Những trò đùa ác ý trên thế giới ảo

Thứ Ba, 30/08/2022, 10:56

Chương trình truyền hình thực tế Punk’d trên kênh MTV Mỹ được phát sóng tại nhiều quốc gia từ năm 2003 cho tới 2007. Nó thu hút được lượng người xem khổng lồ thời điểm ấy bởi những trò đùa, chơi khăm nhiều ngôi sao giải trí, diễn viên điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng Hollywood dưới bàn tay của tài tử điển trai Ashton Kutcher.

Đó là những kịch bản chơi khăm gây sốc, hoảng sợ hoặc nhiều tình huống oái oăm cho người bị chọn là “nạn nhân”. Đây có thể coi là tiền thân, phiên bản đầu tiên của những trò đùa quá đà được truyền hình hóa, tất nhiên ê-kíp sản xuất Punk’d đều có những qui định chặt chẽ về an toàn cũng như luật pháp.

2.jpg -0
Trò đùa ác ý chụp thùng giấy lên đầu, xô ngã người khác đang có xu hướng lan rộng tại nhiều quốc gia

Và sau đó gần 2 thập kỷ, trên các nền tảng mạng xã hội video như Youtube, TikTok, Facebook… tràn ngập những đoạn phim ngắn (clip) các trò thách đố nguy hiểm, chơi khăm, ghẹo đùa thái quá, nội dung thiếu lành mạnh, đầy rủi ro cho đến vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng được cộng đồng mạng gọi là prank, troll. Loại nội dung này có sức hấp dẫn, gây tò mò nên thu hút được lượng người xem tính đến đơn vị từ vài trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem trên mỗi clip. Và chúng sẽ có cơ hội phát tán tạo thành xu hướng, có những xu hướng, trào lưu (trend) độc hại, lệch chuẩn về mặt đạo đức cũng như có thể gây tổn hại cho sức khỏe.

Giữa tháng 8, nữ sinh Lương Ngọc Ánh, hiện là học sinh trung học, đang sống cùng gia đình tại khu tập thể Thành Công (Hà Nội), cô đưa lên mạng xã hội Facebook bức ảnh mình với bàn tay phải đã bó bột. Ánh cho biết cô đã bị 2 thanh niên chụp thùng giấy lên đầu, xô ngã trong khi đi tập thể dục buổi sáng tại khu vực gần nhà. Khi hất được chiếc hộp giấy ra khỏi đầu, 2 kẻ lạ mặt đã kịp bỏ chạy khá xa nhưng vẫn nghe vọng lại được tiếng cười lớn. Ánh nhận thấy còn một thanh niên khác đứng gần đó đang dùng điện thoại ghi hình sự việc, dường như đã có sự chuẩn bị từ trước. Khi nhận thấy vẻ đau đớn của nạn nhân, anh ta ngừng quay, cất điện thoại rồi rời đi ngay sau đó khi nhận thấy bạn nữ đã bị thương ở cổ tay. Lương Ngọc Ánh cho rằng cô là nạn nhân của trò chơi khăm (prank) chụp hộp giấy lên đầu người đi đường, quay video đưa lên mạng xã hội đang khá thịnh hành tại một số quốc gia. Cô nhờ bạn bè nếu phát hiện clip có nội dung như miêu tả xuất hiện trên bất kể nền tảng mạng xã hội nào, hãy giúp chụp lại màn hình để Ánh và gia đình có thông tin truy tìm những kẻ ác ý nọ.

Tháng 5-2021, bà Tawainna Anderson, sống tại Pennsylvania (Mỹ) đệ đơn kiện TikTok sau khi con gái 10 tuổi của bà tử vong vì thực hiện thử thách trên mạng xã hội. Bà cho biết bé Nylah đã tham gia trò “Thử thách ngạt thở”, trong đó sẽ yêu cầu người chơi thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời. Khi tỉnh lại, họ sẽ chia sẻ video lên nền tảng. Nylah được phát hiện nằm bất động trong phòng ngủ ngày 7-12-2021 và được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó 5 ngày. Đơn kiện mô tả cô bé đã phát hiện thử thách thông qua các video về những xu hướng đang lan truyền, được gợi ý trên trang For You của TikTok.

