Hollywood và cuộc đình công kép chưa từng có

Thứ Hai, 25/09/2023, 15:20

Cuộc đình công kép của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) và Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA)  hiện đã bước sang ngày thứ 142, lâu hơn so với cuộc đình công giai đoạn năm 2007-2008 và vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 20 và 21/9, các biên kịch thuộc WGA cùng các hãng phim Hollywood vẫn đang tiếp tục tiến hành đàm phán nhằm giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài hơn 6 tháng. Tuy nhiên, chưa có cuộc đàm phán nào được lên lịch với SAG-AFTRA. Trong khi tương lai của ngành điện ảnh Hollywood vẫn còn là ẩn số, giới chuyên gia cho rằng tác động kinh tế của cuộc đình công mới chỉ bắt đầu.

“Hiệu ứng domino” từ cuộc đình công kép

Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân Hollywood chen nhau tại các khu “chợ trời” để bán hàng kiếm kế sinh nhai, khi kinh đô điện ảnh bậc nhất hành tinh đang bị tê liệt do cuộc đình công kép.

các nhà biên kịch và diễn viên tham gia biểu tình bên ngoài trường quay paramount ở los angeles, mỹ. ảnh- ap.jpeg -0
Các nhà biên kịch và diễn viên tham gia biểu tình bên ngoài trường quay Paramount ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AP

“Chuyên gia đạo cụ có 20 năm kinh nghiệm, bà mẹ đơn thân của cặp song sinh 15 tuổi. Bây giờ tôi làm hai công việc bán thời gian chỉ để trả vừa đủ tiền thuê nhà và điện nước. Đấu tranh để thanh toán các hóa đơn, đặc biệt là khoản thế chấp của tôi”, Reuters trích lại nội dung tấm biển đặt trên chiếc bàn bán các loại bánh của một người phụ nữ ở khu chợ trời Los Angeles, khiến nhiều người xót xa. Thực tế, các biển hiệu với nội dung tương tự cũng được rải rác ở khắp các khu chợ, bãi đỗ xe đủ cho thấy sự bế tắc, khó khăn của đội ngũ làm phim khi họ rơi vào cảnh thất nghiệp trong nhiều tháng qua.

Gilday - một nhà sản xuất đạo cụ, cho biết anh nợ khoảng 2.000 USD khi cuộc đình công của WGA diễn ra vào tháng 5. Đến cuối tháng 8, con số đó đã tăng lên hơn 25.000 USD. Anh ấy đã bán một chiếc môtô và đang cố gắng kiếm thêm tiền từ bộ sưu tập đồ chơi lấy ý tưởng từ phim “Star Wars”, tạp chí cổ điển và các mặt hàng khác. Còn Tiffany Puterbaugh - nhà thiết kế trang phục, kiêm diễn viên hài độc thoại cũng đang phải cạnh tranh mới may mắn có được các công việc bán thời gian như thu ngân, bồi bàn, trông trẻ để kiếm kế sinh nhai, nhưng cơ hội việc làm rất mong manh. “Đây là điều tôi chưa từng trải qua”, Puterbaugh thốt lên. Greg S. Gilday người đứng đầu khu chợ này cho biết trên Reuters, khoảng 65 người bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công đang ở đây bán đồ lưu niệm, đồ nướng, đạo cụ hoặc đồ gia dụng lấy từ tủ quần áo của mình.

IATSE, hiệp hội đại diện cho các kỹ thuật viên ánh sáng, nhà thiết kế trang phục và những người làm việc trong các đoàn làm phim và truyền hình, cho biết, dù các thành viên của hiệp hội không tham gia đình công nhưng họ đã mất gần 2 tỷ USD tiền lương sau khi các hoạt động sản xuất ngừng hoạt động. Các thành viên đã rút 44 triệu USD từ kế hoạch nghỉ hưu của mình để trang trải chi phí hiện tại, công đoàn cho biết.

Bà Jordyn Palos - chủ một công ty quan hệ công chúng thậm chí còn cho rằng, cuộc đình công còn tồi tệ hơn đại dịch COVID-19 vì ít nhất hồi đó, họ vẫn có thể chuyển sang những phương án mới để tiếp tục thực hiện công việc. “Bây giờ, chúng tôi đang được thông báo rằng mình không thể tiếp tục làm việc”, bà cho biết.

Theo thống kê của chính phủ Mỹ, ngành công nghiệp phim ảnh và ghi âm đã mất 17.000 việc làm trong tháng 8 vì các cuộc đình công. Kevin Klowden, chiến lược gia toàn cầu tại Viện Milken, một tổ chức tư vấn nghiên cứu về kinh tế, cho biết, tính đến giữa tháng 9, tổng thiệt hại do các cuộc đình công ước tính khoảng 5 tỷ USD trên khắp California, Georgia và New Mexico, theo Reuters. Thực tế, những người làm công việc trong ngành giải trí chiếm tới 20% thu nhập ở khu vực Los Angeles, điều này đồng nghĩa tác động kinh tế còn lớn hơn vì mức lương trung bình trong ngành này cao hơn so với những người bình thường.

