Thể thao Việt Nam: Sau Nguyễn Xuân Son là ai?

Thứ Năm, 02/01/2025, 21:46

Cơn sốt mang tên Nguyễn Xuân Son có thể không đơn thuần chỉ là hiệu ứng nhất thời, khi dòng người lao động quốc tế đến Việt Nam làm việc ngày càng lớn. Không ít cá nhân trong số đó đã quyết định ở lại Việt Nam định cư, đồng thời xin quốc tịch Việt Nam cho con của họ.

Từ một trào lưu

Trong thời kỳ hoàng kim của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam V.League, các đội bóng không chỉ so bì nhau về chất lượng ngoại binh. Điều thực sự làm nên khác biệt giữa các CLB là số lượng cầu thủ nhập tịch. V.League thời đó không giới hạn số cầu thủ nhập tịch thi đấu, thậm chí tính họ như nội binh, nên một số CLB còn ra sân với 5-6 "Tây".

anh1.jpg -0
Xuân Son là minh chứng tiêu biểu cho một cầu thủ nhập tịch thành công trên nhiều phương diện.

Một vài cầu thủ nhập tịch ở thời điểm ấy thậm chí còn được gọi lên đội tuyển quốc gia. Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max là những ví dụ như thế. Vì một số lý do khách quan, họ chỉ xuất hiện tại một số trận giao hữu, với thời gian thi đấu còn hạn chế.

Cầu thủ nhập tịch từng là đề tài gây tranh cãi của bóng đá Việt Nam. Họ có thực sự nghiêm túc với ý định khoác áo đội tuyển quốc gia hay không? Nếu không thi đấu nữa, những cầu thủ này còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam hay trở về "nguyên quán" của họ? Quan trọng hơn, họ muốn nhập tịch và lên tuyển vì yêu mến Việt Nam, hay chỉ vì cơ hội kiếm tiền?

15 năm trước, kế hoạch nhập tịch cầu thủ không có gốc Việt lên đội tuyển quốc gia của bóng đá Việt Nam sớm chững lại. Tuy nhiên, xu hướng đón nhận cầu thủ Việt kiều hồi hương vẫn còn đó. Từ bóng đá, VĐV Việt kiều dần xuất hiện ở các đội tuyển thể thao như quần vợt, bơi và bóng rổ.

Ở mỗi kỳ SEA Games, Việt Nam lại xuất hiện một số VĐV Việt kiều trở về thi đấu. Nổi bật trong số đó là hai chị em sinh đôi Trương Thảo My và Trương Thảo Vy. Họ trở thành nhân tố chính giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu giành Huy chương Vàng ở một kỳ SEA Games từ trước đến nay.

Thảo My và Thảo Vy có thể không nói trôi chảy tiếng Việt, nhưng họ thực sự yêu mến Việt Nam, muốn cống hiến cho quê hương xứ sở. Đó cũng là tinh thần được thể hiện bởi hai chị em VĐV quần vợt Demi Trần và Lian Trần. Họ giúp xu hướng "mở" với VĐV Việt kiều gần như không còn giới hạn hay rào cản nào đáng kể nữa.

Sau khi gặt hái thành công cùng nhiều lứa VĐV Việt kiều hồi hương trong 15 năm qua, thể thao Việt Nam dường như đã sẵn sàng cho một làn sóng mới. Đó là những VĐV nước ngoài hoàn toàn không có gốc Việt, nhưng đã làm việc, cư trú ở Việt Nam nhiều năm. Nguyễn Xuân Son là một trong những trường hợp điển hình cho làn sóng này.

Trước thời điểm ra sân ở ASEAN Cup, Xuân Son có 5 năm chơi bóng tại Việt Nam. Nguyện vọng nhập tịch và cống hiến cho đội tuyển quốc gia của anh là có thật. Chân sút 27 tuổi đã thực sự "đổi đời" từ ngày anh đến Việt Nam. Vì thế, việc anh muốn nâng tầm sự nghiệp và cống hiến trong màu áo đội tuyển quốc gia cũng là điều có lý.

