Đừng cẩu thả với phim lịch sử!

Thứ Hai, 05/12/2022, 12:55

Bộ phim “Huyền sử vua Đinh” ngậm ngùi rời khỏi rạp, sau 10 ngày công chiếu, với doanh thu bết bát - 42 triệu đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập). Thất bại của bộ phim có kinh phí 39 tỷ đồng này tiếp tục nối dài những trăn trở về dòng phim vốn đã thụt lùi trước sự phát triển khá sôi động của các thể loại phim khác và những vấn đề nội tại của điện ảnh Việt.

Lỗ nặng là vì World Cup 2022?

Đề cập đến những nguyên nhân khiến “Huyền sử vua Đinh” thất bại, đạo diễn Anthony Võ cho cho biết tác phẩm đối đầu với loạt phim ngoại lớn, nhỏ đang tranh giành vị thế tại rạp. Còn, nhà rạp không tạo điều kiện, hỗ trợ để phim có những suất chiếu tốt. “Đây là dòng phim lịch sử kén người xem lại ra rạp cùng thời điểm diễn ra World Cup 2022 nên doanh thu không cao là điều dễ hiểu”, ông Anthony Võ nói.

Dao_dien_Anthony_Vo_trai_ben_An-1670205359058.jpeg
Đạo diễn Anthony Võ (trái) bên Anh Tài – diễn viên đóng Đinh Bộ Lĩnh trong “Huyền sử vua Đinh” (thứ hai từ trái qua).

Nam đạo diễn Việt kiều nói bản thân cảm thấy buồn vì phim thất bại dù đoán được tình hình. Ban đầu, ông và cộng sự theo đuổi dự án vì đam mê thể loại dã sử, muốn khán giả hiểu thêm về lịch sử nước nhà. “Sau những sai sót ở phim này, tôi sẽ khắc phục trong tác phẩm tới, kêu gọi thêm nhà đầu tư để nâng cao chất lượng nội dung”, ông nói.

Theo đuổi thể loại dã sử (có nhiều chi tiết hư cấu từ lịch sử), phim tái hiện chân dung Đinh Tiên Hoàng, từ thuở còn là thanh niên đến lúc dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Tác phẩm mở đầu với bối cảnh năm 944, khi vua Ngô Quyền mất. Sau đó, triều đình nhà Ngô rối ren hơn bao giờ hết, các sứ quân cát cứ hình thành và nổi dậy. Đinh Bộ Lĩnh - lúc này mới 20 tuổi - phải đối phó mâu thuẫn nội bộ gia tộc khi bị người chú Đinh Thúc Dự truy sát, đồng thời tập hợp lực lượng để thống nhất đất nước.

Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm bị nhiều lời chê vì kịch bản ôm đồm. Thay vì khai thác những lát cắt tiêu biểu, đạo diễn tóm tắt cuộc đời 24 năm (944-968) của Đinh Bộ Lĩnh chỉ trong 78 phút. Thời lượng hạn chế, phim cũng không khai thác được trọn vẹn tâm lý của Đinh Tiên Hoàng trong những cảnh quan trọng, nặng tâm lý, hay mối quan hệ của ông với các nhân vật thân cận.

Do quá đông tuyến diễn viên, đa số vai chỉ xuất hiện lướt qua, không để lại ấn tượng đậm nét. Nhiều nhân vật không được chăm chút bằng câu chuyện riêng, chỉ góp mặt trong vài phút với dòng chữ mô tả danh tính, sau đó biến mất, không mang lại hiệu quả nghệ thuật. Đó còn chưa kể, phim quy tụ dàn diễn viên mới ít tên tuổi như Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành... Song, những gương mặt mới này không tạo dấu ấn mới mẻ. Nam chính Anh Tài vào vai Đinh Bộ Lĩnh chưa toát lên được thần thái, khí chất của một anh hùng hào kiệt. Khâu lồng tiếng căng cứng, thiếu tự nhiên càng khiến diễn xuất trở nên thảm họa.

Đừng cẩu thả với phim lịch sử! -0
Hóa trang thiếu chân thực, thành lũy dựng sơ sài, cảnh chiến đấu kém đầu tư… là những chi tiết khiến “Huyền sử vua Đinh” gây thất vọng.

