Ngăn chặn ứng xử kém văn minh trên không gian mạng
Những hành vi lệch chuẩn, ứng xử xấu xí, thiếu văn minh trên môi trường mạng đang trở thành vấn đề nhức nhối, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Từ “rác ngôn ngữ” đến video độc hại
Hàng ngày, chỉ cần hòa mình vào môi trường mạng, người sử dụng mạng xã hội lập tức bắt gặp không ít các thông tin thiếu kiểm chứng, những từ ngữ thiếu văn hóa. Rác văn hóa tràn lan. Xu hướng chửi bới, lăng mạ người khác tung hoành khiến bất kỳ ai cũng dễ trở thành nạn nhân bị xúc phạm trên môi trường mạng.
Nói như cách chia sẻ có phần bất lực của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh là khi viết cái gì mang tính thách thức, ngôn từ xấc xược, văng tục một tý thì có rất nhiều like, share, comment, nhưng những thông tin tích cực lại có rất ít lượt hưởng ứng. Chưa bao giờ mà những ngôn từ thông thường chỉ được nói trên bàn nhậu, nhóm nhỏ, giờ đây lại được nhiều người, trong đó có không ít người nổi tiếng bày ra trên mạng xã hội nhiều như hiện nay.
Là người có tiếng trong lĩnh vực truyền thông, từng thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng, trong đó có khoảng thời gian sáng lập fanpage đấu tranh với tin giả - fake news trong đại dịch COVID 19, nhưng ông Lê Quốc Vinh cũng chia sẻ một thực tế muốn “cười ra nước mắt” là số lượng “gạch đá” mà cư dân mạng “ném” vào ông trong khoảng thời gian này đủ để “xây lâu đài trên mạng”. Nhiều “anh hùng bàn phím” còn xông thẳng vào trang cá nhân của mẹ ông để chửi mặc dù bà không liên quan đến những gì ông viết.
Theo ông Lê Quốc Vinh, bên cạnh những khía cạnh tích cực thì mạng xã hội đang có rất nhiều thứ xấu xí và chúng ta phải chung sống với những thứ xấu xí ấy. Cá nhân ông, vì nghề nghiệp nên phải xem rất nhiều thứ trên Tiktok, Youtube và bị rất nhiều thứ rác trên môi trường mạng “đập vào mặt” hàng ngày. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm từ những người chúng ta quen mặt, họ bày cho nhau cách lừa đảo, cách “bom” hàng khi nhận ship… Những video phản cảm, những sản phẩm như thế đang tấn công vào cuộc sống của chúng ta. Nhiều người tưởng rằng những thứ rác đó chỉ để giải khuây, vui chơi nhưng thực ra chúng đang tấn công, ăn mòn tư duy con người. Nếu tiếp nhận liên tục thông tin giả, bôi nhọ cá nhân và gia đình, người chưa rèn được năng lực miễn nhiễm với thông tin xấu độc trên môi trường mạng rất dễ phát điên vì cơn sốc tinh thần. Những người trẻ không có khả năng miễn nhiễm với thông tin xấu độc trên mạng hoặc khả năng miễn nhiễm chưa nhiều sẽ rất dễ bị tác động tâm lý.
Một nghiên cứu của thế giới cho thấy, 28% người trẻ đã nghĩ đến tự sát khi gặp phải sự tấn công trực diện vào họ. 41% người trẻ mắc chứng lo âu, 9% đã từng nghĩ đến sử dụng rượu bia, ăn uống bừa bãi, hoảng loạn do môi trường số.
Cũng theo ông Vinh, một hiện trạng khác cần được quan tâm hiện nay là những con người bình thường lên mạng xã hội đều có thể trở thành những quan tòa phán xét cuộc sống của những người khác. Họ phán xét cuộc sống của bất cứ người nào họ đọc, xem được trên mạng theo ý muốn chủ quan, theo cách mà họ muốn. Sự phán xét này có tác động rất lớn vào những con người liên quan ở xung quanh. Những phím bấm trên máy tính, trên điện thoại có thể trở thành vũ khí giết người và đã có người tự sát khi bị tấn công trên mạng và những gia đình “tan đàn xẻ nghé” vì thông tin bịa đặt trên mạng.
Trao đổi về vấn nạn nói trên, đặc biệt là về thực trạng ứng xử trên môi trường mạng của giới trẻ và nghệ sĩ, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định rằng giới trẻ Việt Nam tham gia rất đông vào môi trường mạng và không gian mạng cũng là công cụ tích cực để người trẻ thể hiện bản thân và trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, người trẻ cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng, nhất là khi thông tin từ những người họ hâm mộ. Thực tế cũng cho thấy, một người nổi tiếng, có thể là nghệ sĩ, mượn danh nghệ sĩ chỉ đưa ra một câu cảm thán vô thưởng vô mạng xã hội nhận được rất nhiều like, comment nhưng những thông tin có ích, như giới thiệu một công trình nghiên cứu của một giáo sư lịch sử lại có lượng tương tác rất thấp.
