CPI “chịu trận” vì y tế, giáo dục tăng giá

Thứ Sáu, 08/07/2016, 10:15
Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016”. Nhiều ý kiến lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội.


Y tế, giáo dục chỉ có tăng, không giảm

Trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI hiện nay, nhóm thuốc và dịch vụ y tế chiếm 5,61% còn nhóm giáo dục chiếm 5,72%. Tuy chỉ chiếm khoảng 10%, bằng khoảng ¼ so với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (39,93%) hay tương đương với nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (10,01%) hoặc nhóm giao thông (8,87%), song 5 năm gần đây, chỉ số giá nhóm y tế và giáo dục, trong đó đặc biệt là nhóm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã tăng rất nhanh và tác động mạnh tới CPI, thậm chí có những giai đoạn hoàn toàn chi phối biến động của CPI.

Giá dịch vụ y tế tăng nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thống kê: Từ 9-2010, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục bắt đầu chu kỳ tăng vọt. Nếu tháng 8-2010, so với kỳ gốc 2009, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 6,18% trong khi CPI tăng tương ứng tới 9,44% và nhóm tăng cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 17,26%, thì đến tháng 12-2015, chỉ số giá nhóm giáo dục đã lên đến 216,2% (riêng nhóm dịch vụ giáo dục là 231,54%) – tăng cao nhất trong số 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tính CPI – trong khi CPI chỉ là 159,51%.

Nếu so với kỳ gốc 2014, đến tháng 6-2016, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,57% (riêng nhóm dịch vụ giáo dục là tăng 9,77%) – đứng thứ 2 về tốc độ tăng chỉ sau nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 28,32%; riêng nhóm dịch vụ y tế tăng kỷ lục tới 37,07%) – trong khi CPI chỉ tăng vỏn vẹn có 2,52%).

Tương tự, so với kỳ gốc 2009, đến tháng 7-2012, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 16,92% - thấp xa so với mức tăng dẫn đầu tới 53,93% của chỉ số giá nhóm giáo dục cũng như mức tăng 40,53% của CPI. Tuy nhiên, đến tháng 12-2015, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 99,29% (riêng chỉ số giá dịch vụ y tế là 229,28%) – chiếm vị trí thứ 2 chỉ sau nhóm giáo dục (và dịch vụ giáo dục) – và đến tháng 6-2016 đã chiếm vị trí tăng cao nhất của nhóm giáo dục (và dịch vụ giáo dục) so với kỳ gốc 2014 như đã nêu ở trên.

“Có thể nói, giai đoạn 2011-2015 là “kỷ nguyên” tăng giá dịch vụ y tế/giáo dục nói riêng, tăng giá y tế/giáo dục nói chung sau một thời gian dài giá hai dịch vụ quan trọng hàng đầu này vẫn được vận hành theo cơ chế bao cấp. Đáng chú ý, diễn biến giá dịch vụ y tế và giáo dục giai đoạn 2011-2015 hầu như chỉ có xu hướng tăng mà không có hiện tượng giảm. Xu hướng chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế/giáo dục tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016 là chắc chắn, chỉ có vấn đề là thời điểm và mức độ tăng mà thôi”- ông Ánh nhận xét.

Ông Ánh cho rằng nguyên nhân cơ bản là sự thay đổi quan điểm về giá dịch vụ y tế và giáo dục từ bao cấp sang tính đúng tính đủ, đồng thời chuyển viện phí và học phí từ quản lý theo Pháp lệnh về phí và lệ phí sang quản lý theo Luật Giá. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế và giáo dục còn có đặc điểm vùng miền do quyền quyết định điều chỉnh thuộc về UBND cấp tỉnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) thừa nhận sự tăng tốc của chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do việc tăng giá các dịch vụ y tế bằng quyết định hành chính. Trong 6 tháng qua, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 5% trong rổ hàng hóa CPI, mức tăng này đóng góp khoảng 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung là 2,35%.

Nếu trừ đi các yếu tố này, CPI 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng khoảng 1% và một phần không nhỏ là do giá dầu phục hồi. Với đặc thù này, TS Độ cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% trong năm 2016 gần như là chắc chắn sẽ đạt được, bởi mức độ tăng giá của các dịch vụ y tế và giáo dục hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát 100%.

Lại lo “bóng ma” lạm phát

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2016 tại Việt Nam đã tăng 0,46% so với tháng 5-2016 tăng 2,35% so với tháng 12-2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. Sự tăng tốc của CPI trong 6 tháng đầu năm 2016 đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% đang đối mặt với nhiều thách thức.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Cụ thể, theo ông Long, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt, trong nửa sau khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Bên cạnh đó, giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số CPI.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Ngô Trí Long lo ngại, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra của nền kinh tế.

Từ phía cơ quan quản lý Giá, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng lưu ý đến sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công như y tế và giáo dục theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định, trong thời gian tới, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác. Ngoài ra, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể sẽ có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Đại diện Bộ Công Thương dự báo, CPI tháng 7 tăng tương đương mức CPI tháng 6…

Lệ Thúy
.
.
.