Thấy gì từ các show “Anh trai…”

Thứ Hai, 30/12/2024, 15:17

Nửa cuối năm 2024, concert “Anh trai say hi” (ATSH) và “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) tạo hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt. Chỉ trong 4 tháng cuối năm, 5 concert được tổ chức, mỗi đêm diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả. Hiệu ứng của các sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam.

Những con số “gây sốt”

Theo công bố của đơn vị sản xuất, hai concert của chương trình ATSH diễn ra ngày 7/12 và ngày 9/12 tại Hà Nội thu hút 90.000 khán giả (số liệu của đơn vị bán vé). Giá vé của concert này dao động từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy hạng vé. Tuy nhiên, số liệu này vấp phải tranh luận. Nhiều khán giả cho rằng con số trên là khó có được với một concert ở sân vận động Mỹ Đình. Bởi cũng tại địa điểm này cách đây hơn 1 năm, concert của BlackPink gần như lấp kín sân và hai tầng khán đài nhưng lượng khán giả cũng chỉ khoảng hơn 33.000. Do đó, con số hơn 40.000 khán giả/đêm với concert ATSH được cho là không thực tế.

các nghệ sĩ biểu diễn tại concert anh trai vượt ngàn chông gai.jpg -0
Các nghệ sĩ biểu diễn tại concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”.

Trước đó, nhà sản xuất ATSH cũng bị chỉ trích là “phông bạt” khi công bố có 78.000 người xem trực tiếp tại hai đêm nhạc ở TP.Hồ Chí Minh. Con số này khiến nhiều người hoài nghi khi tương đương số khán giả trung bình mỗi đêm diễn trong chuyến lưu diễn The Eras Tour của Taylor Swift, đông hơn số vé bán ra trong các đêm diễn Born Pink của nhóm Black Pink tại Thái Lan (85.000 người), Malaysia (63.000 người), Indonesia (50.000 người)...

Trong khi đó 2 concert của ATVNCG có 130.000 người đổ về địa điểm tổ chức (số liệu được đo lường bằng hệ thống FootFall). Lưu ý, đây không hẳn là tổng số khán giả đã bỏ tiền mua vé xem show. Trước đó, concert 1 diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh có khoảng 20.000 khán giả. Giá vé của concert này dao động từ 300.000 đồng đến 8 triệu đồng tùy hạng vé. Đây được cho là hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt. Bởi trước đó, khán giả của live show, concert quy tụ nhiều nghệ sĩ chỉ thường quanh quẩn mức khoảng 5.000, cao lắm khoảng 10.000 người.

Dựa theo giá vé trung bình, ước tính mỗi concert, nhà sản xuất thu về ít nhất hơn 100 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ nhà tài trợ. Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch ngày 18/12, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thông tin, chương trình ATVNCG ghi nhận doanh thu hơn 340 tỷ đồng. Con số này xô đổ kỷ lục của nhóm nhạc BlackPink tại Sân vận động Mỹ Đình hồi tháng 7/2023 (với khoảng 67.000 khán giả, doanh thu hơn 13 triệu USD (khoảng 333 tỷ đồng).

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, thành công của concert ATSH, ATVNCG là tín hiệu bất ngờ, đáng mừng đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp biểu diễn và âm nhạc. Chung sự kỳ vọng, đạo diễn Minh Vy bày tỏ: “Đây là tín hiệu vui để các anh em nghệ sĩ vừa có sân chơi, vừa có nơi để đầu tư chất xám, cùng hỗ trợ nhau giới thiệu đến khán giả những sản phẩm, tiết mục hấp dẫn. Càng ngày, các tiết mục biểu diễn, dàn dựng chương trình, sân khấu càng được đầu tư chuyên nghiệp. Tôi rất ủng hộ và mong đây sẽ là thành công khởi đầu trong việc kéo khán giả trở lại với show ca nhạc”, nam đạo diễn bày tỏ.

