Công nghiệp văn hóa - trông người mà ngẫm…
Ở nước ta, phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta vẫn đang gặp nhiều thách thức…
Không có chiến lược cụ thể - khó thành công
Hồi đầu năm 2022, Seong Il Jong - một Hạ nghị sĩ Hàn Quốc thông tin, nhóm nhạc BTS (HYPE Entertainment) mang về lợi ích quốc gia 56.000 tỉ won (khoảng 45,5 tỉ USD). Đây là con số khổng lồ chỉ có những tập đoàn kinh tế lớn đạt được trước đó. Việc giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard có tác dụng thúc đẩy kinh tế 600 tỉ won/giây. “BTS đứng đầu 17 tuần và mang lại lợi ích quốc gia 56.000 tỉ won (khoảng 45,5 tỉ USD)”, Hạ nghị sĩ Seong Il Jong nói. Trước đó, tờ Mydaily đưa tin BTS đóng góp cho kinh tế Hàn Quốc trong năm 2021 là 1,43 tỉ USD.
Hiện tại, các công ty SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment và HYPE Entertainment, thường được gọi là "Big 4" trong ngành giải trí Hàn Quốc, chiếm hơn 60% thị phần đĩa nhạc vào năm 2021. Năm ngoái, tổng doanh thu của "Big 4" đạt 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Chỉ xét riêng doanh thu, các thần tượng đến từ 4 công ty kể trên đã mang về số tiền tương đương một nửa quy mô kinh tế của các "thiên đường du lịch" như Maldives, Fiji, Barbados...
Đó là những con số biết nói từ thành quả của công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc. Vậy, ở Việt Nam thì sao? Sau 5 năm triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 12 ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) mới đạt doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận: “Chúng ta đang chưa có sự hình dung về một ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn nói chung. Khi không hình dung ra, không nhìn nhận đó là ngành công nghiệp, không có chiến lược cụ thể, sẽ rất khó để thành công”.
Đạo diễn của chuỗi chương trình “Gió mùa” cũng nhấn mạnh: “Ai cũng nói, phải nhìn vào ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, phải được như Kpop, phải kiếm tiền như BTS. Nhưng không phải cứ có tài năng là làm được. Ở nhiều quốc gia khác, họ cũng có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng họ không kiếm được tiền như vậy. Để có được ngành công nghiệp phải có môi trường, nguồn lực, chiến lược và thời gian. Trước khi nghĩ đến xuất khẩu, chúng ta cần một thị trường âm nhạc nội địa phát triển trước đã. Nhưng ngay ở trong nước, chúng ta cũng chưa có kế hoạch phát triển. Hầu hết vẫn là những “chiêu trò”, chụp giật, những cách phát triển không bền vững”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Chưa có nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh... “Các ngành công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Trong khi, Việt Nam không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hóa nhưng chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hóa dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước tỏa sáng”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Xây dựng đội ngũ nhân lực
Nhiều thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa cần được tháo gỡ, trong đó, theo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức ngày 17/12. Ngày 20/12, Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ VHTTDL tổ chức cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều khó khăn, hạn chế cần giải pháp khắc phục để phát triển Công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 31/12/2021, dân số Việt Nam là hơn 98,51 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người. Việt Nam đang ở giai đoạn "dân số vàng", tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64 tuổi) rất cao, dao động từ 66% đến 70%. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp văn hóa khi nguồn nhân lực sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa dồi dào; khả năng sáng tạo, thích ứng và chuyển giao công nghệ nhanh nhạy, linh hoạt, sẽ mang lại những cơ hội, điều kiện để công nghiệp văn hóa tăng tốc, bứt phá.
Theo thống kê của ngành văn hóa trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020 thì nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là hơn 72 nghìn người và nhân lực gián tiếp (nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, gia đình và thể dục thể thao) ước tính khoảng 150 nghìn người.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có thể phân loại các nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa như sau: Nguồn nhân lực quản lý; Nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh và Nguồn nhân lực sáng tạo. "Có thể thấy trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp nhiều ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra" - tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng nhận định.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Thị Thu Thủy - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, công tác đào tạo nhân lực ngành công nghiệp văn hóa đã có những cố gắng, song vẫn còn nhiều bất cập. Theo thạc sĩ Hoàng Thị Thu Thủy, hiện hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân lực của nhóm ngành văn hóa đang tăng về số lượng và quy mô đào tạo. Thống kê năm 2021 cho thấy, có 108 cơ sở tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật (33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp) được phân bổ khắp cả nước.
“Những năm gần đây xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật do khối kinh doanh ngoài nhà nước phụ trách. Đó có thể là các công ty đào tạo diễn viên, ca sĩ … đang mọc lên ngày càng nhiều ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hay các trung tâm chuyên mở các khóa học đào tạo về kiến thức marketing, truyền thông có giảng viên là những thuyết trình gia uy tín của nước ngoài đứng giảng… Chưa có con số thống kê cụ thể, song số lượng các công ty dạng này rất nhiều và gia tăng không ngừng. Trong khi đó, số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học đào tạo này cũng tăng đột biến"- thạc sĩ Hoàng Thị Thu Thủy nhận định.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, để phát triển công nghiệp văn hóa, cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo. “Dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các cá nhân. Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả và các quyền liên quan”- tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng nhận định.
Còn theo nhạc sĩ Quốc Trung, có một cách cần làm ngay học hỏi kỹ năng, chiến lược từ các nước phát triển công nghiệp văn hóa. “Chúng ta cứ nói về Hàn Quốc, về Kpop, nhưng chưa thấy ai sang đó học hỏi. Ở những nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Mỹ hay các quốc gia châu Âu họ đều có công thức, quy luật để thành công. Nhưng trước nhất, chúng ta phải đánh giá được thực trạng của mình một cách chính xác, rõ ràng. Cứ tô hồng, kể lể về tiềm năng mà không có chiến lược cụ thể, sẽ không bao giờ thành công”- nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững. Bởi thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Rõ ràng, để thực hiện công nghiệp văn hóa, điều đầu tiên chính là đầu tư, tạo động lực cho con người có môi trường và khả năng sáng tạo.