Làm gì để dọn sạch “phế phẩm” văn hóa?

Chủ Nhật, 23/06/2024, 08:30

MV (music video) “Fever” tiếp tục khiến cuộc tranh cãi về vấn đề “nhạc rác” bùng nổ. Thực tế, hầu hết năm nào, làng nhạc Việt cũng có những ca khúc bị chỉ trích dữ dội vì có nội dung nhảm nhí, phản cảm. Giữa thời điểm vàng - thau lẫn lộn, những người quản lý văn hóa, người làm văn hóa lại có thêm một hồi chuông cảnh tỉnh, dù ước ao về một nền âm nhạc “sạch” vẫn còn là giấc chiêm bao.

Đỏ mặt khi xem nhạc Việt

Phát hành hôm 4/6 trong album “Medicine” của Coldzy, ca khúc “Fever” (ft Tlinh) được giới thiệu thuần là một sản phẩm ca ngợi tình yêu. Nội dung được anh lấy cảm hứng sáng tác từ những trận sốt, truyền tải về tình yêu cháy bỏng, nồng nàn. Anh dùng một số câu từ nhạy cảm, được cho là ẩn ý tình dục như: “Tắt bớt ánh sáng, rèm phòng em đóng”, “Áo 2 dây buông lên sofa, nàng vội lại gần sát thêm/ Để đôi môi không còn khô/Toàn thân ta tăng nhiệt độ /Ướt át lúc đi vô”… Đoạn hát của Tlinh với những câu từ như: “Kéo rèm lại gần sát bên em/Đoán xem lần này ai sẽ làm ướt đệm?”, “Khóa phòng rồi khóa môi em/Nóng lòng được mở khóa bên trong”, “đêm nay nhà hàng xóm sẽ không được ngủ”, “siết chặt thêm”... cũng khiến người nghe không thoải mái vì ẩn ý miêu tả cảnh nhạy cảm.

mv _fever_ cu%3fa coldzy va` tlinh dang ga^y tranh ca~i vi` no%3f^i dung, ca tu%3f` nha%3fy ca%3fm nhu%3fng kho^ng du%3fo%3f%3fc da´n nha~n 18+.jpeg -0
MV “Fever” của Coldzy và Tlinh đang gây tranh cãi vì nội dung, ca từ nhạy cảm nhưng không được dán nhãn 18+.

Yếu tố sắc dục dường như đã trở thành gia vị quen thuộc trong nhiều sản phẩm nhạc trẻ, đặc biệt là rap. Nhưng Coldzy và Tlinh là những rapper đã có vị trí nhất định trong làng nhạc. Cả hai từng tham gia cuộc thi Rap Việt lên sóng VTV3. Tlinh từng là top 3 của mùa giải năm 2020. Cả hai sở hữu lượng khán giả trẻ hâm mộ đông đảo, thành ra yếu tố dung tục trong bản rap “Fever” lập tức nhận khá nhiều chỉ trích. Bên dưới MV, một số khán giả bình luận: “Một sản phẩm không khác gì văn hóa phẩm đồi trụy, dung tục nhiều hơn là nghệ thuật”; “Bài hát thể hiện sự dung tục, không có nhãn mác cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Hãy là người nghệ sĩ có ý thức với cộng đồng”; “Không cảm được nhạc này. Hy vọng chỉ một số bộ phận nào cảm được nghe thôi, đừng để lọt vào tai những bé đang tuổi ăn tuổi học, vì có quá nhiều thứ đồi trụy rồi. Đừng cổ súy thêm sự dung tục nữa.

Đến một lúc, bạn sẽ cảm nhận được nhạc này không hay, nhất là khi bạn có con nhỏ. Làm ơn hay sử dụng bộ não và lòng yêu nghề làm những bản nhạc ý nghĩa cho mọi người xung quanh”; “Không hiểu tại sao thể loại nhạc như thế này vẫn được tung hô. Lời lẽ tục tĩu, bất chấp những góp ý và phê phán từ cộng đồng cho thấy tư tưởng của nghệ sĩ lệch lạc, rất có vấn đề. Họ không xứng được gọi là nghệ sĩ. Thể loại nhạc này cần phải tẩy chay, tránh gây ảnh hưởng đến giới trẻ - khán giả chủ yếu nghe nhạc”…