Tạo hình, phục trang cẩu thả khiến tác phẩm thiếu sức hút, kém thẩm mỹ. Thạc sĩ Võ Anh Tuấn – Giảng viên khoa Thiết kế và Nghệ thuật,  Đại học Hoa Sen – người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hậu kỳ kỹ xảo, sản xuất phim thừa nhận, phục trang và bối cảnh là điểm yếu cố hữu của phim cổ trang Việt Nam. “Huyền sử vua Đinh” cũng không khắc phục được điều này, thậm chí những bộ trang phục còn “lai căng”, thiếu bản sắc văn hóa Việt trong từng bộ trang phục. Đơn cử, như phim lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc, chỉ cần nhìn vào trang phục là khán giả có thể “nhận diện thương hiệu” văn hóa của của họ.

“Tác phẩm cũng mắc nhiều lỗi cơ bản về khâu hóa trang, bối cảnh. Trong cảnh đám thích khách ám sát Đinh Bộ Lĩnh, một diễn viên quần chúng nhuộm tóc vàng. Một số phân cảnh cho thấy công đoạn hậu kỳ qua loa khi để lọt hình ảnh cột điện, gian nhà cấp bốn hiện đại... Ở nhiều cảnh quay cận, gương mặt nhân vật Đinh Tiên Hoàng vẫn dính lớp keo dán râu giả. Khi mô phỏng hình ảnh rồng hộ mệnh bay quanh thân Đinh Bộ Lĩnh, phim để lộ kỹ xảo kém chân thật, đậm chất vi tính.

Các hiệu ứng máu me, khói lửa đơn giản, thậm chí còn ngô nghê. Đơn cử ở cảnh Đinh Bộ Lĩnh đấu với quân Đỗ Cảnh Thạc, ở nhiều pha giao chiến, phim chỉ có vài nhóm lính lưa thưa với cách ra đòn yếu ớt, không thể hiện được sức mạnh của 12 sứ quân”, ông Võ Anh Tuấn phân tích.

Theo vị thạc sĩ, vốn dĩ phim lịch sử là để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nhưng lòng tự hào không thể khơi gợi được từ những sự hời hợt và cẩn thả. Bởi, “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”.

Còn một đạo diễn có hơn 10 năm làm phim lịch sử thẳng thắn tuyên bố: “Đây là một sản phẩm rẻ tiền, không phải một bộ phim lịch sử”. Trong khi đó, biên kịch Quốc Bảo cho rằng: “Nếu chỉ là video phát trên mạng, người xem có thể chấp nhận một số sai sót. Đây là phim điện ảnh, bán vé lấy tiền khán giả, cần có sự chuyên nghiệp”.

Phim lịch sử Việt vẫn là “kẻ đi hoang”

Hơn 20 bộ phim trong hơn 6 thập kỷ là con số khiến không ít người ngỡ ngàng khi kể về thành tích của phim lịch sử ra rạp. Trong số này chưa có tác phẩm nào thực sự gây được tiếng vang lớn, tạo thành “cơn sốt” ở cả trong nước và thế giới. Các phim làm ra chủ yếu do được đặt hàng, hoặc làm để chiếu trong các dịp lễ, tết, kỷ niệm hay liên hoan... Con số này quá ít ỏi so với hàng chục phim ở đề tài khác được ra rạp mỗi năm. Đã thế, trong số những phim đã làm về đề tài lịch sử, rất ít phim mang được đặc trưng, dáng dấp, hồn cốt của Việt Nam, nếu không từa tựa của Trung Quốc thì lại vấp phải “sạn” sai lệch về lịch sử hay nội dung thiếu thuyết phục...

Đừng cẩu thả với phim lịch sử! -0
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền (áo kẻ) và ê-kíp ở hậu trường phim “Tiếng sét trong mưa”.

Đơn cử, năm 2010, bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” do công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất với chi phí đầu tư trên 100 tỷ đồng phải hoãn phát sóng vì bị chỉ trích gay gắt bởi bối cảnh, phục trang và hình tượng các nhân vật trong phim mang đậm màu sắc lịch sử Trung Quốc. Tới nay, đã qua 12 năm “đắp chiếu”, bộ phim thuộc bản quyền phát sóng của VTV vẫn chưa có kế hoạch được lên sóng.

