Trào lưu "lướt sóng" chứng khoán, tiền kỹ thuật số: Cú sập hầm tan nát

Thứ Bảy, 28/05/2022, 10:12

Nếu như đầu tư chứng khoán đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay, thì tiền kỹ thuật số, tiền điện tử bắt đầu trở nên “hot” chỉ vào khoảng vài năm trở lại đây.

Khác với cổ phiếu - có mức dao động trong một phạm vi tương đối hẹp - tiền điện tử có biên độ dao động siêu mạnh. Nó có thể mất đến 99% giá trị chỉ sau vài phiên giao dịch. Và những nhà đầu tư “môn” này luôn phải đối mặt với những rủi ro cực lớn. Thời gian qua, không ít trong số họ đã mất hết gia sản chỉ trong một thời gian ngắn…

1. Có thể nói thời điểm hiện tại là những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời hơn 30 năm qua của Phùng Tuấn - nhân viên một công ty bất động sản. Hàng ngày cậu chẳng thiết ăn, chẳng thiết ngủ, cũng chẳng thiết lên công ty. Lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ đến khối nợ hàng chục tỷ đồng đang treo lơ lửng. Đôi lúc mệt quá thiếp đi, thì lại giật mình đánh thót khi thấy số điện thoại lạ gọi đến.

Trào lưu
Thời gian qua tiền điện tử dính cú “sập hầm” khiến cho nhiều “nông dân” rút phích hoặc dỡ “trâu cày” ra bán thu hồi vốn.

Chỉ mới cách đây vài tháng thôi, Tuấn còn đang trong một “giấc mơ có thật”. Đó là vào dịp giáp Tết Nguyên đán, Tuấn cùng với đám chiến hữu đang sung sướng “xõa” (ăn chơi) hết nấc tại một khu du lịch 5 sao trong Phan Thiết (Bình Thuận). Mỗi người còn mang theo “hàng xách tay” với giá vài chục triệu đồng cho mỗi đêm. Vậy mà giờ đây anh đang phải chịu cảnh cô độc, vợ con đã bỏ đi, nợ nần chồng chất. Mỗi ngày qua đi là một ngày cực hình đối với nhà đầu tư tiền ảo mới nổi này.

Hơn một năm về trước, khi mà các thành phố lớn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, công việc của Tuấn cũng thất thường vì thị trường gần như không có giao dịch. Đúng lúc đó có người bạn rủ Tuấn đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Ban đầu Tuấn cũng hơi hãi, vì không hiểu mô tê gì về món này. Nhưng sau vài buổi cà phê, đồng thời thử mang mấy chục triệu đi mua một ít đồng coin “rác” thì chỉ sau một thời gian ngắn, Tuấn đã thu về lợi nhuận lên đến 50%.

Phấn khích với thành quả đạt được, Tuấn bàn với vợ mang sổ đỏ “cắm” ngân hàng, và vay hai bên gia đình nội ngoại tiền (nói dối là để mua nhà) để đầu tư thêm. Dù người vợ hết sức can ngăn, song Tuấn không nghe. Vợ không cho cắm sổ thì đi anh ta đi vay tín dụng đen với lãi suất 2.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày để mua bitcoin cùng nhiều loại coin, token như Terra, Solana... Cú đầu tư lần hai này tiếp tục mang lại lợi nhuận 30% cho Tuấn. Sau khi trả hết nợ vay, Tuấn có trong tay cả tỷ đồng.

Sau khi mua tặng vợ… nửa chỉ vàng, Tuấn tiếp tục đi vay mượn để đầu tư tiếp. Vợ có khuyên bảo gì cũng gạt đi, “đàn bà biết gì”! Rồi Tuấn xin sếp cho nghỉ việc không lương, vung tiền cùng bạn bè đi du lịch tại những địa điểm đắt đỏ nhất và cảm thấy người như bay trên mây khi thấy cơ hội đổi đời đã đến.

Trào lưu
Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều đồng coin thuộc hàng “khỏe” đã mất 40-90% giá trị.

Nhưng rồi cho đến những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5-2022, khi mà thị trường tiền kỹ thuật số cứ cắm đầu rơi một mạch thì Tuấn bắt đầu cảm thấy lo sợ. Mỗi một nhịp rơi, nhà đầu tư này lại vay thêm tiền mua để “bắt đáy”. Lúc này chủ nợ ép vay với lãi 10 ngàn đồng/triệu/ngày (tương đương 360%/năm) mà Tuấn vẫn phải cắn răng đồng ý. Song không ngờ thị trường chỉ hồi một phiên rồi lại rơi mãi rơi mãi cho đến mức Tuấn buộc phải cắt lỗ. Số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng giờ cầm về chỉ được vài trăm triệu đồng.