Không dừng lại, trên khắp các trang báo, nền tảng mạng xã hội, từ khóa liên quan đến hai chương trình trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trong năm qua. Theo thống kê mới nhất của Google Vietnam, ATSH và ATVNCG là 2 từ khóa đứng đầu bảng trong top 10 concert được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024, vượt qua tour diễn vòng quanh thế giới “The Eras Tour” (doanh thu hơn 2 tỷ USD) của Taylor Swift.

Khi khán giả Việt chịu chi, nhà sản xuất chịu chơi

Concert ATSH, ATVNCG còn mở ra nguồn doanh thu béo bở với các hoạt động, dịch vụ ăn theo như: vận tải, lưu trú, ẩm thực… Theo một báo cáo từ Live Nation, các thành phố tổ chức concert lớn thường ghi nhận mức tăng trưởng tiêu dùng 20-30% trong thời gian diễn ra sự kiện. Tại một tọa đàm thuộc khuôn khổ Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam, bà Nguyễn Trần Tâm Hà - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành du lịch tăng từ 30 - 40% trong mùa diễn ra các lễ hội văn hóa có kết hợp với sự kiện âm nhạc”.

Hiện, chưa có con số thống kê doanh thu cụ thể về mức tiêu dùng của fan Việt khi xem show Anh trai, nhưng hiện tượng cháy phòng khách sạn, những người làm dịch vụ trang điểm, trông xe… hoạt động hết công suất trong những ngày diễn ra concert cho thấy thị trường tiềm năng từ ngành công nghiệp này. Theo ghi nhận, 1 tháng trước khi diễn ra concert ATSH, ATVNCG các phòng khách sạn tại khu vực gần địa điểm tổ chức đã rơi vào tình trạng “cháy phòng”.

khâu tổ chức, tiếp đón khán giả, âm thanh chất lượng kém... là những yếu tố gây tranh cãi trong concert anh trai.jpg -1
Khâu tổ chức, tiếp đón khán giả, âm thanh chất lượng kém... là những yếu tố gây tranh cãi trong các concert “Anh trai”.

Trước đó, khán giả Việt còn không ngại chi tiền cho thần tượng - điều trước nay chỉ có với các sao Hàn Quốc, US-UK… Cụ thể, các fan đã kêu gọi nhau ủng hộ để chạy dự án photobooth/ foodtruck với rất nhiều quà tặng và standee, mascott rình rang để phủ sóng hình ảnh nghệ sĩ phía bên ngoài concert. Họ cũng không tiếc tiền mua quảng cáo màn hình LED ở các địa điểm đắt đỏ bậc nhất như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Sky Led Thủ Thiêm, Vincom Bà Triệu, thậm chí là tận… Times Square ở NewYork. Tổng chi phí cho sự kiện này tốn hàng trăm triệu đồng.

Đáp lại tình cảm của khán giả, các đơn vị tổ chức cho thấy sự đầu tư tất tay trong khâu sản xuất, dàn dựng, mở ra những tiêu chuẩn mới cho giới làm show tại Việt Nam. Từ quy mô khán giả cho đến sự đầu tư vào cơ sở vật chất, sân khấu khủng, dàn dựng mãn nhãn, các màn tương tác, giao lưu với khán giả đều tạo những điểm nhấn thú vị xen giữa các màn trình diễn.

