Hy vọng từ tấm huy chương hụt của Trịnh Thu Vinh
Mục tiêu giành huy chương Olympic Paris của Trịnh Thu Vinh chưa thể đạt được như cô mong muốn. Nhưng cũng từ đích ngắm trật trong gang tấc ấy, một hy vọng mới đã mở ra cho thể thao Việt Nam. Bắn súng đã nổi lên như môn thể thao hiếm hoi mà Vận động viên (VĐV) Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng ở quốc tế.
Đáng quý và đáng tiếc
Vào thời điểm đoàn thể thao Việt Nam làm lễ xuất quân tham dự Olympic Paris, Trịnh Thu Vinh không thể góp mặt. Cô cùng đồng đội Lê Thị Mộng Tuyền, cũng như ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam đã lên đường sang châu Âu tập huấn từ khá sớm. Đây là một phần trong kế hoạch của đội tuyển, nhằm giúp 2 xạ thủ đạt điểm rơi phong độ tốt nhất.
Tính toán của ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam đã đúng với Thu Vinh. Cô gái sinh năm 2000 được kỳ vọng tranh chấp huy chương sau khi vượt qua vòng đấu loại. Mục tiêu ấy đã thành công, khi Thu Vinh đứng hạng 4 chung cuộc sau 60 phát bắn của nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
Ở một góc độ khách quan, Thu Vinh lọt vào chung kết sau một khoảnh khắc xuất thần. Ở loạt 10 phát bắn thứ 5, xạ thủ Việt Nam giành 100 điểm tối đa. Cô là 1 trong 2 VĐV hiếm hoi làm được điều này ở vòng loại. Trong 5 loạt bắn còn lại, Thu Vinh có tổng điểm cao nhất là 97.
Chính loạt bắn 100 điểm đó đã đưa Thu Vinh vượt qua vòng loại với cách biệt sát nút. Bởi, khoảng cách giữa cô và VĐV đứng thứ 9 (không được vào thi đấu chung kết) chỉ là 2 điểm. Nếu Thu Vinh có tổng điểm ở loạt bắn thứ 5 thấp hơn 98 điểm, suất vào chung kết sẽ thuộc về người khác.
Ở môn thể thao phụ thuộc nhiều vào phong độ tức thời của VĐV như bắn súng, thành bại có thể đến từ một vài khoảnh khắc. Thu Vinh hiểu điều đó hơn ai hết. Cô từng là một trong những VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé dự Olympic, rồi thi đấu dưới kỳ vọng ở ASIAD, sau đó lại nổi lên với phong độ ấn tượng ngay trên đất Pháp.
Cũng tại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ của Thu Vinh, tay súng có điểm cao nhất ở vòng loại lại chính là người đầu tiên rời cuộc chơi ở vòng chung kết. Ngược lại, xạ thủ Hàn Quốc đứng thứ 5 ở vòng loại, dưới Thu Vinh 1 bậc, lại giành HCB chung cuộc. Bản thân VĐV Việt Nam có khoảnh khắc vươn lên nhóm có huy chương, nhưng cô không thể trụ lại.
Thật khó để nhận định những phát bắn ở lượt đấu loại trực tiếp của Thu Vinh không như kỳ vọng vì những lý do khách quan. Bởi khác biệt giữa thành công và thất bại trong môn bắn súng dường như quá nhỏ. Thật khó để trách VĐV không đưa viên đạn trúng hồng tâm trong môn thể thao yêu cầu độ chính xác đến khó tin này.
Thay vì cảm thấy đáng tiếc cho tấm huy chương hụt của Thu Vinh, những điểm tích cực ở thành tích cô thể hiện mới là điều đáng nói hơn. Việc Thu Vinh lọt vào top 4 cho thấy, bắn súng xứng đáng là môn được đầu tư trọng điểm tại Việt Nam. VĐV trong môn này có thể sớm đạt thành tích tốt trong thời gian ngắn, và tuổi nghề của họ cũng kéo dài.
