Triển vọng hợp tác kinh tế Nhật – Nga dưới thời tân Thủ tướng Kishida
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe (2012-2020), Nhật Bản đã nhấn mạnh hợp tác kinh tế với Nga, đặc biệt những dự án ở vùng Viễn Đông của Nga. Tuy nhiên, đến thời chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga (2020-2021), động lực hợp tác này đã không còn.
Thủ tướng Fumio Kishida, người lên nắm quyền hôm 4-10 vừa qua, dường như cũng không “đi chung đường” với ông Abe trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc. Mặc dù tân Thủ tướng Nhật Bản không đặt ưu tiên cao trong quan hệ với Nga song hậu cần, năng lượng và y tế vẫn là những lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn.
Hợp tác vận tải hậu cần
Trước hết, về lĩnh vực hậu cần, khả năng Nga vẫn quan tâm làm ăn với Nhật Bản vì hai tuyến đường sắt Baikal-Amur (nối cảng Sovetskaya Gavan ở biển Nhật Bản với vùng Đông Siberia) và xuyên Sibir (chạy từ Moskva đến Vladivostok), đều chạy qua Đông Sibir và Viễn Đông. Cả hai tuyến đường sắt trên đang trở nên ngày càng quan trọng với vai trò là tuyến vận tải chính từ châu Á sang châu Âu.
Mối quan tâm của Nga được thúc đẩy bởi 2 yếu tố chính là nhu cầu vận tải đường sắt phục vụ phục hồi kinh tế hậu đại dịch và những rủi ro đối với hoạt động vận tải biển quốc tế. Vụ tắc nghẽn hoàn toàn kênh Suez ở Ai Cập hồi tháng 4 và tháng 9-2021 do sự cố mắc kẹt của tàu chở hàng container là minh chứng cho rủi ro như vậy.
Để thúc đẩy những cơ hội mà ngành dịch vụ vận tải đường sắt và hậu cần tạo ra, tháng 4-2021, Tập đoàn Đường sắt Nga đã mở văn phòng đại diện tại Tokyo. Tuy nhiên, nếu các nhân viên đại diện của Nga có thể thuyết phục được các công ty Nhật Bản hợp tác với họ trong lĩnh vực này thì Moskva vẫn phải thực hiện 3 vấn đề quan trọng để củng cố hơn nữa năng lực của lĩnh vực vận tải đường sắt và hậu cần. Những việc cần làm bao gồm tăng cường năng lực của hai tuyến đường sắt nói trên và phát triển cơ cở hạ tầng hải cảng ở vùng Viễn Đông để đảm bảo hoạt động vận chuyển nhanh gọn hàng hóa từ tàu biển sang tàu hỏa.
Hợp tác năng lượng
Thứ hai, lĩnh vực năng lượng cũng là một minh chứng cho sự hợp tác thành công giữa Nga và Nhật Bản. Ngoài việc các công ty Nhật Bản lâu nay vẫn tham gia vào các dự án năng lượng ở Sakhalin, năm 2019 cũng chứng kiến những chuyển biến mới trong hợp tác giữa hai nước ở lĩnh vực này. Đó là việc “ông lớn ngành năng lượng của Nhật Bản là Mitsui&Co và JOGMEC (Tập đoàn Dầu khí và Khoáng sản quốc gia) đã mua 10% cổ phiếu của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng 2 ở Bắc Cực. Dự án dài hạn này sẽ giúp Nga tăng thị phần của mình trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng của Nhật Bản đồng thời cho phép Moskva đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khí gas, giảm thiểu sự phụ thuộc vào châu Âu.
Triển vọng hợp tác Nga-Nhật về lĩnh vực khí gas mở rộng hơn nữa với việc Nga sẽ mở một khu vực bốc dỡ và trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở bán đảo Kamchatka vào ngày 31-10-2022. Khu vực này sẽ tham gia vào quá trình trung chuyển khí đốt tự nhiên từ Bắc Cực đến các thị trường châu Á, trong đó có cả sự tham gia của công ty vận tải biển Mitsui O.S.K Lines của Nhật Bản. Những điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với thị trường lao động ở cả vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga.
Ngoài ra, hợp tác song phương về khí hydrogen cũng đầy hứa hẹn. Những dự báo của các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy nhu cầu thế giới đối với loại khí này sẽ tăng gấp nhiều lần trong những thập niên tới. Một trong những nhân tố chính là do sự chuyển dịch sang nền kinh tế không sử dụng carbon trên phạm vi toàn cầu. Thực ra, các đại diện của Nga và Nhật Bản đã tiến hành một số vòng đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực này. Có một lưu ý là Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki của Nhật Bản quan tâm đến khí hydrogen. Hiện tại, Công ty JSC Rosatom Overseas thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia (Rosatom) của Nga và Cơ quan Năng lượng và Tài nguyên quốc gia Nhật Bản đang tích cực hợp tác trong quá trình phát triển một nghiên cứu khả thi cho dự án thí điểm xuất khẩu khí hydrogen từ Nga sang Nhật Bản.
Theo các báo cáo và dự án nghiên cứu được trình bày tại Diễn đàn Kinh tế miền Đông hồi tháng 9-2021, vùng Sakhalin của Nga là vùng phát triển nhất trong lĩnh vực khí hydrogen, hiện đang có những kế hoạch phát triển thành “thung lũng hydrogen”, một đặc khu kinh tế phục vụ công cuộc phát triển công nghệ sử dụng khí hydrogen trên hòn đảo phía Bắc của Nhật Bản này. Con số ước tính cho thấy trong khoảng 5 năm tới, sản xuất thương mại khí hydrogen trên đảo này sẽ đạt 100.000 tấn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Hợp tác y tế
Lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn thứ ba giữa vùng Viễn Đông của Nga và Nhật Bản là y dược và chăm sóc sức khỏe. Trong vòng 3 năm qua, các trung tâm y tế thành phố Hokuto và Saiko của Nhật Bản đã hoạt động thành công lần lượt ở Vladivostok và Khabarovsk của Nga. Trong những mô hình hợp tác thành công giữa hai bên về lĩnh vực này, đáng chú ý là nỗ lực hợp tác song phương về phát triển công cụ xét nghiệm nhanh COVID-19.
Nhìn chung, quan hệ Nhật Bản và Nga dường như không mấy nồng ấm dưới thời Thủ tướng Kishida. Điều này phần nào là do trước đó ông Kishida đã đưa ra quan điểm và lập trường cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Shinzo Abe về vấn đề tranh chấp lãnh hải với Nga liên quan đến quần đảo Nam Kuril mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, ngay cả khi hai bên chưa thể xích lại gần nhau hơn trong mối quan hệ chính trị rộng lớn hơn, song tiềm năng để Nhật Bản và vùng Viễn Đông của Nga tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trong 3 lĩnh vực nói trên vẫn rất to lớn.