 Thế giới, Đông Nam Á và Việt Nam

Tại EURO 2008, Tây Ban Nha lên ngôi vô địch nhờ sở hữu dàn tiền vệ tài hoa. Nhưng người mang đến sự chắc chắn và độ cân bằng cho Xavi, Iniesta, Fabregas lại là một cầu thủ nhập tịch: Marcos Senna. Tiền vệ này sinh ra và lớn lên tại Brazil. Anh nhận quốc tịch Tây Ban Nha đầu năm 2006, khi bước sang tuổi 30 và có 4 năm chơi bóng tại châu Âu.

Tương tự Marcos Senna, nhiều cầu thủ Brazil khác như Pepe, Diego Costa, Deco cũng chọn khoác áo các đội tuyển châu Âu thay vì quê hương mình. Ngay cả một đội tuyển "khó tính" như Đức cũng dùng cầu thủ nhập tịch. Đó là trường hợp của Gerald Asamoah, tiền đạo da màu thi đấu tại World Cup 2006, giải đấu Đức đăng cai tổ chức.

Gerald Asamoah sinh ra tại Ghana, có bố mẹ đều là người Ghana. Anh cùng gia đình chuyển đến Đức sinh sống khi cầu thủ này mới 12 tuổi. Mặc dù Gerald Asamoah không có nguồn gốc là người Đức, anh thực sự là sản phẩm từ hệ thống đào tạo của bóng đá Đức. Vì thế, anh được xem như một người Đức thực thụ và có cơ hội lên tuyển quốc gia thi đấu.

anh4.jpg -2
Joseph Schooling là hậu duệ của dòng người Á - Âu đến Singapore định cư nhiều năm trước.

Xét trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á nói chung, nhập tịch VĐV có nguồn gốc nước ngoài không phải điều quá hiếm gặp. Singapore từng giành HCB Olympic bóng bàn với các thành viên là cựu tuyển thủ Trung Quốc. Nhà vô địch Thế vận hội Joseph Schooling của Singapore cũng có gốc gác pha trộn giữa Malaysia, Anh và Bồ Đào Nha.

Một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, hay Malaysia là điểm giao thoa giữa dòng người Á - Âu. Vì thế, nơi đây không chỉ đơn thuần được xem như vùng đất giao thoa văn hóa. Đó cũng là nơi chứng kiến dòng người từ châu Âu, Trung Đông đến châu Á từ nhiều thế kỷ trước.

Theo thời gian, Singapore giờ đây trở thành nơi đón nhận công dân từ khắp thế giới đến làm việc. Nhiều người trong số họ là người Âu Mỹ. Họ đã định cư lâu dài, đồng thời nhập quốc tịch Singapore. Vì thế, một số đội tuyển thể thao Singapore gần đây xuất hiện cả những vận động viên tóc vàng, mắt xanh, có thể chất như VĐV châu Âu.

Xu hướng di cư quốc tế đã dần xuất hiện ở Việt Nam. Những cộng đồng người nước ngoài làm việc lâu năm dần xuất hiện, với số lượng ngày một lớn. Không ít người trong số đó thậm chí quyết định nhập tịch Việt Nam, và đến giờ vẫn sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos là những ví dụ tiêu biểu.

Định nghĩa về "người Việt Nam" bây giờ không chỉ đơn thuần khoanh vùng trong phạm vi 55 dân tộc nữa. Đó có thể là những người nước ngoài, hoàn toàn không có nguồn gốc Việt Nam nhưng đến Việt Nam làm việc và nhập tịch. Họ có thể kết hôn với người Việt Nam hoặc những người nước ngoài khác rồi sinh con ở Việt Nam.

Nhiều cô cậu bé, nếu xét về mặt di truyền, hoàn toàn không phải người Việt, nhưng lớn lên tại Việt Nam và dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Không ít VĐV trẻ tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những người như thế. Họ là một phần trong nguồn nhân lực giúp Việt Nam phát triển, không chỉ đơn thuần ở ngành thể thao.

