Nghề sưu tầm tranh Việt
Tôi mê mẩn không gian tranh của nhà sưu tầm Cao Văn Tuấn. Đó thực sự là một gia tài nghệ thuật, với hàng trăm tác phẩm thuộc đủ các trường phái cổ điển, phục hưng, hiện đại, dòng tranh Mỹ thuật Đông Dương xưa, tranh của hoạ sĩ trẻ… trên các chất liệu như sơn mài, lụa, giấy.
Bên dưới mỗi bức đều niêm yết giá và đều là những con số gây choáng. Ông kể trị giá số tranh đang treo kia phải đến nhiều tỷ đồng, có bức mua cách đây 20 năm đã có giá 40 nghìn USD. Câu chuyện về thú sưu tầm tranh cá nhân tưởng đơn giản, lại nói lên những chuyển động văn hóa rất đáng lưu tâm.
Niềm đam mê bạc tỷ
Thương hiệu Tuấn “cá sấu” Hải Phòng đã “đóng đinh” trên thị trường đồ da thuộc khai thác từ loài động vật này. Ít ai ngờ chủ nhân của nó lại là một người đam mê nghệ thuật hiếm thấy. Bạn bè kể có bao nhiêu tiền, ông dốc cả vào cổ vật và tranh. Chẳng thế mà khi đến thưởng lãm Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương (The Indochina Museum) của ông, tọa lạc tại số 201, đường QL5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chúng tôi thực sự choáng ngợp giữa cơ man nào là các cổ vật quý hiếm, cùng gia tài tranh “khủng”. Trong số các bức đang treo, tôi nhận ra bức sơn mài của thầy mình – Họa sĩ Ngô Xuân Bính, có giá mấy chục nghìn USD. Sơ sơ, tôi đếm có khoảng 700 bức, toàn với mức giá “trên trời”.
Vừa rảo bước giới thiệu về phòng sưu tầm tranh, ông Tuấn vừa nói với vẻ tự hào về niềm đam mê nghệ thuật đến bỏng cháy của mình. Ông kể không phải ai cũng biết chơi tranh, càng ít người sẵn sàng bỏ ra tiền trăm tiền tỉ để mua về một bức tranh treo tường. Chơi tranh là thú sang trọng bậc nhất, đòi hỏi người chơi phải có phông kiến thức đủ sâu rộng về hội họa, phải có rung động thực sự trước một tác phẩm đẹp, hiểu được cảm xúc và lao động nghệ thuật của người họa sĩ gói ghém trong đó.
Từ chỗ là “dân” chơi tranh có tiếng, được nhiều người đam mê hội họa đến thưởng lãm, thậm chí đặt vấn đề mua lại tranh, ông nghĩ sao không mở ra một trung tâm đấu giá tranh, làm nơi giao dịch giữa các họa sĩ và nhà sưu tầm. Ý định đó được triển khai, trung tâm đấu giá tranh của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc của giới họa sĩ và người chơi tranh. Là cú huých. Có ý nghĩa vào hoạt động sáng tác mỹ thuật khi cung cầu gặp được nhau.
Ông Tuấn cho biết đời sống vật chất ngày một cải thiện đã tỷ lệ thuận với nhu cầu thưởng thức văn hóa, tinh thần. Bởi vậy mà hiện nay số người sẵn sàng bỏ tiền mua tranh đã nhiều hơn xưa. Người mua, sưu tầm tranh tựu chung là có 2 dạng.
Thứ nhất là mua về treo để thoả mãn đam mê nghệ thuật của mình, với dạng này thì tiền đến đâu, chơi đến đó. Thứ hai là coi tranh như một loại hàng hóa đặc biệt, có thể đầu tư sinh lời. Tranh là sản phẩm sáng tạo, nên chẳng có đại lượng nào để định vị chính xác giá trị hay giá cả của nó, vì còn phụ thuộc vào cảm quan, cảm xúc của người mua. Giá trị quy ra tiền của một bức tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó danh tiếng của họa sĩ đã vẽ tác phẩm đó rất quan trọng.
Trong giới mỹ thuật có câu “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” – (những cây đại thụ của Mỹ thuật Đông Dương). Nếu là tranh của họ thì giá bán rất cao. Nhiều người đã giàu lên vì tranh, khi mua được các bức tranh với giá hời, sau khi chuyển nhượng cho người thích nó đã kiếm được khoản chênh lệch lớn.
