Cần Giờ còn thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc

Thứ Tư, 17/05/2017, 10:40
Cần Giờ là huyện duy nhất của TP Hồ Chí Minh có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập nằm ở phía Đông Nam. Tuy có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái nhưng du lịch Cần Giờ vẫn thiếu tiện ích, nhất là những hoạt động cho du khách trên tàu.

So với những huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh, Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên vượt trội với 70.421ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn thành phố, chủ yếu là đất lâm nghiệp, nông nghiệp, đất sông rạch. Cần Giờ là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về thực vật cũng như động vật.

Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng 35.000ha, ngoài chức năng chính là rừng phòng hộ, nguồn tài nguyên này còn mở ra triển vọng to lớn về phát triển du lịch sinh thái. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Du lịch Cần Giờ  vẫn thiếu tiện ích cho du khách.

Cùng với đó, Chiến khu Rừng Sác được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004, Lễ hội truyền thống Ngư dân Cần Giờ được Bộ VH-TT&DL công nhận đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia năm 2013 cùng với các làng nghề truyền thống của người dân như: nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến, các vườn trái cây… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tạo điều kiện cho du khách tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Theo đánh giá của các chuyên gia, rừng và biển là tài nguyên quý giá, cộng với quỹ đất lớn là những thế mạnh để Cần Giờ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, trong Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2020 được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, huyện sẽ phát triển du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm khu du lịch sinh thái biển tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh - Long Hòa, xã đảo Thạnh An, núi Giồng Chùa; khu du lịch sinh thái rừng thuộc các xã Long Hòa, An Thới Đông và Lý Nhơn; khu du lịch sinh thái nông nghiệp thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.

Thống kê của huyện Cần Giờ cho thấy, toàn huyện hiện có 7 khu du lịch, 3 cơ sở lưu trú với 145 phòng được xếp hạng, 15 cơ sở lưu trú với 297 phòng chưa được xếp hạng, 2 nhà hàng và 1 cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ du khách. Thêm nữa, Cần Giờ đã triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng bản đồ du lịch và cẩm nang du lịch ở địa chỉ http:/dulichcangio.hcmgis.vn để quảng bá thế mạnh, tiềm năng du lịch của huyện. Tính riêng trong năm 2016, có trên 1 triệu lượt khách du lịch đến Cần Giờ, tăng 53,5% so với cùng kỳ 2015, tổng doanh thu trên 100 tỷ đồng. Dự tính doanh thu năm 2017 đạt mức 500 tỷ đồng với trên 1,25 triệu lượt khách.

Là cái nôi du lịch của TP Hồ Chí Minh, nhưng nhìn chung hạ tầng dịch vụ du lịch Cần Giờ còn quá nghèo nàn, phát triển không đồng bộ, manh mún, sản phẩm du lịch thiếu phong phú, một vài dự án phát triển du lịch đã phê duyệt triển khai chậm chạp.

Chị Lê Thị Huyền, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm gia đình chị đều tổ chức nhiều đợt đi du lịch biển. Tuy nhiên Cần Giờ ít được lựa chọn hơn Vũng Tàu, Phú Quốc hay Nha Trang mặc dù gần hơn. Nguyên nhân là do ở Cần Giờ ngoài đi tắm, đi thăm các địa điểm sinh thái ra thì hầu như không có điểm vui chơi, không có địa điểm để mua sắm, nghỉ dưỡng… mà đường sá thì bất tiện quá …

Còn cô Nguyễn Thị Mai, quận 12, thì thường chọn Cần Giờ vì theo cô ở đây không khí trong lành. Tuy nhiên theo cô nếu đầu tư thêm để hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng thì sẽ có nhiều người hơn nữa đi du lịch ở đây.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ trong cuộc họp với lãnh đạo thành phố về phát triển du lịch Cần Giờ, cho biết, nhằm giúp du lịch Cần Giờ trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Cần Giờ đã và đang phối hợp cùng Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch, đề án phát triển du lịch tại huyện.

Trong đó, tăng cường việc quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin và các tiện ích công cộng, phát triển sản phẩm du lịch... Cùng với đó, huyện đang kiến nghị thành phố cho mở thêm một đường dẫn tại bến phà Bình Khánh nhằm giúp du khách đi lại thuận tiện hơn.

Mới đây, sau khi khảo sát thực tế bằng thuyền gỗ trên sông Đồng Tranh, tại bến cá Đồng Hòa, khu du lịch 30-4, chợ Hàng Dương… Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã có cuộc họp nhanh với các sở, ngành huyện Cần Giờ và các công ty du lịch. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến, huyện Cần Giờ cần kêu gọi xã hội hoá, phải đầu tư không gian bến cá Đồng Hòa thoáng rộng, vận động người dân giữ gìn vệ sinh, buôn bán các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và trở thành điểm dừng chân ăn uống hải sản của du khách.

Đánh giá giao thông phục vụ du lịch của huyện tương đối thuận lợi, tuy nhiên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, nếu những đoàn, hộ gia đình đi tour du lịch nhỏ, lẻ thì giao thông sẽ rất vất vả vì chờ phà, kẹt xe… Sở Du lịch nên phối hợp với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, các công ty du lịch có những tuyến xe miễn phí để đưa khách tới Cần Giờ. 

Hải Âu
.
.
.