Cải thiện PCI để thu hút đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 19/06/2021, 07:53
Môi trường đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng được cải thiện, thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thực hiện dự án.

Giữa tháng 4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.

Theo bảng xếp hạng PCI, Quảng Ninh đứng nhất năm thứ tư liên tiếp, Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2 với 72,81 điểm và đứng đầu ĐBSCL. Các tỉnh, thành ĐBSCL có thứ hạng tiếp theo: Long An (hạng 3), Vĩnh Long (hạng 6), Bến Tre (hạng 8), TP Cần Thơ (hạng 12), An Giang (hạng 19), Hậu Giang (hạng 39), Cà Mau (hạng 43), Tiền Giang (hạng 45), Trà Vinh (hạng 48), Sóc Trăng (hạng 51), Kiên Giang (hạng 62) và Bạc Liêu (hạng 63).

Nhìn tổng thể điểm số trung bình các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn khá cao, so 5 vùng kinh tế còn lại cả nước. Theo TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế, kết quả PCI năm 2020 cho thấy ĐBSCL có Đồng Tháp và Long An nằm trong tốp 3.

Tuy nhiên 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu lần đầu tiên nằm cuối bảng xếp hạng. PCI là đánh giá của doanh nghiệp (DN) nhưng có giá trị tham khảo đối với chính quyền địa phương, từ đó phân tích để mặt nào chưa đạt thì có giải pháp cải thiện thứ hạng, cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn kiểm tra tiến độ thực hiện Nhà máy điện gió Trà Vinh 1.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Những chỉ số chưa làm tốt phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong việc thực hiện tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, đem đến sự hài lòng. Nếu chủ quan, thấy hài lòng thì sẽ dễ bị tụt hạng và tụt sâu trên bảng xếp hạng. Tỉnh xem các chỉ số PCI như mạch máu của nền kinh tế. Chỉ số PCI đã tạo nên được hình ảnh địa phương, đồng thời thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo địa phương cũng như tất cả doanh nghiệp và người dân".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, Long An là địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,35 tỷ USD (chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký).

TP Cần Thơ đứng thứ 3 với dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản với số vốn 1,32 tỷ USD. Năm 2020 điểm số và xếp hạng sụt nhẹ so với năm 2019, nhưng một số chỉ số thành phần có điểm số tăng nhẹ như: Chỉ số chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chi phí gia nhập thị trường…

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận: "Thu hút đầu tư của thành phố chuyển biến chưa rõ, thành phố có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu nhưng chưa có quyết định triển khai đầu tư chính thức, nhất là các nhà đầu tư lớn. Còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quy trình thủ tục đầu tư, làm mất đi sự ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư".

5 tháng đầu năm 2021, tỉnh Trà Vinh thu hút được 13 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10.300 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tỉnh đang nỗ lực nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu năm 2021, chỉ số PCI tăng ít nhất 5 bậc.

Để thu hút đầu tư, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài các chính sách của Trung ương, địa phương để hỗ trợ DN trong đầu tư, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện PCI để tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Như Anh
.
.
.