CPI tăng nhanh do tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục
- CPI đang gánh chịu những khoản phí, thuế không đáng có trong giá thành
- CPI “chịu trận” vì y tế, giáo dục tăng giá
- Chỉ số CPI tháng 2-2016 tăng 0,42%
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, quý II chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ, bước đầu Chính phủ đã đưa ra một loạt các thông điệp, với tư tưởng tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được tái khẳng định qua cách thức, hành động xử lý nhanh chóng những vụ việc cụ thể. Những chuyển biến này “đánh trúng” kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Về lạm phát, CIEM chỉ rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II tăng khoảng 1,35%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lạm phát cơ bản (trừ các yếu tố giá tiêu dùng) 6 tháng tăng 1,80% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chênh lệch giữa lạm phát cơ bản và lạm phát tổng thể 6 tháng đầu năm cho thấy CPI tăng nhanh chủ yếu do tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá như xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục.
CIEM khẳng định, công tác điều hành giá cả vẫn gặp một số rủi ro, sức ép trong nửa cuối năm 2016, đó là áp lực của lộ trình tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là giá dịch vụ y tế và học phí tiếp tục được thực hiện khá cứng nhắc. Quan trọng hơn, việc thực hiện tăng giá này không được giải trình đầy đủ, chưa giúp người dân cảm nhận rõ ràng về việc gia tăng chất lượng dịch vụ tương ứng.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trong nước khó giảm tiếp do yêu cầu tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ. Biến động dòng vốn nước ngoài và thị trường tài chính quốc tế có thể kéo theo nhiều phản ứng khó lường của các nền kinh tế chủ chốt (về lãi suất, tỷ giá, v.v.) và có thể gây áp lực đối với việc điều hành giá cả, tỷ giá ở Việt Nam, môi trường kinh doanh thông thoáng, ít rào cản bất hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả cạnh tranh trên thị trường. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%. Tăng trưởng xuất khẩu quý III dự báo ở mức 6,8%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 1,31%...
Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm 2016, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang Thái, chúng ta không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP, mà chúng ta cần phải huy động tối đa các nguồn lực để đạt mục tiêu cao hơn. Và để đạt được mục tiêu, chúng ta cần tạo môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất giá trị sản phẩm… một cách hài hòa để kinh tế tăng trưởng.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thay vào đó, Chính phủ vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô...