Điện ảnh trước thách thức tăng thuế

Thứ Hai, 16/12/2024, 14:30

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 5% như luật hiện hành. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho các nhà làm phim khi các chi phí sản xuất, phát hành gia tăng.

Phải tập trung tự cứu mình

Những năm qua, ngành điện ảnh Việt Nam đã có những khởi sắc. Chúng ta đã có những bộ phim được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế uy tín như “Bên trong tổ kén vàng” của Phạm Thiên Ân dành giải Camera d’or tại LHP Cannes 2023 và có một cuộc chu du khắp thế giới. “Cu li không bao giờ khóc” của đao diễn Phạm Ngọc Lân thắng giải Best First Film tại Liên hoan phim Berlin… và “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh thắng 2 giải tại Tuần lễ phê bình của Liên hoan phim Venice, trong đó có giải IWONDERFULL Grand Prize - giải cao nhất tại hạng mục này…

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng, điện ảnh Việt đang có một làn sóng mới. Tuy nhiên, doanh thu của hai bộ phim độc lập đã phát hành ở Việt Nam là “Cu li không bao giờ khóc” và “Bên trong tổ kén vàng” rất ảm đạm.

Điện ảnh trước thách thức tăng thuế -1
Phim “Cu li không bao giờ khóc” ra rạp với doanh thu khiêm tốn.

Những năm qua, chúng ta cũng chứng kiến sự đột phá về mặt doanh thu của những bô phim trăm tỷ của Trấn Thành, Lý Hải như “Nhà bà Nữ”, “Mai”, “Lật mặt 7” với những con số kỷ lục 400-500 tỷ, khuấy động thị trường phim Việt. Hay “Đào, Phở và Piano” - phim Nhà nước đặt hàng đề tài lịch sử thu 22 tỷ đồng... Tuy nhiên, những bộ phim hút khách vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay so với những phim bết bát doanh thu. Phim “Trà” của Lê Hoàng ra rạp từ mồng 1 Tết Nguyên đán nhanh chóng rời rạp vì chỉ thu 1,6 tỷ đồng và phải rời rạp sau vài tuần công chiếu do sức bán vé quá thấp. Trong tháng 4, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến “thảm họa doanh thu” như bộ phim “Đóa hoa mong manh” phim ra rạp từ 12/4 nhưng chỉ thu về 400 triệu đồng dù được PR rầm rộ với thông tin nổi bật, song chất lượng lại không tương xứng với số tiền đầu tư.

“Domino: Lối thoát cuối cùng” của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cường được quay hầu hết ở Mỹ với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng sau một thời gian ra rạp chỉ thu về hơn 500 triệu đồng, với khoảng 280 suất chiếu/ngày. Và hiện nay, những bộ phim đang ra rạp như “Cu li không bao giờ khóc” được giải thưởng tại liên hoan phim hạng A danh tiếng Berlin nhưng ra rạp với doanh thu khiêm tốn… Rõ ràng, đầu tư vào điện ảnh là một ngành “nhiều rủi ro và mạo hiểm”, nên việc tăng thuế sẽ mang đến những thách thức không nhỏ đối với ngành điện ảnh Việt Nam.

Điện ảnh trước thách thức tăng thuế -0
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang phát triển trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn. Trong đó có những khó khăn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nước ngoài. Thị hiếu và yêu cầu của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi những người làm văn hóa, nghệ thuật phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là điện ảnh, không ít người nghĩ đây là lĩnh vực thuộc về giải trí, có cũng được, không có cũng được. Vì vậy trong thời gian sắp tới lĩnh vực điện ảnh cần tập trung tự cứu mình trước khi được cứu”.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Tăng thuế là thách thức cho người làm phim. Tôi lấy ví dụ câu chuyện của nhà sản xuất Trinh Hoan (HK Films) mỗi năm HK Films sản xuất nhiều phim Việt Nam. Số tiền nộp thuế nếu thuế VAT ở mức 10% lên đến hàng trăm tỷ. Số tiền ấy để làm nhiều đầu phim mới thì có giá trị hơn nhiều.

Đáng lẽ, Quốc hội nên chờ 5 - 10 năm nữa để điện ảnh thực sự vươn lên thành ngành công nghiệp văn hóa, từ đó có thể thu về nguồn lợi đóng thuế nhiều hơn. Tôi cho rằng, trong số những đại biểu bấm nút, có một số các đại biểu cũng chưa thật sự hiểu, thông cảm và chia sẻ với những người làm văn hóa, nghệ thuật trong đó có điện ảnh. Đấy là điều đáng buồn với điện ảnh, đặc biệt là với hoạt động sản xuất và phổ biến phim. Nhưng quyết định đã thông qua và chúng ta phải thực thi”.

