Cần tăng cường kiểm soát buôn lậu và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Thứ Sáu, 23/01/2015, 14:01
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập siêu với Trung Quốc không phải là điều quá lo lắng. Vấn đề là Việt Nam cần phải kiểm soát được buôn lậu, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu (XNK).

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc năm 2014 ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Trong đó, nhập siêu từ thị trường này là 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước, “cố thủ” ở vị trí đầu bảng trong số các thị trường NK của Việt Nam. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập siêu với Trung Quốc không phải là điều quá lo lắng. Vấn đề là Việt Nam cần phải kiểm soát được buôn lậu, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu (XNK).

Theo “Báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường tính chủ động của một số ngành kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc” do Trung tâm WTO, đơn vị trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và đệ trình Chính phủ, kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm 20% tổng thương mại của Việt Nam.

Trong đó, việc Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thương mại của Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ và cũng không đương nhiên gắn với những nguy cơ phụ thuộc. Về cơ cấu, Việt Nam chủ yếu nhập hàng hóa từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất. Diễn tiến song trùng giữa nhập siêu hàng hóa trung gian, hàng hóa vốn với tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa gia công trong thời gian qua có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mất động lực đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ mới - sạch hay phát triển các sản phẩm trung gian và khiến các ngành này dựa sâu vào Trung Quốc.

Xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô và nông sản có giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó, nó có thể ảnh hưởng không tốt tới quỹ tài nguyên đang dần trở nên hạn hẹp của Việt Nam (đặc biệt là với nhóm nguyên liệu thô) hoặc khiến một bộ phận dân cư nhạy cảm bị phụ thuộc vào những biến động tại thị trường này (nhất là với nhóm nông sản). Đặc biệt, tình trạng xuất nhập lậu đang ngày càng phổ biến, chất lượng hàng hóa NK không được kiểm soát làm trầm trọng hơn bức tranh phụ thuộc.

Kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu bằng tiểu ngạch sẽ giúp Việt Nam hạn chế được các sản phẩm độc hại.

Năm 2013, Việt Nam thống kê nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỉ đôla Mỹ, trong khi số liệu của Trung Quốc là 34 tỉ (cao hơn 18%); số liệu của Việt Nam về xuất khẩu sang nước này là 12,8 tỉ đôla Mỹ, trong khi Trung Quốc lại ghi nhận con số 16,2 tỉ (cao hơn 26,6%). Nguyên nhân của sự chênh lệch này, theo nhiều chuyên gia, xuất phát từ lượng hàng hóa xuất khẩu, NK lậu qua biên giới (không được khai báo, trốn thuế).

Thực tế này khiến không chỉ Chính phủ thất thu nguồn thuế từ hàng hóa nhập khẩu mà còn làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách quản lý đối với các sản phẩm hạn chế, cấm xuất, nhập khẩu từ đó ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng (môi trường, an ninh, tính mạng sức khỏe, hiệu quả sản xuất...).

Đặc biệt, việc nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước sản xuất bị cạnh tranh bởi hàng nhập lậu, chất lượng thấp từ biên giới là nguyên nhân làm đổ vỡ sản xuất trong nước. Hơn nữa, đó còn là điều kiện nuôi dưỡng các phương thức kinh doanh chụp giật, không chuyên nghiệp, thiếu bền vững, thói quen coi thường pháp luật của một bộ phận thương nhân cũng như tạo điều kiện cho tham nhũng…

Bình luận về Báo cáo của VCCI, TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế cho rằng: Việt Nam ở cạnh Trung Quốc nên việc nhập siêu với thị trường này cũng là điều bình thường. Nếu việc NK diễn ra đúng quy trình, được kiểm soát tốt thì không có gì lo ngại bởi hàng hóa Trung Quốc rẻ và chất lượng chấp nhận được.

Ngoài ra, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước sẽ giúp cân bằng lại các mối quan hệ thương mại. Có thể chúng ta sẽ NK được công nghệ tốt hơn từ các nước tiên tiến sau khi công nghệ máy móc của Trung Quốc đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong một thời điểm nhất định.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường chống hàng nhập lậu, hạn chế các sản phẩm “bẩn”, công nghệ “bẩn” vào Việt Nam vì đây chính là nguy cơ khiến méo mó thị trường trong nước. Đồng thời Việt Nam cũng cần kiểm soát tốt các mặt hàng NK từ Trung Quốc vào Việt Nam và có giải pháp hướng các mặt hàng đó vào con đường chính ngạch.

Cũng theo đề xuất của TS. Nguyễn Văn Minh, bên cạnh các giải pháp cụ thể, trước mắt như siết chặt hoạt động kiểm soát tại biên giới để ngăn chặn tối đa hiện tượng buôn lậu; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa NK qua biên giới: triệt để cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động XNK thì về lâu dài, Việt Nam cũng cần tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại (FTA). Đặc biệt là các ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường cung - cầu của mình, từ đó sẽ giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thanh Hiệp
.
.
.