Nhà sản xuất không tiết lộ kinh phí cụ thể, nhưng nhìn vào dàn thiết bị, sân khấu đủ cho thấy số tiền họ bỏ ra cho mỗi concert cũng ngốn hàng tỷ đồng.  Đơn cử, sân khấu concert ATSH tại Hà Nội có chiều cao khoảng 32m với tổng diện tích Led lên tới 1.200m2, màn hình chính ở giữa là Led lưới với diện tích gần 600m2.Với concert 2 ATVNCG tại Hưng Yên, thiết kế sân khấu, hệ thống ánh sáng, bối cảnh, kỹ xảo 3D được đầu tư hoành tráng. Ngoài sân khấu chính rộng tới 70m, còn có sân khấu phụ ở phía trước kèm theo bàn nâng có thể di chuyển. 11 đèn Led lớn được bố trí khắp các góc giúp khán giả ở khu vực nào cũng có thể dễ dàng theo dõi chương trình. Nếu trước đây sân khấu thường mang tính chất trình diễn đơn lẻ, bây giờ công nghệ tiệm cận thế giới đã biến các tiết mục trên sân khấu thành một câu chuyện liền mạch, được dàn dựng công phu với ý tưởng rõ ràng, xuyên suốt. Tất cả tạo nên không khí sục sôi của một lễ hội âm nhạc.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không nhiều đơn vị đủ tiềm lực tổ chức concert quy mô 30.000-40.000 người. Trong khi đó, sự kiện quy mô lớn như vậy đòi hỏi cơ sở vật chất, năng lực kinh tế, trình độ tổ chức, trang thiết bị điện tử, đội ngũ nhân sự... khác nhau.

Cần có chiến lược để đi đường dài

Hiệu ứng truyền thông, kinh tế mà hai concert Anh trai mang lại là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng: Các concert này có đánh dấu bước ngoặt hay mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc hay không? thì giới chuyên môn vẫn còn nhiều băn khoăn.

pgs.ts bùi hoài sơn - ủy viên thường trực ủy ban văn hóa, giáo dục của quốc hội .jpeg -2
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Để phát triển ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc, các nhà tổ chức vẫn cần phải khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đó là hạ tầng phục vụ biểu diễn cho các chương trình với quy mô lớn còn thiếu. Hiện nay ngoài sân vận động, Ban Tổ chức thường tận dụng các khoảng đất trống rộng rãi để tổ chức đêm nhạc. Như trong concert ATVNCG, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, hệ thống cơ khí chuyển động cho sân khấu trình diễn âm nhạc đỉnh cao vẫn là những điểm yếu. Trong khâu tổ chức, với số lượng người xem đông nhưng Ban Tổ chức chưa bố trí hợp lý, khoa học cổng đón tiếp dẫn tới tình trạng ùn tắc, lộn xộn. Như tại các concert ATSH, không ít khán giả còn ngất xỉu do trải qua thời gian dài chờ đợi hoặc điều kiện sức khỏe không ổn định.

“Hiện tại chúng ta vẫn chưa có đầy đủ con số, dữ liệu và những tác động cụ thể từ các concert trên. Hơn nữa, việc thị trường có nối tiếp được đà sôi động như vậy hay không, các đơn vị tổ chức có duy trì được lượng khán giả hay không vẫn phải cần thời gian. Để thành tích này không chỉ mang tính xu hướng thức thời, mùa vụ, chúng ta vẫn cần chiến lược dài hơi, đồng bộ từ chính các đơn vị tổ chức đến chính sách của nhà nước”, chuyên gia truyền thông Chang Trần nhận định.

Ở góc độ tổ chức, đạo diễn Minh Vy cho rằng, để duy trì sức hút ở mùa sau, sự kiện sau, các chương trình phải có một chỗ đứng trong lòng khán giả. Điều đó phụ thuộc ở chiến thuật đầu tư, sản xuất, quảng bá của mỗi nhà sản xuất và ê kíp. Thế nhưng, để chương trình “sống khỏe” và đủ tiềm lực kinh tế, đơn vị tổ chức vẫn phải chinh phục được sự đồng hành của nhà tài trợ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn. Những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.

Việc cải thiện thủ tục hành chính, cấp phép tổ chức sự kiện và chính sách bảo hộ quyền lợi của nghệ sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rào cản cho các ê kíp tổ chức.

Ngành công nghiệp biểu diễn cần có thêm những chương trình đào tạo bài bản cho các nhà sản xuất, kỹ thuật viên và đội ngũ quản lý sự kiện. Việc hợp tác với các chuyên gia quốc tế cũng là giải pháp thiết thực, giúp Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn toàn cầu”.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: đến năm 2030 phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD.

Thảo Dung
.
.
.