Tính sơ, đến nay vẫn chưa có bộ phim nào vượt qua chất lượng của những bộ phim cách đây cả thập kỷ như: “Thiên mệnh anh hùng” (Victor Vũ), “Long thành cầm giả ca” (Đào Bá Sơn), “Khát vọng Thăng Long” (Lưu Trọng Ninh)… Song, “Thiên mệnh anh hùng” với kinh phí 25 tỷ đồngcùng nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước, phim vẫn lỗ gần10 tỷ đồng. Hai phim“Khát vọng Thăng Long” và “Long thành cầm giả ca” được khen nức nở, nhưng không có khán giả. Có lẽ cũng vì thế mà việc ra rạp và bán vé vẫn còn là giấc mơ xa xỉ với dòng phim về đề tài lịch sử.

Đừng cẩu thả với phim lịch sử! -0
“Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” từng bị chê là “bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt”.

Theo ông Võ Anh Tuấn, khi bàn về nguyên nhân khiến phim lịch sử khan hiếm tại Việt Nam, người ta thường nêu ra một số vấn đề về phim trường, kinh phí, phát hành, kiểm duyệt... Cũng không thể phủ nhận rằng một bộ phim lịch sử có nhiều yếu tố đặc thù về nội dung, không dễ để so sánh với phim thị trường. Nhưng cũng không nên vì những điều này mà tìm cách ngụy biện. Bởi, làm phim lịch sử không chỉ liên quan đến chuyện có bao nhiêu tiền là sản xuất được, hay có đam mê và nhiệt huyết là đủ. Hay nói cách khác, chúng ta có thể thiếu các yếu tố khách quan, nhưng thiếu nhất vẫn là người tài, người làm phim lịch sử ngoài có tâm, cũng phải có tầm thì mới nghĩ đến chuyện có tác phẩm hay.

NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, phim lịch sử của chúng ta còn bị rập khuôn, khô cứng và vẫn mang tính minh họa, khiến bộ phim sa đà theo lối chép lại lịch sử: “Những gì đọc được, nghe được trong lịch sử lập tức đưa lên phim và lúc nào cũng chăm chăm phải làm sao để nhân vật ấy, cuộc chiến ấy giống hệt như đã... nghe kể. Phim lịch sử bao nhiêu năm nay vẫn không thể có được sự bứt phá. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản”. Hay nói như cố đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc từng chia sẻ tại một tọa đàm cách đây 5 năm: “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”. Đến nay, lời tuyên bố của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền – người dành nhiều năm gắn bó, thành công với dòng phim xưa cũ cũng phải thừa nhận, dòng phim này không chỉ khó về kêu gọi kinh phí mà còn khó ngay từ khâu lên kịch bản, chọn bối cảnh, diễn viên và ghi hình… Tuy nhiên, mẫu số chung của các thao tác vẫn phải đảm bảo: “Không được phép làm cẩu thả, qua loa kiểu cưỡi ngựa xem hoa”. “Ngay cả diễn viên, họ không chỉ đơn giản là những người có tiếng tăm hay có sắc đẹp mà còn là những người cũng đầu tư, tâm huyết, chỉn chu cho nhân vật của mình. Chẳng hạn, cột mốc thời gian câu chuyện mình muốn kể mà quy định diễn viên phải diễn theo đúng giai đoạn lịch sử đó. Nghĩa là diễn viên phải học đi đứng, điệu bộ, cử chỉ, lời nói, phong thái, cốt cách nhân vật phải đúng ngữ cảnh mà xã hội thời đó đã trải qua”, nam đạo diễn cho hay.

Trở lại với sự thất bại của “Huyền sử vua Đinh”, đây có lẽ không chỉ là bài học với ê-kíp mà còn với cả những nhà làm phim dám dấn thân ở thể loại phim “khó nhằn” này. Thị hiếu từ thị trường điện ảnh trong nước không ngừng thay đổi, nhưng chắc chắn sẽ không đúng khi tuyên bố: “Khán giả Việt quay lưng với phim lịch sử Việt”. Hơn nửa thế kỷ qua đi, câu chuyện dòng phim lịch sử Việt Nam vẫn còn là những “kẻ đi hoang” là điều ai nghĩ đến cũng xót xa. Nhưng, có lẽ chỉ khi nào vượt qua được sự trì trệ trong tư duy sáng tạo thì điện ảnh Việt Nam mới có được những tác phẩm điện ảnh lịch sử vừa có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, vừa có sức hấp dẫn người xem.

Thảo Dung
.
.
.