Cẩn thận khi mua vé tàu Tết để tránh bị “cò” lừa

Thứ Năm, 12/12/2013, 12:48
Nhiều đối tượng tinh vi in cả giấy biên nhận, số điện thoại và có cả sổ đặt mua vé như nhân viên của ga, mua vé từng chặng rồi lên tàu gặp người A, người B đi tiếp…

Cho đến thời điểm này, dù ngày nào trên loa phóng thanh của ga Hà Nội cũng phát đi nội dung khuyến cáo hành khách, khi đến ga nên vào trong mua vé, không nên nghe theo lời của “cò” bên ngoài. Thế nhưng, thi thoảng vẫn có những hành khách đến ga mua vé, mới đến cổng nghe “cò” rỉ tai bên trong “hết vé” rồi là vội vàng mua vé với giá chênh lệch cao hơn, thậm chí là mua phải vé giả. Thế nhưng, trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, đến nay Hà Nội vẫn còn rất nhiều vé tàu Tết cho cả hai chiều cao điểm.

Trao đổi với phóng viên chiều 9/12, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội cho biết, cho đến nay, ga Hà Nội mới bán được hơn 8.000 vé tàu Tết dịp cao điểm. Trung bình, mỗi ngày ga bán được từ 400-500 vé. Vé tàu dịp cao điểm Tết vẫn còn khá nhiều.

Cụ thể, trước Tết chiều Sài Gòn - Hà Nội vẫn còn 10.900 vé, sau Tết chiều Hà Nội - Sài Gòn  còn tới 19.398 vé (bao gồm cả giường nằm và ghế ngồi). Do đó, khách đến ga cứ vào trong mua vé, ngày nào cũng có, không có chuyện hết vé như lời đồn của các đối tượng “cò” bên ngoài sân ga. Ngoài ra, đại diện ga Hà Nội cũng cho biết thêm, thời điểm này, nhà ga bán vé tới 10h tối, giá vé ngồi tàu Thống Nhất trung bình khoảng 1.696.000 đồng/vé, vé nằm khoang 6 có giá là 2.080.000 đồng/vé; vé nằm khoang 4 cao nhất là 2.116.000 đồng/vé. Ngoài ra, hành khách cũng có thể đặt vé qua điện thoại hoặc qua tin nhắn.

Theo quan sát của phóng viên chiều 9/12, lượng khách đến mua vé tại ga Hà Nội không đông hơn mọi ngày. Khách chủ yếu mua vé tàu Tết chặng ngắn khứ hồi như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa… Để quản lý chặt tình trạng mua vé không đúng người, không đúng đối tượng, mỗi khách đến mua vé tàu Tết cho mình hoặc người thân đều phải mang theo chứng minh thư và viết giấy cam kết sử dụng vé vào đúng mục đích.

Dù nhà ga đã thắt chặt quản lý việc mua bán vé, song đại diện ga Hà Nội cũng cho biết thêm: Hiện đã xuất hiện một số trang web tư nhân lập ra với mục đích mua bán vé tàu. Tất cả những thông tin và hoạt động của các trang web này đều không có sự phối hợp, liên kết với nhà ga. Sự lập lờ này đã khiến nhiều người dân lầm tưởng đây là đại lý bán vé của ga Hà Nội. Và đương nhiên, giá vé người dân mua tại những địa điểm này bao giờ cũng cao hơn nhiều so với giá gốc mà ga Hà Nội bán cho hành khách.

Nhiều khách đến ga mua vé tàu Tết chiều 9/12.

Cùng tham gia với đội ngũ “cò” vé tại cổng trước của ga Hà Nội còn có đội ngũ xe ôm. Kể từ khi ga Hà Nội siết chặt việc kiểm tra số người lao động như xe ôm, bán hàng rong… vào trong ga, số xe ôm đã tập trung đông hơn ở ngoài cổng. Mặc dù lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT nhưng số lượng xe ôm trên vẫn tập trung nhiều ở các khung giờ tàu về ga.

Trung tá Trần Văn Hiền, Trạm Cảnh sát ga Hà Nội từng chia sẻ: Qua theo dõi, phát hiện khoảng 40 đối tượng thường xuyên chèo kéo, dắt khách vào ga.

Về phía nhà ga, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết, rất khó xử lý bởi phe vé đang núp bóng dưới dạng xe ôm, bán dạo, quán nước chè, quầy tạp hóa dọc đường Lê Duẩn, trước cổng ga. Đặc biệt, có cụ bà 75 tuổi thường xuyên ngồi trước cổng ga, hễ ai đi qua là hỏi có mua vé tàu không? Nhiều đối tượng tinh vi in cả giấy biên nhận, số điện thoại và có cả sổ đặt mua vé như nhân viên của ga, mua vé từng chặng rồi lên tàu gặp người A, người B đi tiếp… Để ngăn chặn nhân viên đường sắt tiếp tay cho phe vé, ông Rậu khẳng định: “Bất kỳ một hành khách, cơ quan chức năng nào phát hiện nhân viên đường sắt vi phạm, chúng tôi sẽ đình chỉ công tác, thậm chí cho thôi việc”.

Nhắc đến “cò” và phe vé, Đội Cảnh sát hình sự số 5, Công an TP Hà Nộicho biết, từ đầu năm đến nay đã bắt được 17 đối tượng phe vé, chuyển cho địa phương xử lý nhưng chỉ dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Các trường hợp này đều bị trinh sát bắt quả tang khi đang giao dịch vé với khách hàng và đã bị lập hồ sơ để giáo dục, răn đe. Tuy nhiên, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự nhìn nhận, đây chưa phải là biện pháp đủ mạnh để xử lý triệt để “cò”. Hầu hết các trường hợp vi phạm sau khi bị lập hồ sơ xử lý hành chính đã nhanh chóng tái phạm.

Biện pháp được Phòng Cảnh sát hình sự kiến nghị ga Hà Nội, đó là tăng cường tuyên truyền, lắp hệ thống loa, bảng điện tử thông báo lịch trình, giá vé các chuyến tàu, cũng như khuyến cáo người dân, hành khách cần vào trong ga mua vé. Việc này sẽ đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi chính đáng của hành khách.

Nhìn nhận quan điểm và đề nghị của các cơ quan chức năng, ông Vũ Đình Rậu cũng kiến nghị các đơn vị chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện nhân viên của nhà ga, đoàn tàu nào vi phạm các quy định về vé.

Theo ông Rậu, từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2014, ga Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài khu vực ga, trong đó, trọng tâm là xử lý “cò” vé

Đặng Nhật
.
.
.