Khai thác kim cương thủ công ở Sierra Leon

Thứ Sáu, 02/12/2022, 13:20

Hàng ngày, Dia, 46 tuổi, đi vào rừng để làm việc ngay trong các mỏ kim cương đang băm xới cảnh quan của quận Kono thuộc miền Đông Sierra Leone. Nếu may mắn, ông có thể đào 10 tiếng trong bùn sâu để kiếm 2-3 USD vào cuối ngày.

“Tiền thì bèo nhèo, công việc lại vất vả”, Dia than vãn. Sau 20 năm lao động quần quật, Dia vẫn không khá nổi, tiền lương hàng ngày chỉ đủ cho ông mua thực phẩm và nơi ở cho vợ và 4 đứa con. Trong khi đó những viên kim cương mà Dia cùng hàng vạn thợ mỏ khác đào được từ lòng đất Kono được bán với giá hàng tỷ USD trên thị trường quốc tế. Kim cương từ các mỏ quanh thủ phủ Koidu của quận Kono – một trong những mỏ kim cương giàu nhất thế giới – đã từng châm ngòi cho cuộc nội chiến tàn khốc dài đằng đẵng ở Sierra Leone.

20-1.jpg -0
Một mỏ kim cương thủ công ở ngoại ô Koidu. Ảnh nguồn: Josef Skrdlik/OCCRP

“Lãnh chúa kim cương” ở Sierra Leon

Thực tế này đã thay đổi từ năm 1995 với sự xuất hiện của đội quân lính đánh thuê Executive Outcomes (Nam Phi), công ty đã nắm quyền kiểm soát các mỏ kim cương của Koidu từ nhóm phiến quân Mặt trận thống nhất cách mạng (RUF). Sau đó quyền kiểm soát được đảm bảo bằng nhượng quyền khai thác do chính phủ cấp: một phần thưởng cho sự hỗ trợ quân sự. Sự kiện được đánh dấu bởi việc ra đời Koidu Limited.

Hiện thuộc quyền khai thác của ông trùm mỏ người Israel, Beny Steinmetz, BSG Resources, công ty đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp kim cương địa phương. Nhằm mở rộng hoạt động khai thác ban đầu, Koidu Limited đã phá hủy phần lớn Koidu và vùng lân cận, đuổi hàng trăm người khỏi nhà của họ, trực tiếp hủy hoại sinh kế của dân cư địa phương, hủy hoại nhiều thửa đất nông nghiệp, làm ô nhiễm không khí và đầu độc nguồn nước ngầm trong vùng.

Những người chống đối sự bành trướng này đã bị đe dọa bởi lực lượng cảnh sát do Koidu Limited lợi dụng. Trong vài trường hợp, những người biểu tình đã bị bắn hoặc chết. Ngoài một số người may mắn nhận được nhà ở sau khi bị Koidu Limited đuổi thì phần lớn các cộng đồng ở Koidu chưa nhận được bất kỳ tiền bồi thường nào. Trái với lời hứa hẹn ban đầu, Koidu Limited chỉ tạo ra một lượng nhỏ công việc nhưng cũng trả lương rẻ mạt. Koidu Limited bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đã gây tổn hại cho cộng đồng, tháng trước Tòa tối cao ở Makeni còn ra phán quyết có lợi cho Koidu Limited sau khi một nhóm đại diện cho cư dân Koidu chịu thiệt thòi đã đâm đơn kiện. Nhóm đại diện tuyên bố sẽ kháng cáo bản án.

Khai thác kim cương thủ công ở Sierra Leon -0
Ông Sahr Joe, một chuyên gia khai khoáng từ Mạng lưới công lý và phát triển. Ảnh nguồn: Josef Skrdlik/OCCRP

Để kiếm sống, nhiều cư dân lệ thuộc vào khai thác thủ công, họ đào trong các cánh rừng xung quanh bằng cuốc và xẻng để tìm kim cương. Ông Ibrahim Bockarie, một người ủng hộ cộng đồng địa phương, quả quyết: “Căn bản thì mọi người ở Kono đều dựa vào kim cương thủ công”. Một số người ước tính rằng việc khai thác kim cương thủ công có thể tuyển dụng đến 300.000 nhân công để sản xuất khoảng 40% kim cương ở Sierra Leone.  Và ngành công nghiệp này khét tiếng là bóc lột.

