Họa sĩ trẻ Nam Long và những bức tranh chất chứa tình yêu thương
Có lẽ, đã có rất nhiều bài viết về cậu bé có số phận éo le Nam Long với tài hoa trong từng nét vẽ của em. Nhưng với tôi, Nam Long đặc biệt hơn, ấn tượng hơn bởi trong tranh của em chứa đựng ánh sáng của tình yêu thương, một tình yêu trong sáng, thánh thiện rất cần cho cuộc sống này.
1. Triển lãm “Phố xưa, hè cũ” của họa sĩ trẻ Nam Long diễn ra trong những ngày qua tại 29 Hàng Bài, Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thủ đô. Lần đầu tiên trong hành trình vẽ của mình, Long có một triển lãm cá nhân. Hơn 50 bức tranh sơn dầu và ký họa về Hà Nội được đón nhận và phần lớn trong đó đều được dán dấu đỏ (đã có người mua). Tôi tin, nhiều người mua tranh của Long không chỉ bởi những bức tranh đó do một cậu bé 18 tuổi bị khiếm thính và tăng động thể nặng vẽ, mà bởi, đó là những tác phẩm đẹp, chất chứa nhiều yêu thương.
Tranh của Nam Long vẽ chủ yếu là phố cổ Hà Nội bằng chất liệu sơn dầu và ký họa. Ngắm tranh của Long, người xem bị thu hút bởi những vẻ đẹp còn lẩn khuất của phố cổ Hà Nội, những góc tường rêu phong, những ban công bé nhỏ nở đầy hoa, những mái nhà cổ kính, những góc cầu thang cũ kỹ màu thời gian...
Đặc biệt, Nam Long vẽ rất nhiều ban công và bức tranh nào của em cũng hướng về phía ánh sáng. Ánh sáng trong tranh của Long trong vắt, tinh khiết, ánh sáng lẫn vào vòm cây, ánh sáng bừng lên giữa những góc phố. Ánh sáng chiếu từng vạt bên góc tường rêu phong. Và những chiếc ban công - một hiện diện sống động của sự sống ở những khu nhà cũ Hà Nội được Long đưa vào tranh với tần suất dày đặc. Phải chăng, ban công chính là cánh cửa mở Long ra với thế giới, được tự do ngắm nhìn cuộc đời. Một cuộc đời ngoài kia vẫn náo động, xôn xao và tinh khiết.
Ở mảng ký họa, Nam Long được đánh giá cao bởi tài vẽ ký họa tỉa tót, tỷ mẩn. Những khối hình mang đậm chất kiến trúc được nét bút tài hoa của Long đưa đẩy rất điêu luyện. Đó cũng là thành quả của hai năm Long theo chân nhóm ký họa “Vì tình yêu Hà Nội” rong ruổi trên các con phố nhỏ. Chính cơ duyên đến với nhóm ký họa đã truyền cho Nam Long cảm hứng vẽ phố và tình yêu phố.
Và dù là ký họa hay sơn dầu thì Long vẫn luôn nâng niu từng cành cây, ngọn cỏ, những quán trà đá vỉa hè, những gánh hàng rong trên phố..., hay những chú chim nhỏ đang nhảy nhót ở một góc cầu thang khu tập thể cũ. Long vẽ tất cả những sống động của đời sống ấy với cái nhìn trìu mến. Những góc nhỏ mà đôi khi trong cuộc sống vội vã hôm nay chúng ta có thể bỏ qua, lãng quên nó.
Mọi người yêu tranh của Long, có lẽ, cũng bởi họ bắt gặp những vẻ đẹp còn sót lại đâu đó của phố cổ Hà Nội trong cơn lốc đô thị hóa. Có thể nói, Nam Long đã vẽ nên một Hà Nội rất thơ và trong trẻo, cổ kính, khác với sự ồn ào, chật chội của thành phố mà chúng ta đang sống hàng ngày.
Những ngôi nhà trên phố cổ như Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất hay khu tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng đã được Nam Long lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ và bảo lưu một cách cẩn thận, nơi thời gian ngừng trôi. Hội họa là chiếc chìa khóa đã mở cho Long cánh cửa đến với thế giới với bên ngoài. Và chính Long đã đưa mọi người đến với thế giới tĩnh lặng, nhiều màu sắc của em.
Chia sẻ tại triển lãm, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Phó viện trưởng Viện Nhân học văn hóa nhận xét, tông vàng chủ đạo trong tranh phố của Long gợi cho ông đến một thứ hoài niệm cá nhân, của ký ức và trải nghiệm riêng tư, là khi con người hằng nhớ về ấu thơ hồn nhiên vô ưu, nơi mọi thứ đều đơn giản và hạnh phúc hơn. Còn nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cảm nhận: "Hà Nội ngày một đông đúc, đồ sộ, tấp nập, tân kỳ nhưng Hà Nội của em nho nhỏ quen quen, vừa đủ để ta quanh quẩn cả đời, bịn rịn và nhớ nhung khi xa”.
2. Vì sao, trái tim của một chàng trai “ngụ cư”, không sinh ra ở Hà Nội lại có cái nhìn đẹp và thơ về Hà Nội đến thế? Có lẽ, điều đó chỉ được lý giải bởi tình yêu. Tình yêu mà mẹ con Nam Long mang nợ thành phố này, để được sống trong sự chở che, bao bọc của mọi người, để có một Nam Long biết vượt lên số phận éo le của mình.
Gia đình nhỏ của Nam Long, cũng như nhiều gia đình lao động nghèo khác di cư từ quê lên thành phố, mong tìm kiếm công việc để mưu sinh. Lên 1 tuổi, cậu bé mất thính lực hoàn toàn sau một trận ốm nặng. Vài năm sau, bố mẹ em lại sốc khi Long được chẩn đoán là tăng động thể nặng. Long còn gặp khó khăn vận động, phải trải qua nhiều cơn phẫu thuật chân tốn kém và đau đớn.
Nhưng tai họa chưa hết, năm Long 11 tuổi, bố em đột ngột qua đời vì tai nạn. Mẹ con Long bơ vơ không nơi nương tựa. Nhiều người khuyên mẹ Long, chị Phụng Thị Hiếu đưa hai con (Long có 1 em gái), về quê để dễ sinh sống. Nhưng trong thời điểm khó khăn, cực nhọc đó, chị Hiếu vẫn nghĩ rằng, nếu về quê, con trai chị sẽ không có tương lai. Về quê, những cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với đứa con đặc biệt như Long. Chị quyết định ở lại Hà Nội.
Nhà không có phải đi thuê, ba mẹ con chị tằn tiện sống bằng đồng lương chị làm giúp việc theo giờ. Nhưng 18 năm nhọc nhằn, vất vả, người mẹ ấy chưa bao giờ ngừng hy vọng. Biết con thích vẽ, chị tìm thầy cho con. Những ngày đầu chị còn học cùng con để về giảng lại. Long có thể ngồi vẽ cả ngày, miệt mài. Muốn trò chuyện với con, người phụ nữ ấy còn đi học thêm ngôn ngữ ký hiệu để làm bạn với con.
Dấu ấn đầu tiên là khi chị Hiếu biết đến cuộc thi vẽ “Cảm xúc trong em”, chị mạnh dạn gửi một bức tranh của Long vẽ tham dự. Kết quả, Long được nhận học bổng toàn phần một khóa học vẽ, sau đó được thầy Hữu Chinh nhận dạy miễn phí. Từ đó, chị Hiếu hàng ngày cần mẫn đưa con đến xưởng vẽ của thầy để học. Cũng từ đó, Long có cơ hội làm quen với thế giới của những sắc màu. Những cánh cửa đã mở ra trước mắt chàng trai và người mẹ tận tụy ấy.
Chị Hiếu theo chân con trai đến từng góc phố cổ Hà Nội, chở con theo những lớp ký họa vào cuối tuần, hay hàng ngày đón đưa con đi học. Với chị Hiếu, đó là một hành trình của nước mắt và hạnh phúc. Chị nói, chị cảm động vì những ân tình của mọi người đã chia sẻ và giúp đỡ mẹ con chị, những người thầy dạy Long vẽ không lấy tiền, những bạn bè đã giúp đỡ mẹ con chị đi qua những đoạn khó khăn, thiếu thốn. Rồi nhiều người xắn tay giúp mẹ con chị khi chị quyết định làm triển lãm cá nhân cho Nam Long. Chị không coi đó là một sự thiệt thòi, hy sinh mà là một hành trình hạnh phúc của người mẹ yêu con vô điều kiện.
Giờ mẹ con chị đã có một chung cư nhỏ để sống. Nam Long có thể bày bừa tranh trong căn phòng nhỏ dành riêng cho em. Chị Hiếu vẫn làm giúp việc theo giờ để chủ động dành thời gian chăm sóc các con. Long đang theo học ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập -Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương. “Nam Long rất yêu và biết chia sẻ với mẹ. Chỉ bằng ánh mắt nhìn, tôi biết, con yêu mẹ và thương em nhiều như thế nào. Với tôi, đó là hạnh phúc”. Chị Hiếu chia sẻ.
Còn với Nam Long, những giấc mơ vẫn còn phía trước khi Long sẽ tiếp tục thực hiện nó bằng tác phẩm của mình. Vẽ để giao cảm với thế giới, vẽ để thể hiện tình yêu của mình. Và Long đã kết nối tình yêu trong trẻo đó với rất nhiều người. Nghệ thuật, đôi khi không phải là những gì quá cao siêu. Nghệ thuật, thật giản dị, chạm đến cảm xúc của con người trước những vẻ đẹp bình dị, thân thương. Nam Long đã làm được điều đó, để sống một cuộc đời ý nghĩa.