Thực hư cơn sốt đất ở Lộc Ninh, Bình Phước

Thứ Hai, 07/03/2022, 08:24

Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc Công ty địa ốc Nam Khương (có trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã tổ chức sự kiện quảng bá, rao bán đất nền tại ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước...

Sự kiện thu hút hàng trăm người tham gia và nhanh chóng “nóng” lên, bởi theo đại diện Công ty địa ốc Nam Khương thì chỉ trong ít phút đã có nhiều nhà đầu tư đặt cọc hàng chục nền đẹp. Liệu đây có phải là nhu cầu thực sự về nhà ở của người dân hay chỉ là chiêu trò của một nhóm người đầu cơ thổi giá giống như nhiều vụ việc khác đã từng xảy ra ở một số tỉnh, thành?

Nhu cầu thật hay chiêu trò làm giá?

Ngày 20-2-2022, một công ty bất động sản đã cho dựng rạp trên mảnh đất trống rộng 1ha tại ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước để rao bán đất. Thời điểm ấy, thông qua hệ thống âm thanh loại lớn, một số người được cho là nhân viên của công ty bất động sản cứ thao thao bất tuyệt về dự án bất động sản có một không hai được bán với giá “mềm”, một số khác mặc vest, khoác cặp táp, tay cầm hàng xấp giấy (được cho là thông tin dự án) lần lượt lướt qua mặt hàng trăm người khác tham gia với lời quảng bá là “Dự án Lộc Khánh”. Thỉnh thoảng, họ rút điện thoại nói vài câu gì đó rồi chạy đến chỗ hoạt náo viên nhờ thông báo đã có khách hành chốt đặt cọc và chỉ chưa đầy 10 phút sau, họ thông báo trên loa rằng đã có 10 lô đất là số 5, 13, 19, 25, 27... nhận tiền cọc của khách hàng, gây xôn xao(!).

Thực hư cơn sốt đất ở Lộc Ninh, Bình Phước -0
Rạp được dựng lên trong sự kiện bán đất ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh phối hợp với công an huyện và các ban, ngành chức năng cùng chính quyền xã Lộc Khách nhanh chóng vào cuộc để xác minh và bước đầu lập biên bản xử lý về việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự đối với nhóm người môi giới bất động sản dựng rạp rao bán đất nền xảy ra ở xã Lộc Khánh và xác định nhóm người này có dấu hiệu vi phạm Nghị định 16 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Cũng tại thời điểm trên, cơ quan chức năng xác định khu đất hơn 1ha, nơi diễn ra vụ việc do bà Trần Thị T (ngụ khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) mua lại của một người địa phương và đã được tách thửa nhưng không phải là khu dân cư hay dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra, còn xác định Công ty địa ốc Nam Khương ở tỉnh Bình Dương, do ông Vũ Văn Khương làm giám đốc đứng ra làm sự kiện quảng bá rao bán đất.

Trao đối với báo chí, Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, hiện trên địa bàn xã Lộc Khánh chưa có bất cứ một dự án khu dân cư, khu nhà ở thương mại nào được cấp phép, hoàn thành pháp lý và được mở bán. Việc tụ tập đông người và mở sự kiện cũng không được phía công ty bất động sản báo cáo. Xã cũng đã báo cáo lên Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh và nhận được chỉ đạo kiểm tra, xác minh nếu có sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật nhằm tránh xảy ra cơn sốt đất ảo như hồi đầu năm 2021 tại huyện Hớn Quản.

Tại buổi làm việc với các cấp chính quyền địa phương để xem xét mức độ xử lý việc công ty bất động sản thông tin chưa đúng sự thật, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, ông Nguyễn Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh khẳng định: Tại xã Lộc Khánh chưa có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép mở bán. Việc nhóm người của công ty bất động sản giới thiệu là “Dự án Lộc Khánh” để bán đất cho người dân là chưa đúng với thực tế.

