Gian nan phim hoạt hình Việt
Thay vì thụ động trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước hoặc những đầu tư lớn, rầm rộ của một số “ông lớn” cho những dự án mang tính tô điểm, trang trí cho thương hiệu hơn là đầu tư dài hạn, phát triển bền vững, ngày càng nhiều đơn vị tư nhân chủ động tích cực tham gia làm phim hoạt hình – lãnh địa được người trong nghề lâu năm mặc định là gặp nhiều khó khăn để phát triển. Tuy nhiên, để hoạt hình Việt Nam thực sự ghi được dấu ấn trên thế giới thì còn rất khó khăn.
Thương hiệu chưa được định vị
Sở hữu series hoạt hình “Wolfoo” - sản phẩm được nhà sản xuất tự hào vì thu hút hàng tỷ lượt xem nhưng đến thời điểm hiện tại, ngay tên của nhà sản xuất loạt phim này vẫn khá xa lạ với công chúng trong nước. Mặc dù nhiều phụ huynh biết về sự hiện diện của “Wolfoo”, rằng đây là sản phẩm mà con, cháu mình thích xem nhưng vẫn ngỡ đây là sản phẩm ăn khách của một đơn vị nào đó ở nước ngoài chứ không phải của Việt Nam. Phim sản xuất theo phiên bản gốc tiếng Anh và đã được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau.
Những năm qua, khá nhiều phim hoạt hình Việt do các đơn vị tư nhân, nhóm làm phim sản xuất đã được cộng đồng yêu thích hoạt hình hồ hởi đón nhận khi “trình làng”: “Dưới bóng cây”, “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”, “Con Rồng cháu Tiên”, “Giấc mơ gỏi cuốn”… Một số dự án phim trong đó có “Hành trình nhân quả” cũng đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những hiện tượng mới của hoạt hình Việt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án phim nói trên mới chỉ là các phim có thời lượng ngắn và phổ biến trên mạng Internet.
Về thực trạng này, ông Đinh Kiều Anh Tuấn, tác giả, đạo diễn kiêm sản xuất phim hoạt hình ngắn “Con Rồng cháu Tiên, chuyện chưa kể” và 2 dự án “Hành trình nhân quả”, “Tản Viên Phong Châu” cũng bày tỏ: Ai cũng muốn làm phim chiếu rạp chiếu trong nước và quốc tế. Các dự án phim như thế cần nguồn lực lớn trong khi nguồn lực làm phim rất hạn chế.
Bằng kinh nghiệm của một người có thâm niên 12 năm sáng tạo và cung cấp các giải pháp hình ảnh bằng Animation/Motion Graphics cho thương hiệu, ông Đinh Kiều Anh Tuấn nhận thấy các khách hàng nước ngoài thích hợp tác với người Việt vì lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, tạo ra được sản phẩm tốt. Tuy nhiên, hiện nay, số công ty được quảng bá bài bản không nhiều. Có những công ty làm gia công cho nước ngoài rất nhiều nhưng chưa được biết đến. Sở dĩ các đơn vị này chọn đi đường vòng, chấp nhận làm thuê cho nước ngoài vì công ty chưa có thương hiệu đủ để khách hàng tin cậy lựa chọn sử dụng sản phẩm nếu họ tự mang sản phẩm trực tiếp đến giới thiệu.
Theo ông Tuấn, mặc dù mỗi công ty đều có chiến lược, kế hoạch để thực hiện mục tiêu của mình nhưng nếu có sự hỗ trợ xúc tiến của Nhà nước thì sẽ đi nhanh hơn, không chỉ mang về doanh thu mà còn đưa hoạt hình Việt Nam ra thế giới, qua đó góp phần quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam…
Thực tế, vấn đề của những người trẻ tham gia vào lĩnh vực hoạt hình đã và đang gặp phải như Đinh Kiều Anh Tuấn không phải là trường hợp cá biệt. Nói theo cách của Lê Quỳnh Như, người đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio, đơn vị hợp tác với nhiều nhà sản xuất lớn như Waner Bros, Walt Disney… thì các đối tác rất hài lòng về sản phẩm hoạt hình của Việt Nam. Chúng ta có nhân sự giỏi, sản phẩm mang lại lợi nhuận nhưng thiếu thương hiệu riêng cho hoạt hình Việt.
Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Sconnect Tạ Mạnh Hoàng cũng chia sẻ rằng, mới đây nhất, khi tham gia đồng tổ chức một sự kiện và xúc tiến, giới thiệu sản phẩm của Hàn Quốc tại Việt Nam, ông nhận thấy sự kết nối của các doanh nghiệp ở Hàn Quốc rất chặt chẽ, từ đó tạo ra mạng lưới liên kết, hỗ trợ nhau phát triển. Cơ quan quản lý nhà nước của Hàn Quốc luôn có các sự kiện để đưa doanh nghiệp của họ ra quốc tế. Thực tế, nhân lực của các công ty Hàn Quốc không hẳn nhiều. Họ chỉ giữ vai trò là người xây dựng cấu trúc để vận hành bộ máy kinh doanh, sản xuất còn sử dụng nhân lực thì từ nhiều quốc gia. Có doanh nghiệp chỉ có 12-13 người nhưng năm 2021 tạo ra doanh thu gần 30 triệu USD. Con số này có sự đóng góp rất nhiều nhân lực của Việt Nam.
