Ca Huế giữa dòng Hương

Thứ Hai, 19/06/2023, 20:45

Những chiếc thuyền rồng rực sáng trên dòng sông, ở đó có những phòng nhạc lộ thiên âm thanh lúc réo rắt, tươi vui, khi buồn sầu da diết với điệu hò Mái đẩy, Mái nhì, những điệu Nam Ai, Nam Bình, Chầu văn Huế... vang lên trên mênh mang cố xứ.

Tiếng hát giữa dòng Hương

Ở Huế có một “phòng thính nhạc lộ thiên trời cho” là sông Hương sau buổi hoàng hôn. Từ xưa các cụ đã sử dụng không gian nghệ thuật này. Trên dòng trôi lững lờ, những âm thanh lúc réo rắt, tươi vui, khi buồn sầu da diết của đờn tranh, đờn cò, đờn kìm, nhịp sanh loan, sanh tiền… vang trong đêm thơ mộng khiến nhiều người ngơ ngẩn.

1.jpg -0
Các ca nương và nhạc công mặc áo dài truyền thống cùng biểu diễn ca Huế

Huế lâu nay đã nổi danh trên bản đồ du lịch Việt Nam với nền ẩm thực đa dạng, với đền đài cố đô và văn hóa riêng có của xứ này. Nhưng có nhiều người nói rằng nếu đến Huế mà chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Quả thực, còn gì thú vị bằng thong dong trên dòng sông Hương thơ mộng để thả hồn vào những điệu hò mênh mang, những câu hát Nam ai, Nam bình sâu lắng.

Thuở trước, ca Huế trên sông không hẳn chỉ ở trên thuyền rồng, mà có thể là ở trên đò. Người ta thường xuống đò sau bữa cơm chiều. Đò là một chiếc thuyền chở khách, chở hàng hóa. Ở Huế, đò còn được dùng như một cái nhà có nơi nấu nướng, thờ tự, ăn ngủ di động. Ở hai khoang chính của con đò được lát ván bằng phẳng và trải chiếu hoa tươm tất. Khách nghe hát ngồi trên đó, lắng nghe ca nương và người chơi đàn, nhâm nhi những ly rượu nhỏ và nghe hát, lãng đãng với thú tiêu dao trên sông. Đò rời bến đến một nơi thật yên tĩnh trên sông Hương. Những tài tử giai nhân, hay mặc khách vẫn ngồi ở trên thuyền như thế, với nước trà, rượu ngon, bánh ngọt, nem tré, đôi khi có cả một đỉnh trầm tỏa hương thơm ngát trong ánh đèn sáp dìu dịu lung linh. Theo điệu Cổ Bản Phú Lục réo rắt, khách nhìn ra ngoài một màu nước lung linh ánh bạc. Trong thuyền rượu gạo làng Chuồn chuyền tay nhau nhấp vài ngụm, nhâm nhi với tré hay trái vả dầm chua. Hơi men bốc lên lâng lâng.  Những điệu Lý bắt đầu làm khách từ từ ngấm hơi say tiếp nối điệu chầu văn, qua những điệu hò sông Hương như hò Mái Nhì, hò Mái Đẩy, hò Nam Ai, chấm dứt với điệu hò Giã Gạo. Con đò nhỏ trở về bến cũ, khách bịn rịn rời thuyền trong tiếc nuối, cứ nhớ mãi một đêm sông Hương huyền diệu.

Cách đây gần 40 năm, CLB ca Huế được thành lập. Rồi đôi ba mươi năm trở lại đây, khi nhu cầu nghe ca Huế trên sông Hương được nâng cao, nhu cầu nhiều hơn đồng thời hình thành nên những đội thuyền chuyên phục vụ việc đưa khách nghe ca Huế trên sông, những chiếc đò nhỏ đã thôi không còn thực hiện công việc ấy nữa, mà thay vào đó là những chiếc thuyền rồng, được đóng mới hơn, trang trí cầu kỳ hơn, rộng rãi hơn để đón những đoàn khách vài chục người. Cứ thế, những con thuyền rồng ngày ngày đậu tại bến rồi đến đêm lại rực rỡ đón khách. Thuyền rồng trên sông Hương êm đềm trôi trong màn sương, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngước nhìn thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn. Ban nhạc trên thuyền tuy không đông nhưng phải đủ bầu, nhị, nguyệt, còn phách thì do chính ca nhi kiêm giữ. Trước đây nữ ca nhi mặc trang phục áo the, đội khăn xếp, nay đơn giản hơn, như mặc áo dài, đội mấn (vấn) cách tân, sử dụng thành thục các nhạc cụ. Khách được thưởng thức những điệu hò, những âm thanh lúc réo rắt, tươi vui, khi buồn sầu da diết của đờn tranh, đờn cò, đờn kìm, nhịp sanh loan, sanh tiền… vang trong đêm giữa dòng Hương thơ mộng.

