Thu Nhi và chuyện dở khóc dở cười của Boxing Việt Nam

Thứ Tư, 20/04/2022, 09:52

Từ vị thế của một nhà vô địch Boxing thế giới, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi gây tranh cãi khi thi đấu SEA Games. Đằng sau lựa chọn không bình thường đó là không ít tranh cãi giữa CLB chủ quản của Nhi, cũng như bộ môn Boxing - Kickboxing thuộc Tổng cục Thể dục thể thao.

Đúng và sai

Chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Thị Thu Nhi đánh bại võ sĩ Nhật Bản Etsuko Tada để giành đai vô địch thế giới WBO, CLB chủ quản của Nhi là Cocky Buffalo nhanh chóng tiết lộ thông tin về trận bảo vệ đai. Theo đó, võ sĩ Việt Nam sẽ thượng đài đấu với một võ sĩ Nhật Bản khác là Yumi Narita.

Trận đấu giữa Thu Nhi và Narita dự kiến diễn ra vào tháng 3-2022 tại Hồ Tràm, TP Vũng Tàu, nhưng cuối cùng nó đã không trở thành hiện thực. Sự kiện do Cocky Buffalo tổ chức được dời sang tháng 4 với tâm điểm là một võ sĩ Việt Nam khác. Trong khi đó, Thu Nhi lại đấu... nghiệp dư ở giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc.

Thu Nhi và chuyện dở khóc dở cười của Boxing Việt Nam -0
Thu Nhi gây tranh cãi vì gác lại trận bảo vệ đai để thi đấu SEA Games

Đáng chú ý hơn, đây không phải lần đầu tiên Thu Nhi gây tranh cãi khi thi đấu Boxing nghiệp dư. Vào hồi cuối năm 2021, cô có tên trong danh sách của đoàn Cần Thơ tham dự giải vô địch Boxing nam - nữ toàn quốc tại Bắc Ninh. Ở giải đấu cuối năm ngoái Thu Nhi không lên đài, nhưng ở lần này cô đã thi đấu như một võ sĩ thực thụ.

"Làm quen lại với những thứ mình từng trải qua", Thu Nhi vui vẻ chia sẻ khoảnh khắc thi đấu tại giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc 2022 trên trang cá nhân. Ở giải đấu này, Nhi nhẹ nhàng giành chiến thắng cách biệt ở tứ kết và bán kết. Đến trận đấu cuối cùng, cô không cần đánh vẫn thắng khi đối thủ có xét nghiệm dương tính với COVID-19 trước ngày thi đấu.

Phía sau chức vô địch nhẹ nhàng của Nhi là không ít sóng gió ập lên nữ võ sĩ 26 tuổi. CLB chủ quản Cocky Buffalo tố cáo Thu Nhi vi phạm hợp đồng khi tự ý trở lại thi đấu Boxing nghiệp dư mà không được cho phép. Ngay sau đó, ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng Bộ môn Boxing - Kickboxing thuộc Tổng cục Thể dục thể thao lên tiếng trấn an dư luận khi nói ông sẽ dàn xếp ổn thỏa mọi khúc mắc.

Thu Nhi và chuyện dở khóc dở cười của Boxing Việt Nam -0
Ngoài lương, Thu Nhi hiện được CLB hỗ trợ rất nhiều để thi đấu nhà nghề

Theo chia sẻ từ Trưởng Bộ môn Boxing - Kickboxing, Thu Nhi vẫn thi đấu ở SEA Games, sau đó trở lại tập luyện Boxing nhà nghề và bảo vệ đai vô địch vào thời gian tới. Tuy nhiên, đó dường như chưa phải phương án giải quyết thỏa đáng cho Cocky Buffalo. Họ phải dời lại lịch tổ chức một sự kiện lớn vì Thu Nhi, đồng thời không biết khi nào võ sĩ của mình mới trở lại tập luyện.

Trong công văn Cocky Buffalo gửi Tổng cục Thể dục thể thao thông báo về chuyện Thu Nhi vi phạm hợp đồng, họ cho biết: Nhi đã không đến CLB tập luyện kể từ khi giành đai WBO thế giới. Ngoài ra, Nhi cũng từ chối tham dự các trận đấu mà Cocky Buffalo đã có kế hoạch từ trước. Việc này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của một võ sĩ đang giữ đai vô địch nhà nghề.