Những nô lệ hiện đại

Mỗi buổi sáng, từ các thị trấn và làng mạc, dòng người tấp nập đổ về Kono để tìm việc làm. Đến được các mỏ (khá sâu, ngập nước và rác) họ bắt đầu năn nỉ các quản đốc mỏ để xin việc. Nếu may mắn có được việc làm trong ngày, các thợ đào hầu hết chỉ mặc áo sơ mi và đội mũ bóng chày sẽ lội chân trần xuống bùn. Cầm xẻng trong tay, họ có thể đào xuống sâu tới 20m. Những xô sỏi được chuyền tay từ người này sang người khác, sau đó chúng sẽ được rửa sạch và sàng lọc để tìm ra những viên đá quý. Suốt năm, nhiệt độ thường cao đến 35 độ C, nắng chói chang xuống các hố đào. Chấn thương khá phổ biến, người đào khoáng sản thường xuyên bị những vết cắt do vấp phải đá sắc trong bùn. Làm tất cả chỉ để kiếm 2-3 USD/ ngày.

Để mua một bao gạo 25 kg (đủ nuôi cả nhà 4 người trong 2 tuần) các thợ mỏ thường phải vay tiền để trang trải chi phí 17 USD. Nếu mua chịu, sau khi tính thêm lãi, 1 bao gạo sẽ có giá thành lên tới 44 USD. Ông Princeton Williams, quản lý một mỏ kim cương thủ công, kể: “Để nấu một món hầm, họ cho những miếng cá khô vụn, dầu cọ, bơ và tiêu, rồi trộn với lá sắn (khoai mì) hái trong vườn nhà mình. Ăn kiểu này mới giúp họ sống được”.

Khai thác kim cương thủ công ở Sierra Leon -0
Các thợ mỏ đang sàng sỏi để tìm kiếm kim cương. Ảnh nguồn: Josef Skrdlik/OCCRP

Trong trường hợp không có điều kiện thay thế, thợ đào mỏ buộc phải chấp nhận sống như vậy. Ông Sahr Toe, một chuyên gia mỏ tại Mạng lưới công lý và phát triển (NFJD, một tổ chức phi chính phủ Sierra Leon) nhấn mạnh: “Đây là một câu hỏi về giai cấp. Nếu không có tiền thì chỉ làm nô lệ thôi”.

Do tình trạng bóc lột nên hình thức khai thác thủ công chiếm ưu thế, tạo nên cái gọi là “Kosovo” – cái tên liên quan đến cuộc chiến tàn khốc ở Nam Tư cũ. Trong hệ thống Kosovo, thợ mỏ nhận lương hàng ngày và không được chia bất kỳ phần lợi nhuận nào từ số kim cương tìm được. Tất cả lợi nhuận thuộc về chủ mỏ và các nhà tài chính mà dân địa phương gọi là “nhà tài trợ”.

Nếu có mỏ kim cương, chủ đất sẽ tìm ai đó sẵn sàng hỗ trợ tiền để đào kim cương, họ có tiền trả lương cho thợ mỏ cũng như cung cấp dụng cụ và máy móc. Những nhà tài trợ chủ yếu đến từ tầng lớp tinh hoa tài chính ở Kono. Mỗi viên kim cương, chủ đất sẽ hưởng 30% lợi nhuận, phần còn lại thuộc về nhà tài trợ. Trong những năm gần đây, khai thác thủ công từ nhỏ lẻ đã trở thành một tiến trình chính thức hóa rõ rệt. Để bắt đầu khai thác, các nhà tài trợ sẽ mua giấy phép từ Cục khai khoáng quốc gia (NMA). 

Nếu thửa đất thuộc sở hữu cộng đồng, họ phải đàm phán để được sự phê chuẩn từ tộc trưởng. Các quan chức NMA thường xuyên “vi hành” những địa điểm khai khoáng để kiểm tra đột xuất giấy phép hoạt động và hồ sơ về lượng kim cương đã tìm thấy. Tuy vậy, phần lớn hoạt động khai thác kim cương thủ công trong, ngoài Koidu đã thoát khỏi sự giám sát của chính phủ. Một nhà tài trợ (đề nghị giấu tên) phải thừa nhận rằng hầu hết đều khai thác không giấy phép. Ông này giải thích: “Nếu NMA đến, tôi chỉ cần đưa 5 USD và họ sẽ để tôi yên. Nhân viên của họ đều rất nghèo. Tương tự sau khi tôi mua tặng cái ti vi, ông tộc trưởng đồng ý ngay”. Mặt khác, trong khi hệ thống Kosovo đang thống trị khối khai thác thủ công thì vẫn có những cách thay thế để thợ mỏ thâm nhập vào nền kinh tế kim cương. Cái gọi là “Hệ thống cống hiến”, các thợ mỏ được trả lương ít hơn (dưới 1 USD / ngày) nhưng nếu họ tìm thấy kim cương thì sẽ được chia lợi nhuận.