Những đóng góp thầm lặng
Kể từ thời điểm Trịnh Thu Vinh giành vé tham dự Olympic Paris, rất nhiều nhân vật được nhắc tới xung quanh chiến tích này. Nhưng có một đơn vị vẫn thầm lặng hỗ trợ, cổ vũ Thu Vinh tiến bước, dù ít được đề cập đến trong thời gian qua. Đó chính là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an nhân dân, đơn vị chủ quản của Thu Vinh.
10 năm trước, chính các tuyển trạch viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an nhân dân đã phát hiện ra những tố chất hiếm thấy của Trịnh Thu Vinh. Cô học sinh cấp 2 tại Thanh Hóa được tuyển mộ trở thành một VĐV. Ba năm sau, chính đơn vị này có quyết định quan trọng, khi chuyển Thu Vinh từ bộ môn Điền kinh sang Bắn súng.
Một trong những nguyên nhân khiến Thu Vinh không thể tập luyện điền kinh là bởi cô có dấu hiệu chấn thương khó lành. Nhưng thay vì bị loại bỏ theo kiểu "vắt chanh", Thu Vinh được tạo điều kiện chuyển sang làm quen với một môn khác hoàn toàn. Đây cũng là điểm tựa chắp cánh cho Thu Vinh ngày một trưởng thành theo thời gian.
Không ai rõ những HLV môn Bắn súng của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an nhân dân đã nhìn nhận tiềm năng của Thu Vinh như thế nào. Nhưng thực tế, lựa chọn đó đã sớm cho thấy sự đúng đắn. Đúng 1 năm sau lần đầu cầm súng, Thu Vinh giành 2 HCV tại giải vô địch trẻ quốc gia, thậm chí lập kỷ lục ở lứa tuổi của mình.
Thành công từ đó liên tiếp đến với Thu Vinh. SEA Games 31 tại Việt Nam lùi lại 1 năm là tin kém vui cho nhiều VĐV. Nhưng đối với Thu Vinh, điều này giúp cô vô tình có thêm 1 năm để trưởng thành, vun đắp bản thân. Xạ thủ sinh năm 2000 giành 1 HCB, 1 HCĐ trên sân nhà. Đây là thành tích không tồi, giúp cô hướng đến những kết quả tốt hơn.
Xuyên suốt quãng thời gian từ thời điểm là VĐV vô danh đến khi gặt hái thành tích ở tầm quốc tế, Thu Vinh luôn được tạo điều kiện tối đa. Đáng chú ý hơn, cô không phải VĐV duy nhất nhận được sự quan tâm ấy. Mỗi VĐV, HLV, chuyên viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an nhân dân đều cảm nhận được điều này.
An tâm sống với nghề
Thu nhập của VĐV thể thao thành tích cao là một câu chuyện vô cùng. Ngoại trừ người trong cuộc, chẳng ai rõ những VĐV nhận chính xác bao nhiêu tiền. Con số này bao gồm đãi ngộ hàng tháng từ đơn vị chủ quản, đội tuyển quốc gia, cũng như tiền thưởng huy chương theo quy định mỗi nơi. Nhưng thực tế là, VĐV bắn súng đang có đãi ngộ rất tốt.
Một thành viên (xin giấu tên) của đội tuyển bắn súng Việt Nam cho biết, khoản tiền dư ra sau mỗi năm ăn tập có thể giúp họ mở một sổ tiết kiệm nhỏ. Môi trường sinh hoạt, tập luyện tại đội tuyển quốc gia, cũng như đơn vị chủ quản cũng dần được cải thiện theo thời gian. Sau thành công của bắn súng Việt Nam gần đây, họ cũng có đời sống tốt hơn.