Bên cạnh câu chuyện doanh thu, thương hiệu, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực hoạt hình vẫn xác định phải hướng tới phát triển thương hiệu về văn hóa song không thể chỉ đặt nặng vấn đề đưa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ưu tiên hàng đầu của đơn vị là làm sao để nhân viên công ty phát huy tốt nhất năng lực của mình. Doanh nghiệp luôn phải đảm bảo sản phẩm làm ra phải cân bằng giá trị về nghệ thuật, nhu cầu của khách hàng và giá trị định hướng cho các xu hướng phát triển. “Nếu chưa đảm bảo được giá trị cơ bản mà đã vội thổi vào đó rất nhiều yếu tố về văn hóa và chỉ chú trọng làm nổi bật giá trị về nghệ thuật thì sẽ mất cân bằng cho hoạt động về kinh doanh”, ông Tạ Mạnh Hoàng khẳng định.
Làm sao thoát khỏi tình trạng sống lay lắt?
Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam, hiện nay, ngày càng nhiều công ty, người trẻ hào hứng tham gia làm phim hoạt hình. Riêng hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn đều đặn được Nhà nước đầu tư làm trên dưới 20 phim mỗi năm. Nội dung phim phong phú, đề cập về nhiều vấn đề, đặc biệt quan tâm yếu tố giáo dục, định hướng cho trẻ em. Nhiều năm trở lại đây, công nghệ số giúp hãng thuận lợi hơn rất nhiều cả trong sản xuất và phổ biến phim. Nhiều tác phẩm đã được ghi nhận bằng các giải thưởng tại nhiều Liên hoan phim uy tín. Nhưng không thể phủ nhận, sự phát triển của hoạt hình Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn, có những hạn chế, nhất là trong xây dựng nhân vật mang tính biểu tượng, các bộ phim, series phim hoạt hình để tạo dấu ấn tại các liên hoan phim, cuộc thi, chợ dự án phim lớn ở nước ngoài hoặc các bộ phim hoạt hình dài đi vào lòng khán giả…
Đạo diễn, NSND Hà Bắc cũng cho rằng, hiện nay phim hoạt hình đang sống lay lắt, chủ yếu nhờ vào ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân có đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa kể một số nhà đầu tư chỉ làm lần đầu rồi bỏ, vì phim hoạt hình rất khó phát triển, kỳ công, cần nhiều vốn. Phim hoạt hình Việt Nam không thua kém thế giới về nội dung, luôn đề cao lòng nhân hậu. Tuy nhiên, phim hoạt hình thế giới lại cho đây là phương tiện diễn tả nỗi niềm của con người từ hạnh phúc đến đau khổ, chiến tranh đến hòa bình…
Phim hướng đến nhiều đối tượng khán giả. Hoạt hình thế giới hội tụ cả 3 yếu tố là kỹ thuật, nghệ thuật, tài chính nhưng chúng ta chỉ mạnh về nghệ thuật, còn kỹ thuật rất yếu, tiền tài còn hạn chế. Phương Tây đánh giá phim hoạt hình Việt độc đáo nhưng vẫn đi sau, chưa có tiếng nói riêng, chưa có nhân vật nổi trội để trở thành hình ảnh biểu tượng của hoạt hình Việt Nam. Cũng theo NSND Hà Bắc, để hoạt hình Việt Nam có phim ra phim thì tương lai phải nâng tầm kỹ thuật, bắt nhịp với thế giới. Hiện nay, các liên hoan phim quốc tế đều xem làm trên phần mềm gì, sử dụng phương tiện gì để quay, làm phim. Từ âm thanh cho đến diễn xuất, các phần mềm làm phim phải có bản quyền, nhưng hiện nay phần mềm làm phim hoạt hình Việt chưa đồng bộ, có cái có bản quyền, có cái không. Như thế chưa đủ điều kiện để tham gia các liên hoan phim lớn.
Về vấn đề này, họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Đại học Văn Lang cũng nhận định: Những năm qua, người làm phim hoạt hình Việt Nam có nhiều nỗ lực, nhiều phim đạt giải, có những phim được nhiều người xem nhưng phát triển phim hoạt hình còn cục bộ. Đơn vị nào làm được đến đâu thì làm. Có những phim chưa hoàn thiện, thiếu chuyên nghiệp. Các đơn vị tư nhân tham gia làm phim ngày càng nhiều. Công nghệ hiện đại cộng thêm đội ngũ làm phim trẻ, có những góc nhìn, cách triển khai hoàn toàn mới. Tuy nhiên, làm phim hoạt hình đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là làm phim chuyên nghiệp, làm phim đi tranh giải tại các liên hoan phim. Đội ngũ trẻ, làm lẻ tẻ bên ngoài không đáp ứng được. Trong khi các nhà chuyên môn yêu nghề, nhiều người giỏi nghề chỉ quan tâm về chuyên môn, chờ đợi kinh phí làm phim của Nhà nước. Chúng ta thiếu những tầm nhìn chiến lược với những lộ trình cụ thể.
Ông Dũng đề nghị, trước mắt, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam và chiến lược này phải đặt trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; phải xây dựng đề án cụ thể, trong đó khảo sát nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau, khảo sát cơ sở vật chất, kỹ thuật của các doanh nghiệp ở nhiều địa điểm trên cả nước và xu hướng mới của hoạt hình thế giới với những thống kê, phân tích, con số rất cụ thể để từ đó đề xuất những chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể của Nhà nước. Các chiến lược, đề án cũng đồng thời phải được triển khai quyết liệt vào cuộc sống. Muốn làm được điều này, cần người có tâm, có tầm, có tài lực đứng ra dẫn dắt, kết nối, có các chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực hàng năm… thì hoạt hình Việt Nam mới phát triển được.