Lợi ích chồng chéo

Theo thông lệ, một võ sĩ chỉ được gọi lên đội tuyển Boxing quốc gia nếu người đó có thành tích cao ở những giải vô địch quốc gia thời gian gần đây. Cho đến trước khi giành HCV giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc, Thu Nhi đã bỏ thi đấu Boxing nghiệp dư nhiều năm. Việc cô được gọi lên đội tuyển quốc gia hồi đầu năm nay thực chất là một dạng đặc cách của Bộ môn Boxing - Kickboxing.

Thu Nhi và chuyện dở khóc dở cười của Boxing Việt Nam -0
Thu Nhi là võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch Boxing thế giới

Ngoài Thu Nhi, đội tuyển Boxing Việt Nam hiện có một trường hợp đặc cách tương tự của võ sĩ Trần Văn Thảo. Vậy đâu là lý do khiến Bộ môn Boxing - Kickboxing phải liên tục gọi những võ sĩ thi đấu nhà nghề như Nhi và Thảo lên đội tuyển? Câu trả lời chính là áp lực thành tích tại SEA Games 31, giải đấu được tổ chức trên sân nhà của chúng ta vào tháng 5 tới.

Ở SEA Games 30 trên đất Philippines, Boxing Việt Nam kết thúc giải đấu với 1 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ. Ngoài Nguyễn Thị Tâm vô địch hạng cân 51kg nữ, các võ sĩ Việt Nam đều tỏ ra lép vế trước đối thủ ở những trận chung kết khi để thua với cách biệt lớn. Khó khăn có vẻ sẽ còn tiếp diễn khi ở giải Thái Lan Mở rộng vừa qua, chúng ta liên tiếp để thua trước những võ sĩ Thái Lan và Philippines.

Ngoài Nguyễn Thị Tâm và Võ Thị Kim Ánh thể hiện tốt ở giải Thái Lan Mở rộng, các võ sĩ Việt Nam cho thấy khoảng cách giữa họ và các tay đấm hàng đầu khu vực vẫn còn rất xa. Nguyễn Văn Đương, Vũ Thành Đạt để thua knock-out chóng vánh, trong khi Trương Đình Hoàng không được đăng ký thi đấu. Khả năng các tay đấm nam mang về HCV SEA Games thực sự là không cao.

Một HLV Boxing có nhiều năm huấn luyện ở cấp độ địa phương lẫn đội tuyển quốc gia thừa nhận nếu xét về mặt thành tích, Boxing nữ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với nam. Đó là lý do Bộ môn Boxing - Kickboxing cần có thêm một lựa chọn chắc ăn bên cạnh Nguyễn Thị Tâm hay Kim Ánh. Trong bối cảnh đó, Thu Nhi với đẳng cấp của nhà vô địch thế giới là một lựa chọn tốt.

Việc bộ môn Boxing - Kickboxing cố giành lấy Thu Nhi để thi đấu SEA Games khiến câu lạc bộ chủ quản của cô không hài lòng. Ở đội tuyển quốc gia hiện có một võ sĩ khác thi đấu cùng hạng cân với Thu Nhi là Trịnh Thị Diễm Kiều. Nếu Nhi được thi đấu SEA Games, đây sẽ là điều bất công cho Kiều, người vừa giành HCĐ tại giải Thái Lan Mở rộng.

Ảnh hưởng đến phong trào Boxing?

"Thu Nhi không nên gác lại sự nghiệp Boxing nhà nghề để trở lại thi đấu nghiệp dư như bây giờ. Trong thể thao lúc nào cũng có người thắng kẻ thua, mọi thứ không thể biết trước. Nhưng ở vị thế của Nhi, nếu em thua ở giải quốc gia, hoặc SEA Games thì lại khác bởi mọi người sẽ nhìn vào đai vô địch thế giới của em. Có ai vô địch thế giới xong lại trở về thi đấu nghiệp dư không?", một HLV nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ.

anh_3-1650423212860.jpg
Thu Nhi có thể trở thành tiền lệ xấu vì áp lực thành tích của các đơn vị

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa Boxing nhà nghề và nghiệp dư là tốc độ của trận đấu. Khác với đấu trường WBO nơi Thu Nhi phải thi đấu 10-12 hiệp mỗi trận, Boxing nghiệp dư chỉ kéo dài trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, tốc độ và những cú ra đòn hoàn toàn khác với cách đánh nặng như ở Boxing nhà nghề.

