Tác giả và nhân vật của “Em bé Napalm”: Cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội

Thứ Ba, 08/11/2022, 09:26

Bức ảnh “Em bé Napalm” – tác phẩm mang về cho tác giả - nhà báo Nick Út giải Pulitzer danh giá năm 1972, một giải thưởng luôn là niềm mơ ước của các phóng viên ảnh trên thế giới. Ngay khi được đăng tải, tác phẩm đã gây chấn động thế giới, thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Sau nửa thế kỷ, khi tác giả và nhân vật chính của bức ảnh – bà Kim Phúc có cuộc hội ngộ đầu tiên tại Hà Nội, ý nghĩa của tác phẩm và câu chuyện đầy tính nhân văn của người làm báo đằng sau tác phẩm này vẫn đầy tính thời sự.

50 năm là một khoảng thời gian đủ dài khiến con người có thể quên đi rất nhiều thứ nhưng chưa thể xóa được những ký ức khủng khiếp về chiến tranh tại Việt Nam của nhà báo Nick Út. Trò chuyện với chúng tôi trong chuyến về Việt Nam lần này, Nick Út nói, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn không thích xem phim chiến tranh. Rất nhiều đêm ông vùng chạy khỏi giường vì ác mộng, phải mất gần chục phút sau mới nhớ ra chiến tranh đã kết thúc từ lâu và mình đang sống trên đất Mỹ.

Tác giả và nhân vật của “Em bé Napalm”: Cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội -0
Tác phẩm “Em bé Napalm” chấn động dư luận thế giới năm 1972.

Nick Út tên đầy đủ là Huỳnh Công Út. Thời điểm chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, ông 21 tuổi, đang làm phóng viên cho hãng thông tấn AP. Nick Út cho biết, vào ngày 8/6/1972, ông cùng nhiều nhà báo có mặt tại khu vực Trảng Bàng, Tây Ninh. Thấy hàng ngàn đồng bào chạy vào rừng để tránh bom từ sớm nên khi thấy 2 chiếc phi cơ thả bom, ông không nghĩ khu vực này còn người ở đó, nhưng từ trong đám khói lại có rất nhiều đồng bào chạy ra.

“Quang cảnh rất thảm thương. Có người còn ẵm trên tay trẻ em đã chết. Chụp xong bức ảnh này, tôi định đi về thì thấy một đám trẻ chạy ra tiếp, trong đó có một bé gái không mặc quần áo, cánh tay và lưng còn bốc khói nên chụp ngay. Sau đó tôi vội tháo các máy ảnh xuống, lấy bi đông nước tưới lên người cô bé. Lúc ấy cánh báo chí và lính Việt Nam Cộng hòa đã bỏ đi hết. Tôi ẵm cô bé lên xe. Cùng ngồi trên xe còn có nhiều trẻ em khác. Tất cả đều khóc. Kim Phúc cũng khóc, nói với anh trai là chắc cô sẽ chết. Tôi rất lo cho Kim Phúc vì da cháy tuột cả lưng cô bé. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, xe chạy đến bệnh viện địa phương tại Củ Chi. Tại đây có nhiều y bác sĩ và nhiều người dân bị thương. Một nữ bác sĩ nói với tôi, chắc chắn Kim Phúc không sống được. Ở bệnh viện này không có đủ thuốc men và đề nghị tôi chuyển cô bé về bệnh viện Nhi Đồng. Nếu muốn đến bệnh viện này thì phải mất gần 2h chạy xe. Như thế Kim Phúc không chịu nổi. Sau 3 lần thuyết phục bác sĩ không được, tôi giơ thẻ nhà báo và nói tôi làm cho hãng AP. Nếu bệnh viện không chữa cho cô bé thì ngay ngày mai, hình ảnh này sẽ được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo lớn. Lúc ấy họ mới chịu mang cáng ra”, nhà báo Nick Út kể.

Tác giả và nhân vật của “Em bé Napalm”: Cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội -0
Nick Út và bà Kim Phúc cùng bức hình “Em bé Napalm” trước Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Yên tâm là cô bé được chữa trị, Nick Út trở về cơ quan ở Sài Gòn và lao ngay vào phòng tráng phim. “Khi in tấm hình, từ Giám đốc đến các nhân viên của AP đều sững sờ, muốn gửi ngay về bên Mỹ. Trụ sở AP tại New York nhận được bức ảnh đã gọi ngay về văn phòng ở Sài Gòn, thông báo đây là hình ảnh tốt nhất về chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó, nhiều đài truyền hình, báo chí trên thế giới đều hỏi để sử dụng bức hình này. Bức ảnh gây chấn động dư luận nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam.

