Confession trường học: “Ẩn danh” hay “ẩn họa”?
Dưới hình thức “ẩn danh” (không công khai danh tính người viết), confession ở các trường THCS, THPT và các trường đại học được coi là nơi “thú tội” hay “trút bầu tâm sự” của nhiều học sinh, sinh viên. Nhưng ngoài những mặt tích cực thì hiện nay, confession đang bị biến tướng, trở thành nơi “bóc phốt” bạn bè, thầy cô, gây hậu quả khó lường.
Khởi đầu tốt đẹp
Giờ đây, hầu hết mỗi trường đều có một trang confession riêng. Đây là nơi để nhiều bạn học sinh, sinh viên dễ dàng bày tỏ những tình cảm, cảm xúc hay quan điểm của mình với thầy cô và bạn bè dưới dạng ẩn danh.
Bất cứ ai có nhu cầu “thú tội” hay tâm sự thì có thể gửi cho những người quản lý confession hay còn gọi là admin. Sau khi chọn lọc, những người quản lý confession có thể đăng lên confession page của mình. Điều đáng nói là mọi thông tin của người gửi sẽ được đảm bảo bí mật tuyệt đối, ngay cả người quản lý của trang đó cũng không biết người đăng là ai thông qua một trang trung gian (thường là google Docs).
Trào lưu này bắt nguồn từ phương Tây và tiếp cận đến Việt Nam từ một vài page nhỏ do các bạn trường Amsterdam lập nên. Chỉ sau một thời gian ngắn du nhập, confession nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ. Ban đầu, đa số những câu chuyện được đăng lên các trang confession thường là những câu chuyện hài hước, vui vẻ, là sự kết nối, làm quen giữa các thành viên trong trường, trong lớp. Nó cũng có thể là những câu chuyện nhân văn, cảm động.
Bạn Trần Mai Hoàng, sinh viên năm 2, Trường Đại học Công đoàn chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân mình, nếu confession giữ đúng bản chất thì nó đem lại rất nhiều điều tích cực. Cụ thể, nếu bạn thích một ai đó trong trường, trong lớp mà không dám thổ lộ trực tiếp thì có thể lên đây trút bầu tâm sự. Biết đâu đấy, người kia sẽ thấy và đón nhận tình cảm của bạn. Hoặc nếu bế tắc điều gì đó, bạn cũng có thể giãi bày lên confession để nhận về những lời khuyên hữu ích. Chính vì nó ẩn danh nên bạn được phép thổ lộ 100% cảm xúc thật của mình”.
Không chỉ thế, nhiều trang confession đóng vai trò là “cầu nối” giữa thầy và trò. Cô Nguyễn Thị T. một giáo viên THCS trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Năm kia, tôi từng được giao làm chủ nhiệm lớp 8, một lớp học được coi là “đội sổ” của khóa. Nơi đây tập hợp nhiều trò rất cá biệt lại thêm các em đang ở tuổi dậy thì “ẩm ẩm ương ương” nên rất khó để các em nghe lời. Có những lúc vì bất lực tôi đã bật khóc ngay tại lớp. Thế rồi, tôi chọn cách lên confession tâm sự với các em. Dù là ẩn danh nhưng khi đọc, các học trò của tôi đều nhận ra đó là cô giáo của mình. Sau lời tâm sự ẩn danh ấy, tôi thấy nhiều trò của mình trở nên lễ phép và chú tâm học hành hơn hẳn. Tôi thấy hạnh phúc lắm”.
Hay mới đây, một bạn học sinh của trường An Lộc đã bộc bạch tình cảm và sự kính trọng của mình đối với thầy hiệu trưởng trên confession rằng: “Mình rất thích thầy hiệu trưởng mới. Thầy đã đánh thức trong mình một ý thức và tư tưởng mới; hay nói đúng hơn thầy là người thật, việc thật, người cho mình hiểu giá trị đích thực của việc sống và học tập một cách nghiêm túc, công bằng và kỷ luật. Mong trường mình mỗi học sinh có thể nhận ra điều đó, một ngày nào đó chính các bạn sẽ hiểu và cảm nhận được những gì thầy hiệu trưởng làm hôm nay với trường mình. Các bạn có thể trách thầy, ghét thầy, nói xấu thầy nhưng xin các bạn hãy nhớ, những gì thầy làm không bao giờ sai, chỉ có các bạn học sinh chưa đúng”.
