Ảo tưởng từ dòng phim tổng tài…
Mang chất liệu ngôn tình ngọt ngào dưới sự nhập vai của dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, dòng phim tổng tài đang “ăn khách”, chạm vào khao khát sẵn có trong người trẻ về một tình yêu cổ tích thời hiện đại. Tuy nhiên, dù không phải là hình thức giải trí tiêu cực nhưng việc xem một cách thụ động khiến nhiều người trẻ dễ đắm chìm tâm trí vào mơ mộng, dễ va phải những cú sốc không đáng có ở đời thực.
Say đắm trong ngôn tình
Phim ngắn tổng tài ngày càng tăng mạnh về số lượng, nhấn mạnh yếu tố lãng mạn đôi lứa và những khát vọng tình yêu của con người. Mô-típ thường thấy của phim là tình yêu giữa chàng trai tổng tài, xuất thân giàu có, tính cách lạnh lùng với một cô gái bình thường có tâm hồn thánh thiện, ý chí. Cặp nhân vật chính nảy sinh tình cảm bất ngờ, diễn biến tình yêu lôi cuốn và kết thúc đẹp là công thức giúp dòng phim ngôn tình thu phục giới trẻ. Nội dung phim có thể xa rời thực tế, không gò bó bởi bất cứ quy tắc về không gian hay thời gian, lại được trau chuốt bằng nhiều chi tiết tràn đầy tình cảm nên dễ chạm đến trái tim khán giả, nhất là nữ giới.
Trong nhiều năm qua, dòng phim ngắn tổng tài trên nền tảng Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) luôn thu hút khán giả, đặc biệt là người trẻ. Ở Việt Nam, phim ngôn tình được phát trực tuyến trên nhiều trang web, liên tục cập nhật các tác phẩm mới khiến giới trẻ háo hức. Là bộ phim của Trung Quốc được nhiều khán giả trẻ Việt yêu thích năm 2021, “Vô tình nhặt được tổng tài” có nội dung xoay quanh mối tình giữa Cố An Tâm - một cô nàng shipper bình thường và tổng tài Lăng Việt - người thừa kế của tập đoàn lớn. Trong một lần giao hàng vào buổi tối, cô nàng đã đụng trúng Lăng Việt, khiến anh bị mất trí nhớ, đành phải để anh ở lại nhà của mình và từ đó vẽ nên câu chuyện tình lãng mạn.
Trên nhiều nền tảng, các bộ phim có từ khóa “Tổng tài” đạt hàng triệu lượt xem, khiến các nhà đầu tư, diễn viên trẻ nhảy vào khai thác mảnh đất màu mỡ này. Những năm gần đây, nhiều truyện ngôn tình của Trung Quốc được nhà làm phim Việt chuyển thể thành các phim điện ảnh và truyền hình. Do nhu cầu thị hiếu và lượng fan sẵn có của truyện, việc chuyển thể từ truyện ngôn tình sang phim sẽ tạo hiệu ứng truyền thông, giúp bộ phim dễ dàng thành công. Tại Việt Nam, xu hướng chuyển thể các tác phẩm ngôn tình chỉ mới nhen nhóm và “Chọc tức vợ yêu” là bộ phim Việt đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của Quẫn Quẫn Hữu Yêu - một trong những tác giả ngôn tình được yêu thích của Trung Quốc.
Đa phần truyện và phim ngôn tình tổng tài đã cắt gọt phần lớn những cái chua chát, đắng cay của cuộc đời thực để dựng lên những cặp nam chính, nữ chính với chuyện tình đẹp như mơ. Điều này chạm vào khao khát sẵn có trong giới trẻ, khiến cho thể loại này được đón nhận và có sức hút. Nhiều bạn trẻ cho biết, trên bảng tin Facebook ngập tràn những story, video được trích trong phim và truyện ngôn tình được bạn bè của họ chia sẻ với mong ước gặp được người yêu đẹp như thần tượng và câu chuyện tình yêu ngọt ngào như cổ tích.
