Kinh tế tuần hoàn - Cơ hội phát triển bền vững
Mô hình kinh tế tuyến tính “khai thác - sản xuất - tiêu thụ - thải bỏ” đã từng được coi là động lực phát triển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và tài nguyên, giới hạn của mô hình này ngày càng rõ ràng. Để ứng phỏng với những thách thức toàn cầu, khái niệm "kinh tế tuần hoàn" đã nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn.
Lời giải cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu?
Khái niệm kinh tế tuần hoàn ra đời từ những năm 1990, trong bối cảnh xã hội hiện đại phát triển, tiêu dùng tăng cao gây ra nhiều nhân tố tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, cũng như mang đến nhiều mối nguy hại cho môi trường và sự phát triển bền vững.
Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ giúp các quốc gia đạt mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở quy mô rộng hơn, các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn phù hợp với các mục tiêu chính sách tiến bộ theo nhiều cách. Thứ nhất, việc khai thác nguyên liệu thô ít hơn sẽ làm giảm việc khai thác tài nguyên vốn kéo dài sự mất cân bằng quyền lực trong lịch sử (ví dụ, các nước giàu thu lợi từ việc khai thác mỏ ở các nước thu nhập thấp). Thứ hai, việc theo đuổi tính tuần hoàn - được thúc đẩy bởi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) - có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa đổi mới, chẳng hạn như “cuộc chạy đua không gian” trong ngành viễn thông. Thứ ba, tính tuần hoàn tạo ra các thị trường mới (chủ yếu để xử lý và mua bán chất thải vật liệu), từ đó tạo ra cơ hội việc làm mới. Cuối cùng, khi tính tuần hoàn hoạt động hiệu quả hơn ở quy mô nhỏ hơn, nó có thể tăng cường hội nhập thương mại khu vực, điều hòa các tương tác kinh tế và chính trị giữa các quốc gia đang trải qua căng thẳng ngoại giao.
Rủi ro tiềm ẩn
Tuy kinh tế tuần hoàn hứa hẹn nhiều lợi ích, nhưng việc chuyển đổi sang mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Mặc dù việc thu nhỏ quy mô chuỗi cung ứng có lợi cho môi trường, nhưng nó cũng có thể gây ra những rủi ro chính trị, chẳng hạn như thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập về kinh tế, và thậm chí là chủ nghĩa dân tộc độc hại trong những tình huống cực đoan. “Bóng ma” của chủ nghĩa dân tộc độc hại đang ngày một lớn, đặc biệt vào thời điểm mà tình trạng bất ổn và bất bình đẳng về kinh tế đã kích động sự tức giận của chủ nghĩa dân túy và những luận điệu đầy hận thù chống lại người di cư và những người có bản sắc không chính thống.
Việc các quốc gia tự sản xuất, tự tiêu dùng có thể dẫn đến tình trạng đóng cửa, hạn chế giao thương quốc tế và gây ra xung đột thương mại. Ví dụ, nếu một quốc gia quyết định tự sản xuất tất cả các loại thực phẩm mà không nhập khẩu, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi xảy ra thiên tai hoặc dịch bệnh. Hoặc nếu một quốc gia quá tập trung vào sản xuất trong nước có thể bỏ lỡ cơ hội hợp tác với các quốc gia khác để phát triển các công nghệ mới và nâng cao năng suất.
Con đường phía trước
Với những lo ngại như vậy, điều quan trọng là cần có cái nhìn rộng hơn về tính tuần hoàn. Vào thời điểm dữ liệu về khí hậu và môi trường cảnh báo chúng ta về một cuộc khủng hoảng đe dọa tính liên tục của các hệ thống sản xuất và kinh tế toàn cầu, các khái niệm về chuyển đổi hoặc có tính bao quát rộng rãi như nền kinh tế tuần hoàn có thể rất hấp dẫn. Việc tạo ra vòng lặp tài nguyên có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong việc giảm thiểu chất thải và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn không nên được coi là chất xúc tác duy nhất cho chuyển đổi công nghiệp. Các hệ thống công nghiệp gắn liền với các hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội, tất cả đều có quán tính riêng. Trong nghiên cứu về ngành dệt may ở Hà Lan, các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều rào cản đối với quá trình chuyển đổi tuần hoàn, bao gồm các quy định lỗi thời, công nghệ và kỹ năng hạn chế, thị trường khó tính chỉ ưa chuộng nguyên liệu thô và văn hóa hoài nghi của các công ty và người tiêu dùng.
Không nên coi chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn giống như việc “bật công tắc” mà đây là một tiến trình chậm, tốn kém và lộn xộn hướng tới một khái niệm thành công mơ hồ, vốn chắc chắn sẽ bị thách thức trên chính trường. Nói cách khác, nền kinh tế tuần hoàn là một quá trình chứ không phải là đích đến. Hơn nữa, không thể mong đợi một nền kinh tế tuần hoàn hoàn hảo. Tuy nhiên, việc theo đuổi tính tuần hoàn có thể có những lợi ích phụ trợ thông qua đổi mới công nghệ, những thay đổi trong thực tiễn kinh doanh và cả nhận thức về sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và khai thác môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế đầy hứa hẹn, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế này không phải là điều dễ dàng và đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống. Với sự hỗ trợ của chính sách, sự đổi mới của doanh nghiệp và sự tham gia của người dân, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ sau.