Cần mạnh tay với những cây xăng ‘móc túi’ người tiêu dùng

Thứ Hai, 28/12/2015, 09:18
Việc các cơ quan chức năng phát hiện được hành vi gian lận tại một số cây xăng chỉ là "tảng băng nổi", bởi chỉ riêng Hà Nội đã có gần 500 cửa hàng xăng dầu nằm rải rác trên nhiều địa bàn, việc kiểm tra chỉ tập trung vào những điểm bán xăng dầu có dư luận phản ánh. Để hạn chế, tiến tới triệt tiêu hành vi này cơ quan chức năng phải "mạnh tay" hơn nữa…

Như Báo CAND đã đưa tin: Ngày 24-12, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14  - Chi cục QLTT TP Hà Nội, đã phát hiện và bắt quả tang tại  2 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty cổ phần Chất đốt Hà Nội gắn chíp điện tử vào cột bơm xăng, làm sai lệch thiết bị đo xăng dầu nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đây là một trong những vụ mà cơ quan chức năng phát hiện hành vi lừa dối khách hàng của nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Dư luận cho rằng, để hạn chế, tiến tới triệt tiêu hành vi này cơ quan chức năng phải "mạnh tay" hơn nữa…

Kiểm tra và thu giữ chíp điện tử tại cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân.

Phải khẳng định rằng, việc các cơ quan chức năng phát hiện được hành vi gian lận tại một số cây xăng chỉ là "tảng băng nổi", bởi chỉ riêng Hà Nội đã có gần 500 cửa hàng xăng dầu nằm rải rác trên nhiều địa bàn, việc kiểm tra chỉ tập trung vào những điểm bán xăng dầu có dư luận phản ánh. Nếu bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không nghiêm túc trong kiểm tra các cơ sở của mình mà bao che, hoặc tiếp tay, bảo kê, ăn chia gian lận với cơ sở thì tình trạng gian lận sẽ còn là đề tài được nhắc đến nhiều. Đơn cử như trường hợp cửa hàng bán xăng dầu tại 436 đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vừa bị lực lượng chức năng phát hiện ngày 24-12 vừa qua.

Cách đây ít năm, cũng tại điểm bán xăng dầu này, nghi ngờ nhân viên bán hàng ở đây "làm xiếc" với người tiêu dùng, một người dân đã sử dụng máy ghi hình, ghi được đồng hồ đo đếm đang "nhảy múa". Đoạn băng hình được cung cấp cho báo chí nhưng cả đại diện cửa hàng  và doanh nghiệp chủ quản đều đổ do những nguyên nhân khách quan. Chỉ đến khi lực lượng chức năng kiểm tra thực tế bằng bình tiêu chuẩn, mới phát hiện cứ 20 lít xăng, nhân viên ở đây có thể đánh cắp của khách hàng 1 lít xăng. Lúc này, đoàn kiểm tra mới có căn cứ kiểm tra cột bơm xăng.

Thời điểm kiểm tra có bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Trưởng cửa hàng chứng kiến và xác nhận việc cơ quan chức năng thu 3 điều khiển từ xa và 3 con chíp điện tử được gắn vào bên trong 3 cột bơm xăng. Việc phát hiện được hành vi này đòi hỏi phải bất ngờ để bắt được quả tang, vì thiết bị  được điều khiển từ xa vào thiết bị điện tử gắn trên cột bơm xăng, nếu không điều khiểng, thì cây xăng vẫn đo đếm chính xác. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao trong lần kiểm tra trước đây, sai số đo đếm vẫn nằm trong biên độ cho phép của Tổng cục Đo lường Chất lượng…

Cùng thời điểm này, tại cửa hàng xăng dầu Yên Viên do ông Nguyễn Thanh Trình làm cửa hàng trưởng, lực lượng chức năng cũng thu giữ 3 điều khiển từ xa và 3 con chíp điện tử gắn vào trong cây xăng. Trước đó, ở cửa hàng xăng dầu Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện việc gắn chíp điện tử làm sai lệch chỉ số đồng hồ. Các cửa hàng xăng dầu vi phạm nêu trên đều thuộc Công ty cổ phần Chất đốt Hà Nội. Dư luận đặt dấu hỏi: Có hay không việc "bật đèn xanh" cho những gian lận nêu trên? Câu trả lời cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Sau khi phát hiện quả tang tại 2 cây xăng thuộc Công ty cổ phần Chất đốt Hà Nội sử dụng thiết bị điện tử để "móc túi" người tiêu dùng, nhiều ý kiến lo ngại khi hầu hết các cây xăng vi phạm chỉ bị xử lý hành chính với hình thức phạt tiền khá nhẹ. Còn việc xử lý hình sự là khó, bởi "bị hại" khó chứng minh mình bị thiệt hại do việc mua bán xăng lẻ không có chứng từ hóa đơn. Trong khi để xử lý hình sự về tội "lừa dối khách hàng" theo Điều 162 Bộ luật Hình sự thì đối tượng phải "gây thiệt hại nghiêm trọng" cho khách hàng, hoặc đã bị xử lý hành chính, bị phạt tù… về hành vi này.

Theo chúng tôi, hoàn toàn có thể xác định được mức độ thiệt hại gây ra với khách hàng mà không cần bản thân mỗi khách hàng phải tự chứng minh chứng cứ. Thực tế, tại tỉnh Đồng Nai, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh này đã khởi tố,  điều tra, làm rõ và truy tố 2 đối tượng, gồm: Phạm Huy Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nhật Văn (có trụ sở tại xã La Ngà, huyện Định Quán), cùng Hoàng Minh Mậu, nhân viên công ty này về tội "Lừa dối khách hàng", thu hồi 90 triệu đồng mà Văn và Mậu đã kiếm lời bất chính. Bằng các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở xác định 3 vòi bơm xăng của doanh nghiệp trên đong thiếu từ 3 đến 7% lượng xăng dầu bán ra, từ đó cụ thể hóa được số tiền chiếm đoạt gần 99 triệu đồng.

Tương tự, Công an tỉnh Nghệ An cũng xử lý hình sự đối với Trần Lê Đức, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội và đồng phạm vì đã lắp đặt thiết bị điện tử, trộm cắp xăng dầu của khách hàng. Bình quân cứ 100 lít xăng dầu bán ra, Đức cùng đồng bọn rút được từ 4 đến 11 lít xăng dầu.

Như vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có hành lang pháp lý để đấu tranh, thu thập tài liệu, khởi tố, điều tra, truy tố đối với các đối tượng sử dụng thiết bị điện tử lắp đặt vào các cột bơm xăng dầu nhằm lừa dối, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc công khai các doanh nghiệp vi phạm như cách mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã công khai 27 cây xăng vi phạm trong đợt thanh tra toàn quốc trước đây cũng giúp cho người tiêu dùng lựa chọn, tẩy chay số đơn vị đã vi phạm. Đối với những cơ sở tái phạm, nếu không đủ yếu tố xử lý hình sự, cần thiết phải phạt thật nặng, đình chỉ có thời hạn, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động. Song, theo chúng tôi, điều quan trọng hơn cả là cần có liên đới trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đối với những cây xăng vi phạm; từ đó buộc họ có trách nhiệm tăng cường tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị mình, ngăn ngừa và thanh loại những cá nhân tự ý vi phạm.

Đào Minh Khoa
.
.
.