Ông Tuấn đánh giá việc sưu tầm tranh hiện nay chỉ sôi động ở địa hạt cá nhân, chứ Nhà nước thì vắng bóng. Ông nói: “Theo quan sát của tôi, hầu như không có hoạt động mua bán tranh của Nhà nước. Việc mua các tác phẩm gần như bị bỏ bẵng, dù tôi biết hàng năm vẫn có một khoản ngân sách rót cho các cơ quan quản lý văn hóa để mua hiện vật. Gần đây, chị Đào Hương ở Bộ Ngoại giao có đề xướng và triển khai chương trình Ngoại giao Mỹ thuật. Nhiều họa sĩ đã hưởng ứng, tặng tranh cho Bộ này để phục vụ công tác đối ngoại. Đây là một chương trình ý nghĩa, nhưng dẫu sao vẫn do cá nhân tổ chức, chứ không phải tầm cơ quan quản lý ngành đứng ra”.
Trong dòng chảy tranh Việt
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội), nhà tư sản Đức Minh (tức Bùi Đình Thản) là người đầu tiên sưu tập nghệ thuật Việt Nam có tính hệ thống, với nhiều tác phẩm hay nhất của nghệ thuật hiện đại Việt Nam trải dài từ 1925 - 1970.
Thậm chí, nó còn giá trị hơn rất nhiều bộ sưu tập nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1954 ông Đức Minh đã từng sang hội chợ Đấu xảo Paris để mua về bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, mua tranh của Nguyễn Tường Lân, Bùi Xuân Phái hay Tô Ngọc Vân… Sau khi ông qua đời, bộ sưu tập tranh đó đã bị chia nhỏ, mai một theo lịch sử biến động của gia đình ông.
Cùng thời với ông Đức Minh, còn có nhà sưu tập như các ông Nguyễn Mạnh Phúc, Phạm Văn Bổng, ông Văn Chiến, ông Bá Đạm, ông Tô Ninh…Các ông đều có một tình yêu tha thiết với hội họa và nghệ sĩ. Ở cái thời kỳ khó khăn trong chiến tranh và hậu chiến, nhưng họ vẫn sưu tập tranh với những cách thức vô cùng đặc biệt. Chẳng hạn, ông Phúc đổi cả xe máy lấy tranh, ông Lâm thì đổi café, đổi vài tuýp màu lấy tác phẩm. Rất tiếc, đa số các bộ sưu tập của các ông kể trên đã tan rã sau đấy.
Nói về xu hướng sưu tầm hiện nay, ông Thắng có cái nhìn khá “ảm đạm”: “Người chơi tranh bây giờ kể cũng lạ, khi mà đời sống nâng cao hơn rất nhiều, nhưng việc sưu tập và chơi tranh, hình như lại nằm ngoài xu hướng phát triển này. Các gallery chủ yếu là bán tranh mang tính chất du lịch.
Ở một hướng khác, cũng xuất hiện nhiều hơn người muốn sở hữu tác phẩm làm đẹp cho không gian sống của mình. Sự tự phát này bước đầu khai mở cho việc sưu tập nghệ thuật, dẫn tới việc cả một phố dài ở trung tâm Hà Nội trở thành phố chép tranh, phố bán khung tranh đục chạm thếp vàng cho những bức tranh. Bất kể là tác phẩm như thế nào, sự giàu sang lúc này được chú trọng hơn vấn đề nghệ thuật. Chuyện này nói lên vấn đề kiến thức, trình độ thẩm mỹ còn nhiều bất cập, hạn chế của nhiều người” – ông Thắng nhận xét.
Vai trò của Nhà nước
Vẫn theo ông Thắng, các quốc gia phát triển đều có nhiều bảo tàng mỹ thuật, từ cấp độ địa phương tới quốc gia, từ bảo tàng của chính phủ tới bảo tàng tư nhân, với những kế hoạch sưu tầm lưu trữ, như một hoạt động nghệ thuật thiết yếu của sinh hoạt văn hóa xã hội. Chẳng hạn như Singapore là một nước có nền mỹ thuật non trẻ nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Chiến lược là họ tạo dựng bảo tàng mỹ thuật Châu Á, với bộ sưu tập mua từ tất cả các họa sĩ do họ tuyển chọn từ khắp các nước trong vùng. Hiện nay, họ vẫn tiếp tục bổ sung bộ sưu tầm cho bảo tàng của mình.
