Trao đổi cùng nhà văn Vũ Bình Lục về một nhân vật lịch sử

Thứ Sáu, 18/10/2024, 08:52

Trong cuốn sách “Vừa đi vừa nghĩ” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2024, tác giả Vũ Bình Lục đã bàn rất nhiều đến các tác giả thơ văn cổ điển. Đây là một cuốn sách công phu, có nhiều phát hiện dựa trên những tư liệu mới và những phản biện sắc bén của người nghiên cứu đến độ chín.

Với bài viết dài 3 kì “Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, con người của lịch sử”, chúng tôi thấy khó mà đồng tình với tác giả, mặc dù tác giả có những tư liệu quý hiếm, đồng thời có những lí do riêng để không tin vào chính sử xưa nay và theo tinh thần của Lê Quý Đôn: “Một tài liệu chính sử, cho dù có hoàn hảo đến mấy, cũng không thể hoàn toàn tin theo được” (trang 217 sách “Vừa đi vừa nghĩ”).

bìa cuốn sách vừa đi vừa nghĩ của nhà thơ vũ bình lục.jpg -0
Bìa cuốn sách “Vừa đi vừa nghĩ” của nhà thơ Vũ Bình Lục.

Sở dĩ khó đồng tình với tác giả Vũ Bình Lục, chúng tôi có một số lí do sau đây:

1. Vũ Bình Lục viết: “Theo nghiên cứu của Viện Nhân học Văn hóa, thì Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đã theo kế sách trá hàng, chạy sang hàng ngũ quân Nguyên để trở thành nhà tình báo chiến lược vĩ đại” (tr. 217 sách đã dẫn). Với người làm nghiên cứu thì viết như thế này là quá chung chung, sao có thể tin được cơ chứ? Ai là tác giả của nghiên cứu đó? Nghiên cứu đó công bố ở đâu? Có đáng tin cậy không? Trên cơ sở những tư liệu mới nào? Không thể kiểm chứng được!

2. Việc căn cứ vào bài thơ “Xuất quốc” để đoán định tâm sự và ý chí của Trần Ích Tắc rồi cho rằng ông không đầu hàng giặc mà “trá hàng” cũng chỉ là một cách làm nặng về “suy đoán cảm tính” theo định hướng “trá hàng” nhằm thực hiện nhiệm vụ tình báo. Ở đây, xin dẫn lại trường hợp ông Tôn Thọ Tường làm tay sai cho Pháp chống lại nhân dân và đất nước, cũng dùng thơ để “thanh minh thanh nga” việc làm hèn nhát của mình. Ông ta đã bị cụ Phan Văn Trị vạch rõ bản chất khi họa lại mười bài tự thuật (Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam 1858 - 1930, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1963, trang 60-64).

3. Không có tài liệu đáng tin cậy nào về việc Trần Ích Tắc được “giao nhiệm vụ trá hàng”. Chính tác giả Vũ Bình Lục cũng chỉ dám suy đoán “Có lẽ”: “Có lẽ, lúc bấy giờ thì chỉ có Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Thái sư Thượng tướng Chiêu minh vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh vương Trần Tung biết và theo dõi chuyện này” (trang 221, sách đã dẫn). Như vậy số người biết việc “trá hàng” có đến 5 vị chứ không ít.

4. Việc gia quyến Trần Ích Tắc thoát khỏi sự kiểm soát của nhà Trần đầu hàng quân Nguyên, việc con trai của Trần Ích Tắc 9 tuổi Trần Dục theo cha được quân Nguyên phong làm An Nam Quốc vương về nước, bị đánh đuổi, chạy thoát về phủ Tư Minh có lẽ chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng với tác giả Vũ Bình Lục thì đây là “đã có sự bố trí rất chu đáo, kín kẽ, để bảo vệ con trai Trần Ích Tắc an toàn?”. Chỉ là suy đoán chủ quan của người viết!