Ước tính của Tập đoàn phát triển kinh tế quận Los Angeles cho biết, đình công có thể gây thiệt hại kinh tế cho quận này 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, người phụ trách chiến lược toàn cầu của Milken Institute, Kevin Klowden, nhận định các cuộc đình công hiện nay có thể gây thiệt hại từ 4 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, khi ảnh hưởng đến cả các hoạt động khác không chỉ sản xuất như nhà hàng, công ty về dịch vụ ăn uống, vận tải, giặt khô.

đại diện các diễn viên yêu cầu giới chủ tại hollywood tăng lương cơ bản và chia sẻ lợi nhuận. ảnh-news sky.jpeg -0
Đại diện các diễn viên yêu cầu giới chủ tại Hollywood tăng lương cơ bản và chia sẻ lợi nhuận.     Ảnh: News Sky

Không riêng với đội ngũ sản xuất, “hiệu ứng domino” từ cuộc đình công kép còn khiến nhiều hãng phim rơi vào điêu đứng. Ngay cả “ông lớn” ở HollyWood như Warner Bros. Discovery nói rằng, họ sẽ "mất trắng" từ 300-500 triệu USD doanh thu trong năm 2023. Tình hình doanh thu từ phim ảnh, truyền hình cũng rơi vào cơn bĩ cực. Theo thống kê mới nhất, cả hai mảng kinh doanh truyền thống của Hollywood, doanh thu phòng vé và thuê bao truyền hình, đều trong tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2023 là thời điểm bước ngoặt cho sự phục hồi của các rạp phim sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, doanh thu bán vé tại Mỹ và Canada vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Thống kê của Công ty kiểm toán PwC cho thấy điềm báo về một ngành công nghiệp đang thụt lùi khi số lượng vé phim trên toàn cầu có thể đạt 7,2 tỷ vào năm 2027. Trong khi đó, tổng số lượt người mua vé đến rạp vào năm 2019 là 7,9 tỷ. Ở mảng truyền hình, PwC dự đoán chưa đến 50 triệu gia đình sẵn sàng trả tiền cho truyền hình cáp hoặc vệ tinh vào năm 2027. Con số này từng đạt đến 100 triệu vào năm 2016.

Tương lai khó đoán ở phòng vé Hollywood

Theo thông lệ, mùa thu là mùa của các liên hoan phim (LHP) quốc tế, đi cùng với đó là các sự kiện thảm đỏ xa hoa, lộng lẫy, quy tụ hàng nghìn ngôi sao điện ảnh tới quảng bá sản phẩm, giao lưu. Tuy nhiên, cuộc đình công khiến cho nhiều buổi ra mắt phim bị hủy bỏ, các LHP ảm đạm chưa từng có.

LHP Venice lần thứ 80 diễn ra từ ngày 30/8-9/9, tại đảo Venice Lido, Italy là một ví dụ điển hình. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, LHP quốc tế nổi tiếng nhất và lâu đời nhất thế giới này chào đón hằng năm hơn 20.000 khán giả, với hàng chục nghìn bài viết mỗi ngày. The Guardian gợi nhắc, 5 năm trước, sự xuất hiện của Bradley Cooper và Lady Gaga tại LHP này đã tạo ra hơn 1.000 bài viết. Tuy nhiên, năm nay, khi trở lại, phim mới do Bradley Cooper làm đạo diễn sẽ không có sự xuất hiện của anh cũng như thành viên trong ê-kíp. "Những chiếc áo phông có in dòng chữ táo bạo: "Hiệp hội nhà văn đang đình công!" đã thay thế cho sự hào nhoáng của váy áo lộng lẫy trên trên thảm đỏ của LHP Venice. Có thể nói, LHP lâu đời bậc nhất thế giới này, bệ phóng cho giải Oscar, đã bị "cướp mất sự hào nhoáng", tờ The Guardian bình luận.

thảm đỏ lhp venice 2023 thiếu sự xa hoa lộng lẫy như mọi năm. ảnh- the guardian.png -0
Thảm đỏ Liên hoan phim Venice 2023 thiếu sự xa hoa lộng lẫy như mọi năm. Ảnh: The Guardian

Theo Le Figaro, các LHP quốc tế khác cũng lâm vào tình huống tương tự. Đơn cử, LHP Locarno ở Thụy Sĩ diễn ra từ 2-12/8 vẫn duy trì các suất chiếu phim, nhưng hầu hết các sinh hoạt song song như thuyết trình hay giao lưu với công chúng đều bị gián đoạn do sự vắng mặt của nhiều đoàn làm phim. Lễ trao giải Emmy 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 9 nhưng cũng bị dời lịch tổ chức vào giữa tháng 1/2024.

