Cần đầu tư tương xứng cho hạ tầng để phát triển vận tải thủy nội địa

Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:53
 TP HCM cần có sự đầu tư tương xứng cho hạ tầng vận tải thủy nội địa. Một khi đường thủy nội địa giữ vai trò chủ lực không chỉ ùn tắc, TNGT được kéo giảm mạnh, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường...,

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, dù dịch COVID-19 bùng phát, nhưng năm 2020, ngành vận tải kho bãi của thành phố vẫn tiếp tục đạt doanh thu 132.390 tỉ đồng, chiếm 9,6% trong tổng sản phẩm nội địa của thành phố, chiếm 15,5% trong khu vực dịch vụ và trở thành ngành có vị trí quan trọng thứ 2 trong 9 ngành dịch vụ của thành phố. Tuy vậy, ngành này chưa hỗ trợ nhiều cho hoạt động vận tải hàng hóa trên các tuyến thủy nội địa. 

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, chưa tính lượng xe tải từ các tỉnh, thành chạy qua lại trên các tuyến đường xuyên tâm thành phố như quốc lộ 1A, đại lộ Mai Chí Thọ, đại lộ Nguyễn Văn Linh... cùng lượng xe vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ các địa phương đến thành phố mỗi ngày, hiện TP HCM có tổng cộng 84.696 ôtô đăng ký kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó xe container chiếm 18.156 xe, còn lại 66.540 xe tải khác.

Với đội ngũ xe tải, xe container hùng hậu này, vận tải đường bộ hiện đã chiếm tỉ trọng 69,5% thị phần. Chưa tính lượng hàng hóa tiêu dùng, năm ngoái sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của thành phố là 163 triệu tấn, phần lớn lượng hàng hóa này vẫn được vận chuyển đến và đi các cảng bằng ôtô trên đường.

Hàng hóa dồn lên đường bộ nên dù có đến 99 tuyến thủy nội địa và phần lớn kết nối tới các tỉnh xung quanh, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thậm chí là cả các tuyến vận tải container đi Campuchia bằng sà lan, thì cả năm ngoái, Sở GTVT thành phố chỉ thực hiện đăng ký mới được 787 phương tiện thủy nội địa. 

Phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ và xe cá nhân tăng nhanh nên mỗi năm TP HCM phải đầu tư hàng trăm công trình làm mới hoặc mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn hàng chục ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, đường sông trong một năm chỉ được đầu tư khá ít, cả năm ngoái loại hình này chỉ được đầu tư để hoàn thành nạo vét 7 vị trí bãi cạn và thanh thải và 1 vị trí có vật chướng ngại cùng một số dự án nạo vét, duy tu luồng lạch khác.

Chủ hàng sẽ giảm chi phí và thời gian lưu kho bãi nếu hàng hóa được sang mạn khi vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Những năm qua, dù Sở GTVT đã phát hiện được 66 vụ lấn chiếm hành lang an toàn tuyến thủy nội địa nhưng mới chỉ phối hợp với chính quyền địa phương xử lý được 3 trường hợp. Riêng năm ngoái, Sở GTVT phát hiện thêm 20 trường hợp và cũng chỉ phối hợp với chính quyền địa phương xử lý được 12 trường hợp. 

Do đó, đến nay tổng số vụ lấn chiếm hành lang an toàn tuyến thủy nội địa vẫn lên đến 74 trường hợp. Vận chuyển hàng hóa dồn lên đường bộ nên những năm qua tuyến ra vào cảng Cát Lái mỗi ngày đã gánh khoảng 20 nghìn lượt xe tải các loại.

Để chống ùn tắc trong vận tải hàng hóa cho tuyến đường này, từ nhiều năm nay, TP HCM đã phải lập nhóm phản ứng nhanh, giải quyết sự cố tại khu vực cảng Cát Lái. Dù vậy, trong quy hoạch phát triển TP Thủ Đức, khu vực này sẽ được phát triển thành cảng container và trung tâm logistics lớn nhất cả nước. 

Thông tin trên khiến đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho rằng, nếu không đẩy mạnh phát triển vận chuyển hàng hóa XNK bằng đường thủy nội địa, khu vực này sẽ có thêm… một trung tâm kẹt xe!