Làm sao để thay đổi hành vi lệch lạc trên môi trường mạng?
Trao đổi về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ứng xử thiếu văn minh, hạn chế hành vị lệch chuẩn trên môi trường mạng, chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, khi tham gia mạng xã hội, con người có nhiều cơ hội thể hiện cá tính, tạo ra ham muốn cho con người ta được tranh cãi chứ không hẳn là tranh luận. Khi cãi nhau trên mạng, họ không chấp nhận thua thiệt vì có quá nhiều người đang quan sát. Người làm việc xấu sẽ cảm thấy được kích thích khi có khán giả, có người cổ vũ, hóng hớt. Nếu chúng ta từ chối tham gia thì nó không có cơ hội để phát triển.
Việc ngăn chặn thông tin xấu, độc, những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng đang được hy vọng sẽ có những kết quả tích cực hơn khi mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021- 2025, trong đó có nội dung Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành quy trình xử lý nghiêm khắc hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs (những người có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng) và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục trên môi trường mạng. Những ngày qua, rất nhiều ý kiến ủng hộ cấm sóng theo kiểu “phong sát” những người nổi tiếng, nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh cho biết, ông đã quan sát kết quả thăm dò dư luận trên một kênh báo chí chính thống và nhận thấy, tỷ lệ người ủng hộ cấm sóng, “phong sát” người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng rất lớn. Một bộ phận cho rằng nên hạn chế phát sóng và một bộ phận nhỏ cho là nên có hình thức xử lý khác. Tuy nhiên, thực hiện “phong sát” ở Việt Nam sẽ không dễ như ở Trung Quốc. Theo ông Vinh, để tạo được môi trường mạng thực sự trong sạch thì đầu tiên là những người tham gia, công chúng phải có ý thức tạo ra lưới lọc những nội dung xấu, độc ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Lưới lọc đó là sự thật, sự tử tế và sự hữu ích của thông tin được nói ra, được tiếp nhận.
Đồng quan điểm nói trên, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, thế mạnh của mạng xã hội là sự tương tác. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là nhiều người ứng xử lệch lạc bắt đầu từ nỗi sợ. Có người thích nổi tiếng vì sợ bị người khác quên lãng. Vì vậy, việc tỏ thái độ không quan tâm hành vi, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội cũng là giải pháp hạn chế chúng trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, cần có nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn để mọi người đến thưởng thức, bớt sống ảo…
Khẳng định nếu không có biện pháp đủ mạnh và hữu hiệu thì còn nhiều rác văn hóa trên môi trường mạng, nhất là trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay. PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an nhằm có những quy định, quy trình xử lý nghiêm khắc các hành vi lệch chuẩn, xả rác văn hóa trên môi trường mạng. Ông Tuấn cho rằng, nếu việc xử lý các vi phạm nói trên nghiêm khắc như xử lý người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông như hiện nay thì có thể ngăn chặn được phần nào những hành vi này.
TS Ngô Ngọc Diễm đến từ Khoa Luật, Đại học Văn hóa cho rằng văn nghệ sĩ cũng là con người. Nhằm ngăn chặn, hạn chế ứng xử lệch lạc, xả rác văn hóa trên môi trường mạng không nên chỉ tập trung vào văn nghệ sĩ và văn nghệ sĩ hay bất kỳ ai cũng phải được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Việt Nam có Luật An ninh mạng, Luật Thủ đô, các quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật để điều chỉnh cách ứng xử của văn nghệ sĩ và người dân nói chung nơi công cộng. Tuy nhiên, pháp luật cần quy định, chi tiết cụ thể, cần có những hướng dẫn cụ thể đối với những hành vi của những chủ thể đặc biệt trong xã hội, trong đó có văn nghệ sĩ.
Đồng quan điểm nói trên nhưng ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, ông không thích sử dụng các từ như cấm sóng, “phong sát” đối với văn nghệ sĩ. Theo ông Dương, khi nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc nhưng phải đúng nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, đúng quy định của pháp luật và trên tinh thần quản lý tốt hơn, hỗ trợ hoạt động sáng tạo nghệ thuật đích thực tốt hơn. Ngoài các quy định pháp luật hiện hành, ứng xử của văn nghệ sĩ còn được điều chỉnh bởi quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay, ngành văn hóa đang phối hợp với một số bộ, ngành để có quy chế phối hợp tốt hơn nhằm quản lý người hoạt động văn hóa nghệ thuật tốt hơn. Dự kiến, quy chế này có thể được ban hành trước tháng 10/2023.