Những nơi vay mượn được thì đã vay hết rồi. Hàng ngày đám dân xã hội thường xuyên gọi điện đến yêu cầu trả nợ, hoặc đòi “xin tý huyết”! Chúng lên tận công ty anh để làm loạn, rồi đến tận nhà “dựng lều” ăn vạ. Đến nước này Tuấn đành thú nhận tất cả với vợ, mong cô nghĩ lại... Song nghĩ đến cái hồi Tuấn đi du lịch cùng với bồ nhí là người vợ lại lên cơn tăng-xông, liền đem con về nhà ngoại.

Không còn cách nào khác, một hôm Tuấn mua mấy vỉ thuốc ngủ về, nốc sạch. May cho anh ta là một đồng nghiệp có việc liên lạc mãi không được nên gọi cho người vợ. Rồi họ phá cửa vào nhà kịp đưa Tuấn đi cấp cứu…

2. Thời gian vừa qua có thể nói là những tháng ngày đáng quên của dân đầu tư tiền kỹ thuật số. Tất cả những đồng tiền đang lưu hành đều xuống dốc thảm hại. Đồng Bitcoin (anh cả của thị trường) từ mốc 60 ngàn USD/bitcoin đã thủng mốc 30 ngàn USD/bitcoin, nghĩa là mất đến 50% giá trị chỉ trong một thời gian ngắn.

Trào lưu
Đồng Luna đã mất đến 99% giá trị chỉ sau vài phiên, trước khi hồi phục.

Kinh khủng hơn là sự xuống dốc không phanh của đồng LUNA. Vào tháng 4-2022 đồng tiền số này lập đỉnh với thị giá lên đến 120 USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai tuần lễ đồng tiền này đã rơi về chỉ còn 30 USD vào ngày 11-5-2022. Trong vòng 24 giờ sau đó LUNA giảm về mức 0,9 USD. Nghĩa là trong một ngày nó đã mất đến 90% giá trị.

Tại Việt Nam, đã có những nhà đầu tư mua LUNA với số tiền hàng trăm ngàn USD, để rồi cuối cùng gần như mất trắng. Như trường hợp anh Long mua LUNA từ giữa tháng 4-2022 với giá 80 USD mỗi đồng và kỳ vọng token này tiếp tục tăng giá. Đây là tiền số thuộc diện “coin top” khi nằm trong số 20 đồng mạnh nhất tính theo giá trị vốn hóa, có lộ trình phát triển hợp lý nên tôi tin tưởng và quyết định chi khoản tiền lớn”, anh Long, người tham gia thị trường tiền số ba năm, cho biết.

Giá token này từng tăng lên mức gần 100 USD vào cuối tháng 4, trước khi về mức 86 USD mỗi đồng vào ngày 6-5-2022. Nhờ đó, anh Long lãi vài nghìn USD chỉ trong nửa tháng. Thế nhưng, ngày 9-5, giá LUNA “rơi thẳng đứng” từ 77 USD về 5 USD và đến 12/5 chỉ còn vỏn vẹn 0,1 USD/đồng.

“Do không đặt stoploss (điểm cắt lỗ), tôi gần như mất trắng số tiền đang có chỉ sau một đêm. Giờ đây, khi nhìn tài khoản còn vài trăm USD, tôi chỉ biết xóa app và cố quên nó đi”, anh Long nói.

Trường hợp anh H.Nam còn thê thảm hơn nhiều. Vốn là một nhà đầu tư chứng khoán, Nam sau khi đã gặt hái nhiều thắng lợi trên thị trường vào năm 2021 thì áp dụng nguyên tắc “không để trứng ở một giỏ”. Nam rút một nửa vốn từ tài khoản chứng khoán để chuyển sang mua tiền điện tử. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn, nhà đầu tư này bị “cháy cả hai đầu”, chứng khoản giảm mạnh và tiền kỹ thuật số cũng lao dốc không phanh.

