Bóng đá Việt Nam cần giải vô địch quốc gia diễn ra liên tục
Thành tích ấn tượng của bóng đá Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 không thể phủ nhận một sự thật: Thành tích của các CLB Việt Nam còn khiêm tốn so với đội tuyển quốc gia. Bóng đá chuyên nghiệp dần trở thành xương sống của đội tuyển, và các giải đấu cần diễn ra liên tục thay vì gián đoạn nhiều ngày.
Việt Nam và phần còn lại
Kể từ năm 2023, Việt Nam bắt đầu áp dụng lịch thi đấu mới tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Trước đây, mùa bóng thường diễn ra trọn vẹn trong 1 năm dương lịch, nhưng bây giờ đã khác. Để bắt kịp với thị trường quốc tế, bóng đá Việt Nam giờ cũng có mùa giải "vắt qua" giữa 2 năm.
Ở góc độ chuyên môn, có một lý do khiến lịch thi đấu cũ tồn tại nhiều năm trong quá khứ. Thứ nhất, đây là lịch được nhiều nước châu Á áp dụng. Thứ hai, lịch đấu này giúp các đội tuyển có thể tập trung vào những giải khu vực quan trọng như ASEAN Cup (AFF Cup trước đây) và SEA Games.
Lịch đấu "1 năm" dần biến mất, khi bóng đá châu Á đứng trước nghĩa vụ hòa nhập cùng thế giới. Thái Lan là quốc gia đi tiên phong với lịch đấu "2 năm". Việt Nam cũng áp dụng đến mùa giải thứ 2, nhưng có khác biệt rõ ràng giữa lịch thi đấu của bóng đá Việt Nam và các nước còn lại.
Tại ASEAN Cup 2024, Việt Nam là đội tuyển hiếm hoi tạm dừng giải vô địch quốc gia. Đội tuyển Việt Nam cũng có thể mang những cầu thủ tốt nhất đến giải mà không bị câu lạc bộ (CLB) giữ lại. Cùng thời điểm đó, các giải đấu của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vẫn diễn ra mà gần như không bị gián đoạn.
So với tuyển Việt Nam, nhiều đội bóng Đông Nam Á đến ASEAN Cup 2024 mà không có lực lượng mạnh nhất. Thái Lan hay Indonesia là những ví dụ tiêu biểu. Ngay cả Singapore, bại tướng của Việt Nam tại bán kết, cũng không thể triệu tập 3 anh em nhà Fandi, vốn là "xương sống" đội tuyển quốc gia.
Cùng trong thời điểm ASEAN Cup 2024 kéo dài hơn 1 tháng, giải vô địch quốc gia Malaysia vẫn diễn ra bình thường. Các đội bóng hàng đầu nước này còn thực hiện những yêu cầu không có tiền lệ. Một số cầu thủ được triệu tập lên tuyển quốc gia, nay lập tức phải trở về CLB để thi đấu.
Lý do khiến các CLB Thái Lan, Malaysia, Indonesia gây sức ép lên Liên đoàn Bóng đá nước họ để cầu thủ về đội bóng thật đơn giản. Các trận đấu tại ASEAN Cup giờ đây được tính điểm như giải chính thức, nhưng lịch thi đấu vẫn ngoài lịch "nhóm 1 FIFA". Vì thế, họ có quyền từ chối cho phép cầu thủ lên tuyển, cũng như yêu cầu giải VĐQG diễn ra bình thường.
Quá khứ và tương lai
Một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" ở nhiều nước Đông Nam Á là hiện tượng mất đoàn kết, chia rẽ quyền lực thượng tầng. Điều này đặc biệt chính xác với 2 nước là Indonesia và Malaysia. Tại đây, ông chủ một số đội bóng có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhưng họ lại không làm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá quốc gia.
Vì lý do trên, nhiều chuyên gia bóng đá trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận sự đồng lòng của VFF và VPF, cũng như các CLB vì mục tiêu ASEAN Cup. Đổi lại, nhiều đội bóng phải chấp nhận một lịch thi đấu cùng kỳ nghỉ dài hiếm có giữa mùa giải. Hiện tượng này lẽ ra không nên tồn tại, vì hệ thống thi đấu trong nước cần được bảo vệ.