Đây không phải lần đầu tiên Tlinh nói riêng và nhạc Việt nói chung khiến dư luận ngán ngẩm khi khai thác yếu tố sắc dục. Tháng 8/2023, MV “Ghệ iu dấu của em ơi” của Tlinh ra mắt cũng gây tranh luận với nhiều hình ảnh nóng bỏng. Nghệ sĩ trẻ có nhiều cảnh quay ở bồn tắm, phòng bếp và hồ bơi, diện đồ ren gợi cảm. Máy quay nhiều lần bắt góc cận khi cô mặc nội y tạo dáng trong bồn tắm. Phần lời ca cũng bị nhận xét sáo rỗng, vô nghĩa: “Tình iu các cụ non/Mama ghệ nghe đâu đã muốn có nụ con dâu/Tình iu ghệ ngày ngày cứ bự hơn/Ghệ có muốn qua em quấn quít tít mù ôm nhau?/Lần này em chắc chắn sẽ chậm hơn/Không mắc lại lỗi, không ngẫn thị hơm/Ghệ cứ liệu tự giác và cẩn thận”…

vo%3f%3f cho^`ng bigdaddy – emily trong mv “ma^%3fy tha%3f^t ma^%3fy”.jpeg -0
Vợ chồng BigDaddy - Emily trong MV “Mẩy thật mẩy”.

Một số ca khúc phản cảm ngay từ tựa đề bài hát, đơn cử: “Như lời đồn” (Khắc Hưng sáng tác). Đáng nói, trước khi “Như lời đồn” ra đời, Khắc Hưng đã có “Như cái lò” khiến người trong giới và khán giả khó tính lắc đầu. Hay Phạm Toàn Thắng với “Nắng cực”, chỉ cần đọc ngược đã làm người ta đỏ mặt. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn thậm chí còn từng chỉ trích đây là “cách nói lái trơ trẽn”.

Chi Pu từng gây tranh cãi khi phát hành một loạt sản phẩm nhằm định hình phong cách gợi cảm. Trong đó, một số sản phẩm đi quá giới hạn gợi cảm như MV “Mời anh vào team em” với cảnh mặc váy ngủ chủ động đưa vòng một chạm vào mũi bạn diễn nam, biến gợi cảm thành gợi dục. MV “Sashimi” của Chi Pu cũng vậy. Nhân vật nữ dùng ánh mắt, cử chỉ, lời nói đưa đẩy để tô đậm yếu tố “tươi sống”, “ngon lành”, tạo sự liên kết, gợi tưởng giữa chính cô gái (trong trang phục bó sát) và món sashimi. Điểm này tương tự với MV “Hâm nóng” đã bị gỡ bỏ của ca sĩ Emily. Hay MV “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy vốn là sản phẩm ca ngợi phụ nữ (theo lời rapper này) nhưng lời bài hát lại mô tả phụ nữ bằng những từ như: ngon, mẩy, căng đét, chảy dãi, ú nẩy…

Người làm văn hóa phải… có văn hóa!

Gắn bó hàng chục năm trong làng nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không ít lần lên tiếng bức xúc trước tình trạng “rác” trong âm nhạc. Anh thừa nhận mọi cung bậc của đời sống đều có thể trở thành chất liệu cho âm nhạc. Nhưng không phải vì thế mà đưa chuyện giường chiếu, thù ghét cá nhân, ăn chơi trác táng… vào khuôn nhạc một cách sống sượng rồi gọi đó là nghệ thuật. Anh cho rằng, sự sáng tạo không thể đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. “Âm nhạc cuối cùng vẫn phải hướng người nghe đến điều tốt đẹp, cái thiện lành chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Việc sáng tạo vì thế mà không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hóa”, nhạc sĩ nói.

ca-si~-chi-pu-tu%3f`ng-co´-nhie^`u-sa%3fn-pha^%3fm-a^m-nha%3fc-ga^y-tranh-ca~i-vi`-hi`nh-a%3fnh-pha%3fn-ca%3fm.jpg -0
Ca sĩ Chi Pu từng có nhiều sản phẩm âm nhạc gây tranh cãi vì hình ảnh phản cảm.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng: “Viết nhạc cũng như cuộc sống của mình, phải chăm chút, không được bông phèng, phải có tư duy nhất định. Ca từ rất quan trọng, đặc biệt với người Việt Nam vì ca từ thể hiện văn hóa”.