Tiếp tục áp dụng triết lý: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, Nam dồn tiền mua cổ phiếu full margin, và cắm sổ đỏ để vay từ tín dụng đen nhiều tỷ đồng để bắt đáy tiền kỹ thuật số. Kết cục, cổ phiếu của Nam liên tục bị call margin, còn tài khoản mua bán tiền ảo cũng “cháy” khét lẹt. Nhà đầu tư này bế tắc đến nỗi mang bếp than tổ ong vào nhà, rồi đóng kín cửa...

3. Thời gian qua trên một số hội, nhóm trên mạng xã hội, chủ đề về đồng tiền kỹ thuật số LUNA xuất hiện với tần suất tăng mạnh. Đa phần cho biết họ mất trắng tài sản vì tin vào LUNA. Số tiền thiệt hại được liệt kê từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, thậm chí có người mất cả triệu USD.

Trào lưu
Khi giá tiền điện tử lao dốc, không ít hội, nhóm trên mạng hô bắt đáy, song đa phần đều thua lỗ.

Anh Ngọc Anh - quản trị viên một nhóm Facebook về tiền số với gần 200 ngàn thành viên và có nhiều năm tham gia thị trường tiền số, nhận xét: “Trước đây đã xảy ra những vụ nhà đầu tư ham mua coin “rác” nên giá trị bị giảm mạnh trong thời gian ngắn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên gần đây những coin thuộc loại “sang xịn mịn” như LUNA bị giảm đến 90% giá trị là điều thực sự bất ngờ. Nhiều người đến giờ vẫn không nghĩ mình mất tiền nhanh đến vậy bởi ‘coin top’ là những token hàng đầu với sự ổn định cao và biến động giá không lớn”.

Với kinh nghiệm của mình, anh Ngọc Anh từng đánh giá LUNA là đồng tiền số đáng tin cậy, đội ngũ đứng sau hùng hậu, được nhiều quỹ đầu tư, vốn hóa khi đạt đỉnh lên tới hơn 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án cũng kiểm soát TerraUSD, một stablecoin (đồng tiền ổn định) neo giá ở mức tương đương một USD, tương tự những đồng tiền kỹ thuật số “mạnh” khác như Tether (USDT) hay Binance USD (BUSD).

“Việc LUNA mất gần hết giá trị sau một đêm thể hiện sự bất ổn trên thị trường tiền điện tử. Bất kỳ token nào cũng có thể sụp đổ, kể cả khi chúng nằm trong nhóm đứng đầu, lộ trình tốt hay được đầu tư nhiều”, anh Ngọc Anh nói.

Còn theo anh Phạm Dũng, chuyên gia về blockchain và tiền số, cũng cho rằng sự sụp đổ của LUNA cho thấy thị trường tiền số cũng thuộc loại “mong manh dễ vỡ” . Anh khuyến cáo người chơi nên có chiến lược cụ thể khi tham gia và chuẩn bị tâm lý nếu mất tài sản. “Tiền số nào cũng có thể mất hết giá trị trong thời gian ngắn. Người chơi cần đặt stoploss để hạn chế việc thua lỗ, đồng thời sẵn sàng cho tình huống toàn bộ tài sản của mình bị mất trắng”, anh nói.

Tiến sỹ triết học người Thụy Sỹ Rolf Dobelli - một doanh nhân giàu kinh nghiệm - và cũng là tác giả cuốn sách “Nghệ thuật tư duy rành mạch” cho rằng, thị trường chứng khoán (cũng như thị trường tiền kỹ thuật số) về cơ bản là không thể dự đoán được. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư đã gặp phải tư duy sai lầm khi quá tin vào các chuyên gia (mà thực chất cũng không hơn người bình thường là bao nhiêu). Họ cũng gặp phải ảo tưởng trong dự báo cũng như kỳ vọng vào những điều bất định nên gần như đánh mất tất cả tiền bạc vào thị trường.

Cũng theo ông Rolf Dobelli, thì để bảo vệ chính mình trước những bất ngờ tồi tệ trong cuộc sống thì hãy nâng mức kỳ vọng của bản thân vào những thứ mình có thể kiểm soát được như: tình cảm với các thành viên trong gia đình, việc nuôi dạy con cái… Đồng thời hãy hạ thấp kỳ vọng đối với những thứ bạn không thể kiểm soát - chẳng hạn như thị trường chứng khoán.

Những lời khuyên trên rất đáng để cho các nhà đầu tư chứng khoán, tiền ảo suy nghĩ.

M.Tiến - M.Trí
.
.
.