Gen Z đua nhau nghỉ việc mong thành “người nổi tiếng”

Chủ Nhật, 06/11/2022, 21:05

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đang nhanh chóng trở thành lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn nhất cho thế hệ trẻ thế giới - những người coi đó là con đường nhanh chóng dẫn đến tiền bạc và thành công.

Làn sóng “nhà sáng tạo” nội dung

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn The Behavioral Architects được ủy quyền riêng cho trang The Australian, 55% số người Australia thuộc thế hệ Z (Gen Z - những người sinh từ năm 1997-2012) nói rằng họ sẽ rời bỏ công việc của mình để trở thành một người có ảnh hưởng nếu có cơ hội. Đặc biệt, 56% nữ giới thuộc thế hệ Z cho biết họ sẽ từ bỏ sự nghiệp hiện tại để chuyển sang làm công việc toàn thời gian là tạo nội dung trên mạng xã hội, so với 39% nữ giới thuộc thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981-1996) lựa chọn câu trả lời như vậy. Nhìn chung, nam giới tập trung vào sự nghiệp sáng tạo nội dung (53%) nhiều hơn nữ giới (44%).

anh 4.jpg -0
Sáng tạo nội dung đang trở thành nghề nghiệp hấp dẫn Gen Z

Trong khi đó, theo nghiên cứu vào tháng 5/2022 của Adobe Inc. với hơn 9.000 người có ảnh hưởng và người sáng tạo trên 9 quốc gia, khoảng 45% người sáng tạo Gen Z được khảo sát cho biết họ khao khát sở hữu một doanh nghiệp và kiếm tiền từ nội dung được chia sẻ trực tuyến.

Olivia Yallop, tác giả của cuốn sách về những người ảnh hưởng trên mạng xã hội “Break the Internet”, cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi muốn theo đuổi công việc trở thành những người gây ảnh hưởng. Bà nói: “Trong nền văn hóa hiện tại của chúng ta, ảnh hưởng là con đường rất trực tiếp dẫn đến địa vị xã hội và tài chính dồi dào. Tất cả những điều này nói lên nhiều điều về bối cảnh thế giới mà họ đang lớn lên hơn là về mong muốn bẩm sinh của họ là tạo nội dung trên YouTube”.

Tama Leaver, Giáo sư Nghiên cứu Internet tại Đại học Curtin, nói rằng, thật sai lầm khi nghĩ những người trẻ theo đuổi việc gây ảnh hưởng là “sự kết thúc của nền văn minh như chúng ta biết”, mà thay vào đó họ đang theo đuổi những sự nghiệp đóng góp vào “lợi ích xã hội”. Ông khẳng định: “Nó không có hại theo bất kỳ cách nào và nó không phải là dấu chấm hết của nền văn minh. Những đứa trẻ chỉ làm theo bất kỳ ai mà chúng thấy có ảnh hưởng và thú vị. Những người trẻ tuổi cũng bắt chước những hình mẫu mà họ thấy. Khi họ thấy những người có ảnh hưởng có hành động tốt trên mạng - thông qua việc tặng quà online hoặc bất cứ điều gì - thì họ cũng muốn cư xử tốt ngoài xã hội. Vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều người đang đánh giá thấp sức lao động để trở thành một người có ảnh hưởng và nghĩ rằng nó dễ dàng hơn bất kỳ công việc nào khác. Nhiều người cho rằng việc chỉ mất 30 giây để quay video hoặc chụp ảnh là khá dễ dàng. Tuy nhiên, thời gian, công sức và tiền bạc dành cho nội dung đó chưa được nhìn nhận thỏa đáng và mọi người sẽ không hiểu được công sức mình bỏ ra cho đến khi họ thử làm việc đó”.

Sức hút của ngành sáng tạo nội dung đối với Gen Z xuất hiện khi việc sử dụng mạng xã hội tăng vọt, cùng với xu hướng theo dõi những người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp. Khoảng 84% Gen Z truy cập mạng xã hội ít nhất một lần mỗi ngày, trong khi gần 30% theo dõi 15 người có ảnh hưởng trở lên. Leaver nói: “Những người trẻ bắt chước những hình mẫu mà họ thấy, và những người có ảnh  hưởng là những hình mẫu đối với họ, đặc biệt là khi chúng đã ăn sâu vào cuộc sống của họ”.

Con đường chông gai

Con đường dẫn tới vị trí các nhà sáng tạo hàng đầu dù hào nhoáng nhưng cũng đầy rẫy chông gai.

Trong số những người tạo nội dung toàn thời gian, chỉ khoảng 12% kiếm được hơn 50.000 USD mỗi năm, theo một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 9.500 người sáng tạo được công bố vào tháng 4 bởi Linktree, một nền tảng chia sẻ liên kết phổ biến với những người có ảnh hưởng. Trong khi đó, theo ước tính của Đại học MIT, mức lương đủ sống ở Manhattan, New York, là gần 53.000 USD.

Kể từ năm 2020, nhiều người lao động đã có cơ hội xác định lại kỳ vọng của họ đối với người sử dụng lao động. Hơn 40 triệu người Mỹ đã bỏ việc vào năm 2021 để tìm kiếm mức lương cao hơn. Công việc từ xa đã giúp một số người ưu tiên các nhu cầu của họ bên ngoài văn phòng, trong khi thị trường lao động eo hẹp cho phép nhiều người khẳng định nhu cầu lớn hơn tại nơi làm việc. Điều đó cũng đồng nghĩa với một loạt thách thức mới đối với những người làm việc cho chính họ: Thật khó để tìm ra ranh giới khi được tuyển dụng bởi… chính mình.

Đối với hàng triệu người kiếm tiền từ sự hiện diện trực tuyến của họ dưới một số hình thức, những mặt trái của loại hình công việc này ngày càng rõ ràng, đặc biệt là trong thời điểm rất nhiều người đang suy nghĩ lại về sự nghiệp của họ. Xây dựng thương hiệu cá nhân xóa nhòa khoảng cách giữa danh tính và công việc. Nó gây áp lực cho gia đình. Nó yêu cầu mọi trải nghiệm chân thực đều được khai thác cho nội dung chuyên nghiệp.

Katie Sullivan, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Colorado Colorado Springs, cho rằng: “Rất khó để ngắt kết nối khi bạn đang xây dựng một thứ gì đó mang tính cá nhân và cũng là một thành phần cần thiết trong đời sống kinh tế của bạn. Điều đó có nghĩa là: Tôi cần sử dụng chính bản thân mình để phục vụ cho công việc này”. Với thương hiệu cá nhân, ranh giới giữa họ là ai và những gì họ làm sẽ biến mất. Mọi thứ đều là nội dung; mỗi lượt thích, theo dõi và bình luận là một lực đẩy.

Trong thế giới đầy xáo trộn ngày nay, không có một nghề nghiệp nào chứng minh được tương lai. Đối với thế hệ trẻ, điều quan trọng là nghĩ về bản thân như một gói kỹ năng và năng lực, chứ không phải một vai trò hay nghề nghiệp xác định.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.