Nghệ nhân Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Huế cho biết, ca Huế được chia thành hai điệu chính, là điệu Khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như Cổ Bản, Long Ngâm, Hành Vân, Long Điệp… Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như Nam Ai, Nam Bình, Tương tư khúc… Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như Thương, Ai, Xuân, Thiền… để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa.

Ca Huế giữa dòng Hương -0
Đêm đêm, thuyền rồng dập dìu nhộn nhịp cập bờ, xuất bến phục vụ khách

Và có lẽ ít người biết rằng, trên lãng đãng dòng Hương này có một gia đình 4 đời gắn mình với ca Huế. Đó là vợ chồng nghệ sĩ Ngọc Yến - Kim Oanh. Cả đại gia đình từ con trai, con gái đến dâu rể và các cháu chắt đều hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca Huế. Nghệ nhân Ưu tú Kim Vàng cho biết dù đời sống có khó khăn đến đâu, gia tộc bà cũng ưu tiên việc truyền nghề, không để ca Huế bị mai một. Riêng người con trai trưởng là NSND Ngọc Bình  được coi như một tài năng quý của sân khấu ca kịch Huế, ông là đạo diễn của hơn 100 vở diễn nhiều thể loại, nổi bật nhất là ca Huế. Bên cạnh đó, trên vùng đất cố đô này, vẫn có nhiều nghệ nhân như ông Hà Trung (chuyên đàn tranh) và thạc sĩ Đình Hưng (Nhạc viện Huế) đã và đang tích cực truyền nghề cho nhiều bạn trẻ yêu nhạc cụ dân tộc, để họ có thể vừa đàn vừa ca Huế.

Thuyền rồng chiu chắt mưu sinh

Khu vực Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm (số 49, Lê Lợi, TP. Huế) nay là bến chính với vài chục thuyền rồng tấp nập để đón đưa du khách lên thuyền nghe ca Huế. Khách đi đoàn hay đi lẻ đều được phục vụ ghép đoàn theo tour, trừ các đoàn bao nguyên thuyền. Thuyền đón trả khách ở bến Tòa Khâm, thuyền chưa tới phiên sẽ neo đậu ở bến Phú Cát. Đêm đêm thuyền rồng dập dìu, nhộn nhịp cập bờ, xuất bến phục vụ khách.

Cách đây mấy năm, thiên dịch COVID-19 đã khiến nhiều chủ thuyền long đong. Như cái cách con đò ngày trước chòng chành trên mặt nước ngày gió nổi. Dịch bệnh suy giảm, những chủ thuyền lại chiu chắt mưu sinh từ con thuyền rồng của mình. Gần 2 năm trở lại đây, du lịch phục hồi trở lại, những đội thuyền lại tất tả bận rộn với công việc đón khách, dặt dìu những điệu ca da diết trên mặt nước. Nhưng, cũng sau dịch bệnh và cũng đôi năm trở lại đây, khi những con thuyền bắt đầu hết niên hạn phải giải bản, nhiều chủ thuyền đã bắt đầu lo lắng về kế sinh nhai. Bà Nguyễn Thị Tám - chủ một thuyền rồng ở Bến Tòa Khâm ngậm ngùi chia sẻ: "Các chủ thuyền rồng ở đây gần như gắn bó cả cuộc đời với sông nước và quá quen với công việc chở khách du lịch trên sông Hương. Bây giờ nói thuyền hết niên hạn phải dừng hoạt động, muốn tiếp tục phải đóng thuyền mới với mẫu mã, giá thành cao hơn thì chúng tôi không đủ khả năng để làm. Trong khi đó giờ mà lên bờ thì biết làm gì đây?". Bà Tám âu lo như thế, và đó cũng là nỗi âu lo của nhiều ca nương, nhiều nhạc công khi không còn “đất diễn”, phải chật vật đi tìm thuyền khác, nhất là trong bối cảnh các thuyền đều đã có những đội nhạc, đội ca nương cố định. “Dừng hoạt động một chiếc thuyền rồng, đó không chỉ là sinh kế của chủ thuyền, mà còn ảnh hưởng tới hàng chục người khác!”, bà Tám bộc bạch.

