Ân guitar và nỗi niềm tiếng đàn Việt

Thứ Sáu, 20/11/2015, 15:00
Người ta thường hay dùng những mỹ từ như khéo léo hay tinh tế để nói về một thợ mộc lành nghề. Nhưng với thợ chế tác nhạc cụ, có lẽ phải từ mạnh hơn nữa, là nghệ nhân mới phải. Thoáng lần gặp Lê Thiên Ân, tôi lại không thấy giống thế?

Người ục ịch như con gấu, thô kệch với đôi bàn tay chuối mắn, râu ria tua tủa, áo quần thì xộc xệch. Chỉ có đôi mắt là có sự khác biệt, dữ dội và quyết đoán. Và quan trọng chính là danh tiếng Ân Guitar, đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu gã cho bằng được…

Tuổi thơ khó nhọc

Thợ làm đàn thì cũng không đến nỗi đếm trên đầu ngón tay, nhưng làm đến mức độ như nghệ nhân được biết đến, có thương hiệu riêng thì hiếm lắm. Phía Bắc có Lê Đình Viên, với những cây đàn Method Le Dinh Viên. Miền Nam thì có Ân Guitar với chất âm được nhiều nhà chuyên môn đánh giá không thua kém những sản phẩm cùng loại của các nhãn hiệu danh tiếng thế giới. Mỗi người đều có những khó khăn nội tại riêng, nhưng đều biết vượt qua để tồn tại và làm đẹp cho đời bằng những giá trị lao động đích thực. Và họ đều chung một mong muốn khẳng định trình độ chế tác nhạc cụ của người Việt trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Nếu như với lão nghệ nhân Lê Đình Viên là cả một chặng đường dài tự mày mò, tự học hỏi thì Lê Thiên Ân lại được sinh ra trong môi trường làm nghề từ bé, được truyền thụ đến nơi đến chốn, cộng thêm với khả năng thiên bẩm để tạo được chỗ đứng cho riêng mình trong cùng một lĩnh vực đòi hỏi cực cao này.

Xưởng đàn Ân Guitar ở phường Long Bình, quận 9, nằm trên khu đất rộng chừng 2.000m2, cây cối um tùm. Thấy bảo nơi này nay mai sẽ bị giải tỏa, thuộc dự án công viên mở rộng của sân Golf Thủ Đức. Tiền đền bù giải tỏa, ông chủ của nó đã kịp "chuẩn bị" một mảnh đất khác tương đương ở bên đường số 6, đối diện sang bên kia đường Nguyễn Xiển, nhỏ hơn và hiện đang dùng làm kho chứa gỗ. Gỗ với thợ đàn như cơm với thợ cày, cả ngàn mét vuông chứa vẫn thòm thèm…

Ân ngồi sau chiếc máy mài, với 2 cái bóng đèn thòng từ xà nhà xuống ngang mặt. Gã đang mài dở phần ngựa của một chiếc ukelele. Xưởng có khoảng chục thợ, mỗi người một góc, một việc. Giữa trung tâm là thợ lớn tuổi đang ép khuôn, tạo bầu đàn. Phía bên kia là hai thợ trẻ đang đánh bóng những cây đàn đã thành hình. Góc ngoài cùng là một thợ đang bên máy xẻ tấm, bạt cần…

Lê Thiên Ân đang làm một chiếc Ukelele.

Từng lô guitar, acoustic riêng, classic riêng, mangdolin, ukelele, vài chiếc violin và cả guitar phím lõm chuyên nhạc tài tử của ai đó đặt hàng treo dọc xung quanh tường. Mùi sơn, véc-ni quện với mạt, phoi đến ngạt thở.

Lê Thiên Ân là con nhà thợ nòi. Những cây đàn đầu tiên, cậu bé Ân được tiếp xúc từ lúc lên 5, khi bắt đầu biết cầm chắc tờ giấy ráp. Cha cậu, ông Lê Thương Tâm, biệt danh là ông Tâm "Thị Nghè", khi ấy đã nổi tiếng khắp vùng với nghề làm đàn violin và sửa đàn piano. Ông Tâm vốn là học sinh trường dòng, gốc Nha Trang, vô Sài Gòn từ năm 13 tuổi, lấy vợ và định cư luôn nơi mảnh đất phồn hoa này. Nhà có 9 đứa con thì ông nhìn ra chỉ có đứa con thứ 5, Lê Thiên Ân, nghịch ngợm nhất nhưng cũng là đứa có khả năng hơn cả.

Bao yêu thương, chăm chút dạy bảo và cả… đòn roi, ông dồn vào đấy hết. Ngay từ bé, Ân đã bị cha bắt cách học nhìn thớ gỗ, cảm âm thanh của gỗ và nghe nhạc cổ điển. Ông cấm trong nhà không được bật loại nhạc gì khác ngoài nhạc cổ điển. Ông nghiêm khắc và nóng tính đến khắc nghiệt, không bao giờ quát mắng con trước mặt thợ nhưng mỗi lần dạy bảo riêng là một lần thừa sống thiếu chết. Có lần Ân mải chơi, trễ giờ về làm, ông gọi lên gác, tiện tay cầm cái vồ gõ ngay vào đầu thằng bé hơn 10 tuổi, máu chảy ướt đầm cổ áo đến giờ vẫn còn sẹo trên đầu.