5. Trong cuộc chống quân Nguyên -Mông lần thứ 3, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Năm nay đánh giặc nhàn” hoặc “Thế giặc năm nay dễ phá” thiết tưởng không có gì lạ. Bởi vì đây là lần thứ ba quân ta đánh quân Nguyên. Ta đã hiểu rõ địch nên thấy “dễ”, thấy “nhàn”. Thế thôi! Không có một bằng chứng nào cho thấy Trần Ích Tắc đã thông báo kế hoạch của giặc cho Hưng Đạo Vương “qua đường dây giao liên tình báo” như tác giả Vũ Bình Lục suy đoán!

6. Việc Thượng hoàng Trần Thái Tông giải thích “Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy”, theo chúng tôi là thấu tình đạt lí chứ không phải là “giải thích qua quýt cho êm chuyện” như Vũ Bình Lục đánh giá.  Không thể so sánh mức độ “tình thân cốt nhục” của Trần Kiện, Trần Di Ái  so với Trần Ích Tắc. Hơn nữa, một người từng được phong Vương (Chiêu Quốc Vương) mà nay tuy không bị đổi họ xóa tên nhưng bị gọi xách mé, khinh miệt là ả Trần, (trong chế độ trọng nam khinh nữ) như vậy là một bản án nghiêm khắc rồi! Đâu phải vì chuyện “trá hàng”, hay “tình báo, tình beo” như suy luận của Vũ Bình Lục?

7. Cứ coi như đây là việc trá hàng, theo “suy đoán” của Vũ Bình Lục thì có đến 5 người trong triều biết việc này. (Chúng tôi cho là suy đoán vì cái việc tuyệt mật kia không ai được biết mà sao Vũ Bình Lục lại biết? Làm sao Vũ Bình Lục có được danh tính 5 vị biết việc “trá hàng”?)

Cứ coi là như vậy. Thế thì sau khi mọi việc thành công suôn sẻ, không cần bí mật nữa, sao không có ai trong số hậu duệ 5 người lên tiếng để minh oan cho ả Trần Ích Tắc kia, đến nỗi để ông mang tiếng hèn nhát vĩnh viễn theo lời đánh giá của Thượng hoàng Trần Thái Tông?

8. Tác giả Vũ Bình Lục viết về việc không ai thanh minh chiêu tuyết cho Trần Ích Tắc như sau:

“Trên thực tế, dòng họ Trần vốn là từ Phúc Kiến (Mân Việt) di cư sang Đại Việt, cũng chỉ là sự di chuyển từ vùng này sang vùng khác thuộc Giao Châu, tức cũng thuộc quê hương của chính mình.

Nay một bộ phận dân cư nước Đại Việt do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc dẫn đầu, chẳng phải là một cuộc hồi hương hợp tình hợp lí hay sao? Và từ đây, cha con Trần Ích Tắc sẽ mãi mãi ở lại trên quê hương cũ của họ Trần, của người Bách Việt ta, lấy đó để làm chỗ dựa, làm bàn đạp để bí mật đánh phá Nguyên Mông, ngay trên vùng đất chúng đang thống trị người Bách Việt. Cần gì phải “thuyết minh” cho ai nhỉ? Cần gì phải “chiêu tuyết”, phải “minh oan” cho ai nhỉ?” (trang 237 sách đã dẫn). Chỗ này nhà nghiên cứu cẩn thận, nghiêm cẩn đã nhường chỗ cho nhà thơ Vũ Bình Lục mất rồi!

9. Tóm lại, dù bài viết có những thông tin mới dựa trên tài liệu do bà Vũ Khánh Ngọc, du học sinh Việt Nam tại Phúc Kiến tìm thấy và trao cho Giáo sư Trần Đại Sĩ (tr. 229), nhưng những kiến giải và lập luận của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đều mang tính chất “suy đoán” dựa trên một số điều ngẫu nhiên và một số điều nghi vấn! Đúng thế. Chỉ là nghi vấn thôi chứ không có bằng cứ xác thực! Bởi thế mà coi Trần Ích Tắc là nhà tình báo chiến lược xuất sắc cũng chỉ là một giả thuyết chưa đủ sức thuyết phục của  riêng nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục mà thôi!

PGS.TS. Vũ Nho
.
.
.