Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên

Thứ Năm, 27/01/2022, 10:51

Câu chuyện của giới nhân viên văn phòng dịp giáp Tết là gì? Chắc chắn sẽ có người đề cập đến chuyện thưởng Tết. Năm nay công ty thưởng 1 tháng hay 2 tháng lương? Ngoài thưởng Tết ra thì cuối năm có được bồi dưỡng thêm khoản nào không? So kè nhau về chuyện thưởng Tết là điều bình thường với giới văn phòng, nhưng vô cùng lạ lẫm với các vận động viên (VĐV).

Đơn giản là bởi họ chưa bao giờ được trải nghiệm cảm giác cầm trên tay tháng lương thứ 13 hay tiền thưởng Tết.

Không huy chương, không thưởng Tết

"Chúng tôi là vận động viên, không phải nhân viên văn phòng hay công nhân nên đâu có thưởng Tết". Đó là lời chia sẻ thẳng thắn của Lê Thị Hồng Đào, VĐV mang danh kiện tướng quốc gia 5 môn võ thuật của Việt Nam. Kể từ lúc bén duyên với nghiệp thể thao đến giờ đã tròn 15 năm, Đào chưa một lần được nhận thưởng Tết hay tháng lương thứ 13, điều rất đỗi bình thường với những người khác.

Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên -0
Hồng Đào (trái) chưa bao giờ biết đến thưởng Tết hay tháng lương thứ 13

Khi nói về chuyện vận động viên không có tiền thưởng Tết, Đào kể bằng giọng rất bình thường và tự nhiên. Có lẽ sau nhiều năm gắn bó với nghề, những người như Đào dần thấy đó là một phần của công việc họ đã chọn. Họ chấp nhận đó là một phần tất yếu khi dành cuộc đời mình cho thể thao.

Đào cho biết, VĐV chỉ nhận tiền thưởng vào dịp cuối năm nếu tham gia thi đấu ở những giải cấp quốc gia, khu vực và giành được huy chương. 2020 - 2021 là giai đoạn gần như mọi hoạt động đều tạm ngưng vì dịch COVID-19, cộng thêm tuổi tác dần qua thời kỳ đỉnh cao, Đào không còn cơ hội "cày giải" để kiếm huy chương như trước nữa. Tết này, cô chỉ dành dụm được ít tiền mang về quê ăn Tết. Trường hợp của Hồng Đào cũng là chuyện của mọi vận động viên khác. Họ không có thưởng Tết hay tháng lương thứ 13, mà chỉ có thể trông chờ vào tiền thưởng nếu tham dự giải đấu.

Trong giới thể thao, những người hiếm hoi được thưởng tết là cầu thủ bóng đá, bởi môn thể thao vua đã xã hội hóa hơn 20 năm, với các đội bóng dần dần mang hình thái vận hành như một doanh nghiệp. SHB Đà Nẵng và Hà Nội FC là những CLB có chế độ thưởng Tết cho cầu thủ, huấn luyện viên (HLV). Điểm thú vị là họ thưởng Tết theo hình thức cào bằng, mọi ngôi sao ở đội 1 đến những cầu thủ trẻ được hưởng mức thưởng Tết khoảng 10 triệu đồng. Con số này có thể nhỏ với những ngôi sao triệu đô như Quang Hải, nhưng vô cùng lớn với những cậu nhóc bắt đầu theo đuổi bóng đá. Nhìn vào đồng nghiệp ở những môn thể thao khác, hẳn họ cũng cảm thấy mình vô cùng may mắn.

Những người dễ bị tổn thương

Hồng Đào vui vẻ nói về cuộc sống một cách đầy lạc quan, dù từng ở trong tâm dịch COVID-19. TP Hồ Chí Minh hết phong tỏa, cô trở lại tập luyện và sinh hoạt bình thường. Chiến hữu sát cánh cùng cô bao năm qua là chiếc xe máy Wave ngả màu, và Đào cũng không có ý định sắm xe mới đẹp hơn. Một chiếc xe ga đẹp không phù hợp với cuộc sống thực tế, nên Đào nghĩ nhiều về chuyện mưu sinh hàng ngày chứ không nghĩ đến thưởng Tết.

Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên -0
Cầu thủ bóng đá có thể không chịu ảnh hưởng nhiều từ tiền thưởng, nhưng các VĐV bình thường lại khác

2 năm đại dịch COVID-19 tàn phá mọi ngóc ngách của cuộc sống giúp chúng ta nhận ra nhiều điều. Một trong số đó là việc những người có thu nhập trung bình và thấp dễ tổn thương ra sao trước những biến động trong cuộc sống. Một cầu thủ như Quang Hải sẽ không chịu ảnh hưởng quá nhiều nếu không có tiền thưởng Tết hay tháng lương thứ 13, nhưng một VĐV bình thường thì sao? Họ sống thế nào trong 2 năm qua, khi lịch thi đấu bị gián đoạn và không có thành tích mang về cho đoàn mà mình đại diện?

Không phải VĐV nào cũng sở hữu mức thu nhập tiền tỷ. Cuộc sống vất vả bươn chải với miếng cơm manh áo, cùng khoản tiền lương ít ỏi là thực tại mà những VĐV đang phải trải qua. Nói như một VĐV (xin giấu tên) đang tập trung tại đội tuyển, thu nhập của họ bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với ngày xưa nhưng vẫn là thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì thế, cuộc sống vốn đã bấp bênh lại càng khó khăn hơn với họ trong 2 năm qua.

