Các ngân hàng thương mại nên bán nợ cho VAMC

Thứ Ba, 30/07/2013, 15:36
Trước nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ “ngại” bán nợ xấu cho VAMC, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng cách “thông minh nhất” là các NHTM nên bán nợ cho VAMC, vì khi đó các NHTM sẽ được VAMC chi trả bằng loại trái phiếu đặc biệt, có sự ưu đãi nhất định về tái cấp vốn. NHTM sẽ được tái cấp vốn và có nguồn để tái tạo cho hoạt động.
>> Doanh nghiệp thoát “sổ đen” sẽ được vay vốn ngay

Ngày 26/7, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức khai trương. VAMC được kỳ vọng dự kiến sẽ xử lý được khoảng 80.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, VAMC không phải là “chiếc đũa thần” để xử lý được triệt để nợ xấu, mà chỉ thêm một công cụ để góp phần với nhiều công cụ khác trong nền kinh tế xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng; góp phần tháo gỡ cho các khó khăn của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước tiếp tục tiến lên.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra đó là cho đến thời điểm này, số liệu nợ xấu vẫn chưa có sự thống nhất, khi bắt tay vào xử lý nợ xấu, chính VAMC cũng đang “rối rắm” vì các số liệu nợ xấu khác nhau.

Tại họp báo thường kỳ chính phủ tháng 2 năm 2013, số liệu của Thanh tra NHNN cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện ở mức 6% tổng dư nợ. Con số cập nhật chính thức của NHNN ở thời điểm gần nhất là đến tháng 4/2013 với 4,67%. Còn Chánh thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nợ xấu toàn ngành đến cuối tháng 5/2013 là 4,65%. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài đánh giá, nợ xấu Việt Nam lớn gấp 3 lần so với số liệu công bố.

VAMC được kỳ vọng là sẽ giúp ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu.

Chia sẻ với báo giới về tình trạng nợ xấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết phần lớn nợ xấu của các TCTD có tài sản bảo đảm là bất động sản, vốn đang rất khó bán, giá trị thu hồi thấp, mất nhiều thời gian khi khách hàng vay không hợp tác… “Với các cơ chế hoạt động, một số quyền hạn đặc thù, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, VAMC sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn cho các TCTD”, ông Nghĩa kỳ vọng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ “ngại” bán nợ xấu cho VAMC, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng cách “thông minh nhất” là các NHTM nên bán nợ cho VAMC, vì khi đó các NHTM sẽ được VAMC chi trả bằng loại trái phiếu đặc biệt, có sự ưu đãi nhất định về tái cấp vốn. NHTM sẽ được tái cấp vốn và có nguồn để tái tạo cho hoạt động.  Khi đó NHTM đã giải quyết được toàn bộ khoản nợ xấu, trở về tỷ lệ nợ xấu theo thông lệ quốc tế, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hiệu quả.

Trong bối cảnh quy mô nợ xấu vượt quá khả năng xử lý riêng lẻ của từng TCTD, việc ra đời và bắt tay xử lý ngay nợ xấu của VAMC được kỳ vọng là thông được “cục máu đông” nợ xấu, khơi dòng cho vốn ra nền kinh tế. VAMC không chỉ giải quyết nợ xấu cho ngân hàng mà còn hỗ trợ, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng vay vốn.

“VAMC phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể những bước đi vững chắc, để những bước đi trước tạo tiền đề cho những bước đi sau, để làm sao trong một giai đoạn nhất định VAMC phải phát huy được tác dụng, góp phần xử lý được nợ xấu một cách đáng kể trong hệ thống TCTD, góp phần tháo gỡ, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho các doanh nghiệp còn có khả năng phát triển, nếu được xử lý thông qua VAMC, để có điều kiện tiếp tục phát triển, khôi phục lại sự phát triển của nền kinh tế đất nước phát triển bền vững”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình định hướng

Hà An
.
.
.