Khai thác kim cương thủ công ở Sierra Leon -0
Những con đường tạm bợ trong thành phố Koidu. Ảnh nguồn: Josef Skrdlik/OCCRP

Nhà tài trợ thương lượng giá trị của viên kim cương với thợ đào và họ chia lợi nhuận với nhau. Cánh thợ mỏ gắn vào hệ thống này vì họ nghĩ tới triển vọng phát tài nếu tìm thấy những viên đá quý lớn hơn. “Rồi sẽ có ngày tôi sẽ giàu”, ông Kai Pessima, người có thâm niên 25 năm đào kim cương, lạc quan nói. Aiah Lahai (cũng có 25 năm đào kim cương) đã phát tài. Vài năm trước, anh tìm thấy một viên kim cương, sau khi bán nó, anh mua được 3 căn nhà nhỏ cho mấy đứa con. Có một nhược điểm là nếu thợ đào không đồng ý với mức giá mà nhà tài trợ (của chủ thửa đất mỏ) đưa ra thì anh ta không thể mang viên đá quý đến nơi định giá độc lập nó.

Giá cả bấp bênh và tệ nạn buôn lậu 

Các đầu nậu kim cương (những người điều hành hàng chục tiệm kim cương nhỏ trên các tuyến phố ở Koidu) đóng vai trò môi giới giữa các nhà tài trợ và nhà xuất khẩu ở Freetown. Vị trí của người môi giới trong chuỗi cung ứng được thể hiện thông qua tài thẩm định giá, họ phải am hiểu về hàng ngàn loại kim cương khác nhau.

Các đầu nậu cũng quan sát một mạng lưới các đại lý làm việc khắp Kono – những người tiếp cận thợ đào nhằm duy trì nguồn cung ổn định cho các cửa hàng của họ. “Để trở thành đầu nậu giỏi thì anh phải rõ giá kim cương hơn những người khác”, ông Brima Lebbie, một đầu nậu kim cương kiêm ứng viên chủ tịch Hiệp hội các đầu nậu kim cương quận Kono nói.

Dù bề ngoài hoạt động độc lập nhưng các đầu nậu kim cương thường điều chỉnh giá sản phẩm của họ, hiệu quả như các tập đoàn. Nếu thợ mỏ mang kim cương đến cho đầu nậu và không chấp nhận giá thì thông tin về viên đá và cái giá đã trưng ra sẽ nhanh chóng bị các đầu nậu khác biết được, họ sẽ khước từ việc trả hơn từ mức giá ban đầu.

“Cuối cùng thợ đào mỏ buộc phải chấp nhận cái giá ban đầu hoặc thấp hơn”, ông Sahr Joe nhấn mạnh. Sau khi được mua, số kim cương sẽ được đưa tới Freetown (thủ đô của Sierra Leon) và được chứng nhận bởi các nhà xuất khẩu có giấy phép để đưa ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, không hẳn tất cả kim cương ở Sierra Leone đều được xuất khẩu hợp pháp. Buôn lậu kim cương (vốn có từ thời kỳ nội chiến) đã trở thành thực trạng nan giải. Theo một ước tính, khoảng từ 50-90% kim cương được tuồn lậu ra khỏi Sierra Leon làm sụt giảm nguồn thu từ tiền bản quyền xuất khẩu của nhà nước này.

Tuyến đường buôn lậu nổi tiếng nhất đi qua Guinea, nơi có chung đường biên giới với Sierra Leone. Kim cương khai thác ở Kono được tuồn qua biên giới đến khu định cư khai khoáng Bambakaro. Tại đó, kim cương được chuyển trực tiếp đến sân bay quốc tế Lungi (sân bay quốc tế Freetown). Một tay chuyên tuồn lậu kim cương có biệt danh là “Sugarman” cho hay, các nhà buôn kim cương Châu Âu đã sử dụng những mối quan hệ với chính phủ ở Freetown để lấy được hộ chiếu ngoại giao Sierra Leon, giúp họ đi trót lọt qua các chốt gác an ninh sân bay.

Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.
.