Ông Cần, một người dân địa phương cho biết: “Đa số người dân đều bám trụ lâu năm với rừng, sau này thì làm công nhân cạo mủ cao su, thu hái tiêu, điều nên đều có nhà ở. Mấy chủ rẫy thì đất đai bao la, muốn xây bao nhiêu thì xây chứ có thiếu đất đâu mà đi mua dự án. Những người từ nơi khác đến thì thường mua đất ngoài lộ lớn hoặc mặt đường quốc lộ để làm nhà xưởng, cơ sở kinh doanh chứ ai lại bỏ ra một đống tiền để chui vào “cái hóc bò tó” này mua đất giá cao làm gì. Hiếu kỳ thì đổ ra xem thôi chứ thấy nó không thực tế chút nào...”.

Thực hư cơn sốt đất ở Lộc Ninh, Bình Phước -0
Xe cộ từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... nườm nượp đổ về huyện Hớn Quản trong cơn sốt đất đầu năm 2021.

Coi chừng “sập bẫy”

Cách đây chưa lâu, vào đầu năm 2021, khi tỉnh Bình Phước cho khảo sát để lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng (sân bay Tecnic) rộng 500ha tại hai xã Tân Lợi và An Khương, huyện Hớn Quản. Chỉ mới là đề án nhưng vài ngày sau, giới đầu cơ cùng “cò” đã ùn ùn kéo nhau đến mua đất nông nghiệp đang trồng cây cao su, tiêu, điều ở Tân Lợi, An Khương nhằm “đi tắt đón đầu”, tranh thủ “lướt sóng”. Giới đầu cơ cho đàn em tìm đến tất cả những nhà dân có đất rẫy để ngã giá trên dưới 100 triệu đồng/mét ngang và khi chủ rẫy đồng ý bán, họ đặt cọc, photo sổ đất rồi rao bán với giá 300-350 triệu/mét ngang. Thủ thuật của họ là khi vừa rao bán, đám cò lập tức đóng vai người mua ngã giá, nộp tiền đặt cọc rồi cho quay clip tung lên mạng xã hội và một số kênh khác để khoa trương.

Chiều trò này nhanh chóng thu hút số đông người có nhu cầu đầu tư quan tâm tìm đến, khiến khu vực này nóng như chảo lửa. Trong số này, có người cẩn thận tìm đến cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin nhưng cũng có không ít người muốn nhân cơ hội “lướt sóng” đã lùng sục mua bằng được cho mình một khu đất cho dù giá được đẩy lên cao gấp chục lần giá thực.

Trước tình trạng phức tạp do giới đầu cơ liên kết với “cò” đất “thổi” giá tạo ra, bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản lúc đó đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp, lập tức ban hành các văn bản, phát đi cảnh báo và yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát chặt việc sang nhượng đất, trật tự xây dựng tại khu vực này. Ngoài ra, còn khuyến cáo người dân cũng như các nhà đầu tư không để các đối tượng đầu cơ lôi kéo, xúi giục mua bán đất khu vực sân bay Tecnic cũng như vùng lân cận xã An Khương và Tân Lợi nhằm tránh rơi vào “bẫy làm giá”, trục lợi của các đối tượng đầu cơ, còn với người dân nếu bán hết đất sẽ tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo do thiếu đất sản xuất trong tương lai gần.

Mặc dù UBND huyện Hớn Quản đã có cảnh báo kịp thời nhưng dường như đang trong cơn say nên rất nhiều người vẫn không quan tâm và đã dính bẫy. Điển hình như lô đất của ông Ba nằm trên trục đường liên xã An Khương - Tân Lợi trước đó chào bán 1,9 tỷ đồng mãi không ai muốn mua nhưng lúc cơn sốt kéo đến, một nhà đầu tư đã trả giá lên đến 18 tỷ đồng và đặt cọc ngay 2,5 tỷ. Hai ngày sau, khi cánh đầu cơ cùng đám “cò” rút khỏi, cả khu vực vắng lặng như cánh đồng hoang, chỉ thỉnh thoảng có một vài người dân địa phương treo bảng bằng bìa carton nguệch ngoạc vài chữ bán nhà cùng số điện thoại nhưng cũng chỉ là cầu may chứ không hy vọng gì. Trước tình cảnh này, người mua khu đất của ông Ba lập tức đăng bảng giảm giá 30%, rồi sau đó là 50% hòng cắt lỗ lấy tiền trả ngân hàng nhưng cho đến vài ba tháng sau đó cũng không có ai hỏi mua.