Thị trường âm nhạc Hàn Quốc luôn có những “bản án” rất nghiêm khắc với những sản phẩm âm nhạc phản cảm. Thậm chí, các ca khúc chỉ cần nhắc đến tên thương hiệu, chất kích thích hay có từ ngữ dễ khiến giới trẻ liên tưởng tới hành động tế nhị, lập tức bị các đài truyền hình lẫn Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc “tuýt còi”.

Ở Việt Nam, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có quy định về việc xử phạt các MV có nội dung dung tục, phản cảm. Lịch sử cũng từng ghi nhận các sản phẩm bị cơ quan quản lý xử phạt hành chính như: Năm 2021, rapper Chị Cả bị phạt vì bài hát "Censored" có ca từ phản cảm, dung tục, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, với số tiền 35 triệu đồng. Cùng thời điểm, nhóm rap Nhà Làm bị phạt 45 triệu đồng vì hành vi lưu hành bài rap “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2022, Sơn Tùng M-TP bị phạt 70 triệu đồng và phải gỡ MV “There's no one at all” vì mang  thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục. Tuy nhiên, các MV này chỉ bị xử phạt sau khi khán giả, truyền thông lên án, khi bị “tuýt còi” các sản phẩm này đã đến tay hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người xem trên YouTube.

pgs.ts bu`i hoa`i so%3fn - u%3fy vie^n thu%3fo%3f`ng tru%3f%3fc u%3fy ban va%3fn ho´a, gia´o du%3fc cu%3fa quo^´c ho%3f^i.jpeg -0
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Vì sao nhạc “rác” vẫn tồn tại, thậm chí tràn lan ồ ạt? Thử nhìn vào sức sống của “Fever” sẽ thấy. MV hiện đạt 817.000 lượt xem, từng giữ vị trí 20 trong top ca khúc thịnh hành của YouTube Việt Nam. Bàn về giải pháp tháo gỡ, dọn sạch các “phế phẩm” văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn -  Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và những chuyên gia, người sáng tạo văn hóa đã hơn một lần lên tiếng. Giới chuyên môn đồng tình rằng, việc ngăn chặn, dọn rác trong âm nhạc không phải điều dễ, nếu như không có sự phối hợp từ cơ quan chức năng, công chúng và cả đạo đức nghề nghiệp của những người sản xuất âm nhạc.

Theo đó, ông Bùi Hoài Sơn đưa ra bốn giải pháp là: Một là, tăng cường nhận thức cho mọi người, trong đó đặc biệt là các nghệ sĩ về giá trị, ý nghĩa, vai trò của nghệ thuật trong phát triển xã hội. Hai là, xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, thể hiện khát vọng phát triển đất nước, truyền cảm hứng tích cực cho mọi người. Ba là, cần có những tấm gương điển hình, đặc biệt là từ các văn nghệ sĩ trong việc ủng hộ xu hướng sáng tác phù hợp, lên án, bài trừ, không tham gia các tác phẩm không phản ánh những giá trị đạo đức của dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hóa của đất nước. Bốn là, cần có một số các hình thức chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi lệch chuẩn, tạo ra những sản phẩm phản văn hóa, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật, giúp định hướng sự thưởng thức văn học nghệ thuật trong công chúng.

Trong khi các nghệ sĩ tài năng, chuyên nghiệp ngày càng lui dần về phía sau, lứa nghệ sĩ Gen Z - những tài năng trẻ phát triển như vũ bão từ tư duy âm nhạc cho đến làm nghề - đang dần chiếm ưu thế, góp phần trở thành bộ mặt mới của âm nhạc Việt Nam. Để giá trị âm nhạc không bị vàng - thau lẫn lộn, có lẽ chính bản thân nghệ sĩ - những người làm văn hóa nên tự thanh lọc tư duy làm nghề. Nếu muốn khán giả đón nhận, muốn cất cánh, nhạc Việt buộc phải văn minh hơn. Còn mãi chạy theo bản năng thấp hèn, chạy theo lượt xem, trào lưu ăn xổi mà không quan tâm đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ của nghệ thuật thì tương lai của nhạc Việt ai cũng biết rõ.

Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do lãnh đạo Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 13/12/2021, trong đó có nêu một số quy tắc như:

- Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội;

- Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực khai thác các phương pháp sáng tạo, thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.

Bạch Dương

.
.
.