Bình gas giả, kém chất lượng - "Bom"... nổ chậm
Trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn gây chết người và thiệt hại tài sản do nổ bình gas xảy ra khá phổ biến và có xu hướng gia tăng. Đó là hậu quả của việc sang chiết gas trái phép; van, dây dẫn bình gas kém chất lượng; bình gas không kiểm định… Tuy nhiên, do lợi nhuận nên các đối tượng sản xuất đã xem thường tính mạng người tiêu dùng (NTD), tuồn ra thị trường số lượng lớn bình gas giả, kém chất lượng. Mới đây, nhiều đơn vị kinh doanh gas, Chi hội gas miền Nam cùng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm một đơn vị có dấu hiệu làm giả gần 2.000 bình gas các hiệu…
Các loại bình gas giả, kém chất lượng, được các đơn vị kinh doanh gas xem như là "bom"… nổ chậm, bởi vì các loại bình gas này có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu gặp điều kiện thuận lợi. Trên thực tế, các loại "bom" gas hiện đang rất phổ biến mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi, từ loại bình gas mini đến các loại bình gas lớn.
Theo quy định, đối với bình gas mini chỉ sử dụng được một lần. Tuy nhiên, hầu hết các loại bình gas mini trên thị trường đều tái sử dụng nhiều lần và được tiêu thụ mạnh do có nhiều tiện lợi (dễ di chuyển, ít tiền…). Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu này của thị trường, các cơ sở sang chiết trái phép nhan nhản mọc lên và ngụy trang dưới nhiều hình thức để qua mắt các lực lượng kiểm tra.
Các loại bình gas bị cắt và mài mòn logo được phát hiện tại Công ty Đông Phương. |
Còn với các loại vỏ bình gas của các thương hiệu lớn, theo thống kê sơ bộ thì cho đến nay, các công ty đưa ra thị trường khoảng 10 triệu vỏ bình gas thì có đến 3 triệu vỏ bình đã bị đơn vị khác chiếm dụng. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng Quản lý thị trường, Công an đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sang chiết gas trái phép và thu giữ số lượng lớn vỏ bình và các nguyên phụ liệu gồm: màn co, van gas, tem giả…
Nổi cộm nhất là việc các công ty gas như: Công ty Liên doanh Total VN, Công ty CP năng lượng Đại Việt (Vinagas), Công ty TNHH Gas Thủ Đức (Thủ Đức Gas), Công ty CP TM DV Dầu khí Vũng Tàu (Vimexco gas) gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý Công ty SXTM DV Đông Phương (Khu công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn) và Chi hội gas miền Nam cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị sớm điều tra, truy tố Công ty Đông Phương và các đối tượng có liên quan nhằm răn đe để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các công ty gas chân chính, an toàn cho NTD, lành mạnh hóa thị trường.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 22/2, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT &CV Công an Hóc Môn phối hợp với Đội QLTT Hóc Môn kiểm tra nhà máy sản xuất vỏ bình gas Đông Phương (thuộc Công ty CP SX TM DV Đông Phương). Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra phát hiện 1.889 vỏ bình gas (loại 12kg/bình) của 11 thương hiệu: Total, Saigon Gas, Thủ Đức Gas, Vinagas, Rusagas, Hgas, Dakgas, Gia An Gas, An Hiệp… và một số vỏ bình không có thương hiệu. Trong đó, có số lượng lớn bình gas đã bị tháo van đầu bình, vỏ bình gas bị đốt, bị tháo van, vỏ bình bị mài chữ nổi…
Nhận diện các loại bình gas bị phát hiện tại đây, các công ty gas khẳng định các công ty này không có bất kỳ hợp đồng gia công sản xuất vỏ nào đối với Công ty Đông Phương.
Bà Lê Thị Anh Mẫn - Chủ tịch Chi hội gas miền Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, việc làm trên của Công ty Đông Phương là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật: "Hủy hoại tài sản của người khác; thu giữ vỏ bình gas của các công ty gas trái phép".
Việc hoán cải vỏ bình gas là hành vi cực kỳ nguy hiểm do vỏ bình gas được hoán cải (thay tay xách, thay chân đế, thay chỏm) không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Vỏ bình gas này đưa ra thị trường sử dụng chẳng khác nào đưa hàng ngàn, hàng chục ngàn quả bom nổ chậm vào nhà dân. Ngoài ra, việc làm này gây thiệt hại cho các công ty gas là chủ sở hữu của các vỏ bình gas do giá thành sản xuất vỏ bình hiện nay hơn 400.000đ/bình (12kg) trong khi giá thế chân vỏ bình gas chỉ hơn 200.000đ/bình.
Cũng theo Chi hội gas miền Nam, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này vi phạm mà trước đó, năm 2009, nhiều công ty gas cũng phản ánh và thu được nhiều vỏ bình gas của thương hiệu gas Ánh Ngọc (Nha Trang, Khánh Hoà) được sản xuất tại Nhà máy vỏ Đông Phương từ vỏ bình gas của các thương hiệu khác như: Petro VN, V gas, Sài Gòn gas. Vụ việc đã chuyển cơ quan Công an giải quyết…
Nhằm thực hiện Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, Hiệp hội gas Việt Nam đã ký kết với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) ngày 10/5/2010 "kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas" và ký kết với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) ngày 3/12/2009 "quy chế phối hợp hoạt động…".
Vì vậy, để Nghị định 107 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các Bộ, ngành có hiệu quả, nhằm sớm thiết lập lại trật tự sản xuất, kinh doanh gas lành mạnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, NTD và an toàn xã hội, Hiệp hội Gas kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh gas. Đồng thời, đề nghị tiếp tục đưa mặt hàng gas vào danh mục của Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại 2011 và những năm tiếp theo