Cần tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông

Thứ Năm, 14/07/2016, 18:23
Ts Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế.

 

Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng như hiện nay, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hoá trở lại. Và đây  cũng là đề xuất của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)- Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2-2016 do VEPR tổ chức chiều ngày 14-7 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR, lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây, chủ yếu đóng góp bởi nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng. 

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR, lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây, chủ yếu đóng góp bởi nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng. Áp lực lạm phát đã không chỉ đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công mà còn bởi xu hướng tăng trở lại của giá dầu thô cũng như hàng hoá cơ bản khác.

Thay đổi CPI so với tháng trước đã lần lượt tăng 0,54% và 0,46% trong tháng 5 và tháng 6, với mức tăng thay đổi so với quý trước cao nhất trong gần 6 năm trở lại đây. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là sự đảo chiều trong nhóm “ Giao thông” ở mức 1,73% và 2,39%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế đã tăng 4,78% trong tháng 5 đưa nhóm này trở thành nhóm có mức tăng yoy cao nhất trong rổ hàng hoá CPI.

Do vậy, “ theo nhận định của chúng tôi, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn. Giá dầu và hàng hoá cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đây có thể là nhân tố ảnh hưởng chính tới chỉ số giá tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá điện có thể chưa tăng nhưng những dịch vụ khác như y tế, giáo dục nhiều khả năng sẽ tăng trong trong những tháng nửa cuối năm theo lộ trình đã đề ra. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát trong thời gian tới.” ông Thành lo ngại.

Các chuyên gia kinh tế tham dự toạ đàm.

Đánh giá về biến động của thị trường vàng trong những ngày qua, Ts Thành cho rằng, quý II chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thị trường vàng trong nước, giá vàng trong nước dần bám sát với giá vàng thế giới. Nửa cuối quý 1, trong khi giá vàng thế giới tăng đột  biến do những lo ngại về quyết định của Fed trong cuộc họp tháng 3, giá vàng trong nước vẫn tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Điều này khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần như không còn.

Sang đầu quý 2, giá vàng trong nước dao động trong khoảng 33-34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay sau khi Fed quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, và đặc biệt là sự kiện Brexit, giá vàng trong nước cũng như thế giới đã có những phiên tăng mạnh liên tiếp trong những ngày gần đây. Tính đến cuối quý II, giá vàng trong nước đã tăng 5,6% và 6,4 % so với quý I và cuối năm 2015.

Đặc biệt, trong quý II, vấn đề huy động vàng trong dân lại một lần nữa được đề cập, khi Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị với Chính phủ và NHNN thành lập sở giao dịch vàng quốc gia với mục đích huy động vàng trong dân. Theo tổ chức này, hiện người dân Việt Nam đang giữ khoảng 500 tấn vàng. Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân gồm cả tiền và vàng, để tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng.

NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản. ( ảnh minh hoạ internet)

Tuy nhiên, dưới góc độ của Viện nghiên cứu, Ts Thành cho rằng, bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng như hiện nay, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hoá trở lại. Điều này cũng đúng với đô la hoá, khi các NHTM đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD.

Trong thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Do vậy, NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản”. TS. Thành bày tỏ.

Trước tình hình trên VEPR khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được. Theo đó, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 ở mức 6% hoặc thấp hơn. Do vậy, báo cáo của VEPR cũng lưu ý về việc cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nếu bất ổn vĩ mô tái diễn, thì cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều.

Bên cạnh đó, cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.

Lưu Hiệp
.
.
.