Trong số trên dưới 40 môn thể thao thành tích cao hiện tại ở Việt Nam, bắn súng được xem là môn được đầu tư bài bản, hiệu quả nhất. Điểm khác biệt không chỉ xuất phát từ những con số, hay nguồn ngân sách được sử dụng để phát triển bắn súng. Cách đầu tư vào bắn súng để đạt về thành tích như bây giờ cũng là hiệu quả từ việc tính toán căn cơ.
Bằng một cách nào đó, bắn súng, một môn tưởng như thuần về thể thao thành tích cao, lại đang huy động được nguồn lực xã hội hóa không nhỏ. Điều này được nhìn nhận ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cũng như một số địa phương. Tại đội tuyển, nhiều chuyến tập huấn của toàn đội được doanh nghiệp tài trợ, giúp các VĐV có điều kiện tập luyện tốt hơn.
Trong khi đó, ở góc độ địa phương, bắn súng đang trở thành môn thể thao hiếm hoi mở rộng đến cấp độ phong trào. Lê Thị Mộng Tuyền là một trong những gương mặt được phát hiện từ một giải phong trào như thế. Từ một cô bé học cấp 2 và chưa biết nhiều về thể thao, Mộng Tuyền nhanh chóng vụt sáng giành 1 vé tham dự Olympic cho bắn súng Việt Nam.
Từ góc độ của nhiều HLV, VĐV, bắn súng được xem là môn thể thao tương đối đơn giản. Những kỹ thuật, động tác trong bắn súng không có độ khó cao, cùng mức độ phức tạp như nhiều môn thể thao khác. Nhưng tạo ra điểm khác biệt, làm nên thành công vượt bậc giữa những người cùng thuần thục động tác, kỹ thuật mới là điều cần mỗi xạ thủ phát huy.
Với những xạ thủ như Trịnh Thu Vinh, thu nhập ổn định chính là điểm tựa giúp họ an tâm cầm súng. Thay vì bước lên ngắm bắn cùng tâm lý "đánh quả", giành huy chương ở 1-2 giải đấu, việc chậm rãi đầu tư cho bản thân sẽ giúp những xạ thủ có thành tích bền vững hơn. Đó cũng là điều được Nguyễn Mạnh Tường, tiền bối của Thu Vinh thể hiện.
Bàn tay cầm súng quen cầm liềm gặt lúa
Theo chia sẻ của Trịnh Thu Vinh, cô xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp ở Thanh Hóa. Từ nhỏ, VĐV này đã quen với việc hỗ trợ gia đình trong việc nhà nông. Thói quen này của Thu Vinh vẫn không thay đổi ngay cả khi đã trở thành tuyển thủ quốc gia, thường xuyên thi đấu quốc tế. Cô vẫn không ngại ra đồng làm nông mỗi khi về nhà.
Hình ảnh một VĐV tham dự Olympic xuống đồng làm nông như Trịnh Thu Vinh không phải điều quá hiếm gặp. Trên thực tế, phần lớn các VĐV của Việt Nam đều xuất thân từ những gia đình nông thôn, đông con, ít nhiều có hoàn cảnh khó khăn. Họ vẫn không quên quá khứ, và đã quen với việc hỗ trợ gia đình trong việc đồng áng ngay cả khi thành danh.
Bắn súng giúp Thu Vinh có nguồn thu nhập tốt để hỗ trợ gia đình, nhưng cũng khiến VĐV này mắc "bệnh nghề nghiệp". Một trong số những "bệnh nghề nghiệp" như vậy là cơ thể phát triển thiếu cân đối. Phía tay và vai phải, vốn là bên cầm súng của Thu Vinh lớn hơn tay còn lại, sau nhiều năm tập luyện, thi đấu thể thao thành tích cao.
Bỏ lại sau lưng những khó khăn thuần túy của một VĐV bắn súng, Thu Vinh luôn trân trọng công việc hiện tại. Bản thân xạ thủ này từng tâm sự, nếu không được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an nhân dân tạo điều kiện theo nghiệp thể thao, hẳn cô sẽ chẳng thể biết được thế giới này rộng lớn ra sao qua những chuyến du đấu.