Ngược ngàn Lung Leng

Thứ Ba, 06/09/2022, 09:14

Vùng di chỉ một thời khuấy động giới cổ học tìm về nguồn gốc người dân bản địa trên cao nguyên trung phần này nay đã thành vùng bán ngập. Ngàn đời đã trôi qua, và người dân xứ này vẫn ngày ngày sống trên vùng di chỉ.

Chiều trên vùng di chỉ

Lung Leng là làng đồng bào dân tộc Gia Rai của xã Sa Bình (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Hơn 20 năm về trước, quanh vùng này đã phát lộ những cổ vật từ thời đồ đá. Nơi đây, từ thời tiền sử, con người đã đến lập làng sinh sống và di chỉ Lung Leng đã được các nhà khảo cổ học phát hiện cách đây gần 20 năm, là một minh chứng cho sự trường tồn của nền văn hóa mang nhiều bí ẩn thời tiền sử có một không hai trên vùng đất Tây Nguyên.

1.jpg -0
Một góc Sa Bình

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và thu giữ các hiện vật, các nhà khảo cổ cũng như những cơ quan liên ngành đều đã xác định các hiện vật này là các thế hệ đồ đá có niên đại lên đến hàng chục nghìn năm như: Cuốc đá, rìu đá có quai, rìu đá tròn trân châu, bàn mài đá, đá hình cầu có lỗ, búa đá, mảnh tước… Các hiện vật này là bằng chứng cho thấy cách đây từ rất lâu trong các niên đại lịch sử, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã có con người sinh sống theo tổ chức cộng đồng hết sức chặt chẽ. Họ biết chế tạo ra các vật dụng bằng đá làm công cụ lao động và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Đây là nguồn tư liệu quý giá để các nhà khoa học nghiên cứu về cộng đồng người cổ đại trên Tây Nguyên.

Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã bác bỏ không ít nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là vùng đất nghèo, "vùng trắng" về khảo cổ tiền sử. Không chỉ thế, bởi theo các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam, Lung Leng là một minh chứng: Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, là một vùng đất sớm nảy sinh nền kinh tế nông nghiệp, chế tác công cụ và là một trong những trung tâm luyện kim và hình thành quốc gia cổ đại sớm nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đầu tháng 6-2001, gần như toàn bộ các chuyên gia hàng đầu của ngành Khảo cổ học Việt Nam đã có mặt tại Lung Leng. Công trường khai quật với hàng trăm người đang hối hả làm việc.

2.jpg -0
Việc phát hiện di chỉ Lung Leng đã bác bỏ không ít nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là "vùng trắng" về khảo cổ tiền sử. (ảnh tư liệu tại Nhà trưng bày huyện Sa Thầy)

Già A Hyơh (làng Lung Leng) cùng nhiều người vẫn nhớ chuyện vùng đất yên bình này bỗng một ngày nườm nượp xe cộ tìm đến. Những cán bộ từ huyện, đến tỉnh, rồi cả Trung ương. Cả vùng bãi bán ngập bỗng trở thành công trường với những hố khai quật và hàng trăm người làm việc mỗi ngày. Người làng đâu biết rằng, làng mình và những chiếc hố đó sau này sẽ trở thành một trong những cuộc khai quật khảo cổ học về thời tiền sử lớn nhất nước ta từ trước đến nay. Và rồi, khi cán bộ thông báo đây là nơi người tiền sử sinh sống, để lại nhiều cổ vật cần được bảo vệ để tìm hiểu, thì những người làng mới vỡ òa mọi chuyện. Hóa ra, làng mình từ nghìn xưa đã có người sinh sống, chứ không phải cuộc du canh du cư đi khắp những triền sông để lập làng mưu sinh.

