Điều gì sẽ xảy ra khi FED tăng lãi suất?

Thứ Ba, 21/06/2022, 13:47

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có nước đi quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ nhằm sớm kiểm soát lạm phát khi nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm (tương ứng 0,75%), mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.

Thế lưỡng nan của FED khi quyết định tăng lãi suất

Lạm phát tăng nóng trong tháng 5 đẩy Ngân hàng Trung ương Mỹ vào thế khó. Nếu muốn hạ nhiệt giá cả, kinh tế Mỹ có thể phải trả giá bằng một cuộc suy thoái. Theo Bloomberg, lạm phát tại Mỹ tăng nóng trong tháng 5 đã đặt ra bài toán khó cho ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

1.gif -0
Chủ tịch FED, ông Jerome Powell

Mới đây, ông Powell thừa nhận rằng việc kiểm soát lạm phát có thể tạo ra những vết thương kinh tế, thậm chí đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Nhưng ông tránh nhắc tới một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ cần đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Chúng ta khó có khả năng kiểm soát lạm phát mà không để xảy ra suy thoái kinh tế", ông Bruce Kasman - nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co. - nhận định. Theo ông, thời kỳ lạm phát tăng cao kéo dài, cùng với nguồn cung lao động bị thu hẹp, đã đẩy tiền lương đi lên và làm gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp, tạo ra vòng xoáy tiền lương - lạm phát nguy hiểm.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, bà Anna Wong - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg - dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023. "Một cuộc suy thoái vào năm 2022 là khó xảy ra, nhưng suy thoái năm 2023 sẽ rất khó tránh khỏi", bà Wong bình luận.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12-1981.

Lạm phát tăng nóng làm xói mòn sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng. Theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978, tức thấp hơn thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.

Giới đầu tư đổ xô vào trái phiếu do lo ngại việc FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất trái phiếu tăng vọt, trong khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã chạm mốc 3,28% hôm 13-6, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2011. Giới quan sát dự báo đến tháng 9, lãi suất cơ bản sẽ được nâng 175 điểm cơ bản, tức ở một trong 3 cuộc họp sắp tới, FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Điều gì sẽ xảy ra khi fed tăng lãi suất? -0
Đồ thị miêu tả mức lãi suất của FED trong 40 năm qua

Riêng đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng FED sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cả tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12. Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm

Trong những tháng tới, sự thay đổi của lãi suất sẽ phụ thuộc vào việc các quan chức FED muốn kiểm soát lạm phát tới mức nào, và có sẵn sàng trả giá bằng những vết thương kinh tế hay không. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, cao gấp 3 lần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, chỉ số giá cốt lõi tăng 4,9%. PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác.

Theo ông Ethan Harris - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America Corp., FED có thể sẵn sàng thỏa hiệp, chấp nhận lạm phát cố định khoảng 3% và dần đưa về mức mục tiêu trong dài hạn. Điều đó cho phép nền kinh tế Mỹ tránh một cuộc suy thoái.

Còn ông Olivier Blanchard - cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - chỉ trích FED và các ngân hàng trung ương khác đã sai lầm khi để lạm phát vượt tầm kiểm soát. Theo ông, các ngân hàng trung ương nên ngừng thắt chặt chính sách sau khi lạm phát giảm xuống 3% và đặt đó làm mục tiêu mới, thay vì mạo hiểm đẩy lạm phát xuống 2% và có thể đối mặt nguy cơ suy thoái.

Ông Peter Hooper - nhà kinh tế tại Deutsche Bank, một trong những người đầu tiên dự báo về một cuộc đại suy thoái, cho rằng FED sẽ "mắc sai lầm nghiêm trọng" nếu đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Những hệ lụy từ việc tăng lãi suất của FED

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, FED gần như hạ lãi suất về 0% để khuyến khích người dân chi tiêu và doanh nghiệp đầu tư. Để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, FED đã tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường. Khi các thị trường tín dụng đóng băng hồi tháng 3-2020, FED còn đưa ra các công cụ tín dụng khẩn cấp.

