3 "điểm chốt" để hút nhà đầu tư

Thứ Sáu, 10/06/2022, 08:00

Nhằm hỗ trợ thông tin về các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại TP Hồ Chí Minh đến với các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước ngày 9/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho NĐT khi đầu tư vào KCN, KCX".

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn hécta. Trong đó, 260 KCN đã đi vào hoạt động,75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 khu kinh tê ë(KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850.000ha.

2.jpg -0
Khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cần khắc phục những hạn chế để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc ITPC cho rằng, với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính đến nay TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi và đi vào ổn định sau COVID - 19, NĐT vẫn còn gặp một số những vấn đề hạn chế và phát sinh khi đầu tư vào KCN, KCX. Do vậy các KCN, KCX cần phải có những phương án, chính sách cải thiện nhằm giúp cho các NĐT thuận lợi hơn trong việc triển khai dự án.

Một doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư vào KCN thì họ quan tâm điều gì? Ông Bùi Lê Anh Hiếu – Giám đốc phát triển DN, Công ty cổ phần Long Hậu cho biết: “Thống kê từ kinh nghiệm tiếp đón các DN đến đầu tư tại KCN, thì vấn đề mà họ quan tâm nhất đó là vị trí, bao gồm kết nối các khu vực trọng điểm về giao thông. Thứ 2 là chi phí xây dựng. Thứ 3 giá thuê trong KCN. Bên cạnh đó, DN cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, tiện ích. Bởi tiện ích đó có giữ chân được NLĐ hay không”.

Thực tế cho thấy, cho đến nay các DN đầu tư vào các KCN, KCX, chủ yếu là từ các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... chưa thu hút được nhiều các NĐT lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này cũng thể hiện những hạn chế của các KCN, KCX, nên chưa thu hút nhiều các NĐT tham gia. Hạn chế đó là KCN lớn của Việt Nam còn quá ít, các KCN thiếu hạ tầng để phát triển và thiếu nhất là các khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ...

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cũng nhìn nhận, việc phát triển các KCN, KCX trong thời gian qua cũng gặp nhiều hạn chế. Cụ thế, các NĐT chưa được trợ giúp hướng dẫn làm rõ các quy trình, thủ tục ưu đãi khi tham gia đầu tư kinh doanh, chưa có nhiều cơ chế để hỗ trợ dịch vụ cho các DN trong các khu này. Bên cạnh đó, còn vướng mắc tồn đọng trong một số khâu về thủ tục hành chính, về đất đai, về con người... tạo rào cản khiến NĐT còn e dè đầu tư kinh doanh trong các KCN, KCX.

Về việc giữ chân các NĐT tại các KCN, KCX và thu hút các NĐT mới, trong thời gian qua các Ban Quản lý KCN, KCX đã rà soát, báo cáo những vướng mắc lên các cấp có thẩm quyền và đã có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các NĐT. Tuy nhiên, chúng ta phải có những cải cách nhiều hơn, đặc biệt là giải pháp để nâng cấp các dịch vụ trong KCN, KCX để tạo thuận lợi hơn cho NĐT và cũng là để tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định vị lại.

“Tranh chấp đến từ các KCN, KCX phát sinh không ít. Những tranh chấp này dẫn đến thiệt hại không chỉ về vật chất, tiền bạc cho DN mà còn ảnh hưởng uy tín của KCN, khiến cho các NĐT nhất là NĐT FDI hoài nghi về sự an toàn trong việc đầu tư vào khu vực này. Từ thực tiễn này, tôi cho rằng các NĐT cần được trợ giúp, được hướng dẫn nhiều hơn để hiểu đúng, hiểu đầy đủ và luôn luôn được sự yểm trợ trong quá trình thực hiện các quy định hành chính để có thể vững vàng trong một lộ trình quyết định đầu tư vào KCN, KCX”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

T.Hà
.
.
.