Nhìn về quá khứ, những võ sĩ Boxing từ nghiệp dư đi lên nhà nghề không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc một người thi đấu nhà nghề, thậm chí vô địch thế giới những vẫn trở lại đấu nghiệp dư như Nhi là điều hết sức bất thường. Họ không chỉ tự làm ảnh hưởng đến lịch thi đấu của mình, mà còn khiến cả câu lạc bộ phải điều chỉnh theo.

Trong trường hợp của Thu Nhi, việc hủy lịch bảo vệ đai WBO không khiến sự nghiệp của cô chịu ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Bởi, theo quy định của WBO, Nhi chỉ mất đai vô địch nếu không thi đấu trong 2 năm liền hoặc từ chối thượng đài 3 lần liên tiếp. Nhưng với câu lạc bộ chủ quản của Thu Nhi là Cocky Buffalo, họ sẽ mất rất nhiều tiền và uy tín khi quản lý một võ sĩ chỉ lo... thi đấu nghiệp dư.

Tại Cocky Buffalo, Thu Nhi hiện là ngôi sao khi có tiền lương tập, được CLB hỗ trợ thuê chỗ ở, đồng thời có HLV kèm cặp trực tiếp. Đây là ước mơ với bất cứ võ sĩ Việt Nam nào muốn thi đấu nhà nghề, nhưng Thu Nhi lại bỏ qua nó để trở lại đấu trường nghiệp dư. Nhưng liệu cô có thực sự toàn tâm toàn ý khi chọn trở lại với Boxing nghiệp dư khi nuôi ý định tranh tài ở SEA Games?

Vì sao Thu Nhi đấu nghiệp dư?

Vào thời điểm Thu Nhi giành đai vô địch WBO thế giới, tất cả đều ngỡ ngàng khi biết mức lương cô nhận được từ Cocky Buffalo là 8 triệu đồng/tháng. Trong thời gian TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa vì dịch COVID-19, Thu Nhi và nhiều đồng nghiệp bị cắt 2 tháng lương. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến cô quyết định trở lại thi đấu Boxing nghiệp dư, nơi nhà vô địch SEA Games được thưởng ít nhất 150 triệu đồng cho tấm HCV.

Ngoài tiền thưởng từ SEA Games, Thu Nhi còn được hưởng mức đãi ngộ cao khi nhận lời về đầu quân cho đoàn Cần Thơ. Đơn vị này trải thảm đỏ mời Thu Nhi về với mức lương không hề nhỏ, với điều kiện cô đảm bảo thành tích cho Cần Thơ ở những giải vô địch quốc gia. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến Nhi quyết định tạm gác lại kế hoạch bảo vệ đai vô địch nhà nghề để thi đấu giải các đội mạnh toàn quốc vừa qua.

Mức lương 8 triệu đồng/tháng Thu Nhi nhận được từ Cocky Buffalo liệu có phải con số quá thấp? Trên thực tế, võ sĩ thuộc biên chế trên các tỉnh thành khắp cả nước đang hưởng mức lương khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Họ phải kiếm thêm thu nhập bằng nhiều công việc khác nhau, hoặc cố gắng thi đấu lấy thành tích cao ở những giải đấu lớn. Tuy nhiên các giải này chỉ diễn ra 1-2 lần mỗi năm và không phải lúc nào cũng có tiền thưởng.

Trên thực tế, khoản lương cứng Thu Nhi nhận về từ Cocky Buffalo chưa bao gồm tiền ăn, sinh hoạt phí, và cả tiền thuê nhà CLB hỗ trợ cho cô. Nếu tính cả đến những khoản chi phí đó, số tiền Cocky Buffalo bỏ ra cho Thu Nhi hàng tháng không ít.

Đơn Ca
.
.
.