BRICS với mục tiêu phi USD hóa
Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ nhà của Hội nghị cấp cao BRICS, đã làm thất vọng cả những người chống thực dân và những người cảnh báo về phương Tây, khi thừa nhận vào tuần trước rằng các thành viên của khối "chưa thiết lập được” một hệ thống thanh toán để thách thức hệ thống ngân hàng toàn cầu giao dịch bằng đồng USD.
Trong các bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không đề cập đến các thỏa thuận về một hệ thống thanh toán thay thế cho hệ thống ngân hàng dựa trên đồng USD.
Các yêu cầu kỹ thuật đối với các hệ thống thanh toán thay thế không phải là vấn đề, mà đúng hơn, thách thức là yếu tố kinh tế khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ thúc đẩy một phần lớn tăng trưởng kinh tế của các nước Nam bán cầu. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm 2,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, nhưng khoảng một nửa lượng xuất khẩu tăng vọt của Trung Quốc sang các nước Nam bán cầu kể từ năm 2020 phụ thuộc vào hoạt động tái xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước Nam bán cầu đã tăng gấp đôi từ khoảng 60 tỷ USD/tháng lên 140 tỷ USD/tháng, thì kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ các nước Nam bán cầu đã tăng từ khoảng 60 tỷ USD/tháng lên 100 tỷ USD/tháng trong 4 năm qua. Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ của các nước đang phát triển có sự khác nhau. Việt Nam và Mexico, hai địa điểm ưa thích cho cái gọi là "friend-shoring" (tức là chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia được cho là thân hữu hơn) đã ghi nhận mức tăng lớn về xuất khẩu sang Mỹ tính theo tỷ lệ GDP.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2023 chiếm khoảng 27% GDP của cả nước, so với chỉ 10% năm 2020, trong khi xuất khẩu của Mexico sang Mỹ tăng lên 27% GDP năm 2023 so với 20% năm 2010. Trong khi đó, xuất khẩu của Singapore và Malaysia sang Mỹ tăng không đáng kể tính theo tỷ lệ GDP. Indonesia và Brazil xuất khẩu tương đối ít sang Mỹ. Một số nước châu Á, nhất là Malaysia và Thái Lan, xuất khẩu hơn 60% GDP của các nước này chủ yếu sang các nước châu Á khác. Brazil, Indonesia và Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 19% GDP so với 27% năm 2010, đồng nghĩa là một phần ngày càng tăng trong tăng trưởng GDP của nước này phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa và đầu tư. Nguyên nhân khiến Mỹ trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế của các nước Nam bán cầu là thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ của nước này. Với thâm hụt tài khoản vãng lai 80 tỷ USD/tháng, hoặc 1.000 tỷ USD/năm, nhu cầu nhập khẩu vượt quá xuất khẩu của Mỹ lấn át phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước Nam bán cầu đã trì trệ trong 3 năm qua. Trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc sẽ không thay thế phần lớn nhu cầu nhập khẩu của Mỹ vì Bắc Kinh tập trung vào đầu tư công nghệ cao hơn là vào phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến các nước Nam bán cầu phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ.
Bên cạnh đó, các nước Nam bán cầu vẫn chưa có thị trường vốn hoặc sự ổn định tiền tệ để thuyết phục một quốc gia có thặng dư thương mại nắm giữ tài sản thâm hụt quốc gia để đổi lấy hàng hóa. Đó chính là điều mà Mỹ đã làm rất tốt khi vị thế tài sản nước ngoài ròng âm 18.000 tỷ USD của nước này tương ứng với thâm hụt tài khoản vãng lai tích lũy trong 30 năm qua. Mỹ bán tài sản cho người nước ngoài để đổi lấy hàng hóa của họ. Các nước Nam bán cầu không có tài sản để bán, hoặc ít nhất là không phải theo hình thức mà phần còn lại của thế giới muốn sở hữu. Điều đó giúp giải thích tại sao tuyên bố cuối cùng của Hội nghị cấp cao BRICS lại chuyển vấn đề về hệ thống thanh toán sang các nghiên cứu khả thi.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương BRICS không nắm giữ tiền tệ của nhau để làm tài sản dự trữ, ngoại trừ một số ít trường hợp. Chỉ có 2,3% dự trữ của các ngân hàng trung ương thế giới được nắm giữ bằng Nhân dân tệ của Trung Quốc, tăng từ 1,1% vào năm 2016 nhưng giảm so với mức đỉnh 2,8% vào năm 2022. Hầu hết các ngân hàng trung ương BRICS đang mua vàng.
Do vậy, để biến tiền tệ quốc gia thành công cụ dự trữ hấp dẫn, các nước Nam Bán cầu cần phải tiến hành những thay đổi sâu rộng và minh bạch, quản lý rủi ro của thị trường vốn, phát triển tầng lớp trung lưu địa phương, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Phần lớn diễn tiến này đang diễn ra theo từng giai đoạn ở nhiều nước đang phát triển nhưng với tiến độ không đồng đều. Do vậy, các nước Nam bán cầu chưa thể tuyên bố tách khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng USD và sẽ không thể đạt điều đó được trong nhiều năm nữa trong bất kỳ hoàn cảnh nào có thể thấy trước được.