Hiện tượng ưu tiên đội tuyển quốc gia hơn giải đấu trong nước, với bóng đá Việt Nam, thực tế đã diễn ra nhiều lần. Ít năm trước, trong quá trình đội tuyển thi đấu vòng loại 3 World Cup 2022, lịch thi đấu V.League và giải hạng Nhất cũng bị "cắt vụn" với nhiều kỳ nghỉ dài. Tất cả khi ấy đều hướng đến mục tiêu chung cho đội tuyển, cho đất nước.
Một nguyên nhân khác khiến giải vô địch quốc gia bị "cắt vụn" và nhường chỗ cho đội tuyển vào lúc đó là bối cảnh lịch sử. Đây là "giai đoạn cuối" của dịch COVID-19. Số bệnh nhân mắc và lây lan không còn nhiều như trước, nhưng các biện pháp phòng dịch được giữ nguyên. Giải vô địch quốc gia, vì thế, khó thu hút khán giả đến theo dõi.
Ở thời điểm vòng loại 3 World Cup 2022 diễn ra, người hâm mộ bóng đá đã chứng kiến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi đến sân cổ vũ đội tuyển. Một "phòng xét nghiệm dã chiến" cùng xe lưu động xuất hiện ngoài cổng sân Mỹ Đình để khám, cấp giấy "âm tính" cho khán giả vào xem. Nhưng sau đó, mọi người mới biết đây là cơ sở xét nghiệm giả.
Chuỗi ngày không quên cùng dịch COVID-19 cũng chứng kiến một CLB bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam: Than Quảng Ninh. Sau 3 năm, bóng đá Quảng Ninh bắt đầu làm lại từ giải hạng 3, cùng giấc mơ sớm trở lại sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng chẳng ai dám chắc câu chuyện trên sẽ không lặp lại, cùng những cầu thủ phải chấp nhận giảm đến 70% lương.
Trong bối cảnh các giải vô địch quốc gia của châu Á dần chuyển sang lịch thi đấu "vắt qua" giữa 2 năm dương lịch, việc tạm dừng giải vô địch quốc gia tới gần 2 tháng có thể mang lại những hệ lụy không đáng có. Điều đầu tiên là thiệt hại tài chính với các CLB chuyên nghiệp. Họ tiêu tốn khoản tiền lớn hàng năm và hiện không có doanh thu bù vào.
Hiện tại, mỗi CLB V.League có ngân sách hàng năm vào khoảng 50-100 tỷ đồng, hạng Nhất là 20-30 tỷ. Tuy nhiên, quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện hành yêu cầu các CLB ở 2 hạng đấu cao nhất phải nộp tiền ký quỹ để tham dự giải đấu. Con số ước tính vào khoảng 5-10 tỷ mỗi mùa cho 1 đội, qua đó khiến dòng tiền của CLB chịu ảnh hưởng không ít.
Tiền ký quỹ, hiểu đơn giản, vẫn là tiền của CLB nhưng họ lại không được tiêu. Nó còn gây ra gián đoạn dòng tiền, nhất là với mô hình doanh nghiệp "chỉ chi, không thu" như bóng đá. Vì thế, đầu tư vào bóng đá luôn là chủ những doanh nghiệp lớn, nơi họ có thể kiểm soát dòng tiền chặt chẽ.
Đảm bảo quyền lợi cho câu lạc bộ
Ngoài khía cạnh tài chính, ta không thể không nhắc đến vấn đề chuyên môn khi một kỳ nghỉ dài xuất hiện giữa mùa giải. Lúc này, các đội bóng trải qua thời gian nghỉ giữa mùa dài không kém nghỉ cuối mùa. CLB không thể "xả trại" cho toàn đội, mà phải giữ họ lại và tổ chức tập luyện, thi đấu.