Không phải ngẫu nhiên những giải đấu như SEA Games được các VĐV ngóng chờ. Suy cho cùng, đó là kỳ đại hội thể thao dễ giành huy chương nhất, và dễ quy thưởng bằng tiền nhất với các VĐV. Theo Nghị định 152, một VĐV giành huy chương vàng SEA Games nhận được 45 triệu đồng, cộng thêm 20 triệu đồng nếu phá kỷ lục, chưa kể thêm các khoản thưởng ở địa phương. Một số địa phương như Hải Phòng thì còn thưởng thêm tới 100 triệu đồng cho VĐV giành huy chương vàng; 60 triệu đồng cho người đạt được huy chương đồng.

Mọi người thường đề cập nhiều đến chuyện chế độ của những VĐV dự SEA Games, ASIAD hay Olympic mà quên đó chỉ là số ít người hoạt động trong ngành thể thao. Những VĐV cả đời chưa bao giờ tham dự SEA Games như Hồng Đào mới chiếm phần lớn. Họ xuất hiện ở khắp mọi nơi, tập luyện ở các trung tâm cấp quận, huyện cùng ước mơ một ngày nào đó được lên đội tuyển quốc gia. Làm cách nào để những VĐV như vậy có cuộc sống tốt mới là điều thực sự khó khăn.

Làm thêm để nuôi nghề

Với nhiều VĐV, họ tìm cách trang trải thêm thu nhập nhờ công việc kinh doanh. Đơn giản nhất là đăng hình quảng cáo bán hàng online trên trang cá nhân. Từ những bài đăng bán hàng nhỏ lẻ đó, một vài VĐV như Trương Đình Hoàng đã xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Nhà vô địch WBA Đông Á hiện tại đang khá thành công với sản phẩm cà phê mang tên anh, và tay đấm này thậm chí còn mở kênh bán hàng trực tuyến dành riêng cho cộng đồng người sành uống cà phê.

Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên -0
Những VĐV dự SEA Games và giành huy chương như Ánh Viên chiếm con số rất ít

Những người không mang tư duy kinh doanh nhanh nhạy như Trương Đình Hoàng thì chọn cách làm đúng công việc chuyên môn, thứ mà họ giỏi nhất. Kình ngư Ánh Viên có một trung tâm bơi lội ở TP Hồ Chí Minh, nơi cô thỉnh thoảng lại đến gặp mặt các bạn nhỏ. Võ sĩ Muay Thái Trương Cao Minh Phát mới đây vừa khai trương một phòng tập tại Lâm Đồng. Anh bỏ không ít vốn vào cơ sở này, với mục đích chọn quê nhà làm nơi lập nghiệp trong tương lai xa.

"Làm VĐV không có thưởng Tết, tháng lương thứ 13, thế nên đây là cách để chúng tôi có thêm thu nhập", Phát bộc bạch khi được hỏi về nỗi lo cơm áo gạo tiền. Anh mơ ước mình có thể trở thành một HLV, hoặc nhà quản lý để dẫn dắt các võ sĩ trẻ tuổi sau này. Đó là bước đi đầu tiên hình thành nên những VĐV chuyên nghiệp, những cuộc thượng đài đáng giá triệu đô, điều mà Phát... trong mơ cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Nhìn về phía trước

Trang Facebook cá nhân của những VĐV như Hồng Đào chủ yếu là hình ảnh về cuộc sống thường ngày của cô: Ăn, ngủ và tập luyện. Họ gần như chưa bao giờ đăng bài viết với nội dung bán hàng, vì biết đó không phải thế mạnh của mình. Họ không bao giờ kêu ca hay đòi quyền lợi, bởi họ biết mình không phải trường hợp cá biệt. Quy chế chỉ có thưởng theo thành tích thi đấu chứ không có thưởng Tết, thế nên các VĐV dần chấp nhận nó.

Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên -0
Minh Phát bên cạnh phòng tập trong mơ của mình

Kết thúc năm 2021, khoản tiết kiệm của các VĐV gần như không tăng lên, thậm chí còn giảm đi. Việc không thể thi đấu hay tập luyện thường xuyên, chỉ tập chay khiến họ không có cơ hội cải thiện thu nhập. Trong trường hợp của những người như Đào, cô buộc phải nghĩ dần đến những dự định sau này. Ở tuổi 30, quãng thời gian thi đấu của Đào không còn dài nữa. Việc học lên cao học để làm HLV cho thấy cô gái quê Tây Ninh đã nghĩ đến câu chuyện trong tương lai xa, nơi cô không còn là VĐV. "Hiện tại tôi đang học tiếp lên cao học để chuẩn bị cho tương lai. Có thể sau này tôi sẽ làm một HLV võ thuật, bởi nếu không tiếp tục gắn bó với điều này thì tôi chẳng biết mình có thể làm được điều gì cả", Hồng Đào tâm sự.

Ngày nào còn gắn bó với thể thao cũng như võ thuật, thì Đào vẫn còn chưa biết đến tháng lương thứ 13 và thưởng Tết. Đó là điều được quy định rõ ràng trong văn bản pháp quy, khiến Đào và những VĐV khác đều phải chấp nhận. Điểm đáng ngưỡng mộ nhất trong cuộc sống của VĐV không phải là những tấm huy chương họ giành được, mà là thái độ thản nhiên trước giông bão chực chờ trong cuộc sống.

"Tôi dự định về quê vào ngày 23 Âm lịch. Tôi không về bằng xe khách, mà sẽ tự chạy xe máy về nhà, trên chính chiếc xe tôi vẫn đi hàng ngày", Đào tâm sự. Sau nhiều năm để con gái theo nghiệp thể thao, gia đình Đào hẳn cũng không còn hỏi cô về chuyện tháng lương thứ 13, thưởng Tết hay năm nay dành dụm được bao nhiêu nữa. Thật không hay nếu như cứ hỏi đi hỏi lại một câu mà đã biết trước đáp án.

Đơn Ca
.
.
.