Đây không phải lần đầu trên TikTok xuất hiện trào lưu khuyến khích người dùng tự gây hại cho bản thân. Theo tờ New York Post, tháng 8-2020, nền tảng này đã phải xóa các nội dung chứa hastag #milkcratechallenge. Thử thách yêu cầu người dùng xếp các thùng sữa bằng nhựa theo hình kim tự tháp và cố giữ thăng bằng khi trèo lên đỉnh, sau đó bước xuống mà không bị ngã. Thực tế, hầu hết người tham gia đều ngã và nhiều người bị thương trong quá trình thực hiện.

Dù TikTok  đã có nhiều thay đổi trong việc kiểm duyệt nội dung nguy hại nhưng đang tồn tại nhiều trào lưu nguy hại được giới trẻ, người dùng cổ xúy đẩy lên mạng xã hội. Trò chơi khăm ác ý khác có xuất xứ từ một quốc gia Nam Mỹ gọi là skull-breaker (làm vỡ đầu). Theo đó, sẽ có 3 người đứng cạnh nhau rồi cùng nhảy lên. Trong khi nhảy, 2 người ở 2 bên sẽ dùng chân để gạt chân của người giữa. Điều này khiến người ở giữa ngã ngửa, đầu đập xuống đất. Trò nghịch này đã trở thành xu hướng (trend) tại Mỹ dẫn đến nhiều chấn thương cho những người tham gia.

Chỉ có số ít một số phụ huynh có sự am hiểu về kỹ thuật để có thể quản lý nội dung cũng như cài đặt các ứng dụng phù hợp cho trẻ nhỏ ở các gia đình. Ví dụ ứng dụng Youtube có phiên bản giới hạn, sàng lọc nội dung phù hợp cho trẻ nhỏ với tên gọi Youtube Kids. Nhưng TikTok thì không, và nó là một ứng dụng hấp dẫn đối với trẻ em bởi sự phong phú nội dung, dễ thao tác, chỉ cần vuốt màn hình lên phía trên để có thể xem liên tục nhiều nội dung được lựa chọn bởi thuật toán thông minh. Trong số các video có sẵn trên TikTok, có rất nhiều nội dung hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ. Nhân đây, phải nhắc đến trào lưu thử thách dành cho các cô gái không áo ngực. Họ, các cô gái trẻ sẽ thực hiện các động tác nhảy múa trước ống kính máy ghi hình và không mặc áo ngực, thử thách có thể nói mang tính chất phản cảm, khiêu dâm đã thu hút giới trẻ nhiều nước tham gia. Tất nhiên, khi lũ trẻ tò mò ấn xem liên tục những video như vậy thì thuật toán sẽ tiếp tục tối ưu những dạng nội dung tương tự.

Mới đây, một đoạn video ghi lại vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi nhóm thanh niên lao ra đường chặn đầu xe tải để thực hiện thử thách trên trang mạng xã hội TikTok cũng gây được sự chú ý. Theo thông tin được trang Borobudur News đăng tải, một nhóm thanh niên gồm 4 người đã bất ngờ lao ra đường chặn đầu chiếc xe tải đang di chuyển tại một con đường ở quận Sukaraja, tỉnh Tây Java, Indonesia nhằm mục đích quay lại video và đăng tải trên trang mạng xã hội TikTok. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra quá đột ngột nên tài xế chiếc xe tải đã không kịp hãm phanh nên đã đâm thẳng vào một nam thanh niên, khiến anh tử vong ngay tại chỗ.

Có thể nhận thấy thế giới công nghệ, Internet và cả những thiết bị thông minh, ứng dụng kết nối con người, chia sẻ thông tin hữu ích thì còn tồn tại một thế giới nội dung kích động bạo lực, những trò đùa quá trớn nguy hiểm, lan truyền những hình ảnh đời sống riêng tư bởi những kẻ xa lạ sống trên mạng, coi thường sức khỏe tính mạng người khác và ngay cả bản thân họ. Nếu là một cư dân mạng văn minh, chúng ta cần gác lại trí tò mò, tẩy chay trước những nội dung bất thường như vậy trên mạng.

Trí Minh
.
.
.