Nhất nghệ tinh

Khắc nghiệt vậy, nhưng bao nhiêu bí quyết, cái tinh xảo của nghề làm đàn hết mực tinh tế ông đều truyền dạy cho Ân. 16 tuổi, Ân bắt đầu tự làm được đàn guitar. Một trong số những cây đàn đầu tiên ấy, qua vài lần sửa chữa, giờ vẫn đang được một người phụ nữ lớn tuổi tên Hạnh ở Thanh Đa sử dụng. Ân bảo nếu có dịp, sẽ chuộc cây đàn ấy về làm lưu niệm.

Tuổi Quý Sửu, mệnh Mộc, gã bảo có lẽ cái nghiệp làm đàn đã gắn với gã từ khi sinh ra rồi. Nhưng câu chuyện từ khi có cây đàn đầu tiên đến bây giờ đã ngoài 40 tuổi và một thương hiệu cho riêng mình là cả một chặng đường phấn đấu chưa ngừng nghỉ của người thợ tài hoa mà lận đận.

Câu chuyện Ân Guitar bắt đầu cách đây quãng hơn 20 năm. Cha già yếu giải nghệ, Lê Thiên Ân bắt đầu tách ra làm riêng. Chỉ có điều không hiểu sao, khi nghỉ làm nghề, đáng nhẽ ra cái nhãn hiệu của ông Tâm "Thị Nghè" phải truyền cho con trai nối nghiệp, thì ông lại giao cho một người bạn khác. Người này cũng có xưởng đàn. Đến khi khách tìm đến nhà để đặt cho bằng được những cây đàn có dán nhãn của hiệu đàn gia đình, gã thợ trẻ mới bắt đầu… dính "quả đắng" đầu tiên. Người được sở hữu nó tuyên bố chỉ bán chứ không đồng ý chia sẻ nhãn hiệu, dù là với chính nơi nó thuộc về. Không còn cách nào khác, gã đành hủy đơn hàng, ôm cay đắng về bài học đầu tiên của sự tráo trở.

Khách đến tận nhà mua bán, sửa chữa đàn.

Thế rồi cuộc sống, vòng xoay cơm áo gạo tiền cuốn gã thợ trẻ lăn theo không kịp nhìn lại. Loạt va vấp đầu đời cộng với sự bồng bột của tuổi thanh niên đã nhanh chóng kéo Ân liên tục sa ngã chốn giang hồ. Đã có lúc gã tưởng như không ngóc đầu lên được…

Nhưng đó là quá khứ. Đã gọi là người có bản lĩnh thì không thể thất bại. Ân vực đứng dậy cũng nhanh như khi sa ngã vậy. Nghệ tinh đã sẵn trong người, gã chấp nhận 2 năm sang một xưởng đàn ở Campuchia, vừa dạy truyền nghề, vừa là để có thời gian quên đi quá khứ buồn. Về lại Sài Gòn, gã dốc hết vốn liếng mua miếng đất ở quận 9 bây giờ, mở xưởng riêng…

Xưởng đàn của Lê Thiên Ân ngày càng có tiếng với những đơn đặt hàng tới tấp đến từ Đài Loan, Pháp và một số nước châu Âu khác. Đàn gia công thì chỉ cần đảm bảo chất lượng, âm thanh đạt yêu cầu. Nhãn mác của họ, họ mang về nước tiêu thụ, tiền thanh toán đủ là xong. Có điều, tay nghề thì cao, xưởng đàn thì có tiếng, nhưng làm chỉ đủ ăn và nuôi thợ ở mức tằn tiện. Một lần nữa, nhiều năm trời gã cặm cụi đi tìm âm điệu trong từng thớ gỗ, sự tinh xảo trong từng nhát bào chỉ để cho những đứa con tinh thần của mình… mang tên người khác như thế!

Ngày nọ, một người bạn dạy guitar cổ điển lâu năm đến chơi. Nhìn cậu con trai 5 tuổi của gã chơi đùa với mấy miếng gỗ, anh bạn đột nhiên hỏi: Ngày xưa bằng tuổi nó ông đã cầm miếng giấy ráp rồi nhỉ? Nghe bạn hỏi mà lòng gã nghệ nhân giang hồ chợt tê tái. Chẳng nhẽ lịch sử lại lặp lại? Chẳng nhẽ nhà mình có nghề, mà rồi con mình lại tay trắng ra đường như mình đã từng?