Bản chất sự ẩn danh tạo cho người giãi bày cảm xúc một cảm giác an toàn. Qua đó, họ có thể bộc bạch tất cả những điều chất chứa trong lòng.
Công khai “thả thính” và bóc phốt
Nếu như khởi điểm của các trang confession trong các trường học ra đời với mục đích tốt đẹp thì đến nay nó đang dần dần biến tướng. Ngoài những mặt tích cực, confession lại trở thành nơi để những học sinh, sinh viên công khai thả thính hoặc bóc phốt, thóa mạ nhau.
Dạo một vòng qua các confession của một số trường, thứ phóng viên thấy được nhiều nhất chính là những lời “thả thính” như: “Cho em hỏi cái em mặc áo thể dục hôm thứ 5 mà đi giày đế cao màu đen học 6A5 (tức là chủ thể được hỏi mới chỉ đang học lớp 6-PV) có người iu chưa nhỉ? Chứ thằng bạn anh kết em rồi…”, hay: “Anh DK9A10 đẹp trai quá ạ, cho em xin in4 (xin thông tin-PV)”…
Có thể nói, những thông tin như thế này tràn ngập trên các trang confession từ trường THCS đến các trường đại học. Có vẻ như confession giờ đây chính là phương tiện để giúp nhiều học sinh tán tỉnh, trêu ghẹo nhau. Một học sinh trường PTCS Phú La (Hà Đông) chia sẻ: “Lúc đầu em thấy trend này cũng hay hay. Bản thân em cũng đã có một vài lần lên confession của trường để giãi bày về những tế tắc mà mình đang phải trải qua và nhận về những lời động viên, những lời khuyên của nhiều bạn bè mà mình không quen biết. Quả thực sau đó em thấy mình đã bớt bế tắc và tìm lại được sự vui vẻ. Nhưng sau đó, theo dõi em thấy trang bắt đầu có những thay đổi. Thay vào những câu chuyện ý nghĩa là những lời chửi bới, xúc phạm một cá nhân nào đó”.
Quả thật, khi lướt vào trang confession của một số trường học, phóng viên nhìn thấy rất nhiều những lời xúc phạm, thóa mạ nhau như: “Trung kiên A9 có vẻ thích bắn tiếng Anh quá nhỉ? Học thì ngu, suốt ngày cứ bắn tiếng Anh mãi thoai”; hay “Bạn Công 9A7 bớt sĩ gái lại dùm ạ. Bạn hôi vãi cả ra, đ. ai chấp nhận được đâu ạ”.
Dù chỉ mới đang học cấp 2, nhưng khi đăng bài lên trang confession của trường, nhiều bạn học sinh đã nói ra những lời vô cùng chanh chua và chửi rất có nghề như: “Chi 8A4 sửa lại nết đi nhé, bỏ cái kiểu cắn bẩn đi em. Em cậy em quan hệ rộng hay gì? Toàn cái kiểu đi qua chào nhau cũng gọi là quen à? Mày chơi được 10 đứa thì mày cắn hết 9 đứa rồi. Nói xấu ít thôi em ạ, cái mồm hại cái thân, môi thì thâm cứ đòi đánh son màu tối… Lên tiktok quay app thì trắng bệch ra, môi thì chéo chéo nhìn không khác gì dân đôn chề bẩn, thề luôn đứng xa vẫn ngửi được mùi hôi của nó. Hôi kinh khủng luôn í. Thấy khoe từ kỳ trước là được đổi cặp mới cơ mà? Sao cuối kỳ vẫn thấy khoe cặp cũ vậy?”…
Lướt trên nhiều trang confession của giới học sinh, sinh viên, không khó để nhận ra nhiều trang thường xuyên đăng tải những bài viết chỉ trích giáo viên, phản đối các quy định của trường, lớp. Trên trang confession của trường THPT quận 12, có bài viết: “Mong add duyệt. Mình viết cfs này vì cảm thấy quá phiền phức với cách cư xử và cách dạy của thầy P.T.C dạy tin học khối 11. Thầy toàn canh những bạn nam của lớp mình để bắt lỗi và so đo một cách kỳ cục và không một ai trong lớp hiểu tại sao lại bị thầy chửi vô lý như vậy cũng như mong thầy đừng tia trai lớp em nữa, nhìn không khác gì QRTD (quấy rối tình dục -PV) đâu ạ. Mong thầy thay đổi và dạy đàng hoàng lại cho xứng đáng 2 chữ “Thầy giáo” đi ạ”.