Thực tế thì ở Việt Nam cũng có những hoạt động chỉ định và sưu tập, nhưng rất nghèo nàn, không thường xuyên và quan trọng nhất là không có một tư tưởng, quan điểm chủ đạo trong hoạt động sưu tập tác phẩm. Nghĩa là không có đường hướng và việc sưu tập, lưu trữ diễn ra một cách thụ động. Vì thế mà các bộ sưu tập hội họa chủ yếu không dựa trên nghệ thuật thuần túy, cũng như các sáng tạo mang tính thời điểm lịch sử hội họa của Việt Nam.
Lý giải về hiện tượng này, ông Thắng cho rằng đó là hậu quả từ sự đứt gãy trong giáo dục về thẩm mỹ ở nước ta: “Có thể thấy trong 12 năm từ tiểu học tới trung học, các em học sinh không được tiếp cận một quan điểm giáo dục về mỹ học – mỹ thuật, dù chỉ ở mức cơ bản, phổ thông nhất. Kiến thức mang tính phổ thông, nền tảng thường thức về nghệ thuật, hầu như không có trong mọi chương trình giảng dạy mà mới chỉ dừng lại ở môn vẽ, các em chỉ được làm quen với việc vẽ đồ vật, cây cối hoa lá. Chúng ta không thể hiểu tại sao như thế. Phải chăng tư duy coi trọng vật chất, tính thực dụng của một xã hội đang nghèo khổ trong chiến tranh và hậu chiến đã coi việc thưởng ngoạn mỹ thuật, như một thú xa xỉ, trong khi đó lại là nhu cầu chính đáng của con người. Bởi vậy mà theo quan sát, số người tới thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là vô cùng ít ỏi, số người yêu thích hội họa và tiến tới sưu tập, sở hữu tác phẩm như một phần nhu cầu tất yếu của đời sống cũng đếm được trên đầu ngón tay. Điều này minh chứng cho sự thiếu hụt về giáo dục về thẩm mỹ”.
Đồng tình với nhận xét của ông Thắng, họa sĩ Nguyễn Quang Huy (Hà Nội) cho rằng nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật và sở hữu những tác phẩm hội họa trong xã hội hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này khá mờ nhạt, thể hiện ở khâu giáo dục thẩm mỹ và sưu tập tranh. “Khâu yếu nhất hiện nay chính là trình độ dân trí về thẩm mỹ. Điều này phản ánh những bất cập trong giáo dục. Khi không được trang bị những kiến thức cần thiết để xem tranh, để thấy được giá trị nghệ thuật, văn hóa ẩn chứa trong hình và sắc, trong các kết cấu, bố cục của tác phẩm, thì lẽ tất yếu là người ta thờ ơ với hội họa, cho dù tác phẩm có đẹp đến mấy. Có hiểu thì mới có yêu, đó là một quy luật tâm lý” – ông Huy nói.
Theo ông hàng năm cả nước có hàng trăm hoạ sĩ ra lò từ các trường dạy mỹ thuật, trong khi những giao dịch mua bán, sưu tầm tác phẩm trên thị trường tranh còn rất hạn chế, còn quá ít ỏi các nhà sưu tầm cá nhân. Nghĩa là thừa cung, thiếu cầu. Nói đến sưu tầm tranh, là nói việc giao dịch mua bán các tác phẩm do họa sĩ đương đại sáng tạo ra, chứ không phải là mua bán dòng tranh chép, tranh nhái, tranh “bờ hồ” đầy rẫy trên phố Nguyễn Thái Học.
Việc sưu tầm tranh mang nặng yếu tố cá nhân, nên không thể bắt ép được, hay chỉ dẫn áp đặt cách thức cho từng cá nhân phải làm gì. Vì thế, chỉ có thể tác động vào việc thưởng lãm nghệ thuật cũng như sưu tầm tác phẩm, thông qua việc nâng cao trình độ dân trí về thẩm mỹ, và điều này là trách nhiệm của Nhà nước chứ không ai có thể làm thay được.
Ông Huy nói: “Giới họa sĩ chúng tôi rất mong muốn có sự thay đổi trong giáo dục, hướng tới truyền bá những kiến thức nền tảng cần thiết về nghệ thuật, trong đó có hội họa, để từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, thị hiếu tiêu dùng cho quảng đại quần chúng, bắt đầu từ những cấp học. Có như vậy mới có thể tạo nên nhu cầu cao trong đời sống tinh thần văn hóa đối với nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng”.