2018 sẽ thành lập “siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Ba, 03/10/2017, 14:40
Chính phủ đã quyết định sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018. Như vậy, cái mà truyền thông vẫn gọi là “siêu ủy ban” sẽ được hình thành và DNNN sẽ được rút ra khỏi các bộ, chấm dứt tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay.


Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 cổ phần hóa 137 DNNN, hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương. 

Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN. Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại DN. Năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN.

Đến năm 2030, hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần. Trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco là một phần trong "định mức" thu 60.000 tỷ từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN năm nay

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới được xác định gồm 6 đầu việc, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp... Hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược,...

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu không chi thường xuyên đối với tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước mà số tiền này được quản lý tập trung và chỉ chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu tiêu chí đánh giá, bắt buộc DNNN phải xây dựng hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và DN.

Hiện nay, chưa rõ mô hình “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước sẽ ra sao, tuy nhiên, cuối năm ngoái, khi họp về đề án này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “siêu uỷ ban” “phải sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, các UBND”, nhằm tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 

Việc một bộ vừa quản lý ngành, vừa ban hành chính sách, lại vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó gây ra xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình, khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh. Nguy hại hơn là nó khiến phân bố nguồn lực cũng méo mó, sử dụng kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng.

Điều quan trọng nhất là hiện thực hiện quyền sở hữu, quản lý tài sản Nhà nước trong DNNN, ở các bộ đang phân tán, rời rạc. Điều này khiến vừa mất hiệu quả, hiệu lực của vốn Nhà nước, nguồn lực. Đồng thời, quan trọng nhất, khi có thất thoát tài sản Nhà nước, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng cả.

Ông Cung cũng đã từng lên tiếng cảnh báo, nếu Việt Nam bán vốn để chi thường xuyên, rất nhanh chóng, chúng ta sẽ “ăn” sạch cả DNNN. Nguồn lực thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN phải được chi vào đầu tư phát triển để tiếp tục tăng trưởng.


Vũ Hân
.
.
.