Ông Trần Ngọc Nô (SN 1969) - chủ một chiếc thuyền rồng hoạt động 30 năm nay buồn thiu khi sắp tới chiếc thuyền rồng của ông phải ngừng hoạt động vì hết niên hạn. “Đó là cả một gia sản mà vợ chồng tôi phải chắt chiu, vay mượn để đóng và làm phương tiện mưu sinh bấy lâu nay. Thuyền của tôi được đóng bằng nhôm chỉ hoạt động trên sông Hương nên đến giờ vẫn rất bền!”, ánh mắt của ông chủ thuyền rưng rưng nhìn ra mặt sông Hương lững lờ trôi. Ý ông, có lẽ cũng giống với nhiều chủ thuyền khác đều mong cơ quan chức năng đánh giá lại tất cả các thuyền rồng, chiếc nào bảo đảm an toàn nên cho gia cố thêm để tiếp tục được chở khách. Mong muốn ấy của những chủ thuyền cũng là có căn cơ, bởi để đóng mới một con thuyền rồng phục vụ khách cũng có giá vài trăm đến cả tỷ đồng. Với những người chủ thuyền như thế, số tiền đóng mới có lẽ là quá lớn với họ.

Ca Huế giữa dòng Hương -0
Khu vực Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm nay là bến chính với vài chục thuyền rồng tấp nập để đón đưa du khách

Nhưng, những con thuyền hết niên hạn như thế, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là sự an toàn về tính mạng và của cải, không chỉ với du khách mà ngay với cả những chủ thuyền. Chính quyền địa phương biết nỗi khó của những chủ thuyền, cơ quan chức năng cũng hiểu điều ấy. Nhưng làm du lịch cần sự an toàn và chuyên nghiệp, như ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnhThừa Thiên Huế cũng chia sẻ với nỗi trăn trở của các chủ thuyền: “Các thuyền rồng này ngày xưa vốn là các thuyền khai thác cát sạn hoặc thuyền chở khách qua sông, sau đó tiến hành hoán cải thêm chứ cũng không phải được thiết kế một cách bài bản theo các tiêu chuẩn của đăng kiểm để phục vụ du lịch”, ông Thành cho biết.

“Các chủ thuyền đã rất nhiều lần kiến nghị. Vấn đề này cũng không phải bây giờ mới đặt ra, các chủ thuyền cũng biết rất rõ việc đến ngày nào họ phải hạ bản. Cũng có một lộ trình rất dài để chuẩn bị. Sở cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn tới các chủ thuyền. Nếu ai có nhu cầu đóng mới thuyền theo mẫu của tỉnh đã duyệt thì thuê thiết kế. Còn nếu muốn hình thành mẫu mới, thì mẫu đó phải báo để xem xét, xét duyệt. Tuy nhiên, các quy định về niên hạn, kiểm định an toàn, cũng như chất lượng của các thuyền này cũng phải được đảm bảo vì để an toàn cho hành khách, với những chiếc thuyền quá niên hạn thực sự không có cách nào để hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Quả thực, đã có nhiều vụ việc liên quan tới những chiếc thuyền du lịch ở nhiều địa phương không đạt chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của du khách, khiến hoạt động và hình ảnh du lịch của địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều chủ thuyền rất đáng thương, khi chiếc thuyền rồng là gia sản ky cóp cả đời để mưu sinh. Nhưng quy định của pháp luật thì phải chấp hành vì tất cả cũng chỉ để đảm bảo an toàn cho hành khách khi tham gia các dịch vụ du lịch trên sông. Có lẽ, khi một chiếc thuyền hoạt động đã 30 năm hoặc hơn thì cũng đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc phải thay thế bằng các thuyền mới có dịch vụ tốt hơn, an toàn hơn. Các chủ thuyền có lẽ cũng hiểu điều ấy, nhưng với tài sản đã gắn bó với họ lâu đến như vậy, bỏ đi trong một sớm một chiều ắt hẳn rằng nhiều lưu luyến.

Đêm, thuyền rồng cứ xuôi ngược sông Hương văng vẳng tiếng ca Huế ngọt ngào lay động lòng khách phương xa một lần ghé đến. Chỉ mong rằng, những chủ thuyền ấy sẽ được hỗ trợ để có thể tìm kiếm sinh kế khác, hoặc được vay vốn để đóng mới những chiêc thuyền rồng mới đúng quy chuẩn, để đêm đêm những điệu lý điệu hò, những câu Nam Ai - Nam Bình lại vọng lên bên họ, như cái cách họ đã sống, đã giữ những gì rất Huế trên dòng sông Hương mơ mộng này.

Theo thông tin của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Huế là 2,05 triệu lượt, tăng 296% so với năm 2021. Trong năm 2023, ngành Du lịch phấn đấu đón khoảng 3 đến 3,5 triệu lượt khách. Một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành Du lịch Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nhiều công trình, dự án được nâng cấp tạo nên diện mạo mới cho các hoạt động du lịch địa phương.

Tiêu Dao
.
.
.