Cuộc đình công cũng khiến nhiều dự án bị ngưng trệ trong khâu sản xuất, khi hơn 11.500 nhân sự của Hollywood đã từ chối làm việc. Phần hậu truyện ''Gladiator II'' của Ridley Scott đã buộc phải gián đoạn kế hoạch quay phim tại đảo Malta. Trong khi đó, bộ phim ca nhạc ''Wicked'' có ngôi sao Ariana Grande đóng chính cũng bị ngừng quay, khiến cho hơn 400 nhân viên bị ''thất nghiệp''. Ngay cả dự án khổng lồ của Tom Cruise - ''Mission Impossible: Dead Reckoning” dù đã quay được hơn 40%, nhưng do phong trào đình công nên vẫn khó thể ra mắt kịp thời vào tháng 6/2024 như dự kiến.

Theo Hollywood Reporter, cuộc đình công theo kêu gọi của Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ đang khiến Hollywood “toát mồ hôi lạnh”, khi nhiều dự án có mức đầu tư quan trọng bị chậm trễ. Hiện, mùa thứ năm và cũng là mùa cuối cùng của "Stranger Things" và mùa thứ tư của loạt phim truyền hình ăn khách "Emily in Paris" đều đã bị dời lịch lên sóng.

Hollywood đang đứng trước hai mùa phim chủ chốt trong năm là Halloween và Giáng sinh. Đây là thời điểm giúp nhà sản xuất “gỡ gạc” doanh thu. Song, cuộc đình công khiến cục diện trở nên hỗn loạn, khó lường khi các bộ phim không được ra mắt đúng thời điểm như dự kiến. Cụ thể, “Echo” - phần phụ của “Hawkeye” ra rạp năm 2021 với sự tham gia của Alaqua Cox trong vai siêu anh hùng người Mỹ bản địa và là nhân vật khiếm thính đầu tiên của Marvel - đã chuyển từ ngày 29/11/2023 sang tháng 1/2024.

“X-Men 97” - bản cập nhật của loạt phim hoạt hình nổi tiếng “X-Men” từ những năm 1990, cũng rời lịch từ mùa thu năm 2023 sang đầu năm 2024. Phần ngoại truyện “Agatha” của WandaVision với sự tham gia của Kathryn Hahn trong vai phù thủy bị thất sủng Agatha Harkness hiện được ấn định ra mắt khoảng mùa thu năm 2024, có thể vào mùa Halloween. Phim đã hoàn thành công đoạn ghi hình trước cuộc đình công của SAG-AFTRA.

Trong bối cảnh này, Tony Vinciguerra - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Pictures Entertainment lo ngại về khả năng thiếu phim trầm trọng trong năm tới do việc thay đổi ngày phát hành và quá trình sản xuất gián đoạn. “Rất nhiều dự án đã bị trì hoãn từ tháng 7. Nếu không sớm chấm dứt các cuộc đình công, rất có thể đến đầu hoặc giữa năm 2024, chúng ta sẽ không còn nhiều phim để chiếu nữa. Đây sẽ là một thảm họa đối với nhà rạp. Nhưng, ở góc độ tích cực, đây có thể là tín hiệu tốt cho dòng phim độc lập và phim nước ngoài”, Tony nói trên World of Reel.

Đến thời điểm hiện tại, không ai biết các cuộc đình công tại Hollywood sẽ kéo dài bao lâu. Tương lai nào cho ngành sản xuất phim ảnh ở Hollywood vẫn là điều khó đoán. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là: Chừng nào Hollywood còn ''hắt hơi'', thì cả ngành phân phối điện ảnh toàn cầu đều còn bị ''cảm lạnh'', theo Variety.

Tháng 5/2023, WGA đã phát động một chiến dịch đình công quy mô lớn. Vấn đề trọng tâm của tranh chấp này liên quan trực tiếp đến việc phần lớn thu nhập trung bình của các nhà văn - nhà biên kịch phim đã bị cắt giảm so với một thập kỷ trước. Cùng với đó, sự trỗi dậy của những công cụ trí tuệ nhân tạo có khả năng tổng hợp và sản sinh văn bản như ChatGPT cũng là một trong những vấn đề trực tiếp có thể ảnh hưởng đến sinh kế của các thành viên thuộc tổ chức này.

Tháng 7/2023, thành viên của SAG-AFTRA tiếp tục đã tham gia làn sóng đình công đòi tăng lương của các nhà biên kịch, đồng thời kêu gọi tránh lạm dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.

Thảo Dung

.
.
.