Tại Sài Gòn và nhiều quốc gia trong đó có nước Mỹ khi ấy đã có hàng loạt cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam. Khi biết tác phẩm đoạt giải Pulitzer, chính quyền miền Nam không muốn cho tôi đi nhận giải, gây khó khăn vì cho là tôi chụp bức ảnh để ủng hộ Việt Cộng. Tổng thống Nixon nghi ngờ tính chân thực của bức ảnh, nói Kim Phúc bị bỏng do dầu ăn, không phải do bom Napalm. Tôi rất tức giận. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNN lúc đó, tôi nói họ hoàn toàn có thể kiểm chứng vì nhân vật vẫn còn sống. Tôi không cần biện minh vì lúc tôi chụp hình Kim Phúc còn có mười mấy đài truyền hình, báo chí khác cũng ở đó. Về việc đi nhận giải thưởng, tôi có nhờ người bạn là ông Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn thuyết phục ông Nguyễn Văn Thiệu và nói là nếu không cho tôi đi nhận giải thưởng thì sẽ có ảnh hưởng không tốt với thế giới. 24h sau thì tôi thuận lợi lên đường”, Nick Út chia sẻ.

Theo nhà báo Nick Út, “Em bé Napalm” mang lại vinh dự nhưng cũng kéo theo không ít phiền toái sau đó. Nick Út cho rằng, vì bức hình, ông bị chính quyền miền Nam lúc đó truy sát vì cho rằng ông chụp và công bố bức ảnh nhằm ủng hộ Việt Cộng. Sau này qua Mỹ, một số người Việt cũng nói ông là Việt Cộng nhưng ông chỉ cười. Vì lúc chụp bức ảnh, ông làm nhiệm vụ của phóng viên hãng thông tấn AP, không đứng về bên nào, chỉ phản ánh sự thật. Ông rất vui vì rất nhiều năm sau đó, những người xem bức hình đã không thể quên được nó. Nick Út từng gặp nhiều cựu chiến Mỹ, họ nói họ rất cảm ơn ông về bức hình và họ sống được là nhờ bức hình này. Nhiều người cũng cho rằng, bức ảnh “Em bé Napalm” đã góp phần thúc đẩy chiến tranh tại Việt Nam kết thúc sớm hơn.

Tác giả và nhân vật của “Em bé Napalm”: Cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội -0
Nhà báo Nick Út và bà Kim Phúc hội ngộ tại sự kiện “ Nick Út – Em bé Napalm: Gặp gỡ 50 năm (1972-2022)” tại Hà Nội.

Sau rất nhiều năm, thông điệp từ bức ảnh vẫn đầy tính thời sự. Các cuộc chiến tranh tại Iraq hay mới nhất là tại Ukraine, “Em bé Napalm” vẫn được sử dụng trong các sự kiện nhằm mục đích phản đối chiến tranh. Trong một chuyến đi đến Ba Lan gần đây cùng Kim Phúc, một tỷ phú Ba Lan đã trả 8.000 USD để dùng bức ảnh, phóng thật to, dán trên phi cơ riêng cùng từ “no war” để phản đối chiến tranh. Nhiều tổ chức, cá nhân và bạn bè cũng bày tỏ mong muốn Nick Út đến Ukraine chụp những bức ảnh tương tự như “Em bé Napalm” nhằm góp phần thúc đẩy kết thúc chiến tranh tại đây.

Từng là phóng viên chiến trường, chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, bản thân 3 lần bị thương và có người anh cũng là phóng viên chiến trường của AP, hy sinh khi năm 1965, khi mới 27 tuổi, Nick Út rất thấm thía sự khủng khiếp của các cuộc chiến. Ông mong muốn thế giới không còn chiến tranh và được đóng góp sức mình cho điều đó. Nhưng ra chiến trường trong thời điểm hiện tại thì ông phải cân nhắc rất nhiều. “Ngày xưa tôi còn độc thân, chưa có vợ con hay bạn gái nên gan dạ lắm và nghĩ trước sau gì mình cũng chết. Đi chiến trường, tôi không ngại nguy hiểm, thường chọn những nơi chiến sự ác liệt nhất, xông pha để có những tấm ảnh đắt giá nhất. Nhưng bây giờ thì khác. Tôi có vợ con và các cháu. Đi chụp ảnh chiến trường phải hy sinh rất nhiều, nguy hiểm rất nhiều. Tôi không sợ chết, chỉ sợ mình đi về lại bị thương, bị cưa chân, cưa tay thì khổ con cháu, khổ người thân trong gia đình. Nhưng đam mê nghề nghiệp và sự thúc giục, rủ rê của bạn bè cũng khiến tôi suy nghĩ dữ lắm. Tôi đang suy tính là có thể tôi sẽ đi chụp về chiến tranh tại Ukraine nhưng không trực tiếp vào Ukraine mà chỉ đến khu vực biên giới thôi. Tôi vẫn muốn làm điều gì đó để cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc, để thế giới không còn chiến tranh. Một bức ảnh đắt giá như “Em bé Napalm” sẽ rất khó, bên cạnh sự hy sinh thì phải có cái duyên nữa”, Nick Út chia sẻ.