Điện ảnh trước thách thức tăng thuế -3
Đạo diễn Charlie Nguyễn.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Mức thuế VAT tăng lên 10% không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhà sản xuất, mà còn có những tác động đến chất lượng phim cũng như hệ thống phát hành. Khó khăn từ một khía cạnh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh khác vì nó phụ thuộc và liên kết với nhau. Chẳng hạn với một dự án 25 tỉ đồng phải tăng lên thành 26 tỉ đồng hoặc vẫn giữ mức ngân sách đó nhưng phải cắt hoặc viết lại kịch bản. Đôi lúc chính vì điều đó mà nhà sản xuất không đủ điều kiện để có được dàn diễn viên hay những nhân sự như mong muốn.

Nếu chúng ta muốn đuổi kịp thế giới, chất lượng phim và trình độ chuyên môn của chúng ta phải được nâng lên. Và để làm được như thế thì nhà làm phim không làm nổi một mình mà phải cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Một đạo diễn không thể làm nên một bộ phim mà cần cả một tập thể và rất nhiều cơ quan đứng sau hỗ trợ thì đạo diễn đó mới có thể làm ra một tác phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn”.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ các nhà làm phim độc lập

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, đương nhiên, nếu không tăng thuế VAT thì tốt, chẳng có doanh nghiệp nào vui khi thấy phải đóng thêm thuế cả. Nhưng khách quan thì thuế suất VAT tăng lên 5% cũng không ảnh hưởng quá nhiều, không gây khó khăn quá lớn cho doanh nghiệp điện ảnh. Anh chia sẻ: “Vấn đề ở đây là nếu như nhà nước nhìn vào thực trạng phát triển của ngành sản xuất phim điện ảnh Việt Nam và thấy rằng còn rất non trẻ và nhiều thách thức cho các doanh nghiệp thì sau khi thu thêm thuế VAT thì có chính sách nào khác hỗ trợ cho ngành này và các doanh nghiệp sản xuất phim điện ảnh hay không?”.

Điện ảnh trước thách thức tăng thuế -4
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Bởi theo anh, khó khăn lớn nhất đối với các nhà sản xuất phim Việt hiện nay là nguồn vốn, so với các ngành kinh tế khác thì khả năng tiếp cận vốn của điện ảnh rất thấp. Vấn đề này từ trước đến nay các cơ quan quản lý chưa lưu tâm tới. “Mong là sau khi thu thêm thuế, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể chung tay tạo ra hành lang pháp lý hoặc ít nhất là một diễn đàn để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, đi tìm nguồn đầu tư từ các định chế tài chính. Nếu doanh nghiệp được khai thông dòng vốn để đầu tư, phát triển kinh doanh thì ngân sách sẽ có thể thu được thêm nhiều hơn chứ không chỉ là 5% VAT ít ỏi nữa” - anh khẳng định.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, văn hóa nghệ thuật rất có ít lĩnh vực có thể sinh lãi, thậm chí là rất khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận. “Có thể  chúng ta nhìn thấy những phim thu về cả trăm tỷ và nghĩ rằng, phim ảnh sống dễ nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Bởi, hầu hết các phim trong nước làm ra đều lỗ hoặc hòa vốn”.

Điện ảnh trước thách thức tăng thuế -2
Phim có doanh thu cao chỉ đếm đầu ngón tay trên thị trường phim Việt hiện nay.

Từ thực tiễn hoạt động và theo đuổi mảng phim độc lập, việc ra rạp của những bộ phim này rất khó khăn, vắng khán giả, doanh thu thấp, anh kiến nghị: “Có những nhà làm phim, việc thu thuế VAT 10% không ảnh hưởng nhiều đến họ, nhưng nếu đánh đồng như vậy là đang vô tình khuyến khích tất cả các hoạt động văn hóa bây giờ tập trung vào kiếm tiền. Nhìn nhận vấn đề như vậy là sai, vì có những hoạt động văn hóa rất cần thiết nhưng có thể không tạo ra nhiều tiền. Thực tế, có những nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm khó tiếp cận thị trường nhưng lại rất cần thiết. Họ sẽ cảm thấy sợ và gặp khó khăn vì áp lực kinh tế. Điều đó vô tình làm nhòe đi đời sống tình thần và ngành điện ảnh sẽ không còn những tác phẩm đa dạng. Những tiếng nói thú vị của nghệ thuật cũng dần phai nhạt.

Chúng ta đều hiểu rằng tăng thuế là cần thiết đối với những khu vực điện ảnh đã được xã hội hóa. Tôi chỉ hy vọng, khi chúng ta nói điện ảnh sẽ xã hội hóa, các doanh nghiệp sống được trên các sản phẩm của mình thì chúng ta cũng cần quan tâm đến những phim nghệ thuật, những bộ phim ngân sách thấp hay những tác giả, đạo diễn đầu tay… họ vẫn cần được hỗ trợ”.

Việt Linh
.
.
.