Mạnh tay trị tận gốc phòng khám chui
Qua phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các đợt kiểm tra đột xuất, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép hoặc trái phép. Những người xưng là bác sỹ nhưng không có đủ trình độ, năng lực, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.
Và vẫn có nhiều người đặt niềm tin vào họ để rồi tiền mất mà bệnh càng nặng thêm, thẩm mỹ thì tệ hơn khi chưa làm phẫu thuật. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa để dẹp bỏ tận gốc tình trạng này.
Cứ kiểm tra là ra sai phạm
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hàng chục cơ sở y tế “chui” đã bị phanh phui, có nơi bị xử phạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh rất quyết liệt, nhưng trong thời gian qua, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở thẩm mỹ lén lút hoạt động khi chưa có giấy phép. Đặc biệt, còn có cơ sở bố trí người khám bệnh không có bằng cấp (thậm chí là chưa học) ngành y, nhưng vẫn tự giới thiệu mình là bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm; có cơ sở thẩm mỹ vừa bị xử phạt và đình chỉ hoạt động vì không có giấy phép nhưng được ít hôm lại tiếp tục hoạt động.
Điển hình vào ngày 16/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận được thông tin phản ánh quảng cáo liên quan đến tiêm filler, meso, giải pháp giảm cân, béo phì… tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm An Việt ở số 242/16 đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế lập tức phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành quận Tân Phú kiểm tra đột xuất. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở bố trí một phòng có trang bị giường với đủ loại trang thiết bị y tế nhằm phục vụ việc tiêm meso, trải nghiệm các sản phẩm mỹ phẩm, thẻ liệu trình Biomall, Gift Voucher và tài liệu quảng cáo mỹ phẩm Celltermi Cell Therapy For Skin Beauty. Ngoài ra, sau khi kiểm tra trên không gian mạng phát hiện Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm An Việt có trang thông tin điện tử “Biomall.vn” và tài khoản mạng xã hội Facebook có đăng tải các nội dung quảng cáo liên quan dịch vụ “giảm béo, truyền năng lượng tái sinh NAD+…”.
Đặc biệt, tại lầu 1 của công ty này có một kho chứa các sản phẩm mỹ phẩm, các sản phẩm bổ não, bổ tim, bổ phổi, bổ buồng trứng, bổ tuyến tiền liệt, tăng sức đề kháng, các sản phẩm serum dưỡng da mang nhãn hiệu ghi bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt nhưng không xuất trình được hồ sơ pháp lý cũng như hóa đơn chứng từ mua bán các sản phẩm nêu trên.
Không chỉ thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, tư vấn sức khỏe, thực hiện dịch vụ giảm béo, truyền năng lượng tái sinh, khám chữa bệnh… trái phép, mà gần đây còn xuất hiện cả phòng mổ “chui”. Cụ thể, vào giữa tháng 3/2024, qua công tác nắm tình hình, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện căn hộ 0909, tầng 9, tòa S1.05, Vinhomes Grand Park, số 512 Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức có nhiều dấu hiệu bất thường nên đã bí mật theo dõi. Tuy nhiên, do căn hộ này thường xuyên cửa đóng, then cài, hơn nữa cứ mỗi khi có người ra hoặc vào thì đều có người đứng chặn ở cửa để canh gác nên đã quyết định phối hợp với Công an địa phương tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, và quy luật hoạt động. Sau khi xác định đây chính là phòng khám “chui”, các đơn vị phối hợp đã tiến hành kiểm tra, xử lý.
Tại thời điểm các đơn vị phối hợp có mặt, căn hộ 0909 đang cửa đóng then cài và khi được yêu cầu mở cửa thì những người bên trong nhất quyết không hợp tác. Sau 40 phút kêu gọi, cuối cùng các đơn vị phối hợp đã buộc những người bên trong căn hộ phải mở cửa.
Qua kiểm tra, ghi nhận bên trong căn hộ có ông N.C.H đang tư vấn phẫu thuật cắt bao da quy đầu cho một khách hàng, ông Đ.V.D và một học viên đăng ký học cắt bao da quy đầu. Tại khu vực tiếp nhận tư vấn khám, chữa bệnh có biển hiệu “Dr. Đức Trọng - Lưu giữ nét thanh xuân”, mã QR code có thông tin “Dược sỹ viên 79 Đ.V.D” và kệ trưng bày vỏ hộp sản phẩm dụng cụ cắt bao da quy đầu, ngoài ra còn một phòng có lắp đặt 2 ghế phẫu thuật, đèn mổ, lò hấp dụng cụ tiểu phẫu và tủ đựng dụng cụ trang thiết bị y tế.
Ở sân phơi của căn phòng có túi rác thải y tế đựng bông băng có dính máu, găng tay, kim tiêm, dụng cụ cắt bao da quy đầu và trên trần la phông nhà vệ sinh đang cất giấu các tài liệu gồm tờ khai thông tin trước tiểu phẫu, giấy cam đoan chấp nhận thủ thuật, hóa đơn dịch vụ thực hiện cắt bao da quy đầu, đơn thuốc với chẩn đoán cắt bao quy đầu, bảng giá dịch vụ điều trị thẩm mỹ nam khoa, sổ hóa đơn dịch vụ...