Về phía Kim Phúc – nhân vật trung tâm trong bức ảnh “Em bé Napalm” cũng kể với chúng tôi, sau 14 tháng với hơn chục lần phẫu thuật đầy đau đớn, bà được trở về nhà. “Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh “Em bé Napalm”, tôi thấy nó rất xấu, hỏi cha tôi là tại sao ông ta lại chụp mình trần truồng mà chạy như thế? Trong suốt một thời gian rất dài tôi không thích bức ảnh đấy. Làm một nhân vật trong một bức ảnh rất nổi tiếng không dễ dàng với tôi. Ngoài vấn đề sức khỏe, tôi còn gánh chịu rất nhiều nỗi đau về tinh thần. Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có người yêu, không lấy được chồng. Sau khi sang Canada, có gia đình riêng, được làm mẹ, ẵm con trong lòng và nhìn lại bức hình cũ, tôi rất muốn làm được một điều gì đó đặc biệt để con của mình không phải chịu đựng nỗi đau của mẹ như xưa. Tôi đã thay đổi cách nhìn về bức hình”, bà Kim Phúc nói.

Theo bà Kim Phúc, thay vì nhìn bức hình với thái độ thù ghét, bà chấp nhận và yêu quý nó, lấy đó như bài học, nhìn sự khủng khiếp của chiến tranh để biết trân trọng cuộc sống hòa bình. Bị thôi thúc phải làm điều gì đó cho trẻ em, cho cuộc sống hòa bình trên thế giới, bà thành lập Quỹ từ thiện giúp xây dựng trường học, bệnh viện, thư viện cho trẻ em và giúp đỡ trẻ em mồ côi. Sau này, bà đã vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí hòa bình của UNESCO.

“Bằng hình ảnh từ cuộc sống của mình, Kim Phúc giúp những người kém may mắn có niềm tin, hy vọng vào cuộc đời hơn. Đó là điều rất quan trọng. Hiện Kim Phúc sống ở Canada có gia đình, 2 con trai, 4 cháu nội. Nếu đứa bé trong tấm hình là biểu tượng khủng khiếp của chiến tranh thì cuộc sống của Kim Phúc hiện tại là bức hình thứ hai. Đây là bức hình của tình yêu, hy vọng và tha thứ. Kim Phúc mong muốn mọi người thấy cả hai bức hình này để cùng hướng tới cuộc sống hòa bình, được sống trọng sự hòa bình, hy vọng và tha thứ”, bà Kim Phúc nhấn mạnh.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Qua câu chuyện của anh Nick Út, chị Kim Phúc, tôi nhận thấy 2 điều rất sâu sắc. Thứ nhất, là sức mạnh kỳ diệu của nhiếp ảnh và báo chí. Nhân vật lúc đó không nhận thấy giá trị lịch sử, nhân văn hết sức đặc biệt và to lớn của bức ảnh, không chỉ đối với người Việt Nam, với người Mỹ, với báo chí trên thế giới mà còn cả nhân loại đang đấu tranh cho hòa bình và công lý. Điều thứ 2 là tác giả của bức ảnh, tính nhân văn, đạo đức của người làm báo. Lúc đó Nick Út không quan tâm quá nhiều đến việc đưa bức ảnh ngay lập tức về tòa soạn – nhiệm vụ của anh, mà quan tâm đến tính mạng của Kim Phúc - sinh mệnh của con người.

Cho nên không chỉ máy ảnh chụp ra bức ảnh có tính lịch sử có giá trị mà chiếc bi đông mà Nick Út dùng những giọt nước đổ lên làn da đang cháy bỏng của Kim Phúc cũng trở thành kỷ vật có tính lịch sử. Chúng ta khó có thể nói hết được tính nhân văn của câu chuyện vì bức ảnh đã thực sự gây chấn động với dư luận nước Mỹ, với thế giới, lay động và thức tỉnh lương tâm của nước Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nó có sức mạnh góp phần làm kết thúc nhanh hơn chiến tranh ở Việt Nam.

Minh Hà
.
.
.