Điều gì sẽ xảy ra khi fed tăng lãi suất? -0
Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người dân

Các chính sách giải cứu của FED đã phát huy tác dụng. Không có cuộc khủng hoảng tài chính nào diễn ra vì COVID-19. Vaccine và các khoản chi khổng lồ của Quốc hội Mỹ đã mở đường cho đà phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc các chính sách được tung ra khẩn cấp, nhưng mãi chưa được gỡ bỏ, đã khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất 50 năm, nhưng lạm phát lại rất cao. Kinh tế Mỹ vì thế không còn cần nhiều hỗ trợ từ FED nữa.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương là phải điều tiết kinh tế trong nước và ngăn lạm phát kéo dài. Theo Christopher Thornberg - chuyên gia tại Beacon Economics ở Los Angeles, các nhà hoạch định chính sách đang chạy đua để khắc phục vấn đề do chính họ tạo ra, đó là đợi quá lâu để loại bỏ các gói kích thích sau đại dịch. "FED đã đưa quá nhiều tiền vào nền kinh tế", ông nói. Do đó FED buộc phải tăng lãi suất.

Mỗi lần FED nâng lãi suất, việc đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa mọi khoản vay, từ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, vay nộp học phí sẽ tốn kém hơn. Chi phí đi vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cao lên. Lãi suất tăng lên sẽ khiến việc mua nhà khó khăn hơn. Giá nhà tại Mỹ đã tăng chóng mặt trong đại dịch khi hồi tháng 3 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu yếu đi có thể hạ nhiệt thị trường bất động sản nước này.  Lãi suất thấp có lợi cho thị trường chứng khoán, do nó buộc nhà đầu tư đặt cược vào tài sản rủi ro, như cổ phiếu. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng là thách thức với thị trường chứng khoán, vốn đã quá quen thuộc - nếu không muốn nói là nghiện - tiền rẻ. Các thị trường gần đây biến động lớn do lo ngại về kế hoạch chống lạm phát của FED.

Tuy nhiên, phần lớn tác động này sẽ phụ thuộc vào việc FED nâng lãi nhanh đến mức nào, và các yếu tố kinh tế nền tảng, lợi nhuận doanh nghiệp biến động ra sao sau đó. Tối thiểu thì việc nâng lãi cũng đồng nghĩa thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với trái phiếu chính phủ.

Các nhà kinh tế học cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, do giá hàng hóa đã tăng vọt kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mọi thứ từ thực phẩm, năng lượng đến kim loại đều trở nên đắt đỏ, dù giá dầu đã hạ nhiệt do các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc. Chi phí sinh hoạt cao đang khiến hàng triệu người Mỹ đau đầu, đẩy niềm tin tiêu dùng xuống thấp nhất thập kỷ. Dĩ nhiên, các chính sách của FED cần thời gian để phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xung đột tại Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cả COVID-19.

Điều gì sẽ xảy ra khi fed tăng lãi suất? -0
Động thái tăng lãi suất của FED sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển trên toàn cầu

Việc FED nâng lãi suất không chỉ có tác động đến kinh tế nước này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác. Ví dụ, Hong Kong và các nước Vùng Vịnh – vốn neo nội tệ vào đôla Mỹ - đã nâng lãi suất ngay sau động thái của FED hồi tháng 5 vừa rồi. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (HKMA) hôm 4-5 nâng lãi suất cơ bản từ 0,75% lên 1,25%. Trong khi đó, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain nâng thêm 0,5%.

Bên cạnh đó, việc này còn gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Tháng trước, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo FED và các ngân hàng trung ương khác "suy nghĩ kỹ về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương".

Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu, khiến dòng vốn rời các nước nghèo để chảy sang Mỹ. Việc này sẽ kéo giá đôla Mỹ lên và đẩy giá các đồng tiền khác xuống. Để bảo vệ nội tệ, các nước này có thể cũng sẽ nâng lãi suất theo, gây ra hệ quả như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và doanh nghiệp ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo.

Vincent Reinhart - cựu nhà kinh tế cấp cao của FED cho rằng FED sẽ khó ngăn suy thoái khi hạ lạm phát. "Họ cần một chút may mắn để thay đổi sau một thời gian gặp vận rủi", ông nói.

Đỗ Tiến
.
.
.