Mặc dù đã thực hiện rất nhiều thủ thuật trong khám chữa bệnh và hoạt động trong một thời gian dài, nhưng khi được các đơn vị phối hợp yêu cầu xuất trình các loại giấy có liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh như Chứng chỉ hành nghề, hồ sơ pháp lý thì ông N.C.H và ông Đ.V.D liên tục quanh co nhằm đánh lạc hướng. Chỉ đến khi không thể tìm cách biện minh cho hoạt động sai trái của mình, cả hai mới chịu khai nhận đang hoạt động phòng khám “chui”.
Ngoài ra, ông N.C.H cũng khai rằng mình chỉ có bằng tốt nghiệp trung cấp y sĩ, còn ông Đ.V.D có bằng tốt nghiệp trung cấp dược sĩ. Sau khi tiến hành lập biên bản vi phạm về hoạt động khám chữa bệnh, các đơn vị phối hợp cũng tạm giữ toàn bộ số trang thiết bị y tế và tài liệu để làm cơ sở đề nghị các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và buộc đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Cần xử lý nghiêm để răn đe
Để người dân không bị sa vào cái bẫy của những chủ phòng khám “chui”, hàng năm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đều thực hiện nhiều chuyên đề cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó lưu ý người dân khi lựa chọn các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không vội vàng tin ngay mà cần phải tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ thông qua nhiều kênh khác nhau. Thông thường các cơ sở khám chữa bệnh đều có lắp đặt bảng hiệu có tên rõ ràng, ngoài ra trên bảng hiệu cũng được ghi rõ họ tên bác sỹ và số giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp nên người dân chỉ cần điền thông tin của các cơ sở, phòng khám này tra cứu trên mạng hoặc tiện nhất là vào Cổng tra cứu thông tin khám chữa bệnh của Sở Y tế để tìm hiểu về giấy phép của phòng khám, bằng cấp của bác sĩ trước khi đi đến quyết định đặt niềm tin nhằm tránh những hệ lụy xấu xảy ra.
Sở Y tế cũng mong người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh không phép hoặc có dấu hiệu hoạt động trong thời gian bị đình chỉ, có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989 401 155 hoặc phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.
Theo luật sư Phan Hồng Phúc, phải nói rằng gần đây không chỉ TP Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đều xuất hiện tình trạng cơ sở, phòng khám Đông, Tây y, cơ sở thẩm mỹ… chưa có giấy phép nhưng vẫn lén lút hoạt động. Đặc biệt còn có những người tự xưng là thầy thuốc, bác sỹ mở cơ sở khám chữa bệnh “chui” rồi lên mạng xã hội giới thiệu đủ các bài thuốc không theo một trình tự khoa học nào cả để lừa bán cho người bệnh; nhiều cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng nhân viên không có chứng chỉ hành nghề vẫn ngang nhiên thực hiện tiểu phẫu trên thân thể người khác để xóa mụn thịt, nốt ruồi, nám, sửa chân mày; có trường hợp nâng mũi, ngực, mông, tiêm filler…
Việc tiểu phẫu “chui” do những người không có chứng chỉ hành nghề, những người không được đào tạo qua trường lớp nhưng giả mạo là bác sỹ trực tiếp thực hiện các thủ thuật bằng dao, kéo tác động lên cơ thể bệnh nhân tại nhà riêng là nơi không được vô trùng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho người được điều trị như viêm vết thương, nhiễm trùng và cũng có thể là hoại tử, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng…
Chính vì vậy, ngành y tế cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Đối với những trường hợp có bằng cấp, nhưng chưa có giấy phép mà vẫn thực hiện khám chữa bệnh cắt mụn thịt, xóa nốt ruồi, hút mỡ mắt, nâng mũi, cắt bao quy đầu, tiêm filler… tại cơ sở riêng của mình có thể được xem là lừa đảo vì họ không bị chế tài của ngành Y tế và lỡ có chuyện xấu xảy ra thì có thể đóng cửa cơ sở rồi phủi tay chối bỏ trách nhiệm thì người bệnh lĩnh hậu quả nặng nhất.
Do đó, ngoài những biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì có thể treo bằng dài hạn, cấm vĩnh viễn tùy theo từng trường hợp, mức độ và số lần vi phạm. Riêng trường hợp không có bằng cấp hoặc bằng cấp không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mà vẫn thực hiện các loại tiểu phẫu hoặc khám chữa bệnh, kê toa rồi tự bán thuốc cho người bệnh thì có thể tăng nặng mức tiền xử phạt, nếu tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả thì phải xử lý trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, đồng thời bảo đảm sức khỏe và sinh mạng của người bệnh.