Đề nghị thành phố nghiên cứu bổ sung quy hoạch về giao thông, đô thị trong những năm tới, Hiệp hội Bất động sản thành phố cho rằng, chính quyền thành phố cần bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt chuyên dụng chở hàng hóa trên cao.

Tuyến này sẽ kết nối giữa ga Sóng Thần với cảng Cát Lái, cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Hiệp Phước để tách dòng xe container, xe tải nặng di chuyển trong đô thị gây xung đột giao thông và tiềm ẩn tai nạn do cùng sử dụng chung hệ thống đường bộ trong đô thị.

Cùng lúc, cần bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối giữa huyện đảo Cần Giờ với TP Vũng Tàu; bổ sung tuyến đường ven biển phía Đông từ TP HCM đến tỉnh Kiên Giang; bổ sung tuyến đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi để kết nối vào quốc lộ 22, cao tốc TP HCM - Mộc Bài… để giải tỏa kẹt xe.

Kiến nghị UBND thành phố đầu tư xây dựng 412 bến thủy nội địa từ nay đến năm 2030, Sở GTVT cho rằng, quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng vận tải đường sông, từ kho hàng, bến, bãi đến tuyến đường bộ, đường thủy kết nối. Theo Sở GTVT, hiện trên địa bàn mới chỉ có 302 bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.

Để phát triển hệ thống hạ tầng vận tải thủy nội địa, theo tính toán của Sở GTVT, những năm tới thành phố cần đầu tư ít nhất 21.000 tỉ đồng cho 110 tuyến sông, rạch trên địa bàn. Thời gian qua, tỉ trọng vốn đầu tư cho đường thủy nội địa so với việc đầu tư các lĩnh vực khác trong ngành GTVT chưa tương xứng. 

Trước mắt, nhằm tăng cường khai thác trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, Sở GTVT sẽ tập trung phát triển 4 tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước; 3 tuyến kết nối từ TP Thủ Đức đếncảng Cát Lái cùng 2 tuyến liên kết giữa các đường Vành đai.

Ngoài ra, giữa thành phố với các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ có 5 tuyến đường thủy nội địa, gồm tuyến từ sông Sài Gòn đi Vàm Cỏ Tây, đi sông Đồng Nai, đi cảng Thị Vải, Bến Súc và đi sông Vàm Cỏ Đông. Về các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ có 5 tuyến từ các sông chạy ven biển đi Cà Mau, Kiên Giang, Hà Tiên, Kiên Lương và Cà Mau.

Vận tải hàng hóa bằng đường bộ tuy nhanh hơn so với đường thủy nội địa, nhưng cước phí khá cao do chỉ vận chuyển với khối lượng nhỏ lẻ. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, chính thực tế vừa kể nên hễ có điều kiện là chủ xe, tài xế sẵn sàng chở quá khổ, quá tải để tìm kiến lợi nhuận. 

Tình trạng sang tải, chở quá tải tác động không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông; là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT nghiêm trọng và gây hư hỏng cầu đường, hạ tầng kỹ thuật đô thị. 

Nhưng vận tải hàng hóa trên các tuyến thủy nội địa không thể cạnh tranh nổi với vận tải hàng hóa đường bộ chủ yếu là do hạ tầng bến bãi ven các tuyến thủy nội địa chưa đáp ứng; đường sá ra vào các bến bãi chưa phù hợp với những loại xe có tải trọng lớn… Đây chính là những hạn chế trong phát triển vận tải thủy nội địa những năm qua.

Để đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải hàng hóa khối lượng lớn này, TP HCM cần có sự đầu tư tương xứng cho hạ tầng vận tải thủy nội địa. Bên cạnh việc góp phần giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, một khi đường thủy nội địa giữ vai trò chủ lực trong vận tải hàng hóa, không chỉ ùn tắc, TNGT được kéo giảm mạnh, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường và một loạt hệ lụy khác cho xã hội. 

TS Trương Đình Hiển, chuyên gia về hải dương học từng cho rằng, một sà lan pha song biển tải trọng 1.000 tấn chạy ven biển từ Bắc vào Nam chở theo 40-50 container hàng hóa sẽ ít để lại hệ lụy cho xã hội trên đường vận chuyển, nhưng nếu chừng ấy xe container chạy dọc đất nước thì hiểm họa sẽ khó lường.

Đ.Thắng
.
.
.