Theo dòng chảy hiện tại, “Khi điện thoại đổ chuông” (When the Phone Rings) là tựa phim ngôn tình tổng tài của Hàn Quốc đang tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ chỉ sau 2 tập lên sóng. Những thông tin, hình ảnh xoay quanh “Khi điện thoại đổ chuông” hiện là chủ đề cực kỳ hot khắp mọi nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, bởi kịch bản phim khai thác câu chuyện tình yêu giữa tổng tài trong nóng ngoài lạnh với cô nàng xinh xắn vốn rất ăn khách ở thị trường phim châu Á. Khán giả đánh giá nam chính Yoo Yeon Seok mang đến màn ảnh lối diễn thần thái ngút ngàn, thậm chí ngay cả dáng đi cũng toát lên khí chất của một tổng tài bá đạo. Chỉ sau 2 tập phim, dáng vẻ tổng tài của Yoo Yeon Seok đã trở thành chủ đề gây sốt nhiều nền tảng, khiến nhiều khán giả nữ truy lùng thông tin và thi nhau nhận anh là... chồng quốc dân.
Dù nội dung thường chung một mô-típ quen thuộc đến mức nhàm chán, nhưng dòng phim tổng tài luôn có một lượng lớn khán giả trẻ trung thành, nhất là nữ giới. Theo ghi nhận thực tế, khán giả theo dõi dòng phim này không trông mong vào sự hấp dẫn đột phá trong kịch bản, kỹ thuật điện ảnh sắc sảo mà chủ yếu bị thu hút bởi vẻ đẹp xuất thần của cặp nam - nữ chính và câu chuyện tình yêu ngọt ngào.
Mơ mộng nhưng cần thực tế
Theo nhà xã hội học Nguyễn Thiều Tuấn Long, dòng phim tổng tài là một dạng cổ tích hiện đại đánh đúng vào tâm lý của nhiều bạn trẻ có khuynh hướng sống hưởng thụ, không muốn tự vươn lên trong cuộc sống mà tin vào mô típ "một bước lên tiên" như các nhân vật nữ trong phim. Tất cả những gì mà các nhân vật nữ này cần là một khuôn mặt khả ái, một tâm hồn thánh thiện và một cơ hội tiếp xúc với các tổng tài. Rồi từ một cuộc gặp gỡ định mệnh, các chàng tổng tài thấy rung động và tiến tới chinh phục cô nàng.
Xét về khía cạnh tâm lý của một bộ phận phụ nữ nói chung và các bạn gái trẻ nói riêng, đây không chỉ là nhu cầu được người khác giới chú ý, để tâm, tiến tới chinh phục mà còn là mong muốn được tôn trọng, chăm sóc và ưu tiên. Không chỉ phái mạnh mới ham cái đẹp hình thể, phái nữ cũng thích ngắm nhìn và tỏ ra thích thú trước người đàn ông khỏe mạnh, có ngoại hình ưa nhìn, thông minh, hài hước, có tài lực, không chỉ có kinh tế mà còn phải tinh tế, sẵn sàng nóng nảy với cả thế giới nhưng dịu dàng với một mình cô gái họ yêu theo đúng nghĩa “em là ngoại lệ của anh”.
Các tiêu chuẩn cao ngất trời này hoàn toàn không phi thực tế mà đó thực sự là các biểu hiện của một “giống đực tốt nhất" mà phái đẹp từ xưa tới nay muốn lựa chọn. Mô típ một chàng trai tổng tài trẻ trung, lạnh lùng nhưng lại quan tâm duy nhất một cô gái chính là khung hình chạm thẳng vào tâm tư của các bạn gái trẻ, xem một bộ phim mà như nói thay tiếng lòng của mình. Nhiều thành viên trong hội nhóm Facebook bày tỏ rằng phim ngôn tình vừa đáp ứng thị hiếu giải trí vừa phản ánh khao khát thực tế của những cô gái tuổi xuân thì về sự lãng mạn, đẹp đẽ trong tình yêu. Dù không đúng với tất cả nhưng chúng có thể giúp nhiều người trẻ nuôi dưỡng giấc mơ và lòng tin vào một tình yêu đẹp. Đó là thứ tình yêu xuất phát từ sự rung động thực sự giữa con người với con người hơn là sự sắp xếp thuần túy của các chuẩn mực quá cứng nhắc như môn đăng hộ đối.