Sau một đêm trắng với thuốc lá, cà phê và trà đặc, thương hiệu Ân Guitar ra đời. Mẫu ký tự cách điệu chữ "Ân" theo lối La Mã cũng ra đời ngay sau đó, với bên trái là hàng dọc 3 núm tượng trưng cho bộ khóa lên dây. Phần chữ "N" cách điệu bên phải tựa dáng đàn harp, vốn là biểu trưng quen thuộc của âm nhạc. Đặc biệt nhất là phần chân của chữ "A" kéo dài xuống phía dưới. Gã bảo đó là ước muốn cái thương hiệu này thể hiện sự vững vàng, ăn sâu bám chắc, cân đối vững bền…

Nhưng đó là chuyện của 7 - 8 năm về trước. Giờ thì thương hiệu Ân Guitar đã có tiếng từ Nam ra Bắc. Đàn của Ân Guitar làm ra cái nào bán hết cái ấy. Cũng là mặt thông Sitka (sitka spruce) nhưng thay vì mua sẵn tấm thì Ân cho mua nguyên cây về tự xẻ lấy, vừa đỡ hao vừa giảm chi phí để có giá đàn hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng. Chưa gọi là ăn nên làm ra, nhưng bắt đầu thấy có tương lai. Vài trang mạng giả mạo bán đàn Ân Guitar bị các "tín đồ" của gã phát hiện và tố giác. Sắp tới, gã bảo khi chuyển về nơi mới, sẽ đầu tư thêm máy móc, nhân công mở rộng sản xuất…

Tiếng đàn, tiếng người

Đã vào nghiệp chế tác nhạc cụ, người thợ phải cảm nhận được âm thanh. Người phân biệt qua giọng nói, thì đàn cũng phát ra âm thanh khác nhau để biết đàn hay, đàn dở. Đối với người làm đàn ở cấp độ nghệ nhân còn phải biết miếng gỗ ấy khi làm nên cây đàn nó sẽ phát ra tiếng kêu thế nào? Hay chẳng hạn như cùng một vùng xứ lạnh, đứng bên này với tay bứt lá bên kia nhưng thông Alaska khác với thông Canada ra sao. Thậm chí trên cùng một cây gỗ xẻ đôi, tấm gỗ nằm ở hướng mặt trời mọc giá trị hơn tấm phía thân sau như thế nào…

Đó là những tinh xảo của nghề mà nếu như không được truyền thụ, người thợ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có được nó. Tất cả các thương hiệu đàn nổi tiếng trên thế giới, muốn đạt đến độ tinh hoa của nghệ thuật chế tác thủ công này thì đều phải dựa vào những nguyên lý ấy. Thế nhưng câu chuyện quan trọng nhất, lại nằm ở yếu tố con người. Hai miếng gỗ giống nhau, đưa cho hai thợ tính cách khác khau làm ra hai cái đàn phát ra tiếng kêu cũng khác nhau luôn.

Các khâu trau chuốt, hoàn thiện một cây đàn.

Ân bảo gã cũng không hiểu vì sao lại thế? Thợ đàn như gã ngày trước, làm ra cây đàn tiếng kêu chưa ưng ý thì nhấp nhổm bứt rứt không yên. Thợ bây giờ, công thức có sẵn, chẳng phải mày mò gì, làm xong là coi như xong, ăn no ngủ kỹ, chẳng đoái hoài?

Lại nói cây đàn do người làm ra còn mang dân tộc tính. Đàn của Ý tiếng ngọt nhưng kêu không lớn. Như tiếng tiểu thư đài các, rất ngọt ngào mượt mà vậy. Còn tiếng đàn của Đức thì kêu ồm hơn, giống như tiếng đàn ông bắt đầu bước vào tuổi 50. Tiếng đàn của Pháp thì khô không khốc. Tiếng đàn Tây Ban Nha tiếng lại mạnh bạo, như lửa vậy… Dân tộc tính là thế. Đúng đến 90%, Ân bảo vậy. Cũng có thể vì tính cách dân tộc của người ta thế, nên người ta nghe loại âm thanh như thế sẽ thấy hợp tai chăng?

Tôi bảo nếu chọn một cây đàn theo dân tộc tính Việt, thì sẽ thế nào? Ân bảo: Sẽ là một cây đàn mà 3 dây trên kêu như đàn Ý, còn 3 dây dưới kêu như đàn Đức. Nhưng đó chỉ là chuẩn chung của âm thanh, còn như mỗi dòng nhạc thì lại đòi hỏi một loại âm sắc khác nhau. Ân bảo, người mình buồn cười ở chỗ ấy. Cũng là dây nylon, nhưng đàn đánh cổ điển khác, chơi Flamenco phải khác.

Cũng đàn dây sắt, chơi Jazz khác, chơi Rock N' Roll đàn lại càng khác nữa… Cơ mà người mình phần đông chỉ muốn sắm một cây đàn thôi nhưng nay dòng này, mai lại chuyển sang thể loại khác rồi cứ chê đàn sao chưa đạt, để mà sính đàn ngoại hơn chỉ vì cái thương hiệu? Bá Nha cũng còn phải có Tử Kỳ nữa là…

Việt Ba
.
.
.