Trung Á: Cuộc đua khoáng sản chiến lược

Thứ Hai, 28/10/2024, 15:44

Thế giới đang ngày càng khao khát các nguyên tố đất hiếm (REE) và kim loại hiếm (RM), đặc biệt là uranium, lithium, tantalum và một loạt nguyên tố hóa học khác. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới xu hướng này?

Có 2 nhân tố chính đang thúc đẩy nhu cầu về REE và RM. Đầu tiên là nhu cầu kinh tế. Với mục tiêu toàn cầu là đạt được lượng khí thải ròng bằng 0 và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào trí tuệ nhân tạo (AI), “cơn khát” của thế giới đối với năng lượng xanh cũng như các công nghệ để tạo ra, lưu trữ và sử dụng năng lượng xanh ngày càng tăng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng việc tăng cường áp dụng các công nghệ năng lượng sạch sẽ làm tăng gấp 4 lần nhu cầu về REE và RM vào năm 2040.

Trung Á: Cuộc đua khoáng sản chiến lược -0
Uzebekistan tăng cường sản xuất đất hiếm.

Nhân tố thứ hai là thiếu nguồn cung. Không phải tự nhiên mà REE và RM được gọi là nguyên tố đất hiếm. Ở phương Tây, sự khan hiếm tài nguyên đi đôi với những lo lắng về các mối nguy hiểm môi trường liên quan đến việc khai thác và chế biến các khoáng sản chiến lược. Đồng thời, Nga bị trừng phạt nặng nề và Trung Quốc ngày càng bất đồng lợi ích với phương Tây hiện đang áp dụng nhiều hạn chế trong xuất khẩu các mặt hàng chiến lược, bao gồm REE và RM.

Ngược lại, khu vực châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị và bạo lực cũng làm giảm đáng kể tiềm năng xuất khẩu của khu vực này. Do đó, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến khu vực Trung Á - với Uzbekistan, Tajikistan và đặc biệt là Kazakhstan có nguồn tài nguyên dồi dào - trở thành nơi thay thế khả thi nhất cho các nhà cung cấp truyền thống.

Liên minh châu Âu (EU) kết hợp với Mỹ tạo thành một phe hùng mạnh và cả hai đều quan tâm đến việc khai thác tiềm năng to lớn của Trung Á về các khoáng sản quan trọng. Cùng với Anh, họ đã nêu rõ lợi ích chiến lược của mình trong khu vực. Sự phát triển trong khu vực gần đây và thái độ đang thay đổi của các nước Trung Á đối với nguồn tài nguyên khoáng sản của họ sẽ mang lại lợi ích về mặt này. Không giống như ở phương Tây, chính phủ các nước Trung Á rất hào hứng với triển vọng biến trữ lượng REE và RM khổng lồ của họ thành nguồn doanh thu mới cho nền kinh tế địa phương. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thậm chí còn gọi những mặt hàng này là “dầu mỏ mới”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Á hiểu rằng nếu không có vốn, bí quyết và công nghệ của nước ngoài, việc tận dụng tiềm năng tài nguyên địa phương là không thực tế. Mặc dù có một số bất đồng về các tuyến đường thương mại, họ cũng nhận ra rằng các hành động phối hợp sẽ giúp họ đạt được thành tích tốt hơn trong việc sản xuất REE và RM, từ đó đảm bảo được vị trí của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vấn đề nằm ở chỗ các cường quốc có lợi thế cạnh tranh khác lại coi Trung Á là khu vực có đặc quyền của riêng họ. Các yếu tố lịch sử, địa lý, đặc trưng văn hóa và khu vực cũng như sự phụ thuộc đã gắn kết các nước Trung Á với Nga và Trung Quốc.

Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về cả trữ lượng và sản lượng REE và RM, đã cấm xuất khẩu công nghệ khai thác và phân tách đất hiếm để củng cố sự thống trị toàn cầu của họ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Á, so với năm 2010, thị phần của Trung Quốc trong nguồn cung và sản xuất REE và RM toàn cầu đã giảm. Hơn nữa, nhu cầu nội địa ngày càng tăng đối với các khoáng sản quan trọng - chủ yếu liên quan đến việc sản xuất vi mạch và năng lượng xanh ngày càng tăng nhanh - khiến Trung Quốc ngày càng củng cố mạnh mẽ lợi ích chiến lược của mình trong lĩnh vực này của các nền kinh tế Trung Á. Trên thực tế, Bắc Kinh đã dẫn đầu tại khu vực, đặc biệt là ở Kyrgyzstan và Tajikistan, nơi họ kiểm soát hầu hết các hợp đồng cho thuê khai thác đất hiếm.

Về phần Nga, với quyết tâm duy trì sự hiện diện của mình ở Trung Á, Moscow chủ yếu quan tâm đến uranium của Kazakhstan. Mặc dù là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, Kazakhstan vẫn phụ thuộc chiến lược vào Nga trong cả hoạt động vận chuyển và xử lý nguyên tố quý hiếm, điều này khiến Nga trở thành nước đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực uranium và các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân.

Pháp cũng ngày càng quan tâm đến trữ lượng uranium của Kazakhstan. Do tình hình bất ổn đang diễn ra ở Niger, một trong những nhà cung cấp chính mặt hàng này của Pháp, Paris đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Với những bước đi quyết đoán của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga, Moscow có thể cảm thấy rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ trong lĩnh vực hạt nhân đang bị đe dọa.

Trong khi đó, các nước Trung Á phải đối mặt với những thách thức kinh tế (nợ Trung Quốc các khoản tiền khổng lồ) và an ninh (hậu quả tiềm tàng từ Nga) có thể cản trở họ trở thành nhà cung cấp khoáng sản quan trọng đáng tin cậy cho châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, do Trung Á ưu tiên quản lý theo phong cách độc đoán, các nước phương Tây có lẽ cần phải suy nghĩ kỹ về việc cam kết thực hiện các dự án tốn kém và có rủi ro về mặt chính trị trong khu vực. Có lẽ, đa dạng hóa nguồn cung và ưu tiên các quốc gia như Australia, Argentina và Canada sẽ là động thái khôn ngoan nhất.

Thế Nam (Theo Lowy Institute)
.
.
.