gỡ thì lấy đâu ra vốn, trong khi lãi vay ngân hàng luôn ở mức rất cao.

Quy định mới cho phép các doanh nghiệp khoa học công nghệ tự chủ về tài chính, nhưng thực tế văn bản hướng dẫn các đơn vị này vẫn hạch toán theo quy định của đơn vị sự nghiệp có thu.

Điều này làm chậm tiến độ công việc của doanh nghiệp khoa học khi phải chi các khoản lớn vì phải có thời gian lập kế hoạch, giải trình với cấp thẩm quyền; cơ chế mới cho phép các trung tâm khoa học được chủ động cử chuyên gia ra nước ngoài học tập nghiên cứu hay mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hợp tác.

Nhưng đến khi thực hiện, các ngành chức năng vẫn áp dụng quy định cũ (chỉ có cấp Bộ, cấp Viện mới có đủ thẩm quyền cử cán bộ và mời chuyên gia). Lý do vì chưa khớp nối giữa các Bộ, ngành liên quan để thực hiện Nghị định mới.

Tài sản có giá trị khác của doanh nghiệp khoa học công nghệ là bản quyền sở hữu các công trình khoa học, thì cho đến nay cũng chưa có văn bản phân định rõ quyền lợi của doanh nghiệp đối với các công trình khoa học, tiến bộ kỹ thuật khi tham gia góp vốn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Trung tâm Nghiên cứu laser, Bộ KH&CN. Hàng chục sản phẩm công nghệ mới như dao mổ laser, máy chạy thận... không có cơ chế sản xuất, sử dụng trong các bệnh viện. Các nhà khoa học buộc lòng đi vận động để từng bước đưa sản phẩm vào cuộc sống. Ở đây, còn có tâm lý "xính" hàng ngoại...

Thanh Phong
.
.
.