Quy định và niềm tự hào

Luật pháp hiện tại của Việt Nam có quy định rõ ràng về những trường hợp được nhận quốc tịch. Bên cạnh những người đã làm việc ở Việt Nam từ 5 năm trở lên, một trường hợp khác được quy định là người có năng lực đặc biệt về lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, ở hạng mục thể thao, không phải mọi VĐV nhập tịch đều rộng đường lên đội tuyển quốc gia.

anh2.jpg -1
Sự hòa nhập nhanh của Xuân Son là điều ngoài kỳ vọng.

Trong trường hợp của Nguyễn Xuân Son, cầu thủ này đã bày tỏ nguyện vọng nhập tịch Việt Nam để thi đấu quốc tế từ 2 năm trước. 2 năm qua cũng là khoảng thời gian Xuân Son được thử thách về trình độ chuyên môn, cũng như khả năng hòa nhập với các đồng đội Việt Nam. Giống Nguyễn Filip, Xuân Son cũng học tiếng Việt ở một mức độ nhất định.

"Tôi không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng tôi đã ở Việt Nam làm việc 5 năm. Vì thế tôi yêu đất nước này và muốn cống hiến cho Việt Nam". Đó là điều Xuân Son dõng dạc nói trước hậu vệ Myanmar khi đối thủ nói anh "không phải người Việt Nam". Anh cũng tự tin thi đấu tại Singapore khi bị khán giả đối phương la ó, chê bai về nguồn gốc.

Xuân Son nghiêm túc hơn bất cứ ai trong quyết định nhận quốc tịch Việt Nam và thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Vì thế, bản thân anh xứng đáng được khán giả Việt Nam yêu mến, bảo vệ trước mọi chỉ trích. Anh cũng có thể trở thành hình mẫu cho nhiều VĐV khác. Xuất thân của họ có thể không phải người Việt, nhưng gắn bó với Việt Nam như một cái duyên và muốn cống hiến cho nơi này.

Khoảng lặng của Phan Văn Santos

Hơn 2 thập niên trước, Fabio Santos là một trong những ngoại binh đầu tiên đến Việt Nam thi đấu ở kỷ nguyên V.League. Thủ môn này gây ấn tượng mạnh nhờ thể hình cao lớn, cũng như kỹ năng xử lý bóng bằng chân ấn tượng. Rất lâu trước khi bóng đá thế giới yêu cầu thủ môn phải biết chơi chân, Santos đã là chuyên gia đá phạt ở V.League.

Vào thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu cho phép cầu thủ nhập tịch và lên tuyển quốc gia, Santos cũng không nằm ngoài xu thế đó. Anh nhận quốc tịch Việt Nam, đổi tên thành Phan Văn Santos. Thủ môn này thậm chí có vinh dự được gọi lên tuyển thi đấu với đội Olympic Brazil.

Cơ hội đối đầu với đội tuyển cố hương tưởng như là vinh dự, nhưng cuối cùng lại trở thành bi kịch với cá nhân Phan Văn Santos. Camera trận đấu ghi lại cảnh thủ môn này im lặng khi quốc ca Việt Nam vang lên, nhưng anh lại hát quốc ca Brazil rất rõ. Đó cũng là sự cố khiến Santos, và nhiều cầu thủ nhập tịch khác không thể lên tuyển Việt Nam.

Trước đây, từng có thông tin cho thấy Santos khẳng định anh sẽ không ở lại Việt Nam, không giữ quốc tịch Việt Nam sau khi nghỉ thi đấu. Nhưng cuối cùng, cái duyên với Việt Nam vẫn khiến Santos không thể rời xa nơi này. Nhiều năm sau ngày giải nghệ, Santos vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam dạy bóng đá tại các trung tâm cộng đồng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn từ nhiều năm trước, Santos cho biết gia đình anh hiện sống ở Brazil. Nhưng vì kế sinh nhai, thủ môn này không thể hồi hương. Thay vào đó, Santos chấp nhận tiếp tục sống ở Việt Nam vì nơi đây anh có quốc tịch, đồng thời có cơ hội kiếm các khoản thu nhập tốt hơn thay vì trở lại Brazil.

Đơn Ca
.
.
.