Ngành lúa gạo Việt Nam trước giờ G của công cuộc đổi mới:

Bứt phá từ chính “luống cày cũ” (!) – kỳ 3

Thứ Hai, 20/03/2017, 09:20
Một thực trạng đáng suy ngẫm của ngành lúa gạo Việt Nam vừa được chỉ ra tại hội nghị chuyên đề tổ chức tại An Giang ngày 15-3 vừa qua là hiệu quả, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp.

Để có một diện mạo mới, khẳng định vị thế bằng chất lượng, thương hiệu và đạt kim ngạch hàng đầu thế giới như mong mỏi của người đứng đầu Chính phủ, ngành lúa gạo phải đột phá, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều khâu... Nhiều chuyên gia cho rằng, bắt đầu vẫn là con người gắn với tư duy và quyết tâm đổi mới...

Kỳ 3: Quyết liệt từ… đâu

Và điều tất yếu quan trọng phải đạt được – theo các chuyên gia, trước hết là người nông dân phải có kiến thức, có tay nghề để làm đúng quy trình GAP. Không thể chấp nhận thực trạng ai cũng được làm nông dân; không học, không đất vẫn được là nông dân... TS Trần Du Lịch đã “bắt mạch” rất chính xác khi cho rằng trên thế giới này, không ở đâu nông dân được “tự do” như nông dân Việt Nam.

GS-TS Võ Tòng Xuân kể, tại những quốc gia tiến bộ ở châu Âu, Mỹ hoặc Úc, hay cụ thể là tại Hà Lan, Đan Mạch, nông dân nào không có học và không có chứng chỉ nông nghiệp đều không được nhà nước cho phép làm ruộng. Nhờ vậy khi sản xuất nông nghiệp, họ biết tuân thủ theo quy hoạch của nhà nước.

Trước đó nhà nước đã lo nghiên cứu các biện pháp nuôi trồng sản phẩm tối hảo để nông dân áp dụng có lời. Ở Việt Nam hoàn toàn khác, người không có học mới làm nông dân, kể cả khi có hợp tác xã (HTX) thì tất cả các chức danh đều do nông dân (khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT tại 4 tỉnh vùng ĐBSCL, 53% cán bộ quản lý HTX mới học tới lớp 9) đảm trách, trong khi người có học chính quy về nông nghiệp không tham gia.

Để nâng cao giá trị hạt gạo, không thể để nông dân cứ mãi làm theo phong trào trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, không thể hoàn toàn trách, “đổ lỗi” cho nông dân. Thời gian qua, sở dĩ tái diễn điệp khúc “trồng - chặt” là do nhà nước thả lỏng để nông dân tự trồng, đến khi ứ đọng hàng bán không được thì tự chặt bỏ. “Với cách phát triển nông nghiệp vô tổ chức như thế, nên nông dân cứ mãi lận đận, lao đao”, GS Xuân nói.

Trong những ngày lội ruộng gặp nông dân để hỏi họ về bài toán đầu ra, về thông tin thị trường, về sự thiếu cân nhắc khi chọn giống lúa phẩm cấp thấp, PV Báo CAND nhận được câu trả lời khá chung là “không biết”; hoặc “thấy người ta trồng thì mình trồng”.

Trong khi đó, hỏi thái độ của nông dân trong  chuyện liên kết xác lập vùng nguyên liệu theo tinh thần Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết nhiều nông dân vẫn chưa “mặn”, chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của mình khi tham gia cánh đồng liên kết; vẫn còn quan niệm đây là mô hình nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua giá cao.