Không chỉ nhiều bạn học sinh mà ngay cả nhiều thầy cô cũng luôn lo lắng không biết liệu một ngày nào đó đẹp trời, tên mình có bị réo trên trang confession của trường hay không? Bạn Lê Thị M. (14 tuổi), một nạn nhân của confession chia sẻ: “Em không nghĩ có một ngày, hình thức béo phì của em lại trở thành trò tiêu khiển của các bạn trên trang confession của trường. Các bạn ấy chế giễu, miệt thị nói em béo không khác gì con heo. Sau khi bị réo tên trên confession em thực sự rất tự ti. Em có cảm giác khi em tới trường học thì tất cả các bạn đều nhìn em rồi cười cợt. Có thời điểm em không muốn đi học chỉ vì cảm thấy xấu hổ”.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ quan điểm rằng: “Tất cả confession của các trường cần được giao cho đầu mối là phòng chính trị công tác sinh viên để quản lý. Nếu nội dung đó quản lý không tốt thì có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông cho chính nhà trường”.
Theo Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương thì: “Confession là môi trường phù hợp, tích cực để các học sinh, sinh viên thể hiện cảm xúc và quan điểm của mình. Tuy nhiên, nếu muốn giữ được những giá trị tốt đẹp thì bắt buộc các nhà quản lý giáo dục, cụ thể là các thầy cô phải sát sao nhiều hơn. Khi có một diễn đàn tốt thì học sinh, sinh viên sẽ nói những câu chuyện hay, bổ ích. Và mỗi lời tâm sự ẩn danh viết ra phải được kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải lên confession.
Ví dụ vấn đề học sinh xích mích lẫn nhau, khi nhận được thông tin, admin của trang confession có thể không đăng lên mà sẽ tìm cách hòa giải kín. Như vậy thì sẽ không có chuyện học sinh bóc phốt nhau trên trang confession. Ngược lại, nếu admin duyệt những bài kiểu đó sẽ khiến nó tràn lan trên confession, dễ làm các bạn học sinh lầm tưởng đó là việc được thừa nhận.
Nếu như mỗi trang confession của trường học đều có những quy định rất rõ ràng và có hướng dẫn cho học sinh cái nào có thể đăng lên, cái nào có thể không được đăng thì sẽ khiến nó trở nên tích cực và ý nghĩa. Ngay cả việc học sinh tán tỉnh nhau trên trang confession, các addmin nên có bài phản hồi như một “đáp án”chung, đại ý là: “Các bạn có biết con gái/ con trai thích mẫu bạn trai/ bạn gái như thế nào không? Rồi sau đó đưa ra những lời khuyên để các bạn đó điều chỉnh hành vi, thái độ sao cho chuẩn mực.
Bản chất confession không xấu nhưng người sử dụng nó có sử dụng đúng mục đích hay không? Và nhà trường có đặt tiêu chí giáo dục ở trong các hoạt động này hay không? Đó chính là vấn đề mấu chốt của confession.
Nếu sử dụng đúng mục đích, confession sẽ có nhiều mặt tích cực. Cụ thể, đối với nhiều học sinh có những bức xúc, khó chịu về mặt tâm lý, các bạn không biết chia sẻ ở đâu, các bạn cũng không đủ dũng cảm để đến phòng “Tâm lý học đường” vì lo lắng câu chuyện của mình sẽ không được giữ kín. Vậy thì, trong lúc cảm xúc đang dâng trào, các bạn ấy có thể viết những bức xúc, lo lắng của mình gửi cho admin. Chỉ cần như thế thôi thì những bức xúc và lo lắng kia cũng đã được giải tỏa rất nhiều phần. Đôi khi, bạn chỉ cần được lắng nghe, được nói ra thôi cũng khiến lòng nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.