Bi kịch nhất có lẽ phải kể đến ông Thắng ở xã An Khương. Trước đó, ông bán một mẫu đất rẫy trồng cao su cho giới đầu cơ, thu được 5 tỷ đồng (cao gấp gần 5 lần giá thực). Ít hôm sau, thấy giá đất cứ tăng vùn vụt, ông quyết định mang số tiền vừa bán đất và mượn sổ đất của người em thế chấp ngân hàng vay thêm 3 tỷ để mua một mẫu đất khác với ý định để vài ngày giá lên rồi bán kiếm thêm mớ tiền. Mua xong vài ngày thì cơn sốt hạ nhiệt nên ông Thắng vừa nhờ “cò”, vừa chạy đôn chạy đáo tìm người sang tay, song cũng chỉ có một người trả giá 2 tỷ đồng.

Thực hư cơn sốt đất ở Lộc Ninh, Bình Phước -0
“Cò” đất chạy lăng xăng tạo sức “nóng” cho sự kiện.

Sau một ngày suy đi tính lại, ông Thắng đành cắn răng bán khu đất và còn phải bán luôn cả căn nhà là nơi định cư của cả gia đình mới đủ tiền trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Mất cả chì lẫn chài nên đang là chủ, vợ chồng, con cái ông Thắng đành phải cúi mặt đi thuê nhà ở và xin vào làm thuê cho một chủ rẫy khác để kiếm sống.

Trở lại với tình hình “sốt” đất ở huyện Lộc Ninh, ông Nguyễn Khang, một người chuyên môi giới đất đai ở địa phương cho biết, khu này vốn là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm do một chủ đất người địa phương bán lại. Cũng do là đất trồng cây lâu năm nên theo quy định thì cứ 400m2 thì được chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng 100m2 thành đất ở nông thôn (có đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất) và lợi dụng chính sách này, người mua sau này đã mang khu đất rộng trên 1ha này tách thành nhiều lô đất có diện tích 400m2/lô. Sau khi tách xong, họ không làm cơ sở hạ tầng, chỉ đóng cọc, cắm mốc phân lô rồi giao cho công ty bất động sản giới thiệu, quảng bá không rõ ràng rồi thổi giá cao gấp 3-4 lần bình thường để bán lại cho người mua.

“Từng nhiều năm làm môi giới đất đai, nhóm anh em chúng tôi đã dắt mối cho rất nhiều người cần mua đất đầu tư trồng cây lâu năm hoặc đất rẫy để đầu tư làm trang trại gặp người cần bán để hưởng hoa hồng chứ chưa thấy trường hợp nào làm dự án nhà ở bởi người dân ở đây phân bố thưa thớt và không có nhu cầu về nhà ở. Cách làm của nhóm người này cũng khá lạ tại địa phương, bởi theo quan sát của nhóm anh em chúng tôi, khi họ quảng bá rồi chốt giá thì người đặt cọc mua nền hình như cũng là người của họ bởi chúng tôi phát hiện có một người trong số đó từng là “cò” đất trong cơn sốt ở Hớn Quản. Hơn nữa, người dân địa phương ai cũng có nhà ở rồi, vả lại mặt bằng thu nhập của bà con ở đây không cao nên chắc chắn không có nhu cầu tham gia mua đất... Tôi nghĩ, không cẩn thận thì vụ này cũng giống như bong bóng đất ở Hớn Quản hồi đầu năm 2021 khiến nhiều người ôm nợ...”, ông Khang chia sẻ.

Đức Cương
.
.
.