Một bộ phận nông dân còn tập quán quen cách mua bán với thương lái theo kiểu “tiền trao, cháo múc” cho chắc ăn dù các thương lái có mua thấp hơn vài trăm đồng/kg. Chính điều này vô hình trung làm giảm lợi nhuận mà nông dân không biết trong khi DN không dám làm do nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, việc nông dân phá vỡ hợp đồng kinh tế còn xảy ra với tỷ lệ cao (tại Hậu Giang, tỷ lệ này lên đến 20%) gây mất lòng tin từ phía DN; hệ lụy dẫn đến việc đầu tư giảm từ đầu tư tiền ứng trước cho dân mua vật tư nông nghiệp, giống dần dần chuyển về dạng chỉ đầu tư giống, sau chỉ thu mua lại lúa...

Nhiều nông dân tại Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long giải thích sở dĩ họ không “mặn” với DN là do chính sách đầu tư của DN chưa phù hợp nhu cầu của bà con khi tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ (như giá bán vật tư của công ty còn cao hơn so với giá thị trường; vật tư do các DN cung ứng đôi lúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng của nông dân...). Và do chưa có sự liên kết chặt chẽ nên họ cũng ngại ký với nhau các hợp đồng liên kết tiêu thụ sau vụ mùa.

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cho rằng, khâu xây dựng thương hiệu mới mang ý nghĩa sống còn của “hạt ngọc Việt”. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2015, đặt ra những mục tiêu, lộ trình rất cụ thể song hiện vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả nên hạt gạo Việt đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, mà nổi cộm nhất vẫn là khâu xây dựng thương hiệu.

GS-TS Võ Tòng Xuân kể tại nhiều hội chợ quốc tế, gạo Việt không dám “xuất đầu lộ diện” bởi người ta chỉ nhắc tới Khao Dawk Mali và Hom Mali của Thái Lan, gạo Romduol của Campuchia, Paw San của Myanmar và Ấn Độ là gạo Basmati, chẳng ai biết gạo thơm Việt Nam là gì.

Đã vậy, gần đây lại còn bị nhiều thương hiệu gạo ngoại lân cận “tấn công” ngay trên “sân nhà”, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”. Để làm được thương hiệu, theo Thủ tướng, phải chú trọng thương hiệu, trước hết là khâu giống.

Tại ngân hàng giống lúa thuộc ĐH Cần Thơ hiện đang lưu giữ tới 1.468 giống lúa vùng Tây Nam bộ, vốn nổi tiếng thơm ngon như: Nàng thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Châu Hạng Võ; cạnh đó là một số giống lúa cao sản cũng thơm ngon không kém như: Jasmine 85, ST, Nàng Hoa 9. “Có rất nhiều giống lúa tốt, cho gạo thơm ngon nhưng do nông dân ta chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, nên hạt gạo Việt dễ dàng bị láng giềng Campuchia qua mặt” – GS.TS Xuân giải thích chuyện Việt Nam bị… “xâm thực gạo”.

TS. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, cho biết XK tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng do hiện vẫn chưa có thương hiệu mang tên Việt Nam nên khi vào các siêu thị, điểm phân phối, gạo Việt đành phải mang nhãn hàng của DN hay quốc gia nhập khẩu, rất ít thương hiệu gạo Việt được người tiêu dùng biết đến.

Thương hiệu gạo Việt vốn chưa có thế nhưng thời gian qua còn bị  ảnh hưởng tiêu cực là do kiểu làm ăn “chụp giựt” - trộn gạo thường với gạo thơm để bán. Lãnh đạo Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT từng bức xúc kể chuyện doanh nghiệp đã trộn gạo thơm Jasmine 85 vốn được thế giới ưa chuộng với một số loại gạo khác thơm nhẹ hơn, giá rẻ hơn để xuất bán.

Để rồi mang tai tiếng đến mức “xấu hổ” – theo cách dùng từ của GS-TS Võ Tòng Xuân: “Nói đến gạo Việt, người ta nói thẳng đó là gạo trộn”. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên thì băn khoăn trước thực trạng đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, đó là trộn 7 phần lúa khô vào 3 phần lúa ướt, gây ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo XK của Việt Nam…

Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đến 2020 hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường XK; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo XK là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Nhóm PV
.
.
.