Cân nhắc khi vay vốn nước ngoài vì áp lực nợ công

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:36
Lo lắng nợ công tăng nhanh trong khi sử dụng tài sản công còn bừa bãi, cử tri nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã gửi kiến nghị đến Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức sai phạm để xử lý nghiêm minh.

Cử tri cũng đề nghị cân nhắc kỹ khi vay vốn Trung Quốc để đầu tư các dự án hạ tầng, vừa vì áp lực nợ công, vừa vì những tai tiếng liên quan đến các nhà thầu của nước này.

Cử tri An Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thái Bình... đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp để đảm bảo nợ công ở mức an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp sử dụng khoản vay Chính phủ lãng phí, không hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm và thông tin cho cử tri được biết, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.

Nhiều dự án chậm tiến độ khiến cử tri lo lắng về việc vay vốn Trung Quốc.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính thừa nhận: Do bội chi ngân sách còn cao, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lớn nên nợ công tăng nhanh (khoảng 18,4% trong giai đoạn 2011-2015) và ước nợ công đến cuối năm 2016 là 64,73% GDP, gần sát trần là 65% GDP.

Trong khi nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, thì hiệu quả sử dụng vốn vay của một số chương trình, dự án đầu tư còn có bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ, nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn là những thách thức đặt ra trong quản lý nợ công của nước ta.

Trước tình trạng này, cuối 2016, Quốc hội và Bộ Chính trị đều đã ban hành Nghị quyết liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia; giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đang cùng các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, giải pháp tại 2 nghị quyết này. Hiện nay, nội dung sửa đổi Luật Quản lý nợ công năm 2009 cũng đã được Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV năm 2017.

Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua (dự kiến tháng 10-2017) theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn vay.

Đáng chú ý, nhiều cử tri quan tâm đến thông tin Việt Nam dự định vay Trung Quốc 300 triệu USD để xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, lo lắng “nợ công, nợ xấu gần vượt ngưỡng, nay tiếp tục vay nợ nước ngoài, hậu quả con cháu sẽ gánh trả nợ”, nên đề nghị Chính phủ nghiên cứu khả năng, tiềm lực của đất nước trước khi quyết định vay vốn nước ngoài. Cử tri tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị cân nhắc kỹ và không chấp nhận vay vốn Trung Quốc để đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai vì nhiều sự cố đã xảy ra từ nguồn vốn vay này.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Trong lĩnh vực đường sắt, thời gian qua Việt Nam cũng đã sử dụng vốn vay từ Chính phủ Trung Quốc cho một số dự án như: Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, giai đoạn I; dự án hiện đại hóa thông tin, tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội giai đoạn I và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được xây dựng.

Quá trình thực hiện các dự án này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình; tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cử tri đã nêu như chậm tiến độ đưa vào khai thác và phát sinh sự cố. Đối với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội, hiện nay Bộ Giao thông vân tải đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ tiếp nhận Dự án hỗ trợ kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) của Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ này cũng khẳng định thời gian qua đã nghiên cứu, đề xuất nhiều nhà tài trợ khác nhau để phát triển lĩnh vực đường sắt, như: Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tiếp nhận nghiên cứu từ Chính phủ Nhật Bản (JICA); tuyến đường sắt Tân Ấp - Mụ Giạ - Vũng Áng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hàn Quốc hoặc về thể chế phát triển ngành đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cũng đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới... “Bộ Giao thông vận tải sẽ lưu ý, cân nhắc ý kiến phản ánh của cử tri trong quá trình tham mưu trình Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn vay cho các dự án nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư”.

Vũ Hân
.
.
.