Tuy nhiên, phim ngôn tình tổng tài giống như một món ăn, thưởng thức một lần còn cảm thấy vị ngon đặc trưng, nhưng nếu nhiều quá thì sẽ bội thực. Trong phim, câu chuyện tình yêu giữa chàng tổng tài với “cô gái lọ lem” thường bỏ qua những vấn đề thực tế như sự khác biệt về giá trị sống, mâu thuẫn về tư duy hay áp lực tài chính - những điều mà bất kỳ cặp đôi nào trong đời thực cũng phải đối mặt. Khi khán giả tiếp nhận những hình mẫu này một cách thiếu suy xét, họ dễ kỳ vọng rằng tình yêu trong đời thực cũng phải đẹp và hoàn hảo như trên phim, dẫn đến sự thất vọng hoặc bất mãn khi thực tế không như mong muốn. Cho nên, ngôn tình không có lỗi mà lỗi ở thế giới quan của người xem.
Nhà xã hội học Nguyễn Thiều Tuấn Long cho rằng dòng phim tổng tài thu hút được lượng lớn khán giả trẻ vì đó là dòng phim cổ tích thời hiện đại, gần gũi với các bạn trẻ, đáp ứng được thị hiếu về cái đẹp hiện đại, nắm bắt được khát khao vươn lên trong cuộc sống của con người và chạm tới nhu cầu tâm lý của phụ nữ Á Đông hiện nay - đó là cảm giác được người đàn ông của mình yêu thương, chiều chuộng, trân trọng và ưu tiên - những điều tưởng như giản dị nhưng trong cuộc sống hiện nay không phải cô gái nào cũng may mắn có được.
Dòng phim tổng tài là một dòng phim phản ánh chính xác tâm lý hướng tới sự nhân văn trong tình yêu, nhất là khát khao tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người. Các bạn trẻ muốn yêu và kết hôn với người cũng yêu mình, thực sự dành thời gian cho nhau và sẵn sàng không màng địa vị bản thân để quan tâm tới cảm xúc của họ. Trên thực tế, đó đều là các biểu hiện mà đa phần cánh mày râu trong trong xã hội Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng chưa thực sự đem lại được cho những người phụ nữ của mình vì các rào cản về định kiến xã hội và văn hóa.
Là cái nôi của thể loại truyện và phim ngôn tình lãng mạn, đứng trước hiện tượng phim có nội dung tổng tài lên ngôi, Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc vừa ban hành thông báo về việc siết chặt dòng phim yêu đương công sở, có yếu tố “tổng tài bá đạo” vì xuất hiện quá nhiều chi tiết phi lý, xa rời thực tế và ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nhân.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc Trung Quốc siết chặt dòng phim yêu đương công sở, đặc biệt là các nội dung có yếu tố “tổng tài bá đạo”, là một động thái đáng chú ý. Nó không chỉ phản ánh sự quan tâm đến chất lượng và tác động của nội dung văn hóa mà còn cho thấy những thách thức mà dòng phim này đặt ra cho hình ảnh và giá trị của xã hội. Việc quản lý nội dung này ở Việt Nam cần đi đôi với việc tạo môi trường cho sự sáng tạo, không nên siết chặt đến mức kìm hãm khả năng khai thác các chủ đề hấp dẫn hay lãng mạn, làm sao để phim hài hòa giữa yếu tố giải trí và giá trị thực tiễn.
Ông Sơn cho rằng, dòng phim ngôn tình tổng tài có giá trị như một loại hình nghệ thuật phục vụ cảm xúc nhưng điều quan trọng là khán giả cần có nhận thức đúng đắn giữa nghệ thuật và đời thực. Điều này không chỉ giúp họ tận hưởng những câu chuyện ngôn tình một cách lành mạnh mà còn giữ cho những kỳ vọng về tình yêu và cuộc sống ở mức độ cân bằng và thực tế hơn.
Phim ảnh là nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh thì mới sống được trong lòng công chúng. Thay vì sợ nghệ thuật không thực tế để rồi ra lệnh cấm cản, tẩy chay, thì nên tập trung vào giáo dục các bạn trẻ cảm thụ nghệ thuật một cách khách quan, xem phim không chỉ bằng trái tim mà còn bằng cả lý trí và sự phản biện xã hội.