Vì sao CLB không "xả trại" giữa mùa? Thu nhập cầu thủ tại V.League hiện được tính theo công thức tiền lương + lót tay. Ngay cả trong thời điểm không có giải đấu và được nghỉ, cầu thủ vẫn nhận lương đều. Nhưng tiền lót tay, phần thu nhập lớn hơn, lại khác. Số tiền này theo mỗi mùa thường tương đương 10 tháng lương của cầu thủ.
Nói cách khác, nhà quản lý đội bóng đã tính toán chặt chẽ để hạn chế chi tiền vào lúc cầu thủ không thi đấu. Khi ấy, HLV sẽ là người chịu thiệt hơn cả. Quá trình chuẩn bị giữa mùa phải thực hiện lại từ đầu. Việc này giống như khởi tranh một mùa bóng mới, nhưng với những cầu thủ cũ.
"Làm lại từ đầu" là việc của HLV với cầu thủ không lên tuyển. Vậy những tuyển thủ, vốn là trụ cột của CLB, họ sẽ như thế nào? Nhiều tuyển thủ không có thời gian nghỉ sau khi ASEAN Cup kết thúc. Họ chỉ có ít ngày nghỉ ngơi, rồi lập tức bước vào guồng quay mới cùng đội bóng, vốn là nơi đảm bảo nguồn thu nhập chính cho họ.
"Thi đấu quá tải" và "chấn thương nghiêm trọng" là những cụm từ thường thấy trong thời gian qua của bóng đá quốc tế. Tiền vệ Rodri, chủ nhân Quả bóng Vàng 2024, đã đứt dây chằng không lâu sau khi EURO kết thúc. Trước đó, anh liên tục cảnh báo về việc thi đấu quá tải có thể khiến cầu thủ kiệt sức và chấn thương, nhưng không có điều chỉnh nào.
Một giải vô địch quốc gia không diễn ra liên tục, thường xuyên ngắt quãng cũng có thể là nguyên nhân khiến giá trị giải giảm sút. Đó là điều không mong muốn, trong thời điểm các CLB cần tự chủ nhiều hơn. Vì thế, các giải bóng đá chuyên nghiệp cần có lịch thi đấu hợp lý hơn, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
V.League sẽ không tạm nghỉ vì SEA Games 2025?
Trong các giải bóng đá cấp độ khu vực dành cho đội tuyển quốc gia, ASEAN Cup là sân chơi hiếm hoi sở hữu bản quyền truyền hình giá trị lớn. Ngoài ra, Đông Nam Á còn là một thị trường lớn, có hơn 550 triệu dân. Vì thế, ASEAN Cup được ưu tiên ở nhiều thời điểm.
Tuy nhiên, ASEAN Cup 2024 có thể là giải đấu cuối cùng giải VĐQG tại Việt Nam phải tạm dừng vì đội tuyển quốc gia. Có một số thông tin cho thấy VFF và VPF đã tính đến lịch thi đấu mới. Theo đó, các CLB có thể chứng kiến giải vô địch quốc gia diễn ra liên tục ở mùa giải 2025/2026, thay vì ngắt quãng như những năm trước.
Nhiều khả năng tiêu chí trên sẽ bắt đầu từ năm 2025. Đây là thời điểm SEA Games diễn ra vào cuối năm, cũng là lúc V.League dự kiến bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Nhưng khác với ASEAN Cup, SEA Games quy tụ phần lớn cầu thủ trẻ, nên điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các CLB.
Một nguyên nhân khác khiến giải VĐQG có tiếng nói lớn hơn là bởi giá trị sân chơi quốc nội đã tăng lên trong thời gian gần đây. Các giải đấu quốc nội bắt đầu có doanh thu từ bản quyền truyền hình cùng con số lớn. Đây là nguồn thu quan trọng giúp VPF tái phân bổ, đầu tư nâng cao chất lượng giải đấu trong tương lai.
V.League 2025/2026 nhiều khả năng sẽ bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2025. Các đội bóng có khoảng hơn 2 tháng để nghỉ ngơi, đồng thời bổ sung lực lượng trước mùa giải mới. Ngoài ra, số trận đấu có áp dụng công nghệ VAR sẽ hướng tới việc phủ sóng 100%.