Theo lời kể của những người trong làng, tổ tiên của họ mùa nắng sống dưới suối, mùa mưa sống trên núi và trên cây để tránh thú rừng. Câu chuyện này dù chỉ được truyền miệng, nhưng cũng góp phần soi rọi dòng chảy văn hóa Lung Leng dưới góc độ dân gian… Văn hóa Lung Leng bắt nguồn và phát triển từ văn hóa bản địa theo dòng chảy: Núi rừng Trường Sơn - miền núi các tỉnh duyên hải - xuống vùng đồng bằng - ra biển. Bao nhiêu ngàn năm trôi qua rồi, di sản mà tổ tiên để lại vẫn còn. Đó là những hiện vật ở vùng di chỉ. Và trên diện tích khai quật rộng 10.000m2, các nhà khảo cổ đã mở được 64 hố (100m2/hố) và đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung, chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát... được xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đồ đá cũ (cách nay 20.000 - 30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000 - 4.000 năm).

8.jpg -0
Đường đến Sa Bình nhuốm hương sắc mùa thu

Không chỉ sự vào cuộc của các ngành, các cấp, mà nhiều người yêu thích khảo cổ cũng đã tìm đến Lung Leng để tìm hiểu. Như ông Văn Đình Thành (67 tuổi, ở P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) với kho báu hơn 15.000 mẫu vật. Tất cả những công cụ lao động của người tiền sử như rìu đá, bôn đá (cuốc), dao đá, cào đá, công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập, các loại giáo mác... từ lớn đến bé, từ thô sơ đến tinh xảo, ông đều có. Rồi những đồ trang sức của phụ nữ như mặt đá đeo cổ, đeo tay, vòng đá, nhẫn đá, hạt vòng chuỗi, kim khâu áo da bằng đá... cũng có đủ.

Đặc biệt trong bộ sưu tập của ông Thành còn có các khuôn đúc đồng đang được chế tạo dang dở, có một số khuôn đúc hai mang còn nguyên đủ một cặp, minh chứng cho kỹ thuật luyện kim, đúc đồng thời này tại Sa Thầy. Từ bộ sưu tập của ông Thành, các nhà khảo cổ đã tiếp tục tìm thấy 2 khuôn đúc rìu, 18 lò luyện sắt, 9 công cụ và 1 vòng tay bằng sắt và rất nhiều quặng sắt. Khuôn đúc và xỉ đồng ở lớp dưới, còn các lò luyện sắt ở đây thường gặp ở 2 lớp trên cùng cho thấy thời đại kim khí đã phát triển ở Kon Tum, và đây là một trung tâm luyện kim đúc đồng của Tây Nguyên.

Nhiều năm đã trôi qua, những cuộc tìm hiểu đã tạm dừng, nhưng người làng vẫn hướng mắt xuôi theo dòng sông, cả vùng Sa Bình và các vùng lân cận còn lắng đọng nhiều dấu xưa. Giờ đây, di chỉ Lung Leng đã nằm sâu ở dưới lòng hồ, nhưng những gì mà các nhà khảo cổ tìm thấy được ở Lung Leng đã kịp cung cấp cho người thời nay một hệ thống di tích và hiện vật vô cùng phong phú.

Duyên nợ với dòng sông

Ngày nay, Lung Leng vẫn thế, vẫn trầm tích với thời gian và lặng lẽ sống dâng đời bao hoa thơm, trái ngọt. Lung Leng nằm ở cuối xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, bên dòng Krông Pô Kô huyền thoại miệt mài chảy qua bao vùng đất Bắc Tây Nguyên uốn lượn. Lung Leng không chỉ nổi tiếng bởi là vùng “đất thiêng”, cội nguồn của di chỉ khảo cổ mang dấu ấn thời tiền sử, mà còn được biết đến là một trong những nơi in đậm nét đẹp văn hóa thuyền độc mộc. Ở đây, ngoài làm mỳ, trồng cây công nghiệp, sáng nào đàn ông trong làng cũng chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá. Làng nằm tựa vào dãy núi hình con voi đang phủ phục vững chãi. Hầu hết nhà dân đều hướng về phía dòng sông - nơi ngày đêm đem đến hơi mát dịu dàng cho dân làng.

6.jpg -0
Ông Văn Đình Thành (67 tuổi, ở Phường Quyết Thắng, Kon Tum) với kho báu hơn 15.000 mẫu vật

Ngoài 70 mùa rẫy, không còn chèo thuyền được nữa, nhưng đôi chân già A Nhơ vẫn còn thoăn thoắt. Đoạn đường từ cuối làng ra bờ sông đất nâu mùn xốp, nhưng đã được đào đắp cẩn thận, dễ đi. Chiều muộn, nắng hắt lên thứ ánh sáng vàng như nghệ tươi. Bến sông yên bình. Không gian tĩnh lặng. Hướng gió đưa mát rượi. Từ xa, đã thấp thoáng những dáng thuyền độc mộc nằm phơi mình lặng lẽ.

Đêm huyền hoặc bến sông mùa Trung thu, chuyện mới, chuyện cũ đan xen, nhưng có một câu chuyện mà các già làng kể từ đêm này qua đêm khác và đến giờ vẫn chưa kết thúc, đó là huyền thoại về những người đã khai lập, mở mang nên những thôn, làng thuộc lưu vực con sông này: làng Lung Leng, nhiều ánh mắt bừng lên hồi tưởng. Chuyện của mấy ngàn năm, của cả một tộc người Gia Rai sinh sống trên triền sông Pô Kô muôn đời vẫn chảy ai mà nhớ hết. Thế rồi, mọi người bình tâm và liên tưởng đến ông cha.

3.jpg -0
Những hiện vật được trưng bày tại Nhà trưng bày huyện Sa Thầy xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000 - 30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000 - 4.000 năm)

Do thành lập thôn mới, nên bây giờ di chỉ Lung Leng nằm ở làng Bình Loong (xã Sa Bình). Lung Leng bây giờ đã đổi khác rất nhiều so với ngày trước. Toàn thôn hiện có 258 hộ với trên 1.140 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Jrai, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản với 16 ha lúa nước trồng 3 vụ mỗi năm. Hàng chục ha rau màu, 112 ha cây công nghiệp dài ngày các loại. Cùng với đó là 1.520 con trâu, 455 con bò, 205 con heo thịt, 25 con heo nái, 38 con dê, 852 con gia cầm… Nhờ đó, đời sống của người dân đã nâng lên đáng kể, con cháu đến trường học tập đầy đủ, trong đó có nhiều em đã học cao đẳng, đại học. Trong nhiều năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước theo các chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc và miền núi, nên đến nay, 100% số hộ dân làng Lung Leng đã có điện sử dụng, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, các hộ gia đình khó khăn về nhà ở đã được chính quyền địa phương vận động cả hệ thống chính trị và các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ủng hộ sửa chữa hoặc xây mới… Đặc biệt, trường học, trạm y tế của xã đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia nên đã thu hút các cháu đến trường và nhân dân có nơi khám chữa bệnh tốt hơn. Và Lung Leng mà bây giờ là thôn Bình Loong đã góp một phần lớn trong việc đưa xã Sa Bình về đích nông thôn mới. Đầu năm 2022, xã Sa Bình đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia.

9.jpg -0
Đầu năm 2022, xã Sa Bình đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao đổi thay của thời cuộc, người dân Lung Leng vẫn cùng nhau cày cấy, trồng trọt, săn bắn, đánh bắt thủy sản tự nhiên rất giàu có của vùng đất ven sông Krong Pô Kô hiền hòa, ngọt ngào, thủy chung son sắt. Cái tên Lung Leng không biết có tự bao giờ, nó có ý nghĩa sâu kín ra sao, nhưng với dân làng thì nó mang một ý nghĩa khát vọng vươn lên của người dân Jrai có từ thời tiền sử.

Bây giờ, có lẽ không ít người đã lãng quên mất Lung Leng - địa danh từng một thời làm chấn động giới khảo cổ học cả nước. Các hố khai quật nằm dưới làng Lung Leng, ngay sát mép nước lòng hồ thủy điện có nhiều hố đã chìm dưới nước. Chỉ có dòng sông và cánh rừng là trầm mặc như luyến tiếc dấu xưa trên vùng di chỉ. Nhìn hướng nào cũng cứ thấy bâng khuâng.

Tiêu Dao
.
.
.