Hạn hán đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu

Thứ Hai, 03/10/2022, 11:49

Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nước ngọt, vốn trở nên trầm trọng hơn bởi một đợt nắng nóng nghiêm trọng chưa từng có. Hạn hán đã trở thành điều kiện thảm khốc đối với các ngành công nghiệp ở Trung Quốc. Tình trạng hạn hán đáng báo động ở Trung Quốc là rủi ro kinh tế vĩ mô nghiêm trọng trên thế giới hiện nay, với tác động lớn tới triển vọng kinh tế toàn cầu.

Báo động đỏ

Tỉnh Giang Tây, miền Trung Trung Quốc, lần đầu tiên tuyên bố tình trạng cấp nước "báo động đỏ" do hạn hán kéo dài làm cạn kiệt phần lớn nước trong hồ lớn nhất nước này. Chính quyền tỉnh hôm 23-9 cho biết mực nước trong hồ Poyang, thường là một cửa xả lũ cho sông Dương Tử, đã giảm từ 19,43 mét xuống còn 7,1 mét trong 3 tháng qua.

Anh_2-1664761888868.jpg
Tình trạng hạn hán ở Trung Quốc đã lên mức báo động.

Hiện có tới 267 trạm thời tiết trên khắp Trung Quốc đã báo cáo nhiệt độ kỷ lục vào tháng 8 và đợt khô hạn kéo dài trên lưu vực sông Dương Tử đã cản trở sản lượng thủy điện và sự phát triển của cây trồng trước mùa thu hoạch năm nay. Mặc dù mưa lớn đã làm giảm bớt tình trạng khô hạn ở phần lớn miền Tây Nam Trung Quốc, nhưng các khu vực miền Trung vẫn tiếp tục chịu đựng nắng nóng, với tình trạng cực kỳ khô hạn hiện kéo dài hơn 70 ngày ở Giang Tây.

Nước rất quan trọng đối với sản xuất điện, công nghiệp, nông nghiệp và sản xuất. Điều này có nghĩa là tình trạng khan hiếm nước không chỉ hạn chế sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc mà còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự như ở châu Âu, ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngành kinh tế, đặc biệt là sản xuất.

Tác động đến thế giới

Bởi phần còn lại của thế giới vẫn nhập khẩu khoảng 3,36 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế Trung Quốc mỗi năm, nên rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi các cú sốc chuỗi cung ứng xuất phát từ Trung Quốc.

Bất luận cuộc khủng hoảng nước, cũng như mong muốn của Bắc Kinh và Washington để giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, ảnh hưởng của Trung Quốc đến các chuỗi cung ứng năng lượng quan trọng có thể vẫn tăng lên. Thị phần của Trung Quốc trong thị trường polysicon toàn cầu - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các tấm pin mặt trời quang điện - gần đây đã đạt 80% và có thể còn tăng cao hơn nữa. Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng pin liti-ion, than chì, niken và hầu hết các khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong sản xuất năng lượng sạch, điện tử và quốc phòng. Giá thị trường polysilicon đã tăng gần gấp 4 lần kể từ tháng 1-2021 trong khi giá kim loại liti tăng gấp 5 lần. Điều này cho thấy thị trường trong ngành khá “nóng”, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng nước Trung Quốc gia tăng gần đây.

Trong lúc các hạn chế liên quan đến COVID-19 được nới lỏng vào mùa xuân năm 2022, giá pin liti đã điều chỉnh - nhưng lượng giao hàng trên thị trường đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái - khiến nguồn cung khá eo hẹp và có thể bị gián đoạn.

Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm cả tình trạng hạn hán và nắng nóng. Trớ trêu thay, điều này lại đe dọa một số công ty có vốn hóa cao, vốn là con cưng của các nhà đầu tư về môi trường, xã hội, quản trị. Năm 2019, Apple có 380 nhà cung cấp ở Trung Quốc đại lục, chiếm 46% tổng chuỗi cung ứng của hãng. Gần đây, công ty đã phải nỗ lực rất nhiều để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung của mình vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các vấn đề chuỗi cung ứng do COVID-19 ở Trung Quốc đã gây ra sự gián đoạn sản xuất đáng kể vì "phần lớn các thiết bị của Apple" vẫn được lắp ráp ở đó, làm nổi bật rủi ro kéo dài. Tesla - công ty đi đầu trong ngành năng lượng sạch - vào tháng 7-2022 đã ký các hợp đồng cung cấp dài hạn với hai công ty Trung Quốc. Điều này càng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương trước tình trạng hạn hán ở Trung Quốc.

Thật vậy, tình trạng thiếu nước trên diện rộng của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của nước này, với việc các nhà sản xuất công nghiệp phải đối mặt với việc cắt điện nghiêm trọng trong cả năm 2021 và 2022. Điều này khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình thế nguy hiểm, buộc nước này phải lựa chọn giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và cạn kiệt nguồn nước. Do đó, việc Trung Quốc có thể tiếp tục sản xuất hàng hóa giá rẻ - vốn là cơ sở để thúc đẩy phần lớn nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua - đang bị nghi ngờ hơn bao giờ hết.

Trung Quốc cần làm gì?

Bắc Kinh có nhiều lựa chọn để giảm tiêu thụ nước hoặc tăng cường nguồn cung, nhưng tất cả đều gây tổn thất chính trị nặng nề cho nước này. Các lựa chọn đó bao gồm việc buộc người tiêu dùng Trung Quốc phải thay đổi hành vi, chẳng hạn như giảm tiêu thụ thịt; tăng đáng kể giá nước cho các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp; hoặc chặn nguồn nước từ các con sông chảy vào các nước láng giềng. Tất cả biện pháp này đều gây tranh cãi.

Bắc Kinh đang triển khai các biện pháp can thiệp vào khí quyển. Các kỹ thuật như tạo hạt mây sẽ làm tăng lượng mưa, nhưng cũng có khả năng làm trầm trọng thêm các kiểu thời tiết khắc nghiệt. Bắc Kinh từ lâu đã dựa vào việc chuyển nước từ các vùng ẩm ướt hơn sang các vùng khô hơn. Tuy nhiên, các dấu hiệu của tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ở các vùng trước đây được coi là dồi dào nước, như đồng bằng sông Châu Giang, cho thấy việc chuyển giao này có thể sớm không khả thi. Quá trình khử mặn quy mô lớn cũng không khả thi, do yêu cầu tiêu thụ điện năng lớn và thiếu mạng lưới phân phối để đưa nước từ bờ biển vào nội địa Trung Quốc.

Điều đó đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Đó có thể là vấn đề lớn cho các nhà